TIN TRONG TỈNH
UBND tỉnh Quảng Ninh: Về việc lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản số 8311/ UBND-KSTT1 ngày 18/11/2021 về việc lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử.

Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan để hướng dẫn tổ chức thực hiện lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử và các văn bản Chính phủ, bộ ngành có liên quan khác để đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN
UBND tỉnh Quảng Ninh: Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, đính hướng đến năm 2030.
Ngày 18/11/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản số 8289/UBND-XD6 về việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, đính hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh có ý kiến như sau: Nội dung dự thảo Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 mới tập trung vào phát triển, thực hiện chuyển đổi số trên trụ cột về Chính quyền số. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, giảm thiểu sự trùng chéo trong việc ban hành các văn bản, kế hoạch về thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, đính hướng đến năm 2030;…
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở nội dung đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, đính hướng đến năm 2030 ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết, trong đó yêu cầu: Xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ đối với từng lĩnh vực, từng năm cụ thể và trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương, thời hạn hoàn thành nhiệm vụ; đảm bảo tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử (phiên bản 2.0), kiến trúc Thành phố thông minh (phiên bản 1.0) đã được UBND tỉnh phê duyệt; khai thác tối đa hạ tầng, nền tảng dùng chung Quốc gia, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đã đầu tư.
Đối với phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng số: không đầu tư mới, ưu tiên bố trí vốn theo phương thức thuê dịch vụ, thuê hạ tầng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Thông báo số 402-TB/TU ngày 28/10/2021 và thời gian hoàn thành báo cáo UBND trước ngày08/12/2021.
Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN
Sở KH&CN: Thẩm định tại cơ sở để cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ
Ngày 18/11/2021, Sở KH&CN Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 1329/SKHCN- QLCNg về việc Thẩm định tại cơ sở để cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Theo đó, để đảm bảo đầy đủ căn cứ cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo đơn và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ có mã số biên nhận hồ sơ 2100603200069, Sở KH&CN tổ chức thẩm định các nội dung Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của đơn vị hộ kinh doanh Mai Long.
Thời gian thực hiện thẩm định sẽ bắt đầu từ ngày 19/11/2021 với nội dung: Đánh giá và kiểm tra an toàn bức xạ tại cơ sở bức xạ; Thẩm định hồ sơ xin cấp phép so với điều kiện thực tế.
Đồng chí Bùi Quang Minh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cùng các đồng chí phòng chuyên môn của Sở KH&CN sẽ trực tiếp tiến hành thẩm định hồ sơ tại đơn vị đề nghị cấp Giấy phép.
Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN
TIN TRONG NƯỚC
Máy tạo nước từ không khí cho người dân vùng cao
Chứng kiến cảnh thiếu nước sinh hoạt khi đi thực tế trên vùng cao hai sinh viên năm 4 của Đại học bách khoa Hà Nội nghĩ ra ý tưởng tạo nước từ không khí.
Cuối năm 2019, Đặng Phạm Phú Linh cùng các bạn trong khoa Cơ điện tử, Viện Cơ Khí, Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia chuyến đi thực tế lên Sơn La. Ba ngày ở trên đó là khoảng thời gian không dễ dàng với Linh và nhóm khi bị thiếu nước sinh hoạt. Thấy việc lấy nước ở những nơi cách xa nguồn như miền núi khó khăn, trở về trường, Linh thử tìm cách khắc phục vấn đề này.
Chia sẻ ý tưởng với bạn cùng lớp là Lại Anh Quân cùng với gợi ý của thầy giáo, hai sinh viên tìm cách chế tạo máy tạo nước từ không khí.
Máy được thiết kế dựa trên nguyên lý đơn giản, giống như khi rót nước lạnh vào cốc và đặt ngoài môi trường với nhiệt độ thường, một lúc sau xuất hiện các giọt nước bám xung quanh thành cốc.

Cấu tạo của máy tạo nước từ không khí. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Sau hai tháng, nhóm đã hoàn thiện sản phẩm với tổng chi phí 4 triệu đồng. Chạy thử trong điều kiện nhiệt độ môi trường 25-35 độ C, với độ ẩm không khí trên 60%, lượng nước máy thu được một giờ là 1,5 lít. Sau một ngày thu được gần 30 lít, đủ để hộ gia đình 4-5 người sinh hoạt hàng ngày.
Theo Khoahoc.tv
Thiết kế cano điều khiển như... máy bay, thợ máy Việt được khen ngợi hết lời
Một thiết kế vô lăng điều khiển vô cùng sáng tạo.

