NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Với quyết tâm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của KH&CN, hiện nay, Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo.
Để thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia GTCLQG, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá. Thông qua các cơ chế, chính sách này, tỉnh đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến tốt nhất đối với sản xuất, kinh doanh.
Với vai trò là cơ quan thường trực về GTCLQG của tỉnh, Sở KH&CN đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời tiến hành đánh giá, lựa chọn những doanh nghiệp tiêu biểu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn chỉnh thủ tục để tham dự. Chính sự đồng hành của Sở KH&CN là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp đã xác định rõ: việc tham gia GTCLQG là cơ hội cho doanh nghiệp soi lại mình, tìm ra lợi thế để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.
Khảo sát việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến tại Công ty CP Công nghiệp Ô tô (Vinacomin).
Ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng phổ biến, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh đẩy mạnh áp dụng các công cụ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng. Giai đoạn 2015-2020, Sở KH&CN đã lựa chọn 30 doanh nghiệp để hỗ trợ áp dụng mô hình điểm về nâng cao năng suất, chất lượng. Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào đào tạo phương pháp đánh giá nội bộ; hướng dẫn, khắc phục, cải tiến các vấn đề năng suất, chất lượng; tham quan, học tập kinh nghiệm tại các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trong toàn quốc…
Khảo sát việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến tại Công ty CP Chế tạo máy (Vinacomin).
Theo đánh giá, qua thí điểm trên 30 doanh nghiệp đều cho thấy đã cải thiện năng suất, tăng 15-20%. Năng lực quản trị, điều hành, quản lý của doanh nghiệp cũng được nâng cao; chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, được thị trường đón nhận, đánh giá tốt.
Nhằm cải thiện hơn nữa hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở kết quả thí điểm, năm 2020 UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chính là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của tỉnh là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; có ít nhất 10 doanh nghiệp đã xây dựng mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng. Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hằng năm tăng 10-15%; có ít nhất 20 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.
Khảo sát việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến tại Công ty CP Gạch ngói Đất Việt.
Trên cơ sở kết quả 30 mô hình điểm về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn từ 2015-2020 và 10 mô hình điểm trong năm 2021, Sở KH&CN tiếp tục triển khai đề án giúp các doanh nghiệp mới tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Sở KH&CN giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ này.
Vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thành lập đoàn khảo sát tại chỗ các tổ chức, doanh nghiệp, lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện để tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng và chuyển đổi số năm 2022. Qua đợt khảo sát này cho thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang được các doanh nghiệp triển khai tích cực và mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận. Đoàn khảo sát đánh giá và tư vấn rất cụ thể nhằm chọn ra các hệ thống tiên tiến, phù hợp với đặc thù , từng doanh nghiệp đăng ký được hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng và chuyển đổi số năm 2022.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; đặc biệt là các công cụ hỗ trợ sản xuất, dịch vụ thông minh cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; mới đây, tại TP Hạ Long, Sở KH&CN tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh” .
Quang cảnh Hội thảo “Xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh” tổ chức tháng 11/2022.
Tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu và trao đổi nhiều nội dung liên quan nhằm nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến 2030. Cụ thể như: Nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo theo ISO 5600; kinh nghiệm triển khai Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 tại một số tỉnh, thành phố; một số hệ thống quản lý và công cụ quản lý tiên tiến; dự kiến các nhiệm vụ nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh…
Theo đó, Quảng Ninh sẽ quyết tâm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của KH&CN; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đồng thời triển khai các nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của Sở KH&CN, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ngày càng nhận thức được việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng là yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động.
Bài, ảnh: Hương Anh
Quảng Ninh quyết tâm chuyển đổi số toàn diện
Với quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương, CBCCVC-LĐ và nhân dân, công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của cả 3 trục chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Triển khai Kế hoạch số 59/KH-UBND (ngày 1/3/2022) của UBND tỉnh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với quyết tâm cao và các giải pháp linh hoạt, đến nay, tỉnh đã hoàn thành 2/27 mục tiêu đề ra trong giai đoạn. Trong đó, mục tiêu tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến đạt 75% (mục tiêu đặt ra là 60%). Lũy kế 9 tháng năm 2022, đã có gần 297.000 hồ sơ trực tuyến trên tổng số hơn 426.000 hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh.
Mục tiêu tỉnh đặt ra là 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể sử dụng hóa đơn điện tử cũng đã hoàn thành. Đến nay, đã có 10.679 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử; 2.219 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử.
Cùng với đó, một số mục tiêu cũng có tỷ lệ triển khai thực hiện cao, như: Thu thập, gắn mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số cho hơn 367.000 địa chỉ trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ trên 90%); 86% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 79,8% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng và sóng viễn thông di động…
Trên cả 3 trục của chuyển đổi số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tỉnh đều đạt được những kết quả khả quan. Trong xây dựng chính quyền số, tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư, phạm nhân; cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, cập nhật chứng minh thư nhân dân 9 số; ứng dụng VssID; cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên hệ thống tiêm chủng Covid-19; cập nhật dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh; cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân... Đồng thời, hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử; đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối một số hệ thống thông tin. Đầu tháng 9 vừa qua, tỉnh triển khai nghiên cứu, thử nghiệm phần mềm sổ tay đảng viên điện tử trong Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Về phát triển kinh tế số, đáng chú ý nhất là việc tỉnh đã thành công đưa 186/267 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (đạt 70%). Toàn tỉnh hiện có 156/356 sản phẩm OCOP của 38/130 cơ sở sản xuất được đăng tải trên Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại đã tạo được thói quen giao dịch trên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ người dân trong quảng bá sản phẩm và tăng lượng giao dịch, tăng doanh thu, cũng như đánh giá được thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Tỉnh cũng đã hoàn thành triển khai sử dụng hoá đơn điện tử và phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2,1 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 1,5 triệu tài khoản đang hoạt động cùng 45.582 tài khoản doanh nghiệp. Tỷ lệ tài khoản thanh toán điện tử/tổng tài khoản thanh toán đang hoạt động đạt 62%, bình quân 1,5 tài khoản/người dân trưởng thành. Lũy kế đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh có 265.000 thuê bao di động có cài đặt và sử dụng dịch vụ mobile money…
Cùng với đó, Sở TT&TT cũng đang phối hợp cùng UBND TP Móng Cái, các sở, ngành liên quan và đơn vị tư vấn khảo sát, xây dựng quy trình điện tử, chuẩn bị các nội dung để triển khai mô hình cửa khẩu số tại cửa khẩu Bắc Luân II.
