NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
KH&CN tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý KH&CN ở các lĩnh vực
Không ngừng đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý KH&CN ở các lĩnh vực. Hoạt động KH&CN của Quảng Ninh đang bám sát chủ đề công tác năm về “Đổi mới cơ chế quản lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; đẩy mạnh liên kết vùng trong hoạt động KH&CN” và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về KH&CN, từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN đã tập trung làm tốt công tác chuyên môn. Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN tiếp tục được triển khai đã góp phần thúc đẩy hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Điển hình là: Chiến lược sở hữu trí tuệ; đề án về truy xuất nguồn gốc hàng hóa; kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện, chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học và bức xạ, hạt nhân…
Sở đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành một số quy định mới, chính sách mới liên quan đến lĩnh vực KH&CN. Tiêu biểu là: Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng KH&CN tỉnh; quyết định phân cấp và tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đề án phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đặc biệt, Sở đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 313/NQ-HĐND về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Các hoạt động chuyên môn theo lĩnh vực phụ trách của ngành cũng được quan tâm triển khai tốt theo tinh thần chủ động đổi mới, bám sát thực tiễn, nhất là trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, các đề tài, nhiệm vụ KH&CN được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học tự nhiên, y dược, khoa học xã hội, nhân văn.

Lãnh đạo Sở KH&CN đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh chủ trì thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, Sở chủ động phối hợp theo dõi, quản lý 6 nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi; triển khai 38 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; ủy quyền cho các sở, ngành, địa phương quản lý thực hiện 10 nhiệm vụ cấp cơ sở. Sở cũng vừa hoàn thành tổng hợp 188 phiếu đề xuất, đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong năm 2022 để trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục.
Ngoài ra, Sở KH&CN tích cực hướng dẫn các địa phương, tổ chức duy trì, cấp quyền sử dụng các thương hiệu đã xây dựng; hướng dẫn 80 lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, các hoạt động quản lý về công nghệ và thị trường công nghệ cũng được chú trọng; công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được tăng cường với trên 6.100 phương tiện đo, công tơ điện, đồng hồ nước được kiểm định.
Hoạt động thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này cũng được tăng cường, tập trung vào những vấn đề về đo lường, chất lượng… nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng hành cùng doanh nghiệp và cải cách hành chính có những bước chuyển mạnh mẽ, mới đây Sở KH&CN đã xếp thứ nhất bảng đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) khối các sở, ban, ngành của tỉnh năm 2020.
Bám sát tình hình chung và kế hoạch tăng trưởng của tỉnh trong 6 tháng cuối năm, ngành KH&CN Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, đơn vị tập trung làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh trong việc ban hành những cơ chế, chính sách, cũng như giải pháp thúc đẩy phát triển KH&CN phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện đề án, nghị quyết về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; sửa đổi một số quyết định của UBND tỉnh về định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí, quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN; kế hoạch nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; đề án thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; dự án triển khai hệ thống phần mềm ISO điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước…
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KH&CN đối với các lĩnh vực: Sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân, thanh tra, kiểm tra về KH&CN theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, Sở tăng cường phối hợp với các đơn vị triển khai cuộc thi thiết kế logo, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng quốc gia; triển khai mạnh mẽ đến các đơn vị, doanh nghiệp về tăng cường ứng dụng KH&CN để nâng tầm sản phẩm OCOP… Đồng hành cùng cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện vai trò trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN ở lĩnh vực này.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hồng Ngọc
HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Sở KH&CN: Đồng hành, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh
Những năm gần đây, Quảng Ninh thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia (GTCLQG), đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đảm bảo các tiêu chí cốt lõi của Giải thưởng, hoàn thiện hồ sơ tham dự xét giải, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp. Với sự vào cuộc tích cực của Sở KH&CN đã đồng hành cùng các doanh nghiệp trong suốt quá trình xây dựng các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ, hướng dẫn cách viết báo cáo tham dự xét giải cũng như việc tổ chức Hội đồng sơ tuyển đánh giá tại chỗ các doanh nghiệp tham dự xét GTCLQG. Năm 2021 tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều doanh nghiệp được tham gia xét GTCLQG nhất từ trước đến nay, với 05 doanh nghiệp.
Công ty CP Công nghiệp Ô tô – Vinacomin thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam là đơn vị cơ khí công nghiệp dịch vụ đã chú trọng đẩy mạnh nội địa hoá, phát triển cơ khí chế tạo, đặc biệt là chế tạo vật tư, phụ tùng thay thế, sửa chữa và đầu tư chế tạo các sản phẩm mới, thực hiện chủ trương của TKV về nội địa hoá sản phẩm, giảm nhập khẩu, tiết giảm chi phí sản xuất. Thời gian qua, Công ty đã luôn trăn trở và tìm cách để thực hiện đổi mới cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo tiến độ, rút ngắn thời gian sửa chữa thiết bị, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Hội đồng sơ tuyển GTCLQG tỉnh Quảng Ninh năm 2021 làm việc tại
Công ty CP Gạch ngói Đất Việt
Mới đây, Công ty là một trong những đơn vị cơ khí đầu tiên của TKV chế tạo thành công máy phun sương cao áp dập bụi. Qua đó, góp phần quan trọng giúp các đơn vị sản xuất than cải thiện điều kiện làm việc và môi trường xung quanh. Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, Công ty phấn đấu được xét tặng GTCLQG năm 2021. Ông Phạm Xuân Phi, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ô tô – Vinacomin cho biết: “Mặc dù lần đầu tiên được tham gia xét tặng Giải thưởng Chất lượng quốc gia nhưng Công ty chúng tôi đã được đánh giá cao về sự nỗ lực xây dựng thực hiện các tiêu chí và hoàn hiện hồ sơ xét giải. Trong suốt quá trình đó, từ khâu xây dựng các tiêu chí đến hoàn thiện hồ sơ tham dự xét giải thưởng, chúng tôi luôn được sự đồng hành, hỗ trợ của cán bộ Sở KH&CN”.
Cũng là doanh nghiệp đơn vị cơ khí công nghiệp dịch vụ, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam COLAVI ở xã Hoàng Quế, thị xã Đông Triều đã khắc phục khó khăn, đổi mới công nghệ, thiết bị, phương pháp quản lý, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty luôn quan tâm đầu tư, mở rộng, nâng cấp trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, công cụ sản xuất, xây mới và mở rộng sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Hội đồng sơ tuyển GTCLQG tỉnh Quảng Ninh năm 2021 làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh
Công ty đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình hiện nay giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế hơn. Từ đó tìm ra các giải pháp, chiến lược để đưa thương hiệu sản phẩm COLAVI đi vào tiềm thức các nhà đầu tư công trình công nghiệp với sự đảm bảo về chất lượng, cũng như dịch vụ bảo hành, bảo trì đáng tin cậy.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam cho hay: “Lần đầu tiên tham gia xét Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Công ty chúng tôi đã nỗ lực phấn đấu đảm bảo được 07 tiêu chí xét giải và hoàn thiện hồ sơ phong phú, sinh động”.
