TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ CHÀO MỪNG KỶ NIỆM NGÀY KH&CN VIỆT NAM NĂM 2022

16/05/2022 10:24

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế

 

1.Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế

Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Có thể nói, cuộc chạy đua phát triển kinh tế trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc chạy đua về KH&CN. Là người có tầm nhìn chiến lược, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế. Tư tưởng này của Người được thể hiện ở một số luận điểm cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, KH&CN là nhân tố quyết định phát triển kinh tế.

Luận điểm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bài viết “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên Báo L'Humanité, ngày 02/8/1919. Theo Người, phát triển KH&CN quyết định khả năng cạnh tranh về kinh tế: “Là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau. Nhưng người Nhật, nhờ ở chính phủ khôn khéo của họ, có các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt để tiến hành đấu tranh kinh tế; trong khi đó thì người An Nam - chúng tôi đã nói vì sao - lại hoàn toàn là con số không, xét về mặt tiến bộ hiện đại”. Qua đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy sự tương phản trong lĩnh vực kinh tế giữa dân tộc Nhật Bản với dân tộc An Nam, người Nhật với các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt, mà thực chất là đã thực hiện công nghiệp hóa; du nhập và học hỏi từ phương Tây về khoa học - kỹ thuật hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh về kinh tế, chiếm lợi thế tuyệt đối trong so sánh kinh tế. Bài viết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể được xem là mốc đánh dấu sự hình thành tư tưởng của Người về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế.

Về sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ tính quyết định của KH&CN đối với phát triển kinh tế nói riêng và thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo ngày 12/7/1946: “Có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa có thể cộng sản hóa được trước một thời hạn là 50 năm không?”, Người nói: “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp giành được những thắng lợi lớn, hậu phương mở rộng, nhiệm vụ hàng đầu là phải sản xuất ra nhiều của cải và hàng tiêu dùng thiết yếu. Để phát triển sản xuất, có nhiều của cải thì vai trò của công nghệ là đặc biệt quan trọng. Trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” tại buổi nói chuyện vào năm 1952 nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn một số ý kiến của Lênin và Stalin, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ đối với phát triển kinh tế để nhắc nhở các ngành, các cấp thực hiện. Người khẳng định: “Chỉ có liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không rời xa sức tiết kiệm và ăn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta - thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó, là lãnh đạo và cải tạo kinh tế quốc dân”.

Thứ hai, KH&CN là căn cứ để xây dựng đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ngăn ngừa khuynh hướng chủ quan nóng vội, gò ép phát triển kinh tế bất chấp cơ sở khoa học, bất chấp quy luật khách quan. Trong bài: “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” đăng trên Báo Nhân dân số 2563 ra ngày 27/3/1961, Người viết: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho những điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”.

Như vậy, Người đã xác định rõ việc hoạch định đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế phải dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, tuyệt đối tránh chủ quan, giáo điều, xa rời thực tế. Đây vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để các chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận.

Thứ ba, KH&CN phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất.

Gắn kết chặt chẽ KH&CN với sản xuất được coi là nền tảng tạo nên những kì diệu trong phát triển kinh tế với sự xuất hiện của các sản phẩm mới, những ngành nghề mới và cả nền kinh tế mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, KH&CN phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất, là một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất và hướng vào giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của đất nước.

Người cho rằng, khoa học phải từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ phát động cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” (ngày 07/3/1963), Người nói: “Chúng ta cần phải tập trung lực lượng làm cho nước ta sản xuất ngày càng nhiều lương thực; trồng càng nhiều cây công nghiệp; chăn nuôi càng nhiều trâu, bò, lợn, gà,… Muốn có kết quả đó thì nhất định phải cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật”. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, KH&CN gắn kết chặt chẽ với sản xuất nghĩa là KH&CN phải góp phần thực hiện khẩu hiệu “Sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Trong bài viết “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” đăng trên Báo Nhân dân số 2187 ra ngày 14/3/1960, Người chỉ rõ: “Có cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động, mới có thể sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nếu chỉ dựa vào sự quen tay hoặc nếu chỉ dồn thêm sức ra, kết quả thường là được mặt này mất mặt khác, được nhanh lại không tốt, được tốt lại không nhanh, không rẻ… mà mặt nào cũng bị hạn chế”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia công tác KH&CN không phải là việc của riêng ai mà của tất cả mọi người, mọi ngành nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

KH&CN cần phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất, nhất là ở những nước nghèo, để phục vụ sản xuất phát triển; đồng thời sản xuất cũng là động lực thúc đẩy KH&CN phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta, việc xây dựng tiềm lực KH&CN hướng tới hiện đại, làm cho sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản, xóa đói giảm nghèo. 

Thứ tư, tích cực tiếp thu các thành tựu mới nhất về KH&CN của thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm coi KH&CN là tài sản chung của nhân loại. Tại buổi nói chuyện với sinh viên đại học chào mừng Tổng thống Indonesia Sukarno (ngày 26/6/1959), Người cho rằng mỗi người, mỗi dân tộc đều có thể “hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại”. Là tài sản chung, KH&CN mở ra cơ hội để mọi người, mọi dân tộc xích lại gần nhau, thi đua phát triển kinh tế với nhau. Trong bức thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ, đề ngày 01/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ nguyện vọng được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, nhưng chủ yếu là để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tiếp thu các thành tựu mới nhất về KH&CN (rộng hơn là hợp tác quốc tế về KH&CN) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ giới hạn trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà còn ở tất cả các nước dân chủ khác trên thế giới, điều này đã từng được Người khẳng định trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” vào tháng 12/1946.

2.Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạch định chính sách KH&CN hiện nay

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển KH&CN, coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong công tác KH&CN thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định: “Trong điều kiện thế giới đang tiến nhanh vào giai đoạn mới của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và qua tình hình thực tế của nước ta, càng thấy rõ sự bức bách phải làm cho khoa học, kỹ thuật thật sự trở thành một động lực to lớn đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vị trí then chốt của cách mạng khoa học - kỹ thuật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải được thể hiện trong cuộc sống”.

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị về KH&CN trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta chỉ rõ: “KH&CN không chỉ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là động lực quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước”. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ của KH&CN trong sự nghiệp đổi mới là “Tập trung phục vụ cho sự phát triển nhanh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến”.

Đại hội lần thứ VIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, định hướng phát triển trong lĩnh vực KH&CN được Đảng ta xác định: “KH&CN là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại; tranh thủ đi nhanh vào hiện đại ở những khâu quyết định”.

Cụ thể hóa các quan điểm của Đại hội VIII, ngày 24/12/1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HNTW “Về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”, khẳng định vai trò động lực của KH&CN đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 02 đặt ra yêu cầu phải sớm có Luật KH&CN để thể chế hóa mọi mặt hoạt động KH&CN, phải nhanh chóng đổi mới cơ chế quản lý khoa học, bước đầu dành tối thiểu 2% chi ngân sách cho KH&CN. Năm 2000, Quốc hội đã ban hành Luật KH&CN, trong đó quy định rõ hoạt động KH&CN có mục tiêu xây dựng nền KH&CN tiên tiến, hiện đại để phát triển lực lượng sản xuất; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội,…

Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng xác định phát triển KH&CN cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đồng thời tái khẳng định phát triển KH&CN là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động KH&CN có nhiệm vụ “hướng vào việc nâng cao năng suất lao động, đổi mới sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, xây dựng năng lực công nghệ quốc gia, ứng dụng một cách sáng tạo những công nghệ nhập khẩu, từng bước tạo ra công nghệ mới”.

Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo cùng với KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu đến năm 2010 là “năng lực KH&CN nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực quan trọng”.

Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng nhấn mạnh “phát triển mạnh KH&CN làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế tri thức; góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng tỉ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng”(14). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã vạch rõ định hướng lớn về phát triển KH&CN trong thời kỳ mới là: “KH&CN giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển KH&CN nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”.

Tháng 10/2012, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết số 20 đề ra mục tiêu tổng quát là: “Phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”. Về các mục tiêu cụ thể, liên quan đến vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế, Nghị quyết số 20 đã chỉ rõ: “Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động KH&CN đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Xây dựng được một số sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%/năm; giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình khoảng 15%/năm”.

Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về phát triển KH&CN trong thời kỳ mới, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN…” (Điều 62). Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật KH&CN năm 2013 quy định hoạt động KH&CN có nhiệm vụ: “Xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội,...” (Điều 4); hoạt động KH&CN phải tuân theo nguyên tắc “xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội,...” (Điều 5); Nhà nước “ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội” (Điều 6).

Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế đất nước: “Phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…”. Nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai”.

Như vậy, các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về KH&CN trong thời kỳ đổi mới đều hướng tới mục tiêu chính phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là đúng đắn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

TRUNG TÂM ỨNG DỤNG VÀ THỐNG KÊ KH&CN (Sưu tầm, biên tập)

 


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 96
Đã truy cập: 2135565