Trong xây dựng xã hội số, đến nay 100% cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, trung tâm hành chính công các cấp, các ngành điện, nước đều đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉnh cũng đang triển khai thí điểm Phố thông minh không dùng tiền mặt tại Khu du lịch Tuần Châu (TP Hạ Long) thông qua ứng dụng Viettel Money và một số ứng dụng của các đơn vị ngân hàng. Viettel Quảng Ninh phối hợp với Công ty Âu Lạc lập 2 quầy trải nghiệm dịch vụ cho khách du lịch; thành lập tổ tư vấn trực tiếp 15 ngày liên tục; tổ chức buổi bán hàng lưu động định kỳ hàng tuần; cài đặt dịch vụ cho 14/42 quầy bán hàng tại các khu vực của Khu du lịch Tuần Châu.
Để xã hội số không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, vùng miền, đến được tới đại đa số người dân, thực sự phục vụ đời sống nhân dân, các sở, ngành, đơn vị chức năng cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ phủ lõm sóng di động và phát triển cáp quang băng rộng. Tính đến hết quý III/2022, tỉnh đã hoàn thành 34/54 trạm phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng cho 44/66 thôn, bản trên địa bàn; hiện đang lắp thiết bị cho 6 trạm để phủ sóng cho 7 thôn, bản và nhanh chóng triển khai xây dựng 14 trạm còn lại để phủ lõm sóng cho 15 thôn, bản còn lại.
Bài, ảnh: Đỗ Minh Hà
HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Giải pháp nhằm mục tiêu gắn khoa học với thực tiễn
Đặt hàng nhiệm vụ KH&CN là giải pháp quan trọng mà ngành KH&CN tỉnh hướng đến nhằm mục tiêu gắn khoa học với thực tiễn, góp phần giải quyết tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng thiếu tính ứng dụng.
Xuất phát từ thực tế hoạt động trồng trọt, sản xuất rau an toàn tại TX Quảng Yên, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long đã đề xuất đặt hàng Sở KH&CN đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu, thử nghiệm chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng ứng dụng công nghệ G-tex trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Nhiệm vụ đã được Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện và trình UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai từ năm 2020. Thông qua nhiệm vụ này, đơn vị chủ trì đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ G-tex vào sản xuất các chế phẩm vi sinh từ vỏ quế, cây chuối, cá, tỏi, ớt… để làm phân bón cho cây trồng. Đồng thời, xây dựng các quy trình sản xuất phân vi sinh từ các loại vi sinh vật như vi khuẩn Lactic, xạ khuẩn, nấm mem để áp dụng trong quá trình trồng trọt. Qua đó, hướng đến xây dựng vùng trồng rau an toàn cho người dân, nâng cao giá trị cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế.
Vùng trồng rau an toàn của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long tại TX Quảng Yên.
Đây chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ KH&CN được triển khai từ đơn đặt hàng của các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Năm 2021, Sở KH&CN nhận được 232 phiếu đặt hàng, đề xuất thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho năm 2022. Qua thẩm định, đánh giá, Sở đã lựa chọn 34 phiếu đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở của các tổ chức, cá nhân để trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ tháng 4/2022, Sở KH&CN đã thông báo đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN thực hiện trong năm 2023. Qua đó, đã tiếp nhận được 134 phiếu đặt hàng, trên cơ sở này, Sở đã tổ chức thành lập Hội đồng tư vấn tuyển chọn các nhiệm vụ và thống nhất lựa chọn 20 nhiệm vụ KH&CN đề xuất tỉnh phê duyệt, triển khai năm 2023. Các nhiệm vụ được tuyển chọn phải đảm bảo tính khả thi, tính mới, tính khoa học, thực tiễn, cấp thiết. Đây là tiền đề rất quan trọng để đưa KH&CN phục vụ sát với thực tế sản xuất và đời sống, nhân rộng mô hình có hiệu quả, giúp nhiều người dân được hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đặt hàng, tuyển chọn, hằng năm Sở KH&CN tổ chức bàn giao kết quả sản phẩm nhiệm vụ KH&CN để đơn vị, địa phương liên quan tiếp nhận chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nhờ vậy, quá trình đặt hàng, đề xuất, tổ chức, bàn giao, nhiệm vụ KH&CN ngày càng đi vào trọng tâm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần giải quyết tại các sở, ngành, địa phương cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng và phát huy vai trò, hiệu quả trong đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, thời gian tới Sở KH&CN tiếp tục làm việc với các sở, ngành, địa phương xác định nhu cầu thực hiện KH&CN trên cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển cũng như vấn đề cấp thiết, cần giải quyết của ngành, địa phương. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN, quy định rõ các yêu cầu đặt hàng, cam kết duy trì, sử dụng kết quả của đơn vị đặt hàng; thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn chuyên sâu về từng lĩnh vực để xem xét đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; trong trường hợp cần thiết xin ý kiến của chuyên gia.
