Trước thực trạng đó, ngày 06/7/2016 tạithành phố Hạ Long, Sở Du lịch đã tổ chức họp bàn giải pháp nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở.
Dự và chỉ đạo cuộc họp có đồng chí Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch; cùng đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh; Hiệp hội Du lịch; Chi hội hướng dẫn viên du lịch; đại diện các hãng lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở đã khái quát về thực trạng hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, đại diện các công ty lữ hành, chi hội hướng dẫn viên đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn bất cập trong hoạt động đón khách và công tác quản lý hướng dẫn viên, đồng thời đề xuất những biện phápđối với các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch, nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng tới một sân chơi có sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội du lịch, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham gia đóng góp ý kiến, và tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động kinh doanh lữ hành trên cơ sở luật pháp cho phép.
Trên cơ sở các ý kiến tham gia đóng góp của các đơn vị có liên quan, kết luận cuộc họp đồng chí Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở đã chỉ đạo, trong thời gian tới cùng với sự nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Quảng Ninh nói riêng, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, trong việc cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch, thì các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị có liên quan cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Chấn chỉnh lại hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, theo đó là phải cam kết với cơ quan quản lý nhà nước thực hiệnnghiêm Luật Du lịch, trong đó tất cả các đoàn khách du lịch phải có hướng dẫn viên Việt Nam.
Hai là: Không vì mục đích lợi nhuận mà đánh đổi lợi ích của cả dân tộc, không để các hướng dẫn viên chui người Trung Quốc núp bóng các công ty lữ hành hoạt động phi pháp và thuyết minh sai về địa lý, lịch sử, hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.
Ba là: Tăng cường sự đoàn kết, gắn kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với nhau, tránh tình trạng bị các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc ép giá.
Bốn là: Nâng cao vai trò của các tổ chức hội, câu lạc bộ, là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp lữ hành.
Năm là: Cần có cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các HDV, đồng thời nâng cao nhận thức, cách ứng xử của mỗi HDV du lịch.
Sáu là: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra HDV du lịch nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi bao che, tiếp tay cho các HDV chui người Trung Quốc.