Cũng tại thị xã Đông Triều, 10 năm qua Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã không ngừng nỗ lực phát huy trí tuệ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đạt nhiều danh hiệu lớn, đó là: 01 kỉ lục thế giới và 10 kỉ lục Việt Nam, giải vàng Chất lượng Quốc gia, 3 lần sao vàng Đất Việt, 01 giải nhất Vifotec về công nghệ nghiền siêu mịn sản xuất gạch Cotto cao cấp và là đơn vị trong top 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất Việt Nam.
Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong môi trường cạnh tranh hiện nay giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đó tìm ra các giải pháp, chiến lược để đưa thương hiệu sản phẩm Gốm Đất Việt phát triển toàn diện hơn và ngày càng đứng vững trên thương trường, phấn đấu trở thành doanh nghiệp đứng trong TOP đầu của “làng gốm xây dựng”. Chất lượng gạch, ngói Gốm Đất Việt khẳng định cam kết số 1 Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gạch ngói Đất Việt bày tỏ: “Không phải lần đầu tham gia xét Giải thưởng Chất lượng quốc gia nhưng Công ty chúng tôi vẫn rất cầu thị, đầu tư thời gian, công sức hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, phong phú và sinh động theo hướng dẫn của cán bộ Sở KH&CN”.
Thấy rõ lợi ích từ việc tham dự GTCLQG nên một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy mới thành lập nhưng đã rất quan tâm tìm hiểu và phấn đấu để đạt các tiêu chí của giải thưởng. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (BAVABI) ở huyện Vân Đồn là một trong những doanh nghiệp mới hoạt động nhưng đã nỗ lực trở thành doanh nghiệp KH&CN vào tháng 5/2021 và đang tiếp tục phấn đấu, với mong muốn đạt được giải thưởng này.

Hội đồng sơ tuyển GTCLQG tỉnh Quảng Ninh năm 2021 làm việc tại Công ty Cổ phần Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh (Ba Chẽ)
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh phấp khởi cho biết: “Nhận thức việc tham gia GTCLQG sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, qua đó nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp, Công ty chúng tôi đã nỗ lực phấn đấu đủ điều kiện tham gia giải thưởng này và hoàn thiện hồ sơ xét giải theo hướng dẫn của cán bộ Sở KH&CN”.
Là một Công ty nhỏ ở địa bàn huyện vùng cao nhưng Công ty CP Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh (Ba Chẽ) đã tâm huyết, nỗ lực hoàn thiện hồ sơ tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2021. Công ty là đơn vị đi đầu trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển thương hiệu Trà hoa vàng Ba Chẽ, đồng thời Công ty chính là mô hình điểm thành công trong việc phát triển kinh tế tại địa phương. Đến nay, cây Trà hoa vàng đã trở thành cây chủ lực của huyện Ba Chẽ nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Theo ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh thì việc tham gia GTCLQG là cơ hội để đơn vị được tôn vinh và là động lực để Công ty tiếp tục phấn đấu vươn lên cùng các doanh nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi thực sự rất phấn khởi khi được cán bộ Sở KH&Cn tận tình hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ dự xét giải thưởng.
Tại 5 đơn vị doanh nghiệp nêu trên đã được Hội đồng sơ tuyển GTCLQG năm 2021 của tỉnh tổ chức đánh giá, làm rõ, bổ sung thêm nội dung để hoàn thiện hồ sơ dự Giải đảm bảo đầy đủ, đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển GTCLQG tỉnh Quảng Ninh năm 2021 cho biết: GTCLQG là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hoá, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước. Đối với 05 doanh nghiệp tiêu biểu của Quảng Ninh được tham gia xét GTCLQG năm 2021 này đã rất nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Việc tham gia GTCLQG là cơ hội cho doanh nghiệp soi lại mình, tìm ra lợi thế của doanh nghiệp để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.
Tại Quảng Ninh, để thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia GTCLQG, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá của tỉnh. Thông qua các cơ chế, chính sách này, tỉnh đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến tốt nhất đối với sản xuất, kinh doanh. Với vai trò là cơ quan thường trực về GTCLQG của tỉnh, Sở KH&CN đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời tiến hành đánh giá, lựa chọn những doanh nghiệp tiêu biểu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn chỉnh thủ tục để tham dự.
Bài, ảnh: Thu Hương
Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN
Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng chế biến thuỷ sản
Thời gian qua, lĩnh vực thủy sản của Quảng Ninh đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Với sự quan tâm đồng hành của tỉnh thông qua các cơ chế chính sách về khoa học công nghệ, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản đã triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý tiên tiến, thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Qua đó khẳng định thương hiệu, để doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

Công nhân Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh tuân thủ chặt chẽ và nghiêm ngặt quy trình chế biến sản phẩm.
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động chế biến thủy sản, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh đã được tỉnh lựa chọn là mô hình điểm xây dựng, áp dụng ISO 22000, Work Layout và tích hợp Hệ thống quản lý chất lượng. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, Công ty đã được sự đồng hành hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Từ khi áp dụng chương trình ISO vào sản xuất, thiết lập kế hoạch HACP (Hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Công ty. Cách bố trí mới của doanh nghiệp đã giúp thao tác của công nhân thuận tiện hơn theo dây chuyền. Hiệu suất ước tăng khoảng 15% so với trước đây và được đối tác Nhật Bản tín nhiệm. Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh cũng đã tiêu chuẩn hóa cách làm việc. Các hoạt động được chuẩn hóa thành các văn bản. Và điều đang ghi nhận là nhận thức của cán bộ nhân viên về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được nâng cao. Công nhân của Công ty luôn tuân thủ chặt chẽ và nghiêm ngặt quy trình chế biến từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, quá trình chế biến đến sản phẩm cuối cùng. Trong từng công đoạn của quy trình sản xuất đều có kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo tất cả các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn HACP.
Ông Lê Xuân Cầu, Phó giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh cho biết: «Khi áp dụng Hệ thống quản lý vào sản xuất thì năng suất lao động tăng lên 2,3 đến 2,5 lần, có những sản phẩm tăng đến 100%. Bởi vậy, thời gian tới, Công ty chúng tôi đặt ra mục tiêu phát triển là có thể tích hợp nhiều chương trình quản lý khác cùng với hệ thống ISO của Công ty để Công ty ngày càng phát triển bền vững».