Sở tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua đề xuất, đặt hàng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; phát huy có hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân).
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hồng Ngọc
Quảng Ninh nỗ lực triển khai áp dụng Hệ thống phần mềm ISO điện tử
Việc chuẩn hóa và áp dụng ISO điện tử vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của Tỉnh. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, làm thay đổi thói quen, cách làm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức. Đến nay, việc số hóa tài liệu, quy trình giải quyết TTHC thuộc hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 áp dụng trên phần mềm ISO điện tử tại các cơ quan hành chính trên địa bàn Tỉnh cơ bản đã được thực hiện đảm bảo theo đúng yêu cầu đặt ra. Qua đó góp phần hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Với sự đồng hành của Sở KH&CN (trực tiếp là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và các Sở ban, ngành của tỉnh, việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trên phần mềm ISO điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia tại phường Quang Trung, thành phố Uông Bí.
Ban chỉ đạo ISO tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc Hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh.
Thành phố Hạ Long là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đã công bố áp dụng, triển khai HTQLCL theo TCVN 9001-2015 trên phần mềm ISO điện tử vào hoạt động tại các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) trên địa bàn. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hạ Long cho hay: Thành phố đã chỉ đạo 33 xã, phường phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức công bố, triển khai áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo yêu cầu mới vào hoạt động thường xuyên của cấp xã.
Công chức phường Hồng Gai, TP Hạ Long rà soát danh mục TTHCcấp phường.
Tại các phường trên địa bàn thành phố Hạ Long đếu đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng áp dụng, duy trì Hệ thống QLCL theo TCVN 9001-2015 từ bản giấy sang ISO điện tử. Hầu hết, tại các phường khi được kiểm tra về các TTHC của phường, đều được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt tỷ lệ 100%, không có hồ sơ trễ hạn. Ông Vũ Ngọc Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu, TP Hạ Long chia sẻ: Phường Yết Kiêu đã công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn lên phần mềm; Thực hiện phân quyền chức năng người dùng và đưa các quy trình nội bộ lên phần mềm ISO điện tử; Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính ...
Thị xã Đông Triều cũng là một trong những địa phương của tỉnh đã tích cực trong chỉ đạo triển khai việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Ông Nguyễn Quang Đán, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TX Đông Triều đã kiện toàn Ban chỉ đạo ISO của thị xã, xây dựng kế hoạch duy trì áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các xã, phường, cơ quan chuyên môn của UBND thị xã cập nhật phần mềm ISO điện tử gắn với giải quyết TTHC của các cấp các ngành để giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn có hiệu quả.
Trung tâm HCC thị xã Đông Triều tích cực xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành thực tế tại 06 đơn vị, gồm 05 xã, phường và khối Văn phòng của UBND thị xã Đông Triều. Kết quả cho thấy: Một số UBND các xã, phường và khối Văn phòng của UBND thị xã đã xây dựng và vận hành tốt hệ thống phần mềm ISO điện tử. Đã thực hiện phân quyền chức năng người dùng và đưa các quy trình nội bộ lên phần mềm ISO điện tử; xây dựng các quy trình và công khai, niêm yết các quy trình, danh mục, nội dung thủ tục hành chính, biểu mẫu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo quy định. Việc tổ chức thăm dò, lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân định kỳ hàng tháng theo quy định là có hiệu quả.
Tại huyện Ba Chẽ, đoàn kiểm tra đã tiến hành tại 7 UBND xã, thị trấn và UBND huyện. Để việc áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trên địa bàn huyện Ba Chẽ được thành công, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đảm bảo theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn, cũng như chỉ đạo của tỉnh.
Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo ISO tỉnh kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia tại Sở Xây dựng.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm HCC huyện Ba Chẽ cho biết: Các đơn vị hành chính của huyện Ba Chẽ đã thực hiện việc xây dựng các quy trình và công khai, niêm yết các quy trình, danh mục, nội dung thủ tục hành chính, biểu mẫu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo quy định. Duy trì thực hiện đầy đủ việc khảo sát, lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân tại Trung tâm Hành chính công Huyện. Người dân đến làm việc tại Trung tâm hành chính công của huyện Ba Chẽ rất hài lòng với sự phục vụ và giải quyết công việc tại đây.
Nhận thức được vai trò của việc cụ thể hóa các quy trình quản lý, thời gian qua các Sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã chú trọng áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động chuyên môn, nâng cấp Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 theo hướng ISO điện tử. Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng công việc và năng lực điều hành tại đơn vị.
Tại Sở Xây dựng Quảng Ninh, thời điểm Đoàn kiểm tra đến làm việc, Sở đã kịp thời kiện toàn lại Ban Chỉ đạo xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 khi có sự thay đổi người đứng đầu đơn vị hoặc thành viên trong Ban Chỉ đạo; ban hành áp dụng hệ thống tài liệu quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Về quy trình tiếp nhận giải quyết và trả kết quả TTHC cơ bản đã được thực hiện theo quy định của pháp luật. Có đầy đủ các bước giải quyết cụ thể từ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ và trả kết quả. Việc tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo đúng thời hạn theo quy định.
Ông Đào Hồng Phong, Phó Chánh Văn phòng Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện nhiệm vụ áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo phần mềm ISO điện tử, năm 2022, Sở Xây dựng đã đưa lên phần mềm ISO điện tử các hồ sơ, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật, giúp cho cán bộ, công chức dễ dàng tra cứu thực hiện, qua đó đảm bảo tiến độ công việc.
