Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh.
Quảng Ninh được đánh giá là địa bàn tiêu thụ tiềm năng của các tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều lợi thế, thuận lợi về kinh tế, hạ tầng giao thông kết nối và thương mại như: có hệ thống đường cao tốc dài nhất cả nước; có cảng biển, sân bay và hệ thống khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu phát triển; toàn tỉnh có 135 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 148 cửa hàng tiện lợi, 25 trung tâm điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP… Cùng với đó, tháng 4/2023, Sở Công Thương Quảng Ninh và Sở Công Thương Cần thơ đã ký thoả thuận hợp tác thương mại; các đơn vị phân phối của tỉnh Quảng Ninh đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với các đơn vị sản xuất và phân phối của TP Cần Thơ với 25 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP thành phố Cần Thơ tiêu thụ tại Quảng Ninh và 8 sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ tại Cần Thơ.
Tại hội nghị lần này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn kết nối 1.854 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao vào tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh.
Đại diện doanh nghiệp Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.
Để hoạt động kết nối, giao thương đạt được hiệu quả hơn nữa, tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp của các bên cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ về: thông tin các sản phẩm cần tiêu thụ; tình hình tiêu thụ, phân phối các sản phẩm; các chính sách ưu đãi hợp tác, tiêu thụ sản phẩm qua cửa khẩu vào thị trường Trung Quốc;…
Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, nông sản giữa Quảng Ninh và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua.
Thời gian tới, để hoạt động giao thương tiếp tục đạt được hiệu quả, Sở Công Thương Quảng Ninh và Sở Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp và giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc trong kết nối, tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường của các bên và hướng tới xuất khẩu.