Cũng tương tự, là một doanh nghiệp thủy sản ở huyện Vân Đồn, Công ty TNHH SX và TM Thuỷ sản Quảng Ninh là doanh nghiệp tinh chế sản phẩm thuỷ sản. Các sản phẩm ấn tượng của doanh nghiệp trên thị trường như ruốc hàu, ruốc trai, ruốc tôm... Công ty được chọn là mô hình điểm trong dự án ‘Hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đầu tư thiết bị hiện đại trong chế biến sản phẩm, giúp nâng cao giá trị thuỷ sản, đảm bảo vệ sinh ATTP
Trước đây, công ty chưa có quy trình, quy định, hướng dẫn nào cho hoạt động quản lý. Đến nay, đơn vị đã xây dựng Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP; ISO 22000; Công cụ 5S. Trong đó, đã xây dựng 16 tiêu chuẩn vị trí công việc, 12 quy trình quản lý kèm các hướng dẫn, biểu mẫu của hệ thống. Nhờ vậy, hoạt động quản lý của Công ty đã tránh được xử lý sự vụ, chồng chéo hoạt động. Các mối nguy về an toàn thực phẩm (vi sinh, vật lý và hoá học) được kiểm soát tốt hơn trước.
Nhờ có bộ tài liệu quy định, doanh nghiệp có thể đánh giá, tự nhận diện các điểm CCP và phân tích định kỳ các rủi ro. Cán bộ nhân viên của công ty Sản xuất và Thương mại Thuỷ sản Quảng Ninh có ý thức cao hơn trong việc duy trì 5S gắn với hoạt động quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ sở vật chất được cải tạo nâng cấp để đáp ứng được lây nhiễm chéo và nguy cơ côn trùng, động vật gây hại.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH SX và TM Thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: “Từ việc xây dựng, áp dụng và đánh giá chứng nhận Hệ thống quản lý, cán bộ công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thuỷ sản Quảng Ninh đã rút được nhiều kinh nghiệm để xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả đạt được các tiêu chuẩn về HACCP ngay từ khâu thiết kế. Công ty đã nỗ lực phấn đấu trở thành doanh nghiệp KH&CN để được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước. Sở KH&CN đã vào cuộc ráo riết, đồng hành, trợ giúp rất tích cực để Công ty chúng tôi chính thức trở thành doanh nghiệp KH&CN nhân dịp chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2021”.
Trên đây là 2 trong nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản của Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng thông qua việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý tiên tiến. Nhiều doanh nghiệp nhờ đó đã cải thiện năng suất tăng từ 15-20%. Đây chính là hướng đi tích cực cần nhân rộng trong cộng đồng các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh thời gian tới.
Hiện nay, Quảng Ninh vẫn đang tích cực đồng hành cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản nói riêng, cộng đồng các doanh nghiệp của tỉnh nói chung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh cho biết: « Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động KH&CN, đặc biệt là ứng dụng KH&CN tại các doanh nghiệp mà trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản, Sở KH&CN đang tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau nhằm chuyển tải các cơ chế chính sách tỉnh Quảng Ninh đã ban hành đến với doanh nghiệp. Cùng với đó là lắng nghe các ý kiến, mong muốn của doanh nghiệp đối với các cơ chế chính sách đó của tỉnh để tham mưu điều chỉnh cho phù hợp. Mục đích thực hiên thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở KH&CN và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 là: lấy KH&CN làm nguồn lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới».
Bài, ảnh: Hương Anh
Quảng Yên duy trì và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP
“Việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ ngày càng được thị xã Quảng Yên chú trọng nhằm phát triển các sản phẩm OCOP. Điều này không chỉ đảm bảo uy tín sản phẩm mà còn góp phần khẳng định thương hiệu các sản phẩm OCOP của thị xã Quảng Yên trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong những sản phẩm OCOP của thị xã Quảng Yên có những sản phẩm OCOP thảo dược đang được người dân tin dùng” – Đó là chia sẻ của anh Đỗ Hồng Hưng, Phó phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên khi dẫn chúng tôi đến thăm trực tiếp một số một số cơ sở sản xuất của thị xã tích đã tích cực tham gia chương trình OCOP của tỉnh.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là xưởng sản xuất nước súc miệng thảo dược Hiền Thủy của Công ty TNHH MTV Biển Vàng Vi Diệu tại phường Quảng Yên. Là một cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh về nghỉ hưu, ông Vũ Văn Hiển thấy sức mình còn khoẻ và năng động nên đã trăn trở và quyết tâm phải biến bài thuốc gia truyền của gia đình thành một sản phẩm thảo dược có giá trị. Với quyết tâm đó và được sự ủng hộ của vợ nên ông Hiển đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị và thực hiện sản xuất sản phẩm nước súc miệng từ các loại cây thảo dược rất dễ sử dụng và bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả.

Sản phẩm nước súc miệng Hiển Thuỷ của Công ty TNHH MTV Biển Vàng Vi Diệu được sản xuất theo quy trình công nghệ nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay, nước súc miệng thảo dược Hiền Thủy đã trở thành sản phẩm OCOP của thị xã Quảng Yên, năm 2019, 2020 được công nhận 3 sao tại Cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh và năm 2021, ông Hiển đang phấn đấu để sản phẩm đạt 4 sao.
Trước cái nắng như đổ lửa của ngày hè, ông Hiển mồ hôi ướt đẫm áo nhưng không dấu nổi niềm vui khi giới thiệu với chúng tôi về quy trình sản xuất nước súc miệng thảo dược Hiển Thuỷ, là niềm ấp ủ, đam mê của ông. Ông Hiền tâm sự: “Khi tạo thành một thương phẩm nước thảo dược, trong quá trình thực hiện, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của Sở KH&CN, Sở Y tế, Ban xây dựng nông thôn mới, Phòng kinh tế thị xã Quảng Yên để đưa sản phẩm ra thị trường với đầy đủ các tiêu chí về pháp lý cũng như các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Quá trình trồng và chăm sóc nguyên liệu được Công ty chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình để tạo ra được nguồn dược liệu sạch nhất có thể. Quy trình sản xuất nghiêm ngặt để sau khi sản phẩm được đưa đi kiểm định (lấy mẫu ngẫu nhiên) đều đạt các tiêu chí về mỹ phẩm của ASEAN và các nước khác trên thế giới”.
Điểm thứ hai mà chúng tôi đến thăm là cơ sở y học cổ truyền Bảo Minh Đường ở khu Bến Ngự, phố Ngô Quyền, phường Quảng Yên. Lương y Cao Văn Minh, chủ cơ sở này đang thực hiện các thao tác chữa bệnh cho bệnh nhân bằng bài thuốc là sản phẩm “Dầu xoa bóp đặc trị xương khớp đĩa đệm” do anh tự sáng chế ra. Sản phẩm này đã tham gia chương trình OCOP của thị xã Quảng Yên từ tháng 4/2029 và đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người, không chỉ những bệnh nhân trong tỉnh mà còn cả những bệnh nhân ở các tỉnh thành khác mắc bệnh về xương khớp.

Lương y Cao Văn Minh đang chữa trị cho bệnh nhân tại cơ sở y học cổ truyền Bảo Minh Đường
Chị Lương Thị Lam, 34 tuổi ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bệnh nhân đang được Lương y Cao Văn Minh chữa trị chia sẻ: “Tháng 9 năm 2020, tôi bỗng nhiên bị chứng co cột sống một bên không rõ nguyên nhân, không thể đi lại được, phải phụ thuộc vào nạng. Chồng tôi đã đưa tôi đến 03 bệnh viện lớn (bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện 108 và bệnh viện Quốc tế Hà Nội) để chữa trị nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Tìm hiểu thông tin về Lương y Cao Văn Minh trên mạng, vợ chồng tôi đã quyết tâm đến Lương y Cao Văn Minh ở Quảng Yên để chữa bệnh. Và kết quả thật kỳ diệu là chỉ sau mấy ngày được Lương y Cao Văn Minh điều trị xoa bóp bằng loại thảo dược “Dầu xoa bóp đặc trị xương khớp đĩa đệm” thì chân tay tôi đã cứng cáp, đi lại được từng bước mà không cần đến cây nạng hỗ trợ. Tôi thật sự rất xúc động, vui mừng rơi nước mắt”.
Đến nay, rất nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh khi đến với cơ sở y học cổ truyền Bảo Minh Đường. Lương y Cao Văn Minh bày tỏ: “Tôi mong muốn có thể phát triển sản phẩm của mình hơn nữa để đến được với cộng đồng trong và ngoài nước, góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người….”
Trên đây chỉ là 02 trong số rất nhiều cơ sở sản xuất ở thị xã Quảng Yên tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị để tham gia chương trình OCOP. Có thể kể đến những cơ sở tích cực tham gia Chương trình tỉnh Quảng Ninh “Mỗi xã, phường một sản phẩm” như: Công ty TNHH Thực phẩm Phúc Quang với các sản phẩm OCOP chất lượng cao, như: Rượu Đông Trùng Hạ Thảo, viên nang Đông Trùng Hạ Thảo; Quả thể Đông Trùng Hạ Thảo; HTX Chế biến Mắm chắt Phu Hiền với sản phẩm nước Mắm chắt thương hiệu Phu Hiền đã được công nhận đạt 3 sao tại Cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh năm 2019; Cơ sở sản xuất Ruốc tép Long Thương cũng được công nhận 3 sao tại cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019;…

Sản phẩm Mắm Phu Hiền được đóng chai, dán tem nhãn đầy đủ và đảm bảo
tính thẩm mỹ
Được biết, đến nay thị xã Quảng Yên đã có 47 sản phẩm của 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình tỉnh Quảng Ninh “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, trong đó 2 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình OCOP đã khai thác và hỗ trợ phát triển những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của thị xã. Chất lượng các sản phẩm ngày càng được nâng cao; bao bì, mẫu mã được cải thiện; trình độ, năng lực của các tổ chức, cá nhân từng bước tiến đến sự chuyên nghiệp.
Anh Đỗ Hồng Hưng, Phó phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên cho biết: “Những năm gần đây, Sở KH&CN đã tổ chức các đoàn cán bộ của Sở đến để trực tiếp hướng dẫn cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các sản phẩm xây dựng nhãn hiệu có gắn địa danh; tư vấn hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hoá, đăng ký và sử dụng mã số, mã vạch, truy suất nguồn gốc các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh theo quy định của pháp luật. Qua đó giúp địa phương thực hiện duy trì, phát triển các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu phát huy quyền sử dụng thương hiệu; các đơn vị có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh hoàn thiện các nội dung về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hoá, chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, đảm bảo các quy định của pháp luật”.
Cũng theo anh Đỗ Hồng Hưng thì thời gian tới, thị xã Quảng Yên sẽ tiếp tục đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình kinh tế quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo qui mô lớn. Để đạt được điều đó thì địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Bài, ảnh: Thu Hương
Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN
Ứng dụng KH&CN góp phần giữ gìn, phát triển nghề và các làng nghề
Quảng Ninh hiện có gần 30 nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống. Thời gian qua, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất được các làng nghề chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần giữ gìn, phát triển nghề và các làng nghề.
Nghề sản xuất gốm sứ tại TX Đông Triều đã có lịch sử gần 200 năm. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 11 doanh nghiệp và 54 cơ sở sản xuất gốm sứ, tập trung chủ yếu tại các xã, phường: Yên Thọ, Xuân Sơn, Bình Dương, Đức Chính. Những năm gần đây, nghề gốm sứ Đông Triều đã được tăng cường đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cũng như thân thiện môi trường.
Tiêu biểu như nung gốm bằng khí gas công nghệ, tráng men, tạo hình công nghệ in 3D, hệ thống chế biến nguyên liệu hiện đại… Qua đó, đưa ra thị trường những sản phẩm gốm sứ chất lượng, tính mỹ thuật độc đáo, được người tiêu dùng ưa chuộng và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Hằng năm, lượng gốm sứ sản xuất tại Đông Triều đạt xấp xỉ 80.000 sản phẩm.
Hay như tại làng trồng, chế biến chè Quảng Long (huyện Hải Hà), từ năm 1965 cây chè được đưa vào trồng thử nghiệm tại đây, bởi sự phù hợp với khí hậu và điều kiện đất đai. Hiện Quảng Long là xã có diện tích trồng chè lớn nhất của Hải Hà với hơn 400ha, chiếm hơn 40% diện tích toàn huyện.
Để giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Hải Hà, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, người trồng và chế biến chè không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh khâu trồng đảm bảo quy trình VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ sao, sấy hiện đại, nhằm đạt năng suất, chất lượng cao cho sản phẩm.
Có thể kể đến như Cơ sở chế biến chè Dũng Nga đã xây dựng 1 xưởng chế biến chè rộng 1.500m2 với 2 dây chuyền hoạt động theo công nghệ tiên tiến của Việt Nam và Đài Loan. Nhờ đó, nâng công suất chế biến lên 8-12 tấn chè tươi mỗi ngày, đưa ra thị trường hơn 1 tấn chè thành phẩm.
Hay như Công ty TNHH Thuấn Quỳnh đã đầu tư các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất chế biến chè theo nhiều chủng loại như trà nhúng, đóng túi, đóng hộp, hút chân không… mẫu mã đa dạng, tiện lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm chè của đơn vị cũng đang là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Hải Hà, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện mỗi năm Công ty Thuấn Quỳnh sản xuất 1.500 tấn chè thành phẩm, xuất khẩu khoảng 1.000 tấn chè khô sang thị trường Đài Loan và các nước Tây Âu.

Người trồng hoa ở làng hoa Hoành Bồ (TP Hạ Long) đã ứng dụng công nghệ trồng hoa hiện đại, kiểm soát nhiệt độ, môi trường nhằm nâng cao giá trị thương hiệu hoa Hoành Bồ.
Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, thời gian qua, ngành KH&CN phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề đổi mới, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống và hỗ trợ cho một số làng nghề đăng ký nhãn hiệu tập thể; cập nhật thông tin về rào cản thương mại và hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng, hợp lý hóa lao động sản xuất… Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo; đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu để giữ bản quyền đối với một số sản phẩm tiêu biểu của cơ sở, làng nghề.
Bài, ảnh: Yến Vy
Doanh nghiệp cơ khí tiên phong trong đổi mới sáng tạo
Là doanh nghiệp cơ khí công nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty CP Công nghiệp ô tô (VMIC) đã chủ động, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, khẳng định năng lực của một trong những đơn vị cơ khí công nghiệp hàng đầu TKV.
VMIC đã chú trọng đẩy mạnh nội địa hoá, phát triển cơ khí chế tạo, đặc biệt là chế tạo vật tư, phụ tùng thay thế, sửa chữa và đầu tư chế tạo các sản phẩm mới, thực hiện chủ trương của TKV về nội địa hoá sản phẩm, giảm nhập khẩu, tiết giảm chi phí sản xuất.
Tư duy đổi mới sáng tạo đã giúp VMIC nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo, phục hồi nhiều chủng loại chi tiết phụ tùng phục vụ sửa chữa xe ô tô, máy mỏ, các thiết bị vì chống phục vụ cho khai thác hầm lò. Nhiều sản phẩm do Công ty sản xuất, chế tạo đã khẳng định chất lượng và mang tính chiến lược cốt lõi đã thay thế một phần vật tư thiết bị mà các mỏ hiện đang phải nhập ngoại.

Công nhân Công ty CP Công nghiệp ô tô đang lắp ráp hệ thống phun sương cao áp dập bụi
Từ năm 2003 đến nay, VMIC sản xuất lắp ráp và cung cấp cho thị trường trong nước được hơn 3.800 xe ô tô Kraz, Kamaz, Scania, UD-Trucks và nhiều xe chuyên dùng các loại; sửa chữa hàng nghìn xe ô tô tải siêu nặng hiện đại; máy xúc, máy gạt có tải trọng từ 35 đến trên 90 tấn; chế tạo và phục hồi mỗi năm hàng nghìn tấn thiết bị phụ tùng phục vụ đơn vị khai thác than. Ngoài ra, Công ty cũng duy trì thế mạnh trong sản xuất các loại sản phẩm phục vụ cho khai thác than hầm lò, như: Con lăn băng tải, thanh neo, các linh kiện thủy lực giàn chống mềm GM 20/30…
Đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo: Công ty chế tạo các chủng loại van thủy lực phục vụ cho các giàn chống, giá chống giúp cho việc đồng nhất trong việc kiểm soát lực, mô men và chuyển động, điều khiển hướng, áp suất và lưu lượng của chất lỏng thủy lực, cho phép sử dụng hệ thống truyền động một cách trơn tru, an toàn và kiểm soát phục vụ đơn vị khai thác hầm lò. Để từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng mô hình mỏ hầm lò hiện đại, thông minh, ít người, trả lương cao, những năm gần đây, Công ty chú trọng đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, trong đó chủ trương nghiên cứu nhân rộng loại hình giàn chống siêu nhẹ tại các vỉa than dày. Đây là mô hình công nghệ có nhiều ưu điểm nổi trội, trọng lượng thiết bị nhẹ, năng suất lao động cao, độ an toàn lớn. Đặc biệt, mô hình có thể tích hợp cơ cấu hạ trần thu hồi than nóc, giúp khai thác triệt để tài nguyên.

Máy phun sương cao áp dập bụi của Công ty CP Công nghiệp ô tô được sử dụng tại các khu vực chế biến than và bãi đổ thải, đã hạn chế phát tán bụi ra môi trường
Đặc biệt, năm 2020, VMIC là đơn vị cơ khí đầu tiên của TKV sản xuất thành công máy phun sương cao áp dập bụi, góp phần quan trọng giúp các đơn vị sản xuất than cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo công tác môi trường. Hiện nay, thiết bị này đang được sử dụng rộng rãi ở các đơn vị ngành Than và phát huy hiệu quả tích cực.
Ông Phạm Xuân Phi, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ô tô – Vinacomin cho biết: “VMIC đã sớm xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 từ nhiều năm trước, được Trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đánh giá cao và đã chuyển đổi sang Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 cùng với Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015; công cụ 5S (Nhật Bản)... Theo đó, Công ty đã ban hành áp dụng tất cả các quy trình, quy định hướng dẫn, kiểm soát chất lượng về công tác quản lý và trong khâu sản xuất sửa chữa, trung đại tu thiết bị, xe máy; sản xuất lắp ráp, chế tạo xe ô tô tải nặng và xe ô tô chuyên dùng; các sản phẩm gia công chế tạo, phục hồi”.
Máy móc hiện đại được Công ty CP Công nghiệp ô tô đầu tư, nhằm đáp ứng năng lực chế tạo, sửa chữa. Từ năm 2019, phân xưởng đã đổi mới, cải tạo quy trình sản xuất theo quy chuẩn JIS của Nhật Bản. sắp xếp lại hệ thống thiết bị theo nhóm máy gia công cơ khí để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện theo công nghệ sản xuất, chuyên môn hóa sản phẩm nhằm kiểm soát, quản lý, điều hành sản xuất khoa học và hiệu quả hơn. Với công nghệ, thiết bị được đầu tư, đổi mới hiện đại, Công ty đã chế tạo được các chi tiết, phụ tùng, sản phẩm cơ khí chính xác, đảm bảo chất lượng mang thương hiệu VMIC thay thế nhập khẩu phục vụ sửa chữa ô tô, máy khoan, xúc, gạt; chế tạo các loại van, cột chống thủy lực; các loại khuôn đúc, khuôn ép; các thiết bị siêu trường, siêu trọng…
Mới đây, VMIC là một trong 05 doanh nghiệp của Quảng Ninh đáp ứng các tiêu chuẩn để làm hồ sơ tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2021. Đây là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng, thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương; vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm của mình.
Ông Phạm Xuân Phi, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ô tô – Vinacomin chia sẻ: “Định hướng giai đoạn năm 2021 – 2025, đến năm 2030 và những năm tiếp theo của Công ty là: xây dựng Công ty tăng trưởng bền vững, kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; bảo đảm việc làm, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; có nền công nghệ cơ bản tiên tiến, sản phẩm đạt chất lượng tương đương khu vực và quốc tế; Xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, kỷ luật, am hiểu các quy định của pháp luật để làm tốt công việc, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng suất lao động tương đương khu vực. Chủ động trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí, đáp ứng nhu cầu của Tập đoàn và một số ngành kinh tế khác”.