Qua kiểm tra, Ban chỉ đao ISO tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cụ thể cho cán bộ các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiệm vụ áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo phần mềm ISO điện tử. Đồng thời, chỉ ra những ưu điểm, tồn tại và phương hướng khắc phục, các biện pháp cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với TCVN ISO 9001:2015 trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quảng Ninh khẳng định: Với sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, sự đồng hành hỗ trợ của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN), việc chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015 sang hình thức điện tử sẽ mang lại hiệu quả cao.
Khi thực hiện trên môi trường mạng sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và trao đổi văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, góp phần hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới thực hiện chuyển đổi số toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 09 ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bài, ảnh: Thu Hương
Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh: Cái nôi tạo ra các giống lúa mới chất lượng cao
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang quan tâm, tạo điều kiện để phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học của đội ngũ trí thức, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bài viết sau đây sẽ ghi nhận sự nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học ở Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh để tạo ra các giống lúa mới chất lượng cao, phục vụ sự phát triển nền nông nghiệp.
Giống cây trồng là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng để nâng cao năng suất và giá trị nông sản. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, đã nhiều năm nay, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh luôn đồng hành cùng nhà nông, sản xuất và cung ứng nhiều loại giống cây trồng chất lượng, trong đó có nhiều giống lúa chất lượng cao. Với thương hiệu giống lúa Đông Triều, Công ty đã thực sự trở thành người bạn thân thiết của nhà nông, giúp họ làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Lãnh đạo và kỹ sư của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh kiểm tra, đánh giá chất lượng khảo nghiệm giống lúa mới.
Với mục tiêu lấy khoa hoc công nghệ làm mũi nhọn, sản xuất kinh doanh gắn với hoạt động nghiên cứu công nghệ; Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm nghiên cứu, chọn tạo, khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trong Công ty. Cùng với đó là tập trung đầu tư nguồn lực cho cơ sở vật chất, nâng cao tay nghề đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm nghiên cứu, tăng cường chuyển giao ứng dụng, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu chất lượng sản phẩm. Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh hồ hởi tâm sự: “Ban lãnh đạo Công ty luôn xác định trách nhiệm đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ, công nhân viên để những kỹ sư nông nghiệp của Công ty có đời sống kinh tế ổn định, giữ lòng nhiệt huyết và đam mê nghiên cứu khoa học, tạo ra những giống cây trồng mới có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu giống sản xuất của bà con nông dân. Riêng tôi luôn khích lệ động viên cán bộ, nhân viên trong Công ty và bản thân gương mẫu, đảm đang công việc, hết lòng nhiệt tình, say mê bằng cả trái tim”.
Cán bộ Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia kiểm tra định kỳ đồng ruộng giống lúa chủ lực của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh.
Công ty đã xây dựng thương hiệu hàng hoá và quyết tâm thực hiện. Một trong những khâu quan trọng đầu tiên trong quá trình xây dựng thương hiệu của công ty là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu và có lòng yêu nghề thực sự. Do đó, Công ty thường xuyên chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm nghiên cứu với phương châm “ Vừa Hồng vừa Chuyên” không xa rời thực tiễn sản xuất, đến với người nông dân là tận tình hướng dẫn, chu đáo giúp đỡ chuyển giao.
Trong những năm qua, phát huy hiệu quả nguồn vốn khoa học và công nghệ, Công ty luôn tích cực tham gia thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học khảo nghiệm các giống lúa mới do Sở KH&CN quản lý. Kết quả nghiên cứu chọn tạo ra các giống cây trồng, đặc biệt là các giống lúa mới đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, được cả nước biết đến và tin dùng.
Một ngày trung tuần tháng 10 năm 2022, chúng tôi được chứng kiến niềm vui lộ rõ trên những khuôn mặt hân hoan của Đoàn cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Công ty Giống nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến thăm quan thực tế, học tập kinh nghiệm nghiên cứu, chọn tạo, khảo kiểm nghiệm giống cây trồng tại Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh. Ông Chu Thái Dương, Phó Giám đốc Công ty Giống nông nghiệp tỉnh Nghệ An vui vẻ cho biết: “Các sản phẩm của Công ty như nếp cái Hoa Vàng, ĐT 52 không chỉ được chúng tôi đưa vào sản xuất mà đã lan rộng ra cả nước. lần này chúng tôi đến Công ty để thăm quan, học tập kinh nghiệm các giống lúa mới như ĐT 100 và DDT 303 để chúng tôi đưa vào cơ cấu các giống lúa cho bà con tỉnh Nghệ An sản xuất trong những năm tới”.
Điều đáng nói là tất cả các giống của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đều phải phân lập, theo dõi riêng từng dòng, từng giống, ít nhất sau 4 năm mới ra được giống mới. Các giống đều phải được kiểm nghiệm, kiểm định đạt chuẩn Quốc gia mới được chuyển giao cho nông dân. Ông Trần Văn Thành, Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia khẳng định: “Hàng năm Trung tâm chúng tôi đều kiểm tra định kỳ đồng ruộng các giống chủ lực của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh sản xuất. Tất cả các giống của Công ty trước khi đưa vào sản xuất đều được chúng tối kiểm tra đồng ruộng, tiếp đến khi thu hoạch sẽ tiếp tục lấy mẫu để kiểm tra trong phòng kiểm nghiệm. Nếu đạt yêu cầu chúng tôi mới cấp giấy chứng nhận để lưu hành ra thị trường”.
Đoàn cán bộ Công ty Giống nông nghiệp tỉnh Nghệ An thăm quan Khu khảo nghiệm giống lúa mới của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tạo ra các giống cây trồng mới trong thời gian qua đã góp phần tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới mới đạt trên 74%. Các giống mới sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao hơn giống đối chứng từ 10-15%, chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, sâu bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất từ 13-15%, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Văn Quyên, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Phúc Đa, xã Tân Việt, TX Đông Triều cho hay: “Công ty đã đưa các loại giống chất lượng cao có hiệu quả năng suất cao, nâng cao thu nhập cho bà con, trong đó có các giống lúa ĐT 100, ĐT 120, ĐT 52 và nếp cái hoa vàng để bà con tiếp nhận sản xuất. Trong khi sản xuất, Công ty bố trí công nhân kỹ thuật của Công ty cùng theo dõi và hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật cả quá trình sinh trưởng của cây lúa đến khi thu hoạch. Sau đó, Công ty còn thu mua sản phẩm của bà con với giá rất ổn định. Công ty đúng là địa chỉ, người bạn tin cậy của nhà nông chúng tôi”.
Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh giới thiệu về các giống lúa mới được Công ty sản xuất trong thời gian qua cho Đoàn cán bộ Công ty Giống nông nghiệp tỉnh Nghệ An.
Là doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiêu biểu của tỉnh, Công ty CP giống cây trồng Quảng Ninh đã tổ chức nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật rất hiệu quả, 16 giống lúa được chuyển giao ứng dụng phổ biến trong tỉnh cũng đã được Bộ Nông nghiệp bảo hộ 20 năm. Trên 98% lượng giống công ty sản xuất cung ứng là sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Công ty còn là cầu nối giữa kết quả nghiên cứu của các Viện, Trường đại học vào thực tiễn sản xuất. Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh tâm sự: Mặc dù hiện nay nền nông nghiệp còn rất nhiều khó khăn nhưng trong định hướng thời gian tới, Công ty chúng tôi đang tiếp tục phối kết hợp, liên kết với các Viện để chuyển giao các thành tựu khoa học mới nhất về Công ty sẽ ứng dụng triển khai sản xuất cho tỉnh nhà.
Với những thành tích đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã đạt được nhiều giải thưởng có giá trị của Trung ương và của Tỉnh. Nghiên cứu khoa học tìm ra giống mới là việc làm lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực về trí tuệ và công sức. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh ngày càng thành công, tiếp tục đưa được nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao cho bà con nông dân, mãi xứng đáng là người bạn thân thiết của nhà nông, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.
Bài, ảnh: Hương Anh
Hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP
Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, đồng thời tạo động lực cho các HTX phát triển. Hợp tác xã Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng ở thành phố Hạ Long, là một trong số những HTX đang tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để tiếp tục nâng tầm cho các sản phẩm OCOP.
Sản phẩm của HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng tham dự Hội thi Nhà nông đua tài năm 2022.
Được thành lập năm 2021, hiện nay, các sản phẩm chủ đạo của HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng là: Ổi Hoành Bồ, Trà gạo lứt – Đỗ đen – Xạ đen và Khau nhục Sơn Dương. 3 sản phẩm này đã được HTX hoàn thiện hồ sơ thi sản phẩm OCOP 4 sao. Bà Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng, TP Hạ Long chia sẻ: HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng chúng tôi đã liên kết sản xuất với 46 hộ trồng ổi có tổng diện tích trên 10ha, thuộc xã Sơn Dương, TP Hạ Long. Sản phẩm “Ổi Hoành Bồ” đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được chứng nhận đáp ứng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt. Đây cũng là những hộ trồng ổi VietGAP đầu tiên của TP Hạ Long nói riêng, toàn tỉnh nói chung đạt tiêu chuẩn này.
Chúng tôi đến xã Sơn Dương vào một ngày đầu tháng 11/2022 và được tận mắt chứng kiến một vùng đất bạt ngàn ổi. Tại tổ sản xuất ổi số 1 ở thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương, TP Hạ Long có 7 hộ với 1,728 ha. Riêng nhà ông Vi Văn Tuyên, Tổ trưởng có diện tích 0,6 ha. Là người ham học hỏi về khoa học kỹ thuật nên khi được HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng liên kết sản xuất, ông Vi Văn Tuyên đã cùng với bà con trong tổ sản xuất áp dụng đúng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với sản phẩm “Ổi Hoành Bồ”. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của địa phương và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Vi Văn Tuyên, Tổ trưởng Tổ sản xuất ổi Đồng Giang, xã Sơn Dương, TP Hạ Long tay thoăn thoắt thu hoạch ổi, miệng cười phấn khởi, chuyện trò rôm rả với chúng tôi: Trồng cây ổi theo quy trình VietGAP, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về liều lượng, chủng loại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ trồng được khuyến khích xử lý cỏ dưới gốc cây ổi bằng phương pháp thủ công, hạn chế dùng thuốc gốc hóa học để đảm bảo an toàn thực phẩm. Áp dụng quy trình này, chất lượng quả ổi tốt hơn, bán được giá hơn. Quan trọng nhất là sản phẩm tạo ra có uy tín với người tiêu dùng.
Ông Vi Văn Tuyên, Tổ trưởng Tổ sản xuất ổi Đồng Giang, xã Sơn Dương, TP Hạ Long chăm sóc ổi của gia đình theo đúng quy trình VietGAP.
Đến Sơn Dương, chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất món Khau nhục ở nơi đây. Khau nhục là món ngon độc đáo của người Sán Dìu ở xã Sơn Dương, TP Hạ Long, đã được HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng đầu tư trang thiết bị để hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo chất lượng tốt, hương vị nguyên bản, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn tham dự thi xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, sản phẩm Khau nhục đang được tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho bà con trong xã. Bà Hà Thị Thu, người sinh sống và làm món Khau nhục mấy chục năm nay ở xã Sơn Dương, TP Hạ Long đã cho chúng tôi biết bí quyết sản xuất món Khau nhục, sản phẩm thương hiệu của người Sơn Dương: Để có món Khau nhục ngon thì khâu lựa chọn thịt để chế biến rất quan trọng, phải là thịt ba chỉ ngon. Trong tất cả các gia vị để làm nên món khau nhục, không thể thiếu mật ong, thứ làm cho màu miếng thịt được đẹp hơn. Mộc nhĩ, măng rừng làm món ăn thêm giòn, thơm. Bột húng lìu, thảo quả phải cho đúng liều lượng nếu không sẽ làm món ăn rất ngang. Đặc biệt là quy trình chế biến phải đảm bảo từ khâu thái ướp, nêm nếm gia vị đến thời gian hấp đủ chín mềm, thơm, đượm vị, không bị dai.
Sản phẩm Khau nhục Sơn Dương sản xuất tại HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng, TP Hạ Long.
Cùng với 2 sản phẩm: “Ổi Hoành Bồ” và Khau nhục Sơn Dương, sản phẩm Trà gạo lứt – Đỗ đen – Xạ đen của HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng đã hoàn thiện hồ sơ, đang chờ thi hạng OCOP 4 sao. Sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận quản lý chất lượng, ATTP phù hợp với chương trình phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP).
Thời gian qua, tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, khuyến công, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học, hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ... Nắm bắt được điều này, HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng đang khẳng định thương hiệu sản phẩm với mong muốn được hỗ trợ để đầu tư dây chuyền đóng gói bằng máy sản phẩm Trà gạo lứt – Đỗ đen – Xạ đen và Khâu nhục Sơn Dương.
Sản phẩm Trà gạo lứt – Đỗ đen – Xạ đen của HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng đã hoàn thiện hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP 4 sao.
Bà Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng, TP Hạ Long chia sẻ: HTX Việt Hưng chúng tôi còn rất non trẻ, lại nằm trên địa bàn vùng núi, kinh tế khó khăn. Hiện nay, sản phẩm ổi đã được cấp mã vùng trồng nhưng chúng tôi chưa có cơ sở để đóng gói ổi và sản phẩm chè thì chế biến rất thô sơ, do đó chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để đầu tư dây chuyền rang sấy, đóng gói sản phẩm hiện đại để đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm của khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm Khau nhục Sơn Dương đã cung cấp, vận chuyển đến 12 tỉnh, thành trong nước, có mặt trong các siêu thị. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để đầu tư dây chuyền đóng gói sản phẩm trong hộp thiếc giống như thịt hộp đang bán ở các siêu thị nhằm nâng tầm sản phẩm.
Có thể nói, nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất và tích cực tham gia chương trình OCOP, HTX Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Hưng nói riêng, các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho HTX và thành viên, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn.
Bài, ảnh: Thu Hương
PHỔ BIẾN KIẾN THỨC
Các loại mùi giúp đuổi muỗi phòng sốt xuất huyết
Khi dịch sốt xuất huyết đang hoành hành, cách phòng tránh căn bệnh này là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Từ tiếng vo ve khó chịu đến vết cắn ngứa ngáy và nhiều loại bệnh mà chúng gây ra, trong đó có sốt xuất huyết, muỗi thực sự là một trong những loài côn trùng tồi tệ nhất gây hại cho con người. Theo India Times, để phòng ngừa bệnh do muỗi gây ra, dưới đây là một số loại mùi hương giúp xua đuổi loại côn trùng tránh xa con người.
Sả
Đây có thể là điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi nghĩ về mùi hương đuổi muỗi. Tinh dầu sả, chiết xuất từ cây sả, thường được sử dụng trong thuốc xịt côn trùng và nến thơm. Nó có mùi hương cam quýt giống chanh, gây khó chịu cho muỗi nhưng lại cực kỳ dễ chịu đối với con người.
Sả có thể được trồng bên ngoài nhà của bạn như loại thuốc chống côn trùng hấp dẫn nhưng hiệu quả. Ngoài ra, tinh dầu sả có thể được thoa trực tiếp lên da hoặc kết hợp với các loại tinh dầu khác để tạo ra chất ngăn chặn muỗi tự nhiên.
Bạc hà
Hương thơm bạc hà gây khó chịu cho các giác quan nhạy bén của muỗi. Sự hiện diện đơn thuần của cây bạc hà có thể xua đuổi những con côn trùng bay phiền phức này ở một mức độ nào đó.
Bạn có thể nghiền nát lá bạc hà và chà xát lên da để tránh muỗi. Ngoài ra, nếu bạn bị muỗi hoặc các loài bọ cắn, dầu bạc hà cũng có tác dụng giảm ngứa hiệu quả.
Húng quế
Loại thảo mộc thơm ngon này không chỉ tăng hương vị cho các món ăn, nó cũng có thể được sử dụng như một chất chống muỗi tự nhiên. Các loại tinh dầu có trong cây húng quế tỏa ra mùi thơm mạnh mẽ gây khó chịu cho loài côn trùng này.
Bạn có thể tận dụng tối đa các đặc tính của húng quế bằng cách trồng nó trong sân hoặc tạo ra loại thuốc xịt tự chế từ loài cây này.
Mùi hương từ sả hoặc tinh dầu sả có thể khiến muỗi tránh xa.
