Bản tin Khoa học và Phát triển số 03 năm 2022

15/09/2022 16:27

Trong số này:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Sự hiện diện của công nghệ trong đời sống KT- XH tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng kho dữ liệu dùng chung, phục vụ yêu cầu về chuyển đổi số

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Doanh nghiệp chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh

Điểm sáng áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001:2015 vào công cuộc chuyển đổi số và cải cách hành chính

Thành phố Hạ Long áp dụng triển khai HTQLCL theo TCVN 9001-2015 trên phần mềm ISO điện tử hướng tới chuyển đổi số toàn diện

Bình Liêu triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số toàn diện

 PHỔ BIẾN KIẾN THỨC

Chuyên gia thần kinh học tiết lộ bí quyết thoát khỏi căng thẳng tinh thần

Vi nhựa tấn công vào sữa và thịt

 

TIN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Quảng Ninh triển khai 388 nhiệm vụ KH&CN trong 10 năm

 Quảng Ninh phát triển được 23 doanh nghiệp KH&CN

 2 chủ doanh nghiệp của Quảng Ninh đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Sự hiện diện của công nghệ trong đời sống KT-XH tỉnh Quảng Ninh

2 năm trở lại đây, khi công cuộc chuyển đổi số của Quảng Ninh bước vào giai đoạn tăng tốc thì sự hiện diện của công nghệ đã bắt đầu rõ nét hơn trong từng ngành, lĩnh vực, đời sống KT-XH. Đây chính là bước đệm vững chắc để tỉnh tạo ra những đột phá mới, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành Trung tâm điều hành TP thông minh của Móng Cái.

 Lan toả chuyển đổi số

Dấu ấn rõ nét nhất về chuyển đổi số của Quảng Ninh phải kể đến lĩnh vực cải cách hành chính. Nhờ những nỗ lực này, tỉnh đang trở thành địa bàn thông thoáng, hấp dẫn, lựa chọn tin cậy đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đến nay, Quảng Ninh đã kết nối chính thức hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Dịch vụ xác nhận định danh cá nhân và căn cước công dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình; dịch vụ chia sẻ thông tin. 

Tỉnh đang chỉ đạo địa phương rà soát thực hiện chuẩn hóa, tái cơ cấu quy trình, đơn giản hóa TTHC theo hướng không yêu cầu công dân phải khai báo lại thông tin đã khai báo. Từ đầu tháng 6/2022, Quảng Ninh đã đưa vào thử nghiệm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với ngành tư pháp, LĐ-TB&XH, GD&ĐT, y tế, TT&TT.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 9.327 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 200.331/278.238 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, đạt 71,9%. Tỉnh đã kết nối 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài cải cách hành chính, du lịch cũng là một trong những khu vực có sự chuyển biến về chuyển đổi số. Điển hình là việc BQL Vịnh Hạ Long xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử. Với tiện ích này, các thông tin về du khách sẽ được số hóa và lưu trữ bảo mật, thuận lợi cho công tác quản lý, tra cứu, xử lý tình huống phát sinh một cách nhanh chóng. 

Việc thanh toán không dùng tiền mặt mà áp dụng các hệ thống thanh toán điện tử, quét mã QR cũng được ngành du lịch Quảng Ninh bắt đầu thí điểm từ tháng 6 vừa qua đã và đang tạo thuận lợi cho du khách, cũng như hình thành thói quen sử dụng công nghệ của các chủ kinh doanh dịch vụ. Sắp tới, ngành du lịch Quảng Ninh cũng đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... vào phục vụ du khách. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D… nhằm mang đến những trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc chuyển đổi số cũng đã có những tiến triển nhất định khi nhiều công nghệ tự động được áp dụng vào các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ phục vụ truy xuất hàng hóa, đa dạng kênh thông tin bán hàng đã được nhiều nông dân, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị mặt hàng, năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững. 

Nỗ lực vì những đích đến cao hơn

Trước yêu cầu của chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, Quảng Ninh xác định rõ và đang đi đúng lộ trình đã vạch ra để phát triển toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030 đạt 30% GRDP của tỉnh. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Trên cơ sở quyết tâm đó, Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, tỉnh và các bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động KT-XH; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

Trước mắt, trong năm 2022, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu như: Y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, GT-VT và logistics, cửa khẩu số. Cùng với đó, quyết tâm thực hiện mục tiêu 100% TTHC ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các KCN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số và kinh tế số chiếm ít nhất 30% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hồng Ngọc

 

Quảng Ninh xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng kho dữ liệu dùng chung, phục vụ yêu cầu về chuyển đổi số

 

Để mục tiêu chuyển đổi số được triển khai thành công, bên cạnh các yếu tố về nhân lực, hạ tầng cơ sở, thì dữ liệu cũng là một trong những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Hiện Quảng Ninh cũng đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng kho dữ liệu dùng chung, phục vụ yêu cầu về chuyển đổi số.

Cơ sở dữ liệu là một tập hợp các dữ liệu có tổ chức, thường được lưu trữ và truy cập điện tử từ hệ thống máy tính. Cơ sở dữ liệu chính là “trái tim” của chuyển đổi số. Chính phủ hay chính quyền số đều lấy cơ sở dữ liệu làm trung tâm. Vì thiếu cơ sở dữ liệu, các hoạt động của chuyển đổi số đều không có giá trị, không thể phát triển; các ứng dụng, dịch vụ, nền tảng số sẽ “đóng băng” hoặc không được sinh ra. 

Nhận thức rõ điều này, song song với việc thực hiện các mục tiêu của chuyển đổi số, Quảng Ninh cũng quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số. Hiện, tỉnh cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu để xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, có việc hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung của tỉnh theo dạng dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp, có tích hợp hệ thống báo cáo thống kê, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

Các sở, ngành của tỉnh cũng đang triển khai một số dự án đảm bảo nền tảng hạ tầng triển khai chuyển đổi số như: Dự án xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về đất đai; dự án nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; nâng cao năng lực phục vụ phần mềm quản lý văn bản và thay mới hệ thống sao lực dữ liệu; số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, việc triển khai kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở cũng đang được Sở TT&TT tỉnh nghiên cứu, áp dụng. Trong thời gian tới, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu thì việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, chính xác. Hiện, một số đơn vị, địa phương như: Ban quản lý Khu kinh tế, IPA, Hải quan, huyện Cô Tô… đã chủ động số hóa hồ sơ, tài liệu, văn bản để khai thác sử dụng và sẵn sàng cung cấp cho kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

 Cũng từ tháng 5/2022, hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đã chính thức kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác được 3 dịch vụ, được bộ Công an cung cấp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đã và đang kết nối, liên thông với 6 hệ thống cơ sở dữ liệu các bộ, ngành.

Trong việc xây dựng và ứng dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, từ năm 2022, Quảng Ninh cũng bắt đầu triển khai việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết TTHC các cấp. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2023, sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: Đất đai; cán bộ, công chức, viên chức; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông.

Bài, ảnh: Nguyên Ngọc

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

 Doanh nghiệp chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh

 

 Nhận thức rõ khoa học công nghệ (KHCN) chính là điều kiện để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, với sự đồng hành của Sở KH&CN, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc ở thành phố Cẩm Phả đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh và Sở KH&CN để thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng và chế biến cây dược liệu tại tỉnh Quảng Ninh”. Dự án này thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, giai đoạn 2011-2015. Qua đó, Công ty đã tiếp nhận 12 quy trình công nghệ về nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm của 3 loài cây dược liệu là hoài sơn, giảo cổ lam, ba kích. Trung tâm Nghiên cứu trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu, Bộ Y tế) là đơn vị phối hợp hỗ trợ dự án. Công ty Dược liệu Đông Bắc đã đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở, nắm vững kỹ thuật sản xuất các loại cây dược liệu; xây dựng thành công 3 mô hình về sản xuất giống ba kích và giảo cổ lam và hoài sơn; mô hình sơ chế biến và chế biến hoài sơn và giảo cổ lam.

Công nhân Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc chăm sóc cây dược liệu.

 Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới sáng tạo là đòn bẩy để thúc đẩy sản xuất, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã không ngừng đầu tư, hoàn thiện dây chuyền công nghệ hiện đại và phát triển quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống, đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền công nghệ hiện đại. 100% nguyên liệu là các loại thảo được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn GACP.

 Năm 2017, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ các doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu của Quảng Ninh. Công ty đã được Sở KH&CN tư vấn, hướng dẫn về cách thức xây dựng hệ thống quản lý từ khâu nguyên liệu đầu vào đến nhà xưởng để đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của Bộ Y tế cũng như tiêu chuẩn ISO 22000:2005.

 Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh cho hay: Hiện các sản phẩm của công ty (trà giảo cổ lam; trà bổ gan, trà giải độc gan; trà diệp hạ châu; viên tiểu đường; viên chè vằng; viên giải rượu, giải độc gan...) đều là sản phẩm OCOP và xếp hạng 4 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công ty đã mở rộng đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP để đổi mới, phát triển các sản phẩm mới. Thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực đồng hành, tư vấn, hỗ trợ Công ty trong mọi hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín, thương hiệu của Công ty.

Ông Phạm Việt Trung cũng đã bày tỏ: Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc chúng tôi là một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ tiêu biểu của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất dược liệu, đã vinh dự được tỉnh trao Quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 313 của HĐND tỉnh Quảng Ninh (đợt 1/2022) đối với 08 sản phẩm. Tổng số tiền được hỗ trợ là 160 triệu đồng, đã khích lệ, góp phần động viên Công ty có thêm sức mạnh khôi phục phát triển sản xuất sau đại dịch Covid 19.

Lãnh đạo Sở KH&CN trao Quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 313 của HĐND tỉnh cho công ty THHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc

 

Tại nhiều doanh nghiệp trong tỉnh, việc áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh đã góp phần giảm nhiều chi phí, công sức cho người lao động, tăng giá trị sản phẩm và tạo được sức hút với khách hàng. Khi chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp được nâng lên, nhất là các sản phẩm xuất khẩu, đều cho thấy hàm lượng KHCN ứng dụng trong sản xuất đều tăng cao, đã đáp ứng được những yêu cầu “khó tính” của thị trường nước ngoài, tạo thuận lợi cho tiêu thụ.

Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh đã trở thành doanh nghiệp KH&CN năm 2021. Hiện tại, Công ty đang sản xuất 16 sản phẩm với 7/16 sản phẩm được hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN, như: Ruốc hàu, ruốc bề bề, ruốc cá thu… Mỗi sản phẩm của TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh đều được chọn lọc từ các nguồn nguyên liệu ở vùng biển Bái Tử Long, được giám sát chặt chẽ trong từng công đoạn sản xuất để trở thành tinh hoa ẩm thực biển Quảng Ninh. Công ty đã chú trọng áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP; ISO 22000 và công cụ 5S vào quy trình quản lý, sản xuất để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng sản phẩm; tích cực kết nối với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để phát triển, chuyển giao những công nghệ mới trong xử lý vỏ hàu, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

 Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh cho biết: Những năm qua ngoài việc trang sắm thiết bị, Công ty đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đưa vào sản xuất các sáng kiến như: Lồng rửa hàu, máy rửa tầng sôi, máy tiệt trùng sản phẩm… Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, doanh thu từ các sản phẩm KHCN của công ty đạt 59% so với tổng doanh thu, nhiều sản phẩm của Công ty đều đã đáp ứng được những yêu cầu “khó tính” của thị trường nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.

Cũng tương tự, Công ty TNHH Hằng Nga ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long được thành lập năm 2007, sau nhiều năm hoạt động, Công ty đã tìm ra công thức phối trộn nguyên liệu riêng, tạo nên hương vị đặc trưng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Hằng nga của mình. Với thiết bị đóng gói chè tự động của Công ty đã không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm chè mà còn tăng năng suất lao động gấp 40 lần so với đóng gói thủ công.  Chất lượng chè qua sản xuất tự động sẽ có nhiều mức từ bình dân đến đặc biệt, cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hằng Nga, TP Hạ Long chia sẻ: Ý thức được việc muốn phát triển thì sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu bền vững nên doanh nghiệp chúng tôi đã đầu tư, ứng dụng KHCN nâng cao các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm chè.

Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng doanh nghiệp KHCN như vậy là rất khiêm tốn, khi mà KHCN đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp chủ động ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh đang là con đường tất yếu. Từng bước đưa KHCN vào sản xuất được coi là “thước đo” để các doanh nghiệp nhìn nhận, tìm ra sự khác biệt; từ đó, sẽ định hướng, điều chỉnh đa dạng, chất lượng sản phẩm đáp ứng được thị trường, thích ứng với môi trường kinh doanh trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: Hương Anh

 

Điểm sáng áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001:2015 vào công cuộc chuyển đổi số và cải cách hành chính

 

 Thời gian qua, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

 Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, thành phố Uông Bí đã quan tâm, chú trọng triển khai nhiệm vụ này, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan. Qua đó góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình cải cách hành chính và công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.

Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh làm việc tại UBND thành phố Uông Bí

 Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí (Phó Trưởng ban chỉ đạo ISO thành phố) chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố Uông Bí, Ban Chỉ đạo ISO thành phố đã chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND các xã, phường triển khai việc số hoá các quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), quy trình giải quyết công việc và các tài liệu khác thuộc Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VN ISO 9001:2015. Tính đến ngày 08/8/2022, 100% TTHC thực hiện tại Trung tâm Hành chính công thành phố và bộ phận một cửa UBND các xã, phường đã được cập nhật, số hoá đăng tải lên phần mềm ISO điện tử. Các TTHC thành phố và cấp xã, phường được xây dựng áp dụng Quy trình theo TCVN ISO 9001:2015. Hệ thống hóa quy trình xử lý công việc ngày càng hợp lý, khoa học, phù hợp với quy định của pháp luật. Hiện tại Ban Chỉ đạo ISO thành phố và các xã, phường đang tiếp tục thực hiện chương trình đánh giá nội bộ để cải tiến, phấn đấu hoàn thành việc công bố trong tháng 9.2022.

Hiện nay, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố đã xây dựng và số hóa trên hệ thống phần mềm ISO điện tử: Bối cảnh của tổ chức; Chính sách chất lượng; mục tiêu chất lượng; Chương trình đánh giá nội bộ năm 2022; Công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn. Đã thực hiện số hóa các quy trình thủ tục hành chính, phân quyền người dùng và Cập nhật quy trình nội bộ trên phần mềm ISO điện tử.

Cùng với các xã phường trên địa bàn thành phố, UBND phường Yên Thanh đã thực hiện việc xây dựng các quy trình và công khai, niêm yết quy trình, danh mục, nội dung thủ tục hành chính, biểu mẫu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Tổ chức thăm dò ý kiến của cá nhân, tổ chức bằng Phiếu khảo sát và báo cáo tổng hợp kết quả định kỳ hàng tháng theo quy định.

Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh kiểm tra việc việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước tại phường Yên Thanh, TP Uông Bí

 Về quy trình tiếp nhận giải quyết và trả kết quả TTHC cơ bản đã được thực hiện theo quy định của pháp luật. Có đầy đủ các bước giải quyết cụ thể từ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ và trả kết quả, đảm bảo đúng thời hạn theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Công chức UBND phường Yên Thanh, TP Uông Bí cho hay: Việc áp dụng ISO điện tử vào giải quyết TTHC đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ thuận tiện đối với công chức thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chúng tôi mà còn đối với cả công dân khi cần giải quyết TTHC. Bởi khi công dân đến, các thủ tục đã được niêm yết đầy đủ, rõ ràng, do đó không đòi hỏi công dân mất nhiều giấy tờ, công dân chỉ theo dõi trên bảng niêm yết danh mục để thực hiện. Cũng nhờ vậy mà việc giải quyết TTHC diễn ra nhanh gọn, thời gian trả kết quả cho công dân đúng hạn.

Còn bà Hoàng Thị Thoan, Khu Phú Thanh Đông, phường Yên Thanh, TP Uông Bí thì phấn khởi cho biết: Người dân địa phương chúng tôi đến trụ sở UBND phường giải quyết TTHC ai nấy đều rất hài lòng với tinh thần trách nhiệm của cán bộ thực thi nhiệm vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Yên Thanh. Mọi thủ tục khi chúng tôi đến giải quyết đều diễn ra nhanh gọn, chính xác.

Với dân số trên 20 nghìn người, phường Quang Trung là phường trung tâm đông dân nhất của thành phố UB. UBND phường đã rất chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống Quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015. Từ năm 2021, đã ban hành các Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo ISO, quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo.

Ông Nguyễn Nhật Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, TP Uông Bí cho biết: Ban chỉ đạo ISO phường Yên Thanh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng áp dụng, duy trì Hệ thống QLCL theo TCVN 9001-2015 từ bản giấy sang ISO điện tử. Chúng tôi chỉ đạo các bộ phận của phường xây dựng các quy trình giải quyết TTHC theo quy định của UBND cấp xã phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 

Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh kiểm tra việc việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước tại phường Quang Trung, TP Uông Bí

Ông Vũ Hồng Phong, Công chức phường Quang Trung, TP Uông Bí cũng vui mừng chia sẻ: Quá trình chuyển đổi số từ ISO bản giấy sang ISO điện tử, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng ISO điện tử đồng bộ, công dân dễ tiếp cận hơn vì đã rõ ràng các khâu, các bước, về thời gian, thủ tục tờ khai, các văn bản pháp lý liên quan để giải quyết TTHC.

Tại Khối các phòng chuyên môn của thành phố Uông Bí, việc triển khai xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL ISO 9001: 2015 cũng được quan tâm, chú trọng. Hệ thống này đã được xây dựng và số hóa trên phần mềm ISO điện tử. Về quy trình tiếp nhận giải quyết và trả kết quả TTHC cơ bản đã được cải tiến đảm bảo xử lý đúng thời hạn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí (Phó Trưởng ban chỉ đạo ISO thành phố) cho biết thêm: Thời gian tới, thành phố Uông Bí chúng tôi tiếp tục đưa 100% các TTHC ở Trung tâm HCC của thành phố cũng như Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại  các xã, phường trên địa bàn thành phố lên hệ thống ISO điện tử để bà con nhân dân và các tổ chức doanh nghiệp tiếp cận những thông tin mới. Đồng thời, thành phố tiếp tục phối hợp với Sở KH&CN để tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như năng lực chuyên môn của cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ này.

Qua kiểm tra thực tế tại 7 phường của TP Uông Bí vào tháng 8/2022, Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận sự cố gắng của thành phố trong việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy: Đa số các đơn vị cập nhật chưa đầy đủ các văn bản liên quan lên phần mềm đối với một số quy trình TTHC, thiếu biểu mẫu, tên biểu mẫu chưa đúng ; Một số quy trình TTHC trên ISO điện tử có thời gian giải quyết không phù hợp; Trên hệ thống Dịch vụ công: Một số phường có các thủ tục hành chính lĩnh vực Lao động Thương binh và Xã hội chưa đồng bộ các thông tin.

Thời gian tới, thành phố Uông Bí nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung cần tiếp tục quyết liệt triển khai việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành, tạo tiền đề thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.

 Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thu Hương

 

Thành phố Hạ Long áp dụng triển khai HTQLCL theo TCVN 9001-2015 trên phần mềm ISO điện tử hướng tới chuyển đổi số toàn diện

 

“Thành phố Hạ Long xác định việc áp dụng, triển khai Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN 9001-2015 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), hướng tới thực hiện chuyển đổi số toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” – Đó chính là lời chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo ISO thành phố Hạ Long trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố  thì Bộ phận tham mưu giúp việc đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố để ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đảm bảo theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn, cũng như chỉ đạo của tỉnh.

 

Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh làm việc với UBND thành phố Hạ Long

Còn ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN) thì cho hay: Ngày 25/3/2022, thành phố Hạ Long là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đã công bố áp dụng, triển khai HTQLCL theo TCVN 9001-2015 trên phần mềm ISO điện tử vào hoạt động tại các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) trên địa bàn thành phố. Thành phố Hạ Long cũng đã chỉ đạo 33 xã, phường phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  (TCĐLCL) tổ chức công bố, triển khai áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo yêu cầu mới vào hoạt động thường xuyên của cấp xã. Thành phố Hạ Long cũng đã thực hiện đúng quy định tại Quyết định Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào các hoạt động của cơ quan hành chính của UBND tỉnh.

Cùng Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra thực tế việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước trên địa bàn một số phường của thành phố Hạ Long cho thấy việc triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này của các đơn vị thuộc thủ phủ của tỉnh.

Công chức phường Hồng Gai, TP Hạ Long, giải quyết TTHC cho công dân

Tại phường Hồng Gai: UBND phường đã xây dựng và số hóa trên hệ thống phần mềm ISO điện tử: Bối cảnh của tổ chức; Chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng năm 2022; Chương trình đánh giá nội bộ 2022; Chương trình cải tiến năm 2022. Công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn lên phần mềm. Đã thực hiện phân quyền chức năng người dùng và đưa các quy trình nội bộ lên phần mềm ISO điện tử. Về quy trình tiếp nhận giải quyết và trả kết quả TTHC cơ bản đã được thực hiện theo quy định của pháp luật. Có đầy đủ các bước giải quyết cụ thể từ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ và trả kết quả. Việc tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo đúng thời hạn theo quy định. UBND phường Hồng Gai cũng đã thực hiện việc xây dựng các quy trình và công khai, niêm yết các quy trình, danh mục, nội dung thủ tục hành chính, biểu mẫu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo quy định. Tổ chức thăm dò ý kiến của cá nhân, tổ chức bằng Phiếu khảo sát theo Quyết định số 3093/QĐ-UBND và Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND. Thực hiện báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân định kỳ hàng tháng theo quy định;…

Tại phường Yết Kiêu:  Đến thời điểm hiện tại UBND phường Yết Kiêu đã thực hiện số hóa một số tài liệu: Bối cảnh của tổ chức; Chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng năm 2022; Chương trình đánh giá nội bộ 2022; Chương trình cải tiến năm 2022. Công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn lên phần mềm. Phường đã thực hiện phân quyền chức năng người dùng và đưa các quy trình nội bộ lên phần mềm ISO điện tử. Qua kiểm tra thực tế hệ thống phần mềm ISO điện tử, cụ thể như sau:  Lĩnh vực Lao động Thương binh và Xã hội: Đã số hóa đầy đủ các nội dung trên phần mềm ISO điện tử; Lĩnh vực Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Tiếp công dân, Công thương, TNMT, Y tế, Văn hóa thông tin: Đã số hóa đầy đủ các nội dung trên phần mềm ISO điện tử. Đồng thời kiểm tra thực tế hồ sơ: Kiểm tra trên hệ thống Dịch vụ công: lĩnh vực Lao động Thương binh và Xã hội các hồ sơ đầy đủ thành phần, thời gian giải quyết đúng hạn; Kiểm tra thực tế 02 hồ sơ lưu thuộc lĩnh vực Lao động Thương binh và Xã hội của công dân Lê Thị Thanh, Đàm Thị Toan đều có phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ, thời gian giải quyết đúng hạn;…

Công chức phường  Yết Kiêu, TP Hạ Long giải quyết TTHC cho công dân tại Bộ phận một cửa

Ông Vũ Ngọc Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu, TP Hạ Long cho biết: Phường Yết Kiêu áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001-2015 đối với 115 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết thuộc 12 lĩnh vực. Ban chỉ đạo ISO phường Yên Thanh đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng áp dụng, duy trì Hệ thống QLCL theo TCVN 9001-2015 từ bản giấy sang ISO điện tử. Hiện nay, các TTHC của phường đều được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt tỷ lệ 100%, không có hồ sơ trễ hạn.

Còn đối với Hệ thống quản lý chất lượng tại UBND TP Hạ Long: UBND thành phố đã xây dựng và số hóa trên hệ thống phần mềm ISO điện tử: Bối cảnh của tổ chức; Chính sách chất lượng; mục tiêu chất lượng 2022; Chương trình đánh giá nội bộ năm 2022 (dự kiến đánh giá nội bộ vào tháng 10/2022); Chương trình cải tiến năm 2022. Quyết định công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn và các quy trình nội bộ trên phần mềm ISO điện tử.

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 09/02/2022 về việc áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước thành phố Hạ Long năm 2022; Báo cáo số 408/BC-UBND ngày 08/6/2022 Kết quả áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố Hạ Long 6 tháng đầu năm 2022; Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 02/7/2021 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại UBND thành phố Hạ Long; Quyết định số 5725/QĐ-UBND ngày 02/7/2021 về việc Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố Hạ Long.

 Về quy trình tiếp nhận giải quyết và trả kết quả TTHC cơ bản đã được thực hiện theo quy định của pháp luật. Có đầy đủ các bước giải quyết cụ thể từ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ và trả kết quả. Việc tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo đúng thời hạn theo quy định. Đồng thời cũng đã duy trì thực hiện đầy đủ việc khảo sát, lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân tại Trung tâm Hành chính công Thành phố theo Quyết định số 3093/QĐ-UBND ngày 10/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh và Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 08/02/2021 của Ủy ban nhân tỉnh.

Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá cao sự nỗ lực của TP Hạ Long  trong việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước trên địa bàn. Bên cạnh đó cũng đề nghị UBND TP Hạ Long chỉ đạo UBND các phường/xã, phòng, ban chuyên môn thuộc thành phố thực hiện: Rà soát, cập nhật (tên quy trình thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, các căn cứ pháp lý, tài liệu viện dẫn liên quan, biểu mẫu ...) và thực hiện số hóa trên hệ thống phần mềm ISO điện tử đối với các tài liệu của hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 và các quy trình giải quyết thủ tục hành chính hiện đang áp dụng tại đơn vị. Đồng thời cập nhật các quy trình thủ tục hành chính trên chính quyền điện tử; Rà soát, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ về công nghệ thông tin để đảm bảo vận hành tốt hệ thống ISO điện tử trên địa bàn. TP cũng cần tăng cường phổ biến hướng dẫn cán bộ của đơn vị thấu hiểu Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại đơn vị. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến cho người dân khi đến giải quyết TTHC.

Theo Lãnh đạo UBND TP Hạ Long, với mục tiêu xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, TP Hạ Long đã nỗ lực khắc phục những tồn tại trong công tác cải cách TTHC. Đồng thời, đổi mới các khâu tiếp nhận, giải quyết TTHC trên cơ sở phân cấp, phân quyền triệt để, đảm bảo quy định của pháp luật. Việc áp dụng, triển khai Hệ thống quản lý chất lượng HTQLCL theo TCVN 9001-2015 2015 trên phần mềm ISO điện tử vào hoạt động tại các cơ quan hành chính nhà nước đang được thành phố quyết tâm thực hiện sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính hiện đại hướng đến chuyển đổi số toàn diện tại địa bàn thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh.

Bài, ảnh:  Hương Anh

 

Bình Liêu triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số toàn diện

 

Thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình, hoạt động phù hợp với thực tế của địa phương. Qua đó, từng bước đạt được những kết quả tích cực, giúp thay đổi tư duy, nhận thức, nâng cao cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Đồng Tâm hướng dẫn nhân dân cài zalo trên điện thoại thông minh.

Theo đó, bên cạnh tập trung chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để thực hiện. Trong đó xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung triển khai, như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước gắn với công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng thông tin gắn với an toàn, an ninh trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; tăng cường tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực; ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số và tập trung chuyển đổi số trên các lĩnh vực có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thôn bản vùng sâu, xa nên việc chuyển đổi số được huyện xác định sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để đạt hiệu quả, huyện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất.

Anh Phùn Phu Dảu, thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, chia sẻ: So với trước kia, giờ đây sóng điện thoại, mạng di động đã được phủ sóng đến thôn giúp người dân chúng tôi nắm bắt được nhanh thông tin của tỉnh, chỉ đạo của huyện, thông qua mạng và qua nhóm zalo. Cùng với đó, đời sống của người dân cũng ngày càng được nâng lên nên người dân rất phấn khởi, tin tưởng và đồng lòng thực hiện. Đặc biệt, khi đi làm các thủ tục hành chính tại UBND xã, huyện, chúng tôi đã được hướng dẫn, tuyên truyền về cách nộp giấy tờ, thủ tục qua môi trường mạng nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức. Tôi thấy ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại rất nhiều tiện ích  cho đời sống của người dân. 

Với nhiều cố gắng, nỗ lực, đến nay công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Điển hình, hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số đã được đầu tư phát triển mở rộng, đặc biệt là viễn thông băng rộng tương đối hoàn chỉnh đảm bảo cung cấp dịch vụ đến 100% xã, thị trấn trong huyện. Mạng thông tin di động công nghệ 3G, 4G đã được triển khai ở hầu hết các khu dân cư. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 24.000 thiết bị thông minh dùng thẻ SIM di động từ 3G trở lên, đạt khoảng 75% dân số sử dụng các thiết bị sẵn sàng tham gia các tiện ích về chuyển đổi số của chính quyền và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, việc phát triển kinh tế số trên địa bàn huyện cũng có nhiều chuyển biến tích cực với việc thực hiện liên kết thanh toán không dùng tiền mặt; các doanh nghiệp, HTX,  hộ kinh doanh cũng từng bước thích ứng, tham gia hoạt động kinh tế số thông qua tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook), tài khoản thanh toán ngân hàng... Qua đó, đẩy mạnh việc bán lẻ hàng hóa qua thương mại điện tử; chủ động nắm thông tin và hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm OCOP địa phương lên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn…

Phát triển xã hội số cũng được đẩy mạnh với việc triển khai dạy và học trực tuyến; cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa; sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID); triển khai quảng bá văn hóa - du lịch trực tuyến trên các nền tảng thông tin xã hội; thực hiện thông tin, tuyên truyền tăng sự tương tác của chính quyền với cộng đồng dân cư qua các nhóm trên mạng xã hội như facebook, zalo.

Thời gian tới, để chuyển đổi số đạt hiệu quả hơn nữa, huyện Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chuyển đổi số. Đồng thời duy trì thường xuyên chuyên mục về chuyển đổi số trên cổng thông tin điện tử, bản tin chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh. Huyện cũng đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị triển khai các văn bản của tỉnh và huyện về chuyển đổi số; tăng cường tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và triển khai đăng ký các nội dung chuyển đổi số theo từng giai đoạn tới các cơ quan, đơn vị để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, đơn vị… theo đúng lộ trình chuyển đổi số của huyện, của tỉnh và đưa huyện Bình Liêu ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Cao Minh Đức

 

  PHỔ BIẾN KIẾN THỨC

Chuyên gia thần kinh học tiết lộ bí quyết thoát khỏi căng thẳng tinh thần

Hít thở là một trong những chức năng cơ bản nhất của cơ thể con người, cơ bản đến mức chúng ta không hề để ý đến việc mình hít thở liên tục, không ngừng. Không những thế, các chuyên gia còn cho biết hít thở có những tác dụng cực kỳ hữu ích, trong đó có tác dụng cắt cơn căng thẳng trước khi chúng ta rơi vào tình trạng hoảng sợ.

 

Hít thở có kiểm soát sẽ quyết định việc tim bơm máu đi khắp cơ thể nhanh hay chậm. (Ảnh: nerthuz/Adobe)

 Nhà thần kinh học Andrew Huberman, Giáo sư trường Đại học Stanford, Mỹ, cho biết động tác hít thở gọi là "thở dài tâm lý" hoàn toàn có thể giúp bạn thoát khỏi cơn căng thẳng.

Kỹ thuật thở này rất đơn giản, dựa trên giải phẫu cơ thể con người. Về cơ bản, khi bạn hít vào, cơ hoành và các cơ khác làm cho lồng ngực của bạn nở ra. Khi đó, tim cũng mở theo. Và khi bạn thở ra, mọi thứ bị nén lại. Sử dụng nhịp thở để kiểm soát chuỗi mở và đóng này có thể dễ dàng làm tan biến cơn căng thẳng.

Cùng với nhịp tim, lưu thông máu cũng tăng hoặc giảm. Hệ thần kinh sẽ nhận biết điều này. Khi bạn hít vào một hơi dài hơn thở ra, tim sẽ đập nhanh hơn. Còn khi thở ra chậm hơn hít vào thì tim đập chậm lại.

Bạn có thể lợi dụng cơ chế hoạt động này để chế ngự căng thẳng bằng cách hít vào nhanh 2 lần qua mũi, rồi thở ra một hơi dài qua miệng. Về cơ bản động tác "thở dài tâm lý" này làm cho tim đập chậm lại, nhờ đó bạn sẽ tránh được rủi ro trở nên hoảng sợ do căng thẳng quá mức. Điều này rất có ích trước khi mọi thứ bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn.

Nếu bạn đang tìm cách thoát khỏi căng thẳng, hãy lặp lại động tác thở như trên từ 1 đến 3 lần. Có một số kỹ thuật thở khác cũng có tác dụng tương tự. Chúng cũng dựa vào nguyên tắc thở ra chậm hơn hít vào để buộc tim và lồng ngực bị nén lại và làm chậm lưu thông máu.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng động tác thở này để làm tim đập chậm lại khi bạn muốn nhanh chóng đi vào giấc ngủ.

BBT (Sưu tầm)

 

Vi nhựa tấn công vào sữa và thịt

 

 Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa chúng ta vẫn ăn uống hàng ngày đang bị ô nhiễm vi nhựa.

 

Một công nhân đang chế biến thịt (ảnh: STR/AFP).

Quỹ Plastic Soup, một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan có mục tiêu phòng chống ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa, vừa công bố một nghiên cứu cho biết 73% các mẫu sản phẩm được thí nghiệm đều chứa vi nhựa.

Tham gia vào nghiên cứu này, các nhà khoa học của Trường đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan, chỉ ra rằng rất có thể vi nhựa có trong thức ăn chăn nuôi là nguyên nhân khiến thực phẩm bị ô nhiễm. Trong 25 mẫu sữa thí nghiệm ở Hà Lan, có 18 mẫu chứa các hạt nhựa. 7 trong 8 mẫu thịt bò cũng có chứa hạt nhựa. Con số này ở thịt lợn là 5 trong 8 mẫu. Thức ăn chăn nuôi cũng được lấy mẫu để xét nghiệm và kết quả là toàn bộ 12 mẫu đều có vi nhựa.

Nghiên cứu này được tiến hành trên cơ sở các phát hiện trước đó về sự có mặt của các hạt nhựa siêu nhỏ trong máu người, phổi và thậm chí cả ở thai nhi. Những kết quả mới nhất của nghiên cứu này đang làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về ô nhiễm chuỗi thực phẩm.

Nhóm nghiên cứu nhận định rất có thể vi nhựa đã theo thức ăn chăn nuôi ngấm vào cơ thể động vật. Ngoài ra, nước uống và không khí hít thở vào cũng là các nguồn gây ô nhiễm cho chúng. Năm 2021, một công nhân chăn nuôi ở Mỹ tên là Emmanuel Moore đã bị sa thải sau khi đăng một video TikTok tiết lộ việc rác thải nhựa được phép sử dụng gây ô nhiễm thức ăn cho lợn như thế nào.

"Động vật có thể hấp thụ một số loại hạt nhựa mà chúng tiếp xúc trong môi trường sống. Kết quả nghiên cứu này nên được nhìn nhận là động lực cho các nghiên cứu tiếp theo để tìm ra toàn bộ mức độ phơi nhiễm và những rủi ro đi kèm cho vật nuôi. Một trong những cách giảm mức độ phơi nhiễm vi nhựa cho gia súc là chế biến và sử dụng thức ăn chăn nuôi không có nhựa." - Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sỹ Heather Leslie cho biết.

Mặc dù số lượng mẫu thí nghiệm trong nghiên cứu này chưa nhiều, nhưng với tỷ lệ phát hiện mẫu ô nhiễm vi nhựa cao như vậy, nghiên cứu này đáng được xem là điểm khởi đầu cho các nghiên cứu ở quy mô lớn hơn nhằm tìm ra nồng độ ô nhiễm vi nhựa trong thức ăn chăn nuôi ngày nay và ảnh hưởng đến những loài gia súc, gia cầm nào.

BBT (Sưu tầm)

TIN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

Quảng Ninh triển khai 388 nhiệm vụ KH&CN trong 10 năm

 

Thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp cơ sở đã phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. 

Trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 388 nhiệm vụ KH&CN các cấp ở các lĩnh vực. Ở Lĩnh vực nông nghiệp, các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu sản xuất, nhân giống, bảo tồn những giống, loài có giá trị kinh tế cao; phát triển các sản phẩm có thế mạnh thành sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật, các nhiệm vụ tập trung vào ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, quan trắc môi trường, xử lý chất thải, ứng dụng vật liệu mới. Lĩnh vực y và dược, các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đào tạo nhân lực về công nghệ mới trong y tế dự phòng, khám, chữa bệnh... Lĩnh vực xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ tập trung vào bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, con người phục vụ phát triển văn hóa, du lịch.

Hoạt động nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã chú trọng đến tính ứng dụng, hiệu quả và đạt được một số tiến bộ, kết quả tích cực.  Các chương trình, đề tài khoa học, đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, đã bám sát và phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung. 

Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục rà soát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức, cá nhân, nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đồng thời, tổ chức tốt việc ứng dụng các kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất và đời sống để tạo ra sản phẩm, ngành nghề mới, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hương Anh

Quảng Ninh phát triển được 23 doanh nghiệp KH&CN

Thời gian qua, Sở KH&CN luôn quan tâm, chú trọng đến việc phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 23 doanh nghiệp KH&CN (đứng thứ tư toàn quốc sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa) với 172 sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN.

Trong 23 doanh nghiệp KHCN của QN có: 09 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; 11 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 01 doanh nghiệp quản lý và xử lý rác thải, nước thải; 01 doanh nghiệp xây dựng; 01 doanh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Tính đến nay, Sở KH&CN đã thẩm định cấp 07 Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho 06 doanh nghiệp, hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ cho 01 doanh nghiệp theo Nghị quyết 313, ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KHCN.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở KH&CN đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kiểm tra việc đảm bảo môi trường, chủ trương, địa điểm quy hoạch cho 129 lượt hồ sơ, dự án đầu tư với quan điểm kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu đầu tư trên địa bàn tỉnh; giúp doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ mới, hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Hương Anh

 

2 chủ doanh nghiệp của Quảng Ninh đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”

 

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa công bố danh sách "100 Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.  Trong đó, Quảng Ninh vinh dự có 2 chủ doanh nghiệp được vinh danh tại Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2022, nhân dịp kỷ niệm 10 năm tổ chức chương trình Tự hào nông dân Việt Nam. Đó là ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả và ông Ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuyền Hiền, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.

Ông Phạm Việt Trung (sinh năm 1963) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả. Công ty đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ phát triển vùng dược liệu 12ha tại thôn Cái Tăn, xã Cộng Hòa. Hàng năm, Công ty sản xuất hơn 1,6 triệu giống cây dược liệu, năng suất dược liệu sản xuất bình quân 214 tấn/năm. Công ty có 10 sản phẩm dự thi chấm sao OCOP năm 2022 đều đạt 4 sao, trong đó có  2 sản phẩm OCOP được đề cử 5 sao. Ngoài ra Công ty còn sản xuất trên 20 sản phẩm độc quyền cho một số doanh nghiệp trong nước.

Hiện, Công ty đang tiếp tục nhân rộng và phát triển dự án trồng cây dược liệu, tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân vùng dự án; giải quyết việc làm thường xuyên cho 21 lao động địa phương và hàng chục lao động thời vụ... đảm bảo thu nhập bình quân của người lao động từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Tuyền (sinh năm 1988) là Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuyền Hiền, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà. HTX Nông nghiệp Tuyền Hiền chuyên sản xuất, cung ứng giống và chăn nuôi gà thương phẩm. Hàng năm HTX cung cấp 15-30 vạn con giống, 22 tấn gà thương phẩm cho thị trường, tổng doanh thu 4 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động.

Hiện HTX đang đồng hành với hơn 100 hộ dân trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà để liên kết, bao tiêu sản phẩm, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn. Tổng lợi nhuận đem lại cho các hộ tham gia liên kết đạt 5,8 tỷ đồng/năm.

Hương Anh

 

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 935
Đã truy cập: 2129739