Bản tin Khoa học và Công nghệ số 44 năm 2021

30/11/2021 09:34

TIN TRONG TỈNH

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh dự án “Phát triển sản xuất sản phẩm chè Đường Hoa hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh”

 

Ngày 25/11/2021, tại TP Hạ Long, Sở KH&CN đã thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh đối với dự án “Phát triển sản xuất sản phẩm chè Đường Hoa hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Công ty cổ phần chè Đường Hoa thực hiện từ năm 2017 với tổng kinh phí là 8 tỷ đồng. Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè – Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc là Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ. Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016–2025.

Quang cảnh Hội đồng

Sau 30 tháng triển khai thực hiện, dự án đã tiếp nhận thành công 11 quy trình công nghệ; xây dựng thành công 05 mô hình: mô hình vườn ươm có tỷ lệ xuất vườn sau 10 tháng đạt từ 76%, đạt mục tiêu và yêu cầu của dự án đề ra;  mô hình trồng mới chè hữu cơ theo tiêu chuẩn 10 TCN 602-2006 diện tích 20 ha có tỉ lệ sống đạt > 90%; mô hình sản xuất 15ha chè LDP1 có năng suất nương chè ổn định, trung bình đạt 5,02 tấn/ha, tổng sản lượng sau 3 năm ước tính đạt 225,9 tấn, được Công ty cổ phần chứng nhận và giám định IQC chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất chè Global GAP; mô hình chế biến được triển khai tại Nhà xưởng Công ty Cổ phần chè Đường Hoa với diện tích 2.660 m2. Tổng sản phẩm thu được từ mô hình chế biến đạt được là 5,17 tấn, vượt 3,4%  so với mục tiêu dự án đề ra là 5 tấn sản phẩm. Các sản phẩm chè của Công ty cổ phần chè Đường Hoa đã được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chè – Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đánh giá là không phát hiện là hàm lượng kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều, đáp ứng được những quy định về chất lượng tại Quyết định 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại Hội đồng, các thành viên tham gia Hội đồng đã đánh giá cao những kết quả mà dự án đã đạt được. Công ty cổ phần Chè Đường Hoa đã làm chủ 11 công nghệ trồng và chế biến chè, 05 mô hình đều đảm bảo chất lượng. Nội dung và qui mô đúng yêu cầu thuyết minh dự án phê duyệt. Các chỉ tiêu đều vượt mức đã đăng ký. Dự án đã làm tăng diện tích, sản lượng vùng trồng chè, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ dân tham gia trồng chè, phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương. Công ty cổ phần Chè Đường Hoa có đủ năng lực duy trì kết quả dự án, có khả năng mở rộng cả về qui mô và sản lượng. Đồng chí Bùi Quang Minh –PGĐ Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Công ty cổ phần Chè Đường Hoa cần hoàn thiện hồ sơ, xây dựng phương án giao quyền sử dụng công nghệ; hoàn thiện công bố hợp chuẩn, tiêu chuẩn, quản lý chất lượng 10 TCN 602-2006, TCVN 9740-2013...

Các thành viên trong Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá, kết quả dự án đã được xếp loại khá.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

Tập huấn Quy trình sản xuất hoa Đỗ Quyên Yên Tử

 

Sáng ngày 25/11/2021, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN triển khai thực hiện mô hình sản xuất hoa Đỗ Quyên Yên Tử cho các hộ dân trồng hoa trên địa bàn xã Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Tham dự buổi tập huấn là các chủ hộ là những gia đình chuyên trồng và chăm sóc hoa trên địa bàn xã Thượng Yên Công được các chuyên gia của trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa và cây cảnh thuộc viện nghiên cứu rau quả truyền đạt các nội dung về quy trình sản xuất  hoa Đỗ Quyên Yên Tử.

Nội dung của chương trình đã giúp các hộ dân trồng hoa nắm bắt kỹ về quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cũng như điều khiển sinh trưởng, ra hoa đỗ Quyên Yên Tử.