Tỏi
Khi bạn ăn tỏi, hoạt chất allicin của tỏi sẽ cản trở mùi hương tự nhiên của bạn và giúp che giấu khỏi muỗi. Tỏi cũng có thể được sử dụng để đuổi muỗi ngay cả khi bạn không ăn nó. Bạn có thể cắt thành nhiều lát tỏi và rải chúng xung quanh khu vực sinh hoạt ngoài trời của gia đình, hoặc kết hợp với dầu và các thành phần lỏng khác để tạo thành bình xịt đuổi côn trùng cho sân vườn nhà bạn.
Ngoài ra, bạn có thể trộn tỏi với các loại tinh dầu để tạo thành một loại xịt chống muỗi cho cơ thể. Muỗi sẽ không thể chịu được mùi khó chịu.
Tía tô đất
Là một thành viên của họ bạc hà, tía tô đất có mùi hương chanh nhẹ nhàng, mạnh mẽ nhưng khiến nhiều loài côn trùng thấy khó chịu. Trồng loại cây này ở những khu vực cụ thể mà bạn muốn xua đuổi muỗi hoặc đắp lá đã nghiền nát lên da để làm thuốc đuổi muỗi.
Bạn có thể thêm lá tía tô đất vào các loại trà thảo mộc của mình để giảm căng thẳng.
Hoa oải hương
Mặc dù hoa oải hương có thể là mùi hương yêu thích của nhiều người, muỗi lại ghét chúng vì mùi hương cay nồng. Giống hầu hết loại thực vật trong danh sách này, hoa oải hương có thể được sử dụng bằng cách chiết xuất dầu và bôi trực tiếp lên da hoặc làm nước xịt toàn thân.
Bạn cũng có thể chỉ cần trồng oải hương trong vườn. Không chỉ làm đẹp cho cảnh quan nhà bạn, hoa oải hương còn khiến muỗi tránh xa mọi thành viên trong gia đình.
Hương thảo
Loại thảo mộc thơm này có tác dụng kỳ diệu khi được trồng trong vườn, dễ dàng giải quyết sự xâm nhập của các loại muỗi. Khi nướng thịt, bạn hãy đặt một vài nhánh hương thảo trên vỉ nướng để đuổi muỗi. Ngoài ra, hương thảo có thể được pha vào kem dưỡng da hoặc thuốc xịt để tạo ra thuốc chống côn trùng đơn giản cho cơ thể.
Khuynh diệp
Tương tự sả, khuynh diệp có mùi nồng nặc cản trở các giác quan tinh tế của muỗi và có thể khiến chúng khó xác định được nguồn thức ăn của mình. Dầu từ cây này cũng xua đuổi các loại côn trùng khác như bọ ve, muỗi vằn và ruồi cát. Tinh dầu khuynh diệp cũng có thể được bôi trực tiếp lên da thường xuyên để bảo vệ tối ưu.
BBT (Sưu tầm)
Người hay bị dị ứng thời tiết cần lưu ý những điều gì?
Dị ứng thời tiết thuộc nhóm bệnh lành tính, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh này lại khiến cho người mắc khó chịu... và bệnh đang có chiều hướng gia tăng.
Những triệu chứng khi bị dị ứng thời tiết
Theo giới chuyên gia, người bị bệnh dị ứng thời tiết liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Người bị dị ứng thời tiết liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Trong Tây y, khi thời tiết thay đổi, cơ thể phản ứng bằng cách giải phóng ra hàng loạt các hoạt chất trung gian histamin tập trung ở dưới da, đặc biệt những vùng da hở. Đây chính là nguyên nhân gây ra các nốt dị ứng nổi mề đay mẩn ngứa.
Còn trong Đông y, khi cơ thể bị dị ứng là lúc chức năng tạng phủ trong cơ thể không khỏe, đặc biệt chức năng gan, thận và hệ miễn dịch. Khi ba chức năng này suy yếu, cơ thể dễ bị dị ứng gây ngứa.
Hầu hết dị ứng thời tiết đều gây ra tình trạng tổn thương ngoài da. Những biểu hiện lâm sàng rõ nét nhất là: Da bị mẩn đỏ, đa dạng kích thước. Nhiều trường hợp chỉ là các vết mẩn bằng phẳng, nhưng cũng có trường hợp các vết mẩn nổi cộm hơn hẳn so với mặt bằng da. Song cũng có trường hợp không ngứa, nhưng người bệnh cảm thấy khó chịu vì đau rát.
Dị ứng thời tiết gây ra nhiều khó chịu cho người mắc phải như ngứa châm chích hoặc nóng rát. Nếu càng gãi mạnh, tình trạng sẽ lan rộng hơn, sưng to hơn; thậm chí có trường hợp đi kèm thêm một số triệu chứng khác liên quan tới hệ hô hấp và hệ tiêu hóa để lại ảnh hưởng nặng nề hơn cho người mắc phải như: Viêm mũi dị ứng, chàm bội nhiễm, ho, khó thở…
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh
Hầu hết các trường hợp bị nổi mề đay, mẩn đỏ do dị ứng thời tiết đều khá nhẹ nhàng. Do vậy, có thể tự điều trị tại nhà bằng việc bổ sung nguồn vitamin C tự nhiên, chúng xuất phát từ các loại trái cây và rau củ như súp lơ xanh, táo, cam, ớt chuông hoặc bưởi... Bởi vitamin C có tác dụng hạn chế những phản ứng miễn dịch gây ra bởi histamin.
Người bị dị ứng do yếu tố thời tiết cũng có thể uống một ly nước mật ong. Lý do, mật ong có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và đặc biệt là cải thiện sức đề kháng cơ thể ở người; hạn chế sự tấn công của các yếu tố gây kích ứng trên da.
Đồng thời người bệnh cũng cần tránh hạn chế tiếp xúc với các tác nhân như phấn hoa, khói bụi, đồ uống có cồn, đặc biệt là khói thuốc lá có chứa nicotin... đây là những chất có thể khiến tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng hơn.