Hiền thích chế là một kênh Youtube với những video độ chế thuyền vô cùng sáng tạo khi những sản phẩm từ kênh này nhận được rất nhiều lời khen từ người xem. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nằm ở chiếc cano này đến từ bộ điều khiển.
Nếu như các mẫu cano trên thị trường thường sử dụng vô lăng điều hướng dạng tay cầm thì anh thợ máy này lại thiết kế tay cầm giống như cần điều hướng dành cho… máy bay. Cụ thể, anh đã tận dụng 1 chiếc tay lái từ 1 chiếc xe đạp cũ và cưa đôi nó tạo thành một chiếc cần điều khiển để tác động tới phần bánh lái. Người điều khiển chỉ cần sử dụng 1 tay để điều khiển cần lái vô cùng độc đáo.
Theo Khoahoc.tv
Những sáng chế có giá... dưới 100.000 đồng
Từ ngày có chiếc đèn mini soi tiền giả, chị Nguyễn Thị Minh, tiểu thương bán trái cây ở chợ Bàn Cờ, TP.HCM tỏ ra rất tự tin với những tờ tiền cũ và có màu bị phai.
Chị cho biết giá của đèn kiểm tra tiền giả chỉ có 13.000 đồng, nên khá nhiều người trong chợ tìm mua loại đèn này. Đèn soi kiểm tra tiền giả “giá rẻ” này chỉ là một trong những sáng chế của kỹ sư Trần Văn Tín, giám đốc Công ty TNHH tư vấn công nghệ điện tử ICEVN - Bình Dương.
Đó là máy sạc pin đa năng, có thể dùng cho tất cả các loại ĐTDĐ (bộ sạc pin này còn có thể sạc trực tiếp ở xe gắn máy), màng bảo vệ tai khi sử dụng điện thoại... Đến nay, nhà sáng chế tay ngang đã có trong tay gần một chục sản phẩm và hầu hết đều đã được đưa vào thị trường. Các “sáng chế” lại có giá thành rất... dễ chịu, chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng, cao hơn một chút là 20.000 - 30.000 đồng, món đắt nhất cũng chỉ 90.000 đồng.

Kỹ sư Trần Văn Tín đang thử nghiệm bộ tăng sáng cho đèn của xe gắn máy (Ảnh: T.T)
Sau lần ấy, có một ít vốn ông Tín tập trung vào những nghiên cứu có thể mang lại sự tiết kiệm cho người tiêu dùng. Năm 2005, ông cho ra lò ba sản phẩm nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm gas trong sinh hoạt, tiết kiệm xăng cho xe máy. Nhóm sản phẩm này đã nhận được giải thưởng “Sao vàng đất Việt”. Tụ bù tiết kiệm điện có giá 70.000 đồng, khi cắm vào bất kỳ vị trí ổ cắm điện trong gia đình, công sở... sẽ giúp tiết kiệm 15-20% điện tiêu thụ.
Tương tự, bộ tiết kiệm xăng ICE cũng có tính năng như một thiết bị hỗ trợ đánh lửa bugi xe gắn máy. Thiết bị gồm một mạch điện tử có hai phần: điôt bảo vệ chống xung ngược và vi mạch của Nga (1,5kV) giúp tăng điện thế cao áp và đốt nhiên liệu thừa trong máy, muội than sạch không bám đầu piston và supap nên giúp động cơ chạy nhanh hơn. Giá thành một bộ tiết kiệm xăng cũng chỉ 15.000 đồng.
So với hai bộ tiết kiệm điện và xăng thì bộ tiết kiệm gas vẫn còn rất mới và chưa có cơ hội đi vào đời sống, mặc dù ông Tín đã gõ cửa khá nhiều doanh nghiệp sản xuất gas. Ông lập luận: bằng mắt thường cũng có thể quan sát bình chứa gas khi hết (không bật được bếp) vẫn còn gas. Tuy nhiên do không đủ áp lực nên gas không đẩy được ra ngoài. Để tận dụng lượng gas này, ông đã chế tạo thiết bị gắn từ bình sang bếp. Khi gas còn ít không tự cháy thì chuyển qua kích hoạt thiết bị này. Với nguyên lý tạo chênh lệch áp suất và tự động hoàn toàn, sản phẩm sẽ hút hết gas trong bình để sử dụng.
Theo Khoahoc.tv
TIN QUỐC TẾ
Hàn Quốc dự kiến xây "thành phố 10 phút" công nghệ cao trong lòng Seoul
Các kiến trúc sư sẽ xây dựng thành phố thu nhỏ sử dụng công nghệ hiện đại và năng lượng sạch, cho phép người dân đi tới mọi nơi trong vòng 10 phút.
Ý tưởng "thành phố 15 phút", trong đó cư dân có thể đi tới chỗ làm và cơ sở vui chơi giải trí trong vòng 15 phút đi bộ hoặc đi xe từ nhà, thu hút nhiều sự chú ý của các nhà quy hoạch đô thị trong thời Covid-19. Giờ đây, một nhóm kiến trúc sư đang lên kế hoạch xây dựng một dự án tham vọng hơn ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc: thành phố 10 phút.

