Một buổi sinh hoạt định kỳ của những hướng dẫn viên tại điểm du lịch huyện Bình Liêu được tổ chức hằng tuần. Đội ngũ hướng dẫn viên phân thành những nhóm nhỏ đảm bảo hiệu quả sinh hoạt, chất lượng thông tin, nghiệp vụ, phục vụ tốt nhất cho du khách, nhất là trong thời điểm lượng khách đến Bình Liêu đang có xu hướng tăng hiện nay. Họ là những hướng dẫn viên đã được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng và cấp thẻ của Sở Du lịch phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức tháng 6 vừa qua.
Chị Lô Thị Chung, hướng dẫn viên tại điểm chia sẻ: Các buổi sinh hoạt định kỳ rất bổ ích vì giúp chúng tôi trao đổi thông tin, bố trí tour hợp lý, nâng cao kỹ năng, thái độ phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng học hỏi được kinh nghiệm của đồng nghiệp, cải thiện tốt hơn kỹ năng nghiệp vụ.
Hiện, nhân lực du lịch dịch vụ trên địa bàn huyện Bình Liêu có khoảng 400 người. Với đặc thù phát triển du lịch cộng đồng, địa phương hướng đến mục tiêu mỗi người dân đều là một hướng dẫn viên, đều tham gia thúc đẩy du lịch phát triển. Các chương trình đào tạo, hướng dẫn tập trung vào phát huy vai trò chủ thể của người dân biết cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp, giữ được bản sắc văn hóa địa phương, thân thiện, mến khách. Trước mắt, để đảm bảo chất lượng dịch vụ mùa thu đông, huyện Bình Liêu đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp uy tín như hãng lữ hành Hanoi Tourism đào tạo cho đội ngũ nhân lực bao gồm cả hướng dẫn viên và nhân lực tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng. Nội dung đào tạo tập trung cập nhật các thông tin du lịch, hướng dẫn các kỹ năng nghiệp vụ về phục vụ, du lịch có trách nhiệm, kỹ năng truyền thông, quảng bá điểm đến...
Còn tại TP Móng Cái, với lượng khách tăng đột biến, nhất là vào dịp cuối tuần, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng nhanh chóng đẩy nhanh việc tuyển dụng, đào tạo trực tiếp ngắn hạn, ưu tiên lựa chọn những sinh viên được đào tạo qua chuyên ngành du lịch để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách sạn và chất lượng dịch vụ. Theo bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, về lâu dài, thành phố tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nấu ăn, phục vụ buồng - bàn - bar, ngoại ngữ...; chủ động, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về dịch vụ ăn uống, mua sắm, lưu trú, vận tải, dịch vụ vui chơi giải trí khác. Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai đào tạo lại đội ngũ hướng dẫn viên điểm du lịch đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp; nghiên cứu bổ sung hình thức hướng dẫn viên điện tử gắn với QR code, gắn clip hướng dẫn, có hình ảnh, âm thanh...
Được biết, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực du lịch, năm 2022, Sở Du lịch chủ động thu hút lao động tuyển dụng ngành du lịch thông qua kết nối trực tuyến, ngày hội việc làm tại các địa phương, kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở đào tạo để các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu. Cùng với đó, thu hút học sinh, sinh viên học nghề du lịch; nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt là kỹ năng nghề; bố trí sinh viên tham gia phục vụ các hội nghị, hội thảo, sự kiện, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch vào thời vụ du lịch, thời điểm đông khách đảm bảo đúng chuyên ngành được học để giúp sinh viên dễ tiếp cận.
Bên cạnh đó, địa phương tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển nhân lực du lịch Quảng Ninh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”; tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai, thực hiện các Bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; kết nối cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, tổ chức Hội thi nghiệp vụ du lịch; lồng ghép giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Quảng Ninh vào chương trình học; định hướng cho học sinh yêu thích học nghề du lịch. Để khôi phục lực lượng lao động có tay nghề cao, Sở Du lịch đã tổ chức rà soát, đánh giá và đề xuất tổ chức đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động du lịch nhằm mục tiêu tăng chất lượng lao động du lịch, bổ sung lực lượng còn thiếu hụt...
Về lâu dài, theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020, định hướng tới năm 2030, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực kinh tế then chốt của tỉnh, trong đó có ngành Du lịch. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng ngành Du lịch. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long cho biết: Thành phố chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ngành Du lịch tuyển dụng lao động qua hệ thống sàn giao dịch việc làm định kỳ; kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ để đặt hàng theo yêu cầu nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, kĩ năng nghề. Bên cạnh đó, tăng cường chiêu sinh thu hút sinh viên trong và ngoài tỉnh; bố trí sinh viên du lịch thực tập tại các doanh nghiệp du lịch vào mùa vụ du lịch; xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho lao động làm việc trong lĩnh vực này... Đồng thời, phối hợp với cơ sở kinh doanh trong việc tuyển dụng lao động; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch.