Bản tin Khoa học và Công nghệ số 48 năm 2021

23/12/2021 09:34

TIN TRONG TỈNH

Hội thảo Phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học- giải pháp cho phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh

Ngày 18/12/2021, tại TP Hạ Long, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê –Sở KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học –giải pháp cho phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.” Tham gia Hội thảo có đại diện các Sở, ngành, địa phương, các trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Sở KH&CN.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS Văn Đình Sơn Thọ -Viện Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội đã giới thiệu 5 chuyên đề: tổng quan về năng lượng sinh học, định hướng phát triển năng lượng sinh học tại Quảng Ninh, nhận dạng các vấn đề năng lượng sinh học trên địa bàn Quảng Ninh và giải pháp sử dụng năng lượng sinh học cho phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.

Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Điểm cầu 1 tại TP Hạ Long kết nối trực tiếp với các điểm cầu khác của các đại biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Điểm cầu 2 của chuyên gia tại Hà Nội. Đại biểu tham dự hội thảo qua ứng dụng Zoom.

Quảng Ninh là tỉnh có nhu cầu cao về tiêu thụ năng lượng cho ngành công nghiệp. Các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn bắt đầu quan tâm đến nhiên liệu thay thế do tính cạnh tranh về sản phẩm. Kết hợp xử lý rác thải và sản xuất nhiên liệu thay thế để cung ứng cho nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Qua hội thảo, các đại biểu đã được trao đổi trực tiếp với chuyên gia để giải đáp những vấn đề thắc mắc, tồn tại và định hướng trong việc sử dụng nhiên liệu sinh học tại địa phương.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

Công ty cổ phần công nghệ sinh học An Sơn trở thành doanh nghiệp KH&CN thứ 23 của tỉnh

Vừa qua, Công ty cổ phần công nghệ sinh học An Sơn đã vinh dự được Sở KH&CN trao Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN vào ngày KH&CN Việt Nam 02/12/2021, trở thành doanh nghiệp KH&CN thứ 23 của tỉnh Quảng Ninh.

Công ty cổ phần công nghệ sinh học An Sơn tiếp nhận công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý chất thải Sagi Bio từ Công ty TNHH Xây dựng và Công nghệ Môi trường Sagi.

Các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của nhiệm vụ gồm 04 sản phẩm: Chế phẩm sinh học Sagi Bio (dạng bột); Chế phẩm sinh học Sagi Bio (dạng dịch); Chế phẩm sinh học Sagi Bio 1 (dạng bột); Chế phẩm sinh học Sagi Bio 1 (dạng dịch). Các sản phẩm trên đã được Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam số 28/LH-CPSHMT và 29/LH-CPSHMT ngày 08/8/2013.

Sau một thời gian đồng hành, hỗ trợ Công ty hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, đảm bảo theo yêu cầu của doanh nghiệp KH&CN. Căn cứ vào Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, sau khi thẩm định hồ sơ của Công ty TNHH sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh theo đúng qui trình, Công ty đã đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Với những nỗ lực của Công ty trong việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và điều kiện thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công tyvà góp phần bảo vệ môi trường, Công ty xứng đáng được đứng trong hàng ngũ các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng chính là động lực và là điều kiện thuận lợi để Công ty phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

Sở KH&CN sẽ tổ chức Tổng kết công tác năm và tổ chức Hội nghị CCVC -NLĐ năm 2022

Ngày 14-12, Sở KH&CN ban hành Kế hoạch số 72/KH-SKHCN về việc Tổng kết công tác năm và tổ chức Hội nghị CCVC-NLĐ năm 2022.

Mục đích của Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chương trình công tác, Nghị quyết Hội nghị công chức, viên chức, người lao động (CCVC-NLĐ); Công tác thi đua, khen thưởng; Tổng kết công tác hoạt động Công đoàn năm 2021 và tổ chức Hội nghị công chức, viên chức, người lao động năm 2022.

Trong đó, Sở KH&CN yêu cầu thực hiện đúng quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phát huy quyền làm chủ tập thể của công chức, viên chức, lao động cơ quan.

Hoạt động tổng kết công tác năm 2021 và Hôi nghị công chức, viên chức, người lao động năm 2022 sẽ tổ chức chung, gồm: tổng kết công tác chuyên môn; đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác; tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; hoạt động Công đoàn.

Hội nghị sẽ được diễn ra vào ½ ngày 28/12/2021 tại Hội trường Chi cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất Lượng.

Các nội dung cụ thể được nêu rõ trong văn bản kèm theo.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

TIN TRONG NƯỚC

Việt Nam chế tạo cảm biến phát hiện bất thường ở thai nhi

 

Các nhà khoa học chế tạo thành công cảm biến có thể xác định được hàm lượng β-hCG trong mẫu máu, hoặc nước tiểu phụ nữ mang thai để phát hiện bất thường ở thai nhi.

Cảm biến được TS Đặng Thị Mỹ Dung, Viện Công nghệ nano (INT), Đại học Quốc gia TP HCM cùng nhóm nghiên cứu phát triển. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công cảm biến sinh học vi lưu trên đế giấy bằng phương pháp in phun nhằm xác định hàm lượng β-hCG cho phụ nữ mang thai qua mẫu máu hoặc nước tiểu.

Phương pháp này có thể thực hiện tại nhà hoặc ở các trạm y tế quy mô nhỏ thiếu các trang thiết bị xét nghiệm chuyên dụng. Sau 15 phút, cảm biến cho kết quả, có thể đánh giá được tình trạng sức khoẻ của phụ nữ mang thai.

Nhóm nghiên cứu cảm biến sinh học vi lưu trên đế giấy bằng phương pháp in phun nhằm xác định hàm lượng β-hCG cho phụ nữ mang thai. Ảnh: NVCC

Ở thai kỳ bình thường, β-hCG có thể được phát hiện trong huyết thanh hoặc nước tiểu của phụ nữ vào khoảng 8-9 ngày sau khi phóng noãn và chỉ một ngày sau khi phôi làm tổ. Trước sáu tuần, nồng độ hCG tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày, và vào tuần thứ 8-10 của thai kỳ, có thể đạt hơn 100.000 mIU/mL. Sau đó, nồng độ hCG sẽ giảm dần và xuống thấp nhất tại tuần 16-20 và tiếp tục giữ ổn định ở mức này đến cuối thai kỳ. Theo dõi diễn biến nồng độ hCG có thể giúp dự đoán tình trạng thai và các bệnh lý của thai kỳ.

Theo TS Đặng Thị Mỹ Dung hiện nay, phương pháp xác định nhanh phụ nữ mang thai phổ biến nhất là sử dụng que thử thai. Nhưng phương pháp này chỉ có khả năng xét nghiệm định tính β-hCG (có hay không có β-hCG) trong nước tiểu. Việc định lượng β-hCG trong huyết thanh và nước tiểu thường được thực hiện bằng các kit định lượng thương mại hoặc được xác định bằng thiết bị xét nghiệm miễn dịch tự động tại bệnh viện, phòng xét nghiệm y khoa có máy móc, trang thiết bị xét nghiệm chuyên dụng. Chưa có thiết bị tự thực hiện tại nhà.

Cấu tạo của cảm biến sinh học mà nhóm nghiên cứu cũng bao gồm những thành phần như ở các que thử phát hiện β-hCG thương mại với cơ chế là ứng dụng quy trình xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme (Enzyme-linked immunosorbent assay) dạng Sandwich – Sandwich ELISA lên màng nitrocellulose.

Cách sử dụng cảm biến khá đơn giản: Lấy 0,1ml nước tiểu của phụ nữ mang thai, nhúng phần đệm chứa mẫu (sample pad) của cảm biến vào mẫu nước tiểu, để mẫu chảy trong lòng kênh dẫn trong năm phút. Nhấc cảm biến ra khỏi mẫu, để cảm biến lên mặt phẳng ngang trong một phút. Nhỏ 0,04 ml dung dịch đệm chạy (running buffer được cung cấp kèm theo cảm biến) lên phần chân đệm liên hợp của cảm biến và để dung dịch chảy trong lòng kênh dẫn trong 7-9 phút.

Khi cảm biến xuất hiện hai vạch màu đỏ thì chứng tỏ trong mẫu nước tiểu có chứa β-hCG. Để định lượng β-hCG trong nước tiểu thì chụp ảnh vạch thử nghiệm sau khi xuất hiện màu bằng máy ảnh trong phòng tối, phân tích tín hiệu màu bằng phần mềm ImageJ và tính toán nồng độ β-hCG có trong mẫu từ đường chuẩn tín hiệu màu.

Các xét nghiệm này có thể thực hiện nhanh ngay tại hiện trường (trạm y tế, hộ gia đình, phòng khám) với một vài dụng cụ đơn giản. Tổng thời gian phân tích trong khoảng 15 phút, có thể xác định được hàm lượng β-hCG trong mẫu với sai số nhỏ hơn 10%.

Theo nhóm nghiên cứu, sản phẩm hoàn toàn có khả năng thương mại hóa do thao tác đơn giản, thời gian đáp ứng nhanh, dễ dàng thực hiện, không cần dùng thiết bị chuyên dụng. Trong tương lai, nhóm sẽ ứng dụng các kỹ thuật này để chế tạo một cảm biến định lượng nhanh các chất mục tiêu với độ nhạy cao, ngưỡng phát hiện thấp... Có thể ứng dụng trong y học, nông nghiệp, thực phẩm như phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, các chất cấm trong sản phẩm thực phẩm, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus hoặc các protein chỉ thị...

Theo Vnexpress

 

Các nhà khoa học nữ ĐH Bách khoa Hà Nội: Lan tỏa tình yêu công nghệ qua các bài giảng đại chúng

 

Từ tháng 12/2021, các nhà khoa học nữ của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu khởi động chuỗi bài giảng đại chúng mang tên “Khoa học - Công nghệ và Đời sống”.

Chuỗi bài giảng được thực hiện trong 6 số, mỗi số phát sóng trực tiếp mỗi tháng một lần trên nền tảng MS team và Facebook dành cho khán giả trong và ngoài trường.

Poster bài giảng đại chúng do các nhà khoa học nữ đảm nhận | Ảnh: HUST

Số đầu tiên diễn ra vào sáng thứ Bảy, ngày 18/12, có chủ đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, dự báo ô nhiễm không khí, với phần trình bày của TS. Lý Bích Thuỷ (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường INEST) và TS. Nguyễn Phi Lê (Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông SoICT).

Tiếp đó, hằng tháng, các chủ đề sẽ lần lượt được triển khai dựa trên các ngành thế mạnh của trường, bao gồm ứng dụng thị giác máy tính trong hỗ trợ các nhóm yếu thế; hóa học và thiên nhiên; thời trang, giày da, may mặc và cuộc sống; robot thông minh; vật lý hạt nhân …

Đặc biệt, chuỗi bài giảng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội do các nhà khoa học nữ đảm nhận.

Theo Báo Khoa học và Phát triển

 

Trao giải thưởng Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh công nghệ tiêu biểu

 

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2021.

Năm nay, giải thưởng ưu tiên tìm kiếm các ngành thuộc danh mục những lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên của quốc gia đến năm 2030 nhằm góp phần định hướng, thúc đẩy thế hệ trẻ nghiên cứu, ứng dụng và khởi nghiệp theo chiến lược phát triển đất nước, tích cực chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Sau gần 3 tháng phát động, đã có 66 hồ sơ đề cử của 27 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước và các đại sứ quán Việt Nam, Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài gửi tham gia Giải thưởng năm 2021.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết, so những năm trước, số lượng hồ sơ tham gia đã tăng lên, nhất là khu vực ứng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài, đến từ nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu uy tín tại Hàn Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản và Bỉ.

Ngoài thành tích học tập nổi trội, nhiều nữ sinh tham gia xét tặng Phần thưởng năm nay từng có bài đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tế cao; giành giải cao các cuộc thi khởi nghiệp, lập trình trong nước và quốc tế; là “sinh viên 5 tốt”, thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác…

Những nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhận phần thưởng năm 2021. 

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2021 tặng 10 tài năng trẻ thuộc 5 lĩnh vực công nghệ: thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa, y-dược, sinh học, môi trường, vật liệu mới. Đồng thời, trao phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2021 tặng 20 cá  nhân thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí.

Theo Báo nhandan.vn

TIN QUỐC TẾ

Trí tuệ nhân tạo có thể dự báo bệnh mất trí nhớ sớm hơn 2 năm

 

Một nghiên cứu mới cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự báo một người sẽ mất trí sớm hơn 2 năm. Các nhà nghiên cứu hy vọng công nghệ này sẽ giúp làm giảm chẩn đoán sai và giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng bệnh sớm hơn.

Cụ ông Nhật Bản nắm tay vợ, người được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ ở Kawasaki, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Theo đài RT (Nga), các nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter (Anh) đã thu thập dữ liệu từ trên 15.000 bệnh nhân trong phòng khám bệnh về trí nhớ ở Mỹ. Sau đó, họ sử dụng thông tin này để "huấn luyện" các thuật toán học máy giúp chúng phát hiện các mẫu bệnh trong số đó. Sau khi phân tích dữ liệu này, AI có thể phát hiện người nào sẽ phát triển chứng mất trí trong vòng hai năm tới với độ chính xác lên đến 92%. Nghiên cứu này được các nhà khoa học công bố hôm thứ 16/12.

Khoảng 258 biến số đã được phân tích để xác định nguy cơ sa sút trí tuệ của từng bệnh nhân. Thuật toán học máy có thể đạt đến mức độ chính xác 91% chỉ với 6 trong các biến số này.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 8% bệnh nhân đã bị chẩn đoán nhầm chứng sa sút trí tuệ. Hệ thống AI tìm thấy 80% các chẩn đoán nhầm này.

Hiện tại, các bác sĩ có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ để dự báo nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ của bệnh nhân trong một thời gian dài hơn, chẳng hạn điểm nguy cơ CAIDE - dự đoán nguy cơ mất trí nhớ trong 20 năm ở người trung niên; và điểm BDSI - xác định những bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ bị sa sút trí tuệ trong 6 năm tới. Tuy nhiên, chưa có biện pháp hỗ trợ nào được phát triển để dự đoán sự khởi phát của tình trạng bệnh trong một thời gian ngắn như vậy.

Bệnh nhân thường đến khám tại các phòng khám trí nhớ khi bị suy giảm nhận thức nhẹ, sau đó bệnh sẽ tiến triển thành sa sút trí tuệ. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng bằng cách sàng lọc những người có nhiều nguy cơ phát triển tình trạng bệnh này, họ có thể giúp các bác sĩ sớm hỗ trợ những người cần được chăm sóc theo dõi.

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ được sử dụng chung cho hàng loạt các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Trong đó, bệnh Alzheimer là bệnh phổ biến nhất. Theo Alzheimer’s Disease International, có trên 55 triệu người trên toàn thế giới sống chung với chứng sa sút trí tuệ vào năm 2020. Con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi, đạt 78 triệu người vào năm 2030 và 139 triệu người vào năm 2050, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng trên toàn thế giới.

Theo baotintuc.vn

 

Lớp phủ mái nhà thông minh giúp điều hòa nhiệt độ

 

Nhóm kỹ sư đến từ phòng thí nghiệm Berkeley phát triển lớp phủ mái nhà có thể khiến tòa nhà trở nên ấm hơn hoặc mát hơn tùy theo thời tiết.

Mẫu vật lớp phủ TARC. Ảnh: Thor Swift/Phòng thí nghiệm Berkeley

Khi trời nóng, vật liệu phản xạ ánh sáng Mặt Trời và nhiệt độ. Tuy nhiên, tính năng làm mát thông qua phản xạ này tự động ngừng vào mùa đông. Nhờ đó, vật liệu mới giúp giảm mức năng lượng cần dùng để sưởi ấm và làm mát.

Hệ thống làm mát qua phản xạ hoạt động bằng cách hút bức xạ nhiệt ra khỏi tòa nhà và phát tán vào không trung. Do những bước sóng này có thể truyền qua khí quyển, nhiệt lượng sẽ tản vào không gian ngay lập tức. Các phiên bản khác sử dụng bề mặt phản xạ như sơn siêu trắng để phân tán ánh sáng Mặt Trời và nhiệt lượng, giúp tòa nhà mát hơn. Tuy những hệ thống như vậy hoạt động tốt trong việc làm mát nhà vào mùa hè, chúng cũng khiến ngôi nhà lạnh hơn vào mùa đông.

Trong nghiên cứu mới công bố hôm 16/12 trên tạp chí Science, nhóm kỹ sư ở Phòng thí nghiệm Berkeley phát triển lớp phủ tự động chuyển sang giữ nhiệt khi nhiệt độ giảm. Họ gọi vật liệu này là lớp phủ phản xạ tùy chỉnh theo nhiệt độ (TARC). Chìa khóa của công nghệ này là hợp chất kỳ lạ mang tên vanadium dioxide (VO2). Năm 2017, nhóm nghiên cứu phát hiện đặc điểm khác thường của VO2. Khi đạt 67 độ C, vật liệu sẽ dẫn điện nhưng không truyền nhiệt, trái với quy luật vật lý đã biết.

Ý tưởng của nhóm nghiên cứu là khi thời tiết ấm lên, vật liệu sẽ hấp thụ và phản xạ ánh sáng. Nhưng khi thời tiết lạnh, vật liệu sẽ cho phép nhiệt truyền thẳng từ Mặt Trời tới tòa nhà. Các nhà nghiên cứu thử nghiệm với các tấm TARC mỏng cỡ hai centimet vuông, sau đó so sánh với mẫu vật liệu mái màu sẫm và trắng. Họ dùng thiết bị không dây để đo thay đổi ở ánh sáng trực tiếp và nhiệt độ.

TARC hoạt động tốt ngoài dự kiến. Theo kết quả đo, TARC phản xạ khoảng 75% ánh sáng Mặt Trời bất kể thời tiết, nhưng khi nhiệt độ xung quanh trên 30 độ C, vật liệu tản bớt 90% nhiệt lượng vào không trung. Nếu thời tiết lạnh dưới 15 độ C, TARC chỉ tản bớt khoảng 20% nhiệt lượng. Sử dụng dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu mô phỏng cách TARC hoạt động quanh năm ở 15 vùng khí hậu khác nhau trên khắp nước Mỹ và ước tính một hộ gia đình ở Mỹ có thể tiết kiệm trung bình khoảng 10% tiền điện nhờ sử dụng TARC.

Nhóm nghiên cứu cho biết, TARC có thể điều chỉnh để dùng như vật liệu điều hòa nhiệt độ trên xe hơi, thiết bị điện tử, vệ tinh, thậm chí vải may lều hoặc quần áo. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành thí nghiệm sử dụng nguyên mẫu TARC lớn hơn để kiểm tra tính thực tiễn khi dùng vật liệu làm lớp phủ mái nhà.

Theo vnexpress.net

 

Biến CO2 thành nhiên liệu lỏng

 

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tạo ra một chất xúc tác mới giúp chuyển đổi carbon dioxide thành axit formic có độ tinh khiết cao.

Hầu hết nhu cầu năng lượng của thế giới hiện nay vẫn được đáp ứng bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch, điều này góp phần gây hiệu ứng nhà kính thúc đẩy biến đổi khí hậu. Để giảm sự nóng lên toàn cầu, chúng ta phải tìm cách giảm CO2 trong khí quyển.

Một giải pháp là biến CO2 thành hóa chất thông qua quá trình điện phân dựa vào các nguồn năng lượng sạch như gió, nước và năng lượng mặt trời. Đây là một công nghệ mới nổi, được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh axit formic (HCOOH) - nhiên liệu lỏng có giá trị cao, quá trình này cũng tạo ra nhiều hóa chất khác như ethanol, carbon monoxide và ethylene. Việc chiết xuất và làm sạch một số chất lỏng nhất định từ dung dịch điện phân tốn quá nhiều chi phí.

Axit formic là nhiên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp như hóa chất, dệt may và khai thác dầu khí. Ảnh: Science Madness

Để giải quyết vấn đề trên, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một chất xúc tác đơn nguyên tử gốc đồng có chi phí thấp hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn, giúp chuyển hóa CO2 thành axit formic có độ tinh khiết cao.

Bên cạnh đó, dựa trên chất điện phân rắn, nhóm nghiên cứu còn chế tạo thành công một thiết bị điện phân có thể sản xuất nhiên liệu lỏng axit formic tinh khiết mà không cần phân tách, bằng cách sử dụng CO2 và nước, kết hợp với chất xúc tác đơn nguyên tử gốc đồng mới.

Thành tựu này hứa hẹn sẽ làm giảm đáng kể chi phí phân tách trong điện phân CO2 và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa chuyển đổi CO2 thành năng lượng xanh, điều này có ý nghĩa to lớn trong nỗ lực đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060 của Trung Quốc.

Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí học thuật Nature Nanotechnology.

Theo Vnexpress

 


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 124
Đã truy cập: 1853321