Dự án bao gồm 8 tòa chung cư cùng nhiều khu thương mại và giải trí. (Ảnh: WAX & Virgin Lemon)
Mang tên "Dự án H1", quá trình phát triển sẽ biến đổi khu công nghiệp cũ thành thành phố thông minh nối liền nhau. Kết hợp 8 tòa chung cư với văn phòng và nơi học tập, công trình rộng 50,5 hecta cũng bao gồm công viên giải trí, trung tâm thể thao, bể bơi và trang trại thủy canh trong đô thị.
Được thiết kế bởi công ty kiến trúc UNStudio của Hà Lan với vốn đầu tư từ Công ty Phát triển Hyundai, đây sẽ là thành phố thu nhỏ không xe hơi. Tất cả tiện nghi của thành phố chỉ cách nhà ở của cư dân khoảng 10 phút đi bộ.
Theo VnExpress
Các nhà khoa học có thể tạo ra bộ nhớ có kích thước phân tử
Các nhà khoa học tiếp tục tạo ra bước đột phá mới trong công nghệ lưu trữ dữ liệu.

Khi nghĩ đến những kho dữ liệu, chúng ta thường nghĩ đến việc sử dụng những chiếc đĩa cùng với đầu đọc. Đó là những công nghệ đã lỗi thời, khi ngày nay, flash drive được sử dụng cực kỳ rộng rãi cùng với việc bạn có thể nhanh chóng xóa và cài đặt dữ liệu ngay trên chiếc USB nhỏ gọn của mình.
Mặc dù chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu nhỏ kích thước của những thiết bị này, nhưng có vẻ như các nhà khoa học vẫn chưa muốn dừng lại. Họ đang cố gắng đạt đến mức thu nhỏ kích thước của chúng xuống ngang mức…phân tử.
Một đội ngũ các nhà nghiên cứu thuộc nhiều quốc gia khác nhau đã vừa thành công trong việc dồn 1 lượng dữ liệu nhất định vào trong một số phân tử. Thực ra, thiết bị này có kích thước bằng ba phân tử bình thường và được tạo ra từ 2 phân tử lưu giữ các electron có chứa dữ liệu, và 1 phân tử thứ 3 có tác dụng như 1 cái lồng bao bọc 2 phân tử trên. Một cách cụ thể hơn, chiếc USB này có kích thước chưa đến 1 nanomet mỗi chiều.
Đây là lần đầu tiên một thiết bị có kích thước phân tử đơn lẻ có khả năng lưu giữ thông tin và hoạt động được một cách độc lập. Có thể trong tương lai sắp tới, mỗi một tế bào trong cơ thể của chúng ta sẽ được chuyển thành một ngăn bộ nhớ với khả năng truy xuất dữ liệu siêu tốc.
Tham khảo: sciencealert
NASA "bỏ bom" Mặt trăng
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hôm nay sẽ tiến hành "bỏ bom" xuống bề mặt của chị Hằng để giải mã điều bí ẩn xung quanh lượng nước trên Mặt trăng.
Sự kiện này sẽ diễn ra vào khoảng 7h30 sáng ngày 9/10 theo giờ Mỹ, tương đương 19h30 giờ Việt Nam và sẽ được phát trực tiếp tới hàng triệu người xem trên toàn thế giới.
Các nhà khoa học sẽ theo dõi một tên lửa và một vệ tinh lao xuống cực nam của Mặt trăng với vận tốc 9.000km/h, tạo thành trận mưa đất đá có thể cao tới 10km mà NASA hi vọng sẽ giúp chứng thực sự tồn tại của một lượng nước đủ cung cấp cho các chuyến viếng thăm của các phi hành gia trong tương lai.
Đầu tiên, một tên lửa nặng 2.305kg của NASA có tên gọi Centaur sẽ đâm xuống cực nam của Mặt trăng, tạo ra một trận mưa đất đá khổng lồ và khoét hố sâu khoảng 4m. Hố này, có đường kính khoảng 6,6m, tương đương 1/3 sân bóng đá trong nhà.

Hình ảnh chụp trên không vũ trụ.
4 phút sau đó, vệ tinh Shepherding sẽ đi đúng vào đám khói bụi bay lên từ Mặt trăng do vụ nổ tạo ra nhằm quan sát xem có nước trong đám bụi hay không. Shepherding cũng sẽ chuyển các hình ảnh của vụ va chạm về trái đất trước khi vệ đâm vào Mặt trăng.
Các nhà khoa học cho hay, việc tìm thấy nước trên Mặt trăng sẽ mở ra các chuyến thám hiểm Mặt trăng có người lái và thiết lập nơi định cư lâu dài của con người trên đó.
Các nhà thiên văn nghiệp dư tại một số nơi trên thế giới có thể quan sát vụ nổ bằng kính thiên văn. Trang web của NASA cũng sẽ phát trực tiếp những hình ảnh của vụ nổ tới người xem trên khắp hành tinh.
Theo HP, Dân trí