Những kết quả từ việc tiên phong đổi mới sáng tạo ở Công ty CP Công nghiệp Ô tô – Vinacomin sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ở Quảng Ninh.
Bài, ảnh: Hương Anh
Đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm
Nhận thức rõ khoa học và công nghệ (KH&CN) chính là điều kiện để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Hiện công ty đã hoàn thiện và phát triển quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống, đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền hiện đại. Đến nay, 9 sản phẩm của Công ty đều là sản phẩm OCOP và được xếp hạng 4 sao. Các sản phẩm đã có “chỗ đứng” trên thị trường, như: Trà Giảo cổ lam; trà bổ gan, giải độc gan; trà tiểu đường; trà vằng; viên tiểu đường; viên chè vằng; viên giải rượu, giải độc gan... Trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng Công ty vẫn thực hiện mở rộng đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP để đổi mới, phát triển các sản phẩm mới.
Việc áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh cũng đã góp phần giảm nhiều chi phí, công sức cho người lao động, tăng giá trị sản phẩm và tạo được sức hút với khách hàng. Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh (TX Đông Triều) sau khi thực hiện dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất gốm sứ cao cấp, đã giảm 30% lượng khí gas nhờ thu hồi nhiệt thừa trong lò nung để sấy sản phẩm mộc, giảm sản phẩm lỗi hỏng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, với công nghệ mới, hiện đại. Cùng với các thiết bị, máy móc được đầu tư mới kết hợp kỹ thuật phối liệu xương men sứ mỏng do công ty nghiên cứu và công nghệ đổ rót áp lực cao bán tự động, giúp sản phẩm sản xuất ra bền đẹp, có độ mỏng, độ chính xác cao, đa dạng chủng loại, nâng cao sản lượng. Đồng thời, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng, giữ được kiểu dáng thiết kế, nâng cao tính thẩm mỹ và giá trị sản phẩm. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Chi Lê, Colombia, Đan Mạch…
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã làm cho giá trị, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, các sản phẩm xuất khẩu ứng dụng KHCN trong sản xuất đều đã đáp ứng được những yêu cầu “khó tính” của thị trường nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc chiến lược, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản BAVABI Quảng Ninh, cho biết: Mới đây, công ty đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN của tỉnh. Hiện tại, chúng tôi đang sản xuất 16 sản phẩm với 7/16 sản phẩm được hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN, như: Ruốc hàu, ruốc bề bề, ruốc cá thu… Đặc biệt, những năm qua ngoài việc trang sắm thiết bị, chúng tôi đã tự mày mò, nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm KHCN phù hợp với điều kiện của công ty để đưa vào sản xuất, như: Lồng rửa hàu, máy rửa tầng sôi, máy tiệt trùng sản phẩm… Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, doanh thu từ các sản phẩm KHCN của công ty đạt 59% so với tổng doanh thu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc ứng dụng KH&CN tạo nên những sản phẩm được thị trường ưa chuộng, làm tăng giá trị hải sản, góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa.

Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản BAVABI Quảng Ninh ứng dụng KHCN vào lắp ráp hệ thống lồng rửa hầu tự động.
Theo thống kê của Sở KH&CN, trên địa bàn tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng doanh nghiệp KHCN như vậy là rất khiêm tốn, khi mà KHCN đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, làm ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất kinh doanh, từ đó đòi hỏi các sản phẩm phải có sự chọn lọc về chất lượng, mẫu mã. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp chủ động hướng tới sản xuất theo hướng ứng dụng KHCN đang là con đường hoàn toàn đúng đắn. Việc từng bước đưa KHCN vào sản xuất được coi là “thước đo” để các doanh nghiệp nhìn nhận, tìm ra sự khác biệt trong nội tại cơ cấu, hoạt động của mình trước và sau khi ứng dựng KHCN. Từ đó, sẽ định hướng, điều chỉnh được các sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng được thị trường, thích ứng với môi trường kinh doanh trong thời kỳ mới.
Bài, ảnh: Cao Minh Đức
.PHỔ BIẾN KIẾN THỨC
Tía tô - Một loại rau gia vị có tác dụng phòng chống SARS-CoV-2
Nghiên cứu mới đây trên Biomedical Journal cho thấy, chiết xuất từ lá Tía tô (một loại rau gia vị phổ biến đối với người dân Việt Nam) có khả năng phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là tiền đề thúc đẩy thực hiện những nghiên cứu in vivo hoặc trên lâm sàng đối với chiết xuất lá Tía tô trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19.
Hiện nay, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng lên nhanh, trong đó khoảng 5-10% tổng ca nhiễm trở lên diễn biến nặng, nguy hiểm đến tính mạng, do đó rất cần những phương thuốc điều trị đặc hiệu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hoạt chất remdesivir được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho điều trị SARS-CoV-2. Một số quốc gia đã phê duyệt hoạt chất này để điều trị, tuy nhiên việc sử dụng nó ở dạng đơn, không làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Kỳ lạ thay khi nghiên cứu đánh giá tác dụng của chiết xuất lá Tía tô đối với SARS-CoV-2 một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khi phối hợp chiết xuất này với hoạt chất remdesivir thì hiệu quả đã tăng rõ rệt.

Lá Tía tô
Khả năng phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ chiết xuất Tía tô
Mới đây, nghiên cứu của Wen-Fang Tang và cộng sự về đánh giá hiệu quả của chiết xuất lá Tía tô đối với SARS-CoV-2 đã được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Hoa Kỳ. Nghiên cứu dựa trên 3 yếu tố: sự ức chế lây nhiễm của virus trong tế bào; tương tác của chiết xuất lá Tía tô trực tiếp với hạt virus thông qua xét nghiệm khử hoạt tính của virus; hiệu quả hiệp đồng tác dụng của chiết xuất lá Tía tô với hoạt chất remdesivir. Các thí nghiệm được tiến hành trên tế bào vero E6 và Calu-3 (dòng tế bào phế nang phổi) cho thấy:
Chiết xuất lá Tía tô có hoạt tính chống SARS-CoV-2 trên tế bào vero E6: chiết xuất lá tía tô với EC50 là 0,12±0,06 mg/ml có khả năng ức chế SARS-CoV-2 trong tế bào Vero E6 với chỉ số chọn lọc là ∼40,65.