Lớp tập huấn sẽ giúp người dân trên địa bàn xã Thượng Yên Công có thêm kiến thức để sản xuất nhân giống, trồng và chăm sóc hoa Đỗ Quyên Yên Tử an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

Sở KH&CN:Phối hợp nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến

 

Sở KH&CN vừa ban hành Văn bản Số 1359/SKHCN-Ttra ngày 25/11/2021 về việc phối hợp nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Theo đó, Giám đốc Sở KH&CN yêu cầu Thủ trưởng các phòng, đơn vị, công chức, viên chức, bộ phận thường trực Sở KH&CN trực tiếp thực hiện dịch vụ công trực tuyến thực hiện một số nội dung sau:

Thực hiện đúng các quy định tại Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 của UBND tỉnh trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, công dân. Trong đó, cần lưu ý: Cán bộ, công chức, viên chức khoo0ng được yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp giấy tờ, tài liệu bằng văn bản để xác minh, kiểm tra đối với thành phần hồ sơ đã được ký số và ghi nhận tính hợp pháp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; đối với hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, việc trả kết quả cho người sử dụng được thực hiện qua hình thức trả kết quả trực tuyến đã được ký số thông qua email người sử dụng,thông qua chức năng tra cứu trên Cổng dịch vụ công hoặc dịch vụ bưu chính công ích…; kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử của cơ quan có thẩm quyền có giá trị pháp lý như kết quả  giải quyết thủ tục hành chính bằng văn bản giấy.

Tiếp đó, tăng cường thẩm định hồ sơ, trình, ký duyệt qua mạng, phấn đấu đến hết năm 2021 đạt 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được phê duyệt bằng ký số; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tăng cường giao dịch trực tuyến để thanh toán phí, lệ phí trực tuyến; tiếp tục rà soát toàn bộ thủ tục hành chính, nội dung chi tiết của từng thủ tục hành chính, các biểu mẫu đính kèm, các quy trình xử lý ( khi có sự thay đổi các nội dung cần điều chỉnh) gửi Thanh tra Sở tổng hợp, tham mưu Lãnh đạo Sở gửi các cơ quan chuyên môn cập nhật kịp thời theo quy định.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

TIN TRONG NƯỚC

Việt Nam tổng hợp thành công hợp chất sản xuất thuốc chữa COVID-19 giá rẻ

 

Lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp thành công hợp chất Nitazoxanide để sản xuất thuốc điều trị COVID-19 từ nguyên liệu giá rẻ.

Một số hình ảnh về quá trình tổng hợp Nitazoxanide tại Viện Hóa học.

Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đã nghiên cứu, tổng hợp thành công hợp chất Nitazoxanide ở quy mô phòng thí nghiệm (pilot) dùng để sản xuất thuốc điều trị COVID-19 ở thể nhẹ và trung bình.

Thành công này thêm một lần nữa góp phần vào nỗ lực chung của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu thuốc, vaccine và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, số người lây nhiễm và tử vong ngày càng cao, ngoài giải pháp vaccine thì việc nghiên cứu tạo ra các thuốc điều trị là vô cùng quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Nghị quyết số 78/NQ/CP ngày 20/07/2021, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao Viện Hóa học và Viện Hóa sinh biển thực hiện nhiệm vụ đột xuất tổng hợp một số thuốc tiềm năng phục vụ điều trị COVID-19.

Ngoài các thuốc Favipiravir (do Viện Hóa học nghiên cứu) và thuốc Molnupiravir (do Viện Hóa sinh biển nghiên cứu) đã được thông báo nghiên cứu tổng hợp thành công trước đây. Mới đây, Viện Hóa học tiếp tục nghiên cứu và thành công trong việc hoàn thiện quy trình tổng hợp chất Nitazoxanide ở quy mô phòng thí nghiệm-pilot.

GS.TS Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện Hóa học cho biết, quy trình tổng hợp Nitazoxanide đạt hiệu suất cao qua chỉ hai bước phản ứng từ nguyên liệu giá rẻ. Đây là loại thuốc generic giá rất rẻ, sử dụng đường uống, an toàn và phù hợp để thực hiện ở điều kiện Việt Nam.

Nitazoxanide có hoạt tính kháng virus phổ rộng diệt được nhiều virus khác nhau. Đặc biệt có hoạt tính chống lại SARS-CoV-2 được nuôi cấy trên tế bào vero cell6 với IC50 2 µM. Ngoài ra, Nitazoxanide có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch, cải thiện phổi và các tổn thương trên nhiều cơ quan của cơ thể nên thuốc có thể được sử dụng hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh đi kèm, đặc biệt là cơn bão cytokine.

GS.TS Nguyễn Văn Tuyến cũng cho biết, Viện Hóa học đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Kassell Việt Nam để chuyển giao công nghệ và đề xuất xin thử nghiệm lâm sàng thuốc Nitazoxanide giá rẻ điều trị các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình tại nhà.

Theo Vtc.vn

 

Sinh viên làm than giàu năng lượng từ bã mía

 

Tận dụng bã mía bỏ đi nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM chế tạo than giàu năng lượng có thể cháy lâu và thải ít CO2.

Chia sẻ về ý tưởng dùng phụ phẩm nông nghiệp làm than sinh học, Nguyễn Đức Tài, trưởng nhóm Biochar House kể, nhiều lần quan sát người nông dân ủ trấu để kho cá hoặc làm bánh tráng, thấy nhiệt độ được duy trì rất lâu. Trên thế giới, các loại than sinh học nguồn gốc tự nhiên đã có hàng nghìn năm cũng hình thành trong các miệng núi lửa cháy âm ỉ trong điều kiện thiếu oxy. Tài đặt câu hỏi, đây có phải một loại nhiên liệu giàu năng lượng? Tìm đọc các tài liệu, Tài nhen nhóm ý tưởng sẽ làm ra một loại than sinh học mang nhiều ưu điểm từ phụ phẩm nông nghiệp.

Tập hợp nhóm nghiên cứu gồm 7 sinh viên đến từ khoa Công nghệ Vật liệu, khoa Môi trường và Tài nguyên thuộc trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia TP HCM, nhóm đề xuất ý tưởng với giáo viên và nhận được sự ủng hộ.

Qua tìm hiểu nhóm nghiên cứu được biết biochar (than sinh học) về mặt hình thức là từ hydrochar (than hydro) giúp giữ lại carbon trong quá trình đốt các sản phẩm gốc thực vật, tạo carbon trung tính (tuần hoàn), giảm carbon phát thải và hiệu ứng nhà kính.

Lý thuyết là thế, nhưng để tạo ra viên than có tính năng tạo nhiệt nhưng thải ít carbon cần tính toán tỷ lệ cấp phối bã mía để sản phẩm giữ nguyên hình dạng sau khi ủ nhiệt không dễ. Nếu viên than có cấu trúc xốp quá lớn thì cơ tính sẽ yếu và ngược lại. Vì vậy bài toán đặt ra tìm công thức cân bằng, sản phẩm vừa chắc lại vừa xốp, có cấu trúc lỗ liên thông để than đạt nhiệt năng tốt nhất.

Sau hơn một năm nghiên cứu, đến cuối năm 2019, nhóm sinh viên hoàn thiện quy trình cấp phối, tạo viên và ủ nhiệt bã mía, có cấu trúc lỗ xốp liên thông tự nhiên với diện tích mỗi lỗ nhỏ hơn 1 micromet. Hiện nhóm đã tạo được sản phẩm than sinh học, viên tạo hình vẫn giữa được cơ tính khi đốt cháy.

Để làm than biochar, nhóm nghiên cứu dùng bã mía (hoặc trấu, xơ dừa...) nghiền nhỏ, phơi nắng để giảm độ ẩm, đưa vào sấy khô. Nguyên liệu sau đó được cấp phối phù hợp với phụ gia nhằm đảm bảo cơ tính để tạo viên và ủ nhiệt carbon hóa, thu được than sinh học. Than sinh học khi ủ nhiệt đã được làm giàu carbon, hydro và nitơ, loại bỏ ẩm, có nhiệt trị cao hơn than nướng BBQ hay than đá.

Theo nhóm nghiên cứu, loại than này giúp lưu giữ và cố định carbon, giảm phát thải carbon, giảm hiệu ứng nhà kính, giúp chống biến đổi khí hậu.

Sinh viên Nguyễn Đức Tài, trưởng nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC

TS Phạm Trung Kiên, Khoa Công nghệ Vật liệu, Đại học Bách khoa TP HCM, giảng viên hướng dẫn cho biết, than sinh học có thể dùng trong các nhà máy, khu công nghiệp cần nhiệt như sấy, máy phát điện, làm nhiên liệu cho các nhà máy xi măng sử dụng để thay thế than nhập khẩu. Ở Việt Nam, bã mía được tận dụng để đốt phát điện lò hơi, các nghiên cứu làm than sinh học tương tự cũng đã có. "Khác biệt của nhóm là sử dụng nguyên liệu này để đốt ủ nhiệt, không phát thải ra môi trường, sản phẩm cuối cùng có phổ ứng dụng rộng", TS Kiên nói.

Dự kiến trong năm 2022, nhóm tiếp tục thử nghiệm các cấp phối ủ nhiệt khác nhau từ các phế phẩm nông nghiệp như xơ dừa, mạt gỗ, trấu... nhằm tăng nhiệt trị của than sinh họa và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu.

Theo Vnexpress

 

Nhà khoa học dùng công nghệ 'ép' lan hồ điệp ra hoa như ý

 

Dự án do PGS.TS. Lê Tất Khương làm chủ nhiệm giúp xây dựng được mô hình nhân giống và thâm canh lan hồ điệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

PGS.TS. Lê Tất Khương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hoa lan hồ điệp ưa khí hậu mát mẻ, nếu nuôi tự nhiên sẽ ra hoa vào tháng 3 hàng năm, hoa nở rải rác không đồng đều, chỉ 35,5% số cây cho hoa nở một lần. Điều này đặt ra bài toán cho các nhà khoa học để có lượng lớn hoa lan hồ điệp cung cấp vào đúng dịp nhu cầu thị trường cao như lễ tết, kiểm soát được thời gian nở của hoa theo ý muốn khiến giá trị của hoa cao hơn.

Nhận thấy thị trường lan quý có thể mang lại giá trị kinh tế, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu nhân giống và hoàn thiện quy trình, ứng dụng công nghệ nuôi trồng lan hồ điệp thương phẩm trong nhà lưới hiện đại. Theo PGS Khương, với trang bị công nghệ hiện đại gồm các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng giúp khắc phục được sự bất thuận của thời tiết, có độ an toàn cao.

Hoa lan hồ điệp chuẩn bị đưa ra khỏi bình để chuyển tới nhà ươm giống. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhân giống trên lan hồ điệp LVR2, LVR4 và Tiểu Kiều Tím và một số giống hoa lan hồ điệp nhập nội từ Đài Loan. Để tạo ra lượng giống lớn, công nghệ nhân giống tối ưu là nuôi cấy mô tế bào. "Phương pháp nuôi cấy mô tế bào có ưu điểm cho ra lượng lớn cây giống sạch bệnh, có độ đồng đều cao, đáp ứng được số lượng, chất lượng giống cho sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao", PGS Khương nói.

Nhóm nghiên cứu thực hiện điều chỉnh nhiệt độ và thời gian để kiểm soát chính xác ngày hoa nở. Mức nhiệt tối ưu được chọn là hạ nhiệt độ ban đêm duy trì 16-18 độ C, ban ngày là 20-24 độ C, trong khoảng 33 ngày, cây có tỷ lệ bật ngồng cao nhất. Sau khi xử lý ra hoa duy trì ở nhiệt độ ổn định mức 22-24 độ C, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Lan hồ điệp ra hoa đều và chất lượng hoa tốt hơn so khoảng thời gian và mức nhiệt khác.

Nhờ công nghệ mới, dự án đã xây dựng mô hình nhân giống hoa lan hồ điệp quy mô 30.000 cây/năm, chiều cao cây đạt từ 4-5cm; cây giống được đưa vào sản xuất cây thương phẩm quy mô 20.000 cây/năm, số lượng hoa/cành đạt được 14 bông trên mỗi cành, tối thiểu là 8 bông. "Việc trồng hoa ở mọi thời vụ trong năm, ra hoa theo ý muốn với chất lượng đồng đều mang hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần", PGS Khương cho biết.

Mô hình liên kết sản xuất và thương mại giống và hoa lan hồ điệp mang lại hiệu quả cao. Trong ba năm, dự án ươm nuôi được 90.000 cây hoa lan hồ điệp giống, sản xuất bán ra thị trường 60.000 lan thương phẩm.