Chiết xuất lá Tía tô có thể nhắm mục tiêu vào giai đoạn đầu của chu kỳ nhiễm virus: đánh giá thời gian bổ sung thuốc để xác định giai đoạn mà thuốc ức chế trong chu kỳ nhân lên của virus, chiết xuất lá Tía tô sẽ được thêm vào ở 3 thời điểm: trước khi virus xâm nhập, trong quá trình virus hấp thụ, sau khi virus hấp phụ vào tế bào. Sau 24 giờ cho thấy, hoạt động ức chế virus diễn ra mạnh hơn khi bổ sung chiết xuất vào giai đoạn trước khi virus xâm nhập so với sau khi virus hấp thụ vào tế bào. Chiết xuất lá Tía tô ức chế sự hình thành mảng bám SARS-CoV-2 theo cách phụ thuộc liều lượng. Hoạt tính kháng virus của chiết xuất lá Tía tô tương tự như remdesivir ở mức độ ức chế hình thành mảng bám.
Chiết xuất lá Tía tô ức chế biểu hiện cytokine tiền viêm do virus gây ra: mục tiêu chính của SARS-CoV-2 là các tế bào biểu mô đường hô hấp và phổi. Do đó, hiệu quả kháng virus của chiết xuất lá Tía tô đã được đánh giá trên dòng tế bào phế nang phổi Calu-3 (dòng tế bào dễ bị nhiễm virus). Đúng như dự đoán, sự lây nhiễm SARS-CoV-2 diễn ra mạnh mẽ trong các tế bào Calu-3. Sự tổng hợp RNA và protein đã tăng lên rõ rệt sau 48 giờ virus hấp thụ, nhưng đều bị ức chế bởi cả remdesivir và chiết xuất lá Tía tô theo liều phụ thuộc. Chiết xuất lá Tía tô cũng làm giảm đáng kể sự giải phóng cytokine do virus gây ra và mức protein/RNA của virus trong dòng tế bào biểu mô phổi Calu-3 của người.
Chiết xuất lá Tía tô làm bất hoạt các phần tử virus và ngăn chặn sự xâm nhập của chúng vào tế bào chủ: thông qua thử nghiệm bất hoạt virus cho thấy, chiết xuất lá Tía tô có thể ức chế sự tổng hợp protein của virus và sự nhân lên của virus bằng cách trực tiếp ức chế sự xâm nhập của virus vào tế bào chủ. Do đó có hiệu quả diệt virus.
Có sự hiệp đồng tác dụng khi kết hợp giữa chiết xuất lá Tía tô và remdesivir: một thí nghiệm được thiết kế để đánh giá tương tác thuốc (thuốc giữa chiết xuất lá Tía tô và remdesivir) trên tế bào Vero E6 bị nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy, việc kết hợp của chiết xuất lá Tía tô và hoạt chất remdesivir tạo ra sự hiệp đồng về tác dụng với điểm hiệp đồng là 14,98±5,84.
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy, chiết xuất lá Tía tô có khả năng ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2 bằng cách bất hoạt virion. Mặc dù mới chỉ là nghiên cứu in vitro, nhưng chúng ta cũng thấy được sự nỗ lực của các nhà khoa học với mong muốn tìm kiếm những gì có sẵn, dễ tìm để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19. Những dữ liệu trên là tiền đề thúc đẩy thực hiện những nghiên cứu in vivo hoặc nghiên cứu trên lâm sàng đối với chiết xuất lá Tía tô trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị covid-19.
Sử dụng lá Tía tô trong phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, dùng Tía tô để phòng và chữa bệnh lúc này có lẽ là đơn giản, rẻ tiền và an toàn. Dưới đây là một số phương pháp dễ thực hiện có thể áp dụng:
Ăn trực tiếp: lá tía tô rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng rồi vớt ra, để ráo nước, dùng như rau sống. Bên cạnh đó, có thể bổ sung lá Tía tô tươi để tăng thêm độ đậm đà trong một số món ăn như cháo, các món từ cà tím, đậu phụ…
Trà tía tô: thêm nước vào lá Tía tô cùng đường phèn, đun sôi, lọc phần nước để nguội và bổ sung thêm nước cốt chanh rồi sử dụng.
Thuốc uống, xông: sử dụng các vị thuốc như Kinh giới 12 g, lá Tía tô 12 g, Lá lốt 8 g, Bạc hà 10 g, Trần bì 6 g, Bạch chỉ 6 g, Kim ngân hoa 8 g. Có thể dùng tươi hoặc dang khô. Cho toàn bộ các vị thuốc trên vào nồi cùng 1 lít nước và đun sôi, để nhỏ lửa trong 5-10 phút. Đổ riêng ra 1 cốc 200 ml (để uống), phần còn lại đổ ra bát sau đó xông vùng mặt trong thời gian 10-15 phút. Sau khi bát thuốc ấm, sử dụng nước vừa xông để lau và rửa mặt.
Bài thuốc Sâm tô tán trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19: theo văn bản số 1306/BYT-YHCT ngày 17/3/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền đã hướng dẫn sử dụng một số bài thuốc, trong đó có Sâm tô tán (hòa tễ cục phương) với công dụng phong khu hàn, tuyên khai phế vệ áp dụng tốt trong giai đoạn đầu (khởi phát) và những trường hợp F0 không có triệu chứng. Bài thuốc bao gồm: Đảng sâm 30 g, Tía tô 30 g, Cát căn 30 g, Tiền hồ 30 g, Bán hạ chế 30 g, Bạch linh 30 g, Trần bì 20 g, Cam thảo 20 g, Cát cánh 20 g, Chỉ xác (sao cám) 20 g, Mộc hương 20 g. Tất cả các vị thuốc trên tán bột hoặc dùng ở dạng thuốc thang sắc
(Sưu tầm)
Xông nhà bằng thảo dược làm sạch không khí, diệt virus
Xông nhà bằng thảo dược là phương pháp truyền thống mà nhân dân ta vẫn hay sử dụng để loại bỏ mùi hôi ẩm mốc, tăng vượng khí cho ngôi nhà. Phong tục đó thường được thực hiện vào các dịp lễ tết, gắn với văn hóa và tâm linh, mỗi năm chỉ làm vài lần. Không chỉ có mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh theo truyền thống mà xông nhà bằng thảo dược còn giúp làm sạch không khí, diệt virus, giảm lo âu căng thẳng và hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp. Những phương pháp xông nhà thảo dược dưới đây sẽ giúp mọi người hỗ trợ phòng chống COVID-19 hiệu quả.
Các loại thảo dược thường được dùng để xông nhà thường là những loại chứa tinh dầu thơm. Khi gặp nhiệt độ cao, tinh dầu dễ bay hơi trong thảo dược sẽ lan tỏa khắp không gian phòng. Người ta thường dùng quế, đại hồi, đinh hương, trầm hương, tràm hương, đàn hương, ngọc am, trần bì, bạch truật, thương truật, bồ kết, bạch chỉ, khương hoạt… để đốt trực tiếp, hoặc làm thành nén đốt hoặc đốt trên lò đất nung. Các loại thảo dược tươi như hương nhu, ngải cứu, sả, vỏ chanh, vỏ bưởi, lá bưởi, long não, chổi xể, kinh giới, tía tô, ngải cứu… thường được dùng xông nhà bằng cách đun sôi mở vung nồi, hơi nước nóng và tinh dầu sẽ bay lên.