Đây là một phần kết quả của dự án "Hoàn thiện và ứng dụng quy trình sản xuất giống, thâm canh bơ, bưởi, cam, hoa lan hồ điệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô hàng hóa ở một số tỉnh phía Bắc" do Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng chủ trì, thực hiện từ năm 2017 đến tháng 12/2020. Quá trình triển khai, dự án có những đóng góp mới về công nghệ trong đó hoàn thiện kỹ thuật ủ mắt ghép trong quy trình nhân giống bơ, bưởi và cam, quy trình thâm canh nâng cao chất lượng quả bơ, bưởi đồng thời đưa ra các định hướng phát triển cây ăn quả trên vùng gò, đồi, vùng bán sơn địa khu vực miền Bắc. Kết quả nghiên cứu góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Vnexpress

 

TIN QUỐC TẾ

Sản xuất băng vải y tế từ tơ nhện nhân tạo

 

Nhóm nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu thiết kế các loại vải băng bó y tế, phát triển trên cơ sở tơ nhện nhân tạo, có thể theo dõi và thúc đẩy quá trình chữa trị vết thương bề mặt.

Vải dệt thường có độ đàn hồi thấp nên không phù hợp với việc băng bó các vết thương ở những vùng cần cử động như cổ tay, cổ chân và các khớp. Tất cả băng gạc không giúp bác sĩ và bệnh nhân theo dõi sự hồi phục, mặc dù các yếu tố pH và viêm trong chất lỏng tiết ra từ các mô xung quanh vết thương bám vào băng vải thay đổi trong quá trình chữa trị và có thể được sử dụng làm chất chỉ thị để biết được tình trạng phục hồi.

Nhóm nhà khoa học do GS Bing-Fang He tại Đại học Công nghệ Nam Kinh, Trung Quốc đang nghiên cứu thiết kế các loại vải dệt cải tiến, có thể theo dõi và thúc đẩy quá trình phục hồi vết thương.

Vật liệu lý tưởng phải có độ đàn hồi cao, tương hợp sinh học tốt (không gây viêm nhiễm hoặc kích ứng mô sống), cung cấp thông tin về quá trình phục hồi vết thương.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại vải dệt spidroin nhân tạo. Spidroins là protein chính trong tơ nhện, có độ bền cao và linh hoạt, đã được sử dụng trong các lĩnh vực y tế, sinh học và công nghiệp khác nhau như chỉ khâu phẫu thuật.

Để tạo ra spidroin, nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ dung hợp gene. Gene nhện chịu trách nhiệm sản xuất spidroin đã được bổ sung vào vi khuẩn E. coli . Vi khuẩn sản xuất và bài tiết spidroin được thu thập và tinh chế trước khi chuyển thành sợi dệt vải.

Loại vải này được tích hợp các tinh thể quang tử có cấu trúc nano, gây ảnh hưởng đến chuyển động của các photon và có trong những vật liệu óng ánh như opals, vải phản quang và lớp da thay đổi màu sắc của tắc kè hoa. Tích hợp các tinh thể quang tử vào vải khiến cho băng thay đổi màu sắc dựa trên độ pH của dịch thoát ra từ vết thương, có thể được sử dụng để chỉ ra sự hiện diện của nhiễm trùng.

Băng vải sẽ hiển thị các màu khác nhau trong các dung dịch có giá trị pH khác nhau. Nhiễm vi khuẩn có thể được xác định theo giá trị pH của môi trường vết thương, nếu độ pH là 7-9, vi khuẩn đang phát triển mạnh và bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị. 

Sơ đồ sử dụng tơ nhện trong  chế tạo băng vải y tế và da nhân tạo

Tương tự như các dạng tơ nhện khác, loại vải dệt mới này rất bền và có độ đàn hồi cao, thích hợp sử dụng cho các vùng di chuyển và uốn vặn. Vải có khả năng tương thích sinh học cao khi được sử dụng thử nghiệm cho những con chuột bị thương trong phòng thí nghiệm và nhanh chóng phân hủy thành các thành phần không gây nguy hại cho môi trường khi bị thải loại.

Một đặc tính có lợi khác của vải spidroin là kết cấu của vật liệu. Vải chứa các kênh siêu nhỏ, có thể dẫn dịch tiết từ các mô ra khỏi vị trí bị thương, trong khi những loại băng khác thường gây tích tụ dịch tiết ở vùng lân cận vết thương.

Băng vải spidroin bảo vệ vết thương khỏi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài và giảm sự lây nhiễm vi khuẩn. Đồng thời có khả năng thẩm thấu cao, đảm bảo nhu cầu oxy trong quá trình hồi phục vết thương.

Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ mở rộng ứng dụng của protein tơ nhện trọng lượng phân tử cao, phát triển các loại vải dệt spidroin có độ đàn hồi, dẻo dai, tương hợp sinh học, thoáng khí và những ưu điểm khác để sản xuất da nhân tạo.

Theo Báo Khoa học và Đời sống

 

Vật liệu lấp lánh làm từ thực vật thay thế nhựa độc hại

 

Sự sắp xếp các phân tử nhỏ trong xenlulo phản xạ ánh sáng theo những cách cụ thể để tạo ra màu sắc rực rỡ.

Các chất màu lấp lánh thường được tạo ra bằng cách sử dụng các hợp chất độc hại hoặc vi hạt gây ô nhiễm.

Hình ảnh lấp lánh này lấy màu từ thực vật, không phải nhựa.

Một giải pháp thay thế mới, không độc hại, có thể phân hủy sinh học đang được nghiên cứu. Trong vật liệu này, xenlulo - khối cấu tạo chính của thành tế bào thực vật - tạo ra các mô hình kích thước nano làm phát sinh màu sắc rực rỡ.
Các nhà nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Nature Materials, một loại vật liệu như vậy có thể được sử dụng để tạo ra các sắc tố lấp lánh và sáng bóng thân thiện với môi trường cho sơn, mỹ phẩm hoặc bao bì.Nguồn cảm hứng để khai thác xenlulo đến từ loài thực vật châu Phi Pollia condensata, loại cây có những quả màu xanh sáng, óng ánh được gọi là quả mọng cẩm thạch. Các mô hình nhỏ của sợi xenlulo trong thành tế bào của quả mọng phản chiếu các bước sóng ánh sáng cụ thể để tạo ra màu đặc trưng.

Vignolini và các đồng nghiệp đánh bông hỗn hợp nước có chứa sợi xenlulo và đổ lên nhựa. Khi chất lỏng khô thành màng, các sợi hình que lắng xuống thành các cấu trúc xoắn giống như cầu thang xoắn ốc. Các yếu tố điều chỉnh như độ dốc của những bậc thang đó đã thay đổi bước sóng ánh sáng mà sự sắp xếp xenlulo phản chiếu, tạo ra màu sắc lấp lánh.

Các nhà nghiên cứu đã biến chất lỏng có nguồn gốc thực vật trong suốt đó thành những dải ruy băng lấp lánh dài hàng mét với màu sắc cầu vồng. Sau đó, những dải chất lỏng đông cứng này có thể được bóc ra khỏi nền và mài để tạo nên sự lấp lánh.

Vignolini cho biết, có thể sử dụng bất kỳ loại xenlulo nào, từ bột gỗ, từ vỏ trái cây hoặc sợi bông còn sót lại từ quá trình sản xuất dệt may... để tạo màu sắc.
Các nhà nghiên cứu cần phải kiểm tra các tác động môi trường đối với chất liệu lấp lánh mới của họ. Nhưng Vignolini lạc quan rằng các vật liệu sử dụng các thành phần tự nhiên như vậy sẽ có một tương lai tươi sáng.

Theo Báo Khoa học và Đời sống

 

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?

 

Bạn có bao giờ nghĩ rằng Mặt trời thực chất có màu xanh lục? Điều này phần nào là sự thật. Không phải đôi mắt đánh lừa bạn mà Mặt trời cũng mang màu vàng, xanh lam và đỏ.

Mặt trời là sự tổng hợp của nhiều màu sắc mà con người sẽ nhìn thành màu trắng.

Về cơ bản, Mặt trời là sự tổng hợp của nhiều màu sắc mà con người sẽ nhìn thành màu trắng. Nhưng đó là khi bạn ở ngoài khí quyển và nhìn Mặt trời ở những nơi như Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Theo NASA, lý do là ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh mang mọi màu sắc nhìn thấy được, từ đỏ đến xanh lam. Vậy nếu thực chất Mặt trời có đủ màu và bạn sẽ chỉ thấy màu trắng, tại sao có thể nói Mặt trời màu xanh lục?

Nguyên nhân là trong ánh sáng nó phát ra phần màu xanh lục của quang phổ là mạnh nhất, cụ thể hơn là phần gần mới màu xanh lam. Do đó, nếu xét ánh sáng mạnh nhất, bạn có thể nói Mặt trời là một ngôi sao xanh.

Theo Báo Khoa học và Đời sống


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1216
Đã truy cập: 1863930