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại với các biến thể siêu lây nhiễm, vậy nên mọi người càng chú tâm tới việc xông nhà hơn, nhằm giúp làm sạch không khí và hạn chế khả năng nhiễm bệnh. Tinh dầu có trong các loại thảo dược có tác dụng tiêu diệt virus, vi khuẩn, bào tử nấm mốc, xua đuổi côn trùng…, giúp không gian sạch sẽ, thơm hương và ấm cúng.
Các phân tử tinh dầu trong các thành phần dược liệu sẽ thông qua khứu giác gửi tín hiệu đến các tế bào thần kinh, điều chỉnh hoạt động của cơ thể thông qua hệ thần kinh. Với quan niệm sức khỏe tổng thể là sự cân bằng về sức khỏe sinh lý và sức khỏe tâm lý, trị liệu bằng xông thảo dược giúp cân bằng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể một cách tự nhiên. Phương pháp này giúp tinh thần thư giãn, hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang) và các chứng đau nhức...
Ngày nay, với cuộc sống hiện đại, người ta ít sử dụng dược liệu thô để đốt hoặc đun sôi, thay vào đó là những sản phẩm tiện ích hơn như nụ trầm, nén thảo dược để xông nhà. Trầm hương hoặc các dược liệu được nghiền mịn kết hợp với keo Bời lời nén lại tạo hình thành dạng nụ, tháp hay nén nhang. Các loại nụ, nén hương thảo dược này được sử dụng với nhiều công dụng trong cuộc sống; vừa mang ý nghĩa tâm linh, phong thủy; vừa có lợi cho sức khỏe. Bởi vậy, đốt nụ thảo dược cũng có tác dụng làm sạch không khí, tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh, đem lại tinh thần thư giãn, năng lượng tích cực và hỗ trợ phòng chống các bệnh về hô hấp, thần kinh.
Đốt nụ thảo dược là một nét đẹp văn hóa, bởi vậy những cách đốt mang đầy tính nghệ thuật. Một số cách đốt nụ thảo dược có thể kể đến như sau:
Một là, đốt trên đĩa: đây là phương pháp đơn giản nhất, chỉ cần chuẩn bị một đĩa nhỏ bằng gốm, sứ hoặc đất nung, để an toàn, chống cháy bởi tàn nhang.
Hai là, sử dụng lư xông: đặt nụ thảo dược vào trong lư xông nhà ở, văn phòng làm việc, bàn thờ, phòng trà... Chỉ cần châm lửa trên đỉnh tháp hương rồi đặt vào bên trong lư và đậy nắp lư. Khói trầm tỏa lên trên cao đi theo các khe nhỏ trên đỉnh lư mà tỏa ra nhẹ nhàng, tinh tế.
Ba là, sử dụng thác khói: thác khói được thiết kế để khói từ nụ thảo dược tỏa lên trên và chảy ngược xuống dưới lỗ nụ và nó sẽ lan tỏa lên trên cao, một phần khói chảy ngược xuống bên dưới theo cấu trúc thác, khói trắng huyền ảo tựa tiên cảnh. Thác khói giúp tăng sự thẩm mỹ, tạo sự an nhàn, thư giãn, giúp tịnh tâm trí trong công việc và đời sống.
Dùng nụ, nén hương thảo dược vừa đem được đến tác dụng làm sạch không khí, chống virus…, vừa tiện lợi, dễ dàng sử dụng và phù hợp với cuộc sống hiện đại. Để đảm bảo an toàn, chúng ta nên lựa chọn những loại sản phẩm có thành phần hoàn toàn tự nhiên, không ngâm tẩm hóa chất độc hại và có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng.
Xông nhà thảo dược giúp làm sạch không khí, diệt virus, mang năng lượng tích cực, góp phần phòng chống bệnh dịch. Không chỉ trong giai đoạn dịch COVID-19 này, mà chúng ta nên có thói quen xông nhà định kỳ để nâng cao sức khỏe.
(Sưu tầm)
TIN HOẠT ĐỘNG
63 đề tài, giải pháp Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII
Được tổ chức 2 năm một lần, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã trở thành sân chơi khoa học bổ ích cho những người đam mê khoa học, nghiên cứu. Năm 2021, Hội thi cũng dành được nhiều sự quan tâm hưởng ứng và tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cán bộ, học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng.
Được phát động từ ngày 27/7/2020, đến nay, Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII đã nhận được 63 đề tài, giải pháp của các tác giả, nhóm tác giả tham dự ở 5 lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng; CNTT, điện tử, viễn thông; y dược; quản lý nhà nước, giáo dục đào tạo và lĩnh vực khác.
Có thể kể đến các đơn vị đã tích cực hưởng ứng tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII như: Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh có 7 đề tài, giải pháp được gửi tới tham gia tại Hội thi; Trường Đại học Hạ có 5 tác giả, nhóm tác giả đăng ký dự thi với 5 mô hình, giải pháp.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Hội thi đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là sự tham gia hưởng ứng của cán bộ, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Tiêu biểu như Đại học Hạ Long, Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh… với nhiều sáng kiến, đề tài, giải pháp hàm lượng nghiên cứu, tính ứng dụng, thực tiễn cao. Đây cũng là cơ hội cho các tác giả, nhóm tác giả thể hiện tài năng và đam mê, sở thích của mình trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Hương Anh
Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra lĩnh vực KH&CN
Từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất trong lĩnh vực KH&CN, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Sở KH&CN phối hợp với Sở Y tế kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử, đo lường, sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh; hành nghề y tư nhân; phòng chống dịch Covid-19 đối với 35 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, chẩn đoán hình ảnh, nha khoa. Bên cạnh đó cũng thực hiện thanh tra về đo lường và an toàn kiểm soát bức xạ tại 5 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Đoàn thanh tra chuyên ngành do Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Cục QLTT tiến hành thanh tra đột xuất về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu tại 3 tổng đại lý đầu mối và 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Quảng Ninh. Đây là đợt thanh tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những công việc kể trên, Sở KH&CN đã thực hiện thanh tra về thực hiện nhiệm vụ KH&CN; xử lý khiếu nại tố cáo về sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp. Qua hoạt động thanh, kiểm tra đã góp phần tích cực vào công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và kiểm soát, đảm bảo về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực do đơn vị quản lý; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, các sở, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, thẩm định các cơ sở đăng ký tham gia OCOP... Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Hương Anh