Nếu sử dụng các biện pháp dân gian chữa trị ứng thời tiết mà không có hiệu quả thì cần tới các trung tâm y tế điều trị sức khỏe để có phác đồ điều trị kịp thời. Một số loại thuốc Tây y thường được bác sĩ kê đơn có thể khắc phục và cải thiện tình trạng dị ứng do thời tiết là: Thuốc kháng histamin như Loratadin, Cetirizine... Khi nhận thấy có dấu hiệu của mề đay và phù mạch, bác sĩ thường sẽ chỉ định thuốc điều trị là Prednisolone.
Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng mề đay nặng sẽ sử dụng thuốc kháng thụ thể H2 (cimetidin) hoặc sử dụng kết hợp thuốc kháng histamin và doxepin. Muốn hạn chế các triệu chứng kéo dài của bệnh, hoặc phòng ngừa bệnh, nên sử dụng thuốc Corticoid.
Đặng Xuân Thắng - Trường đại học Y Dược, Đại học Duy Tân Đà Nẵng - lưu ý: Người bệnh cần hạn chế làm việc lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc trong thời tiết giá lạnh; tránh những nơi đông người, không khí ngột ngạt. Người mắc dị ứng cũng cần tắm nước ấm/nước mát. Tắm nước ấm được áp dụng trong trường hợp dị ứng thời tiết lạnh và ngược lại. Biện pháp này giúp điều hòa thân nhiệt, giảm mức độ ngứa ngáy và tiêu các mẩn đỏ, phát ban do dị ứng thời tiết gây ra.
Những thói quen cần thay đổi
Bên cạnh phương pháp điều trị dị ứng thời tiết bằng các loại thuốc, việc thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Những thói quen cần duy trì bao gồm: Uống nhiều nước ép trái cây để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại những tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài. Ăn nhiều rau củ quả, trái cây có chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước để điều hòa cơ thể. Có thể sử dụng thêm những thuốc bổ chứa vitamin B1, B6, B12. Hạn chế ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng, đậu phộng.
Bệnh dị ứng thời tiết không thể chữa trị dứt điểm vì liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Do đó, người bị dị ứng thời tiết cần tránh các tác nhân gây dị ứng, tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, động vật nuôi, tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc đồ uống có cồn để tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng.
Giữ cho cơ thể ở nhiệt độ ổn định để tránh khỏi tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
Khi da có dấu hiệu dị ứng sẩn ngứa cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ những nơi bị dị ứng; tránh gãi hoặc ma sát mạnh trên da vì dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm da. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng của viêm mũi xoang dị ứng, cần đeo khẩu trang khi ra đường và hạn chế tiếp xúc với những loại động vật.
BBT (Sưu tầm)
TIN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Đổi mới quản lý đo lường theo quy trình
Hoạt động đo lường có vài trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Xác định rõ điều này, .những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đo lường luôn được Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TCĐLCL), Sở KH&CN Quảng Ninh quan tâm đẩy mạnh, nhằm đảm bảo công bằng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tạo lực đẩy để phát triển kinh tế - xã hội.
Trung bình hằng năm, Chi cục TCĐLCL thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn hàng nghìn phương tiện đo cho các ngành và cơ sở; tổ chức hàng trăm đợt kiểm tra, giám sát thực hiện phép đo, chấn chỉnh việc cân, đong thiếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Qua đó góp phần đảm bảo các phương tiện đo trong danh mục phải kiểm định được quản lý, đặc biệt là các phương tiện đo sử dụng tại các đầu mối giao nhận hàng lớn tại các cảng biển, bến bãi, các mặt hàng có tính nhạy cảm trong đời sống xã hội, như điện, nước, xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng...
Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục đã kiểm định phương tiện đo lường tại các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với trên 2.500 phương tiện đo; kiểm định xi téc ô tô với hàng chục phương tiện đo; thử nghiệm, hiệu chuẩn trên 500 phương tiện đo lường… Hoạt động quản lý nhà nước về đo lường ngày càng được đổi mới, đi sâu vào quản lý theo quy trình, cung cấp các bộ công cụ, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ các khâu đo lường.
Để công tác đo lường ngày càng hiệu quả, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, trang sắm nhiều thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu về kiểm định, hiệu chuẩn. Chi cục TCĐLCL hiện được nâng cấp và bổ sung tương đối đầy đủ hệ thống chuẩn đo lường để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trong nhiều lĩnh vực, như khối lượng, độ dài, độ tuổi, lực, áp suất, điện - điện từ, an toàn bức xạ...
Hương Anh
Bảo đảm đo lường, chất lượng xăng dầu
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, ngăn ngừa các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Sở KH&CN phối hợp tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng xăng dầu.
Toàn tỉnh hiện có 223 cửa hàng đại lý kinh doanh xăng dầu thuộc 114 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng xăng dầu, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH&CN đã chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục TCĐLCL phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu, đảm bảo tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng xăng dầu đúng theo quy định của pháp luật.
Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, như: Kiểm định cột đo xăng dầu; các cột đo xăng dầu có tem kiểm định, tem kiểm tra niêm phong trên IC chương trình; lưu giữ hồ sơ đo lường đầy đủ tại cửa hàng; mua sắm bình đong để phục vụ khách hàng kiểm định...
Để đánh giá chất lượng xăng dầu của các cửa hàng, đoàn kiểm tra của Sở KH&CN đã tiến hành lấy mẫu xăng dầu (RON 92, RON 95, DO 0,05) tại các cửa hàng nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm chất lượng. Các mẫu được đưa đến Phòng thử nghiệm xăng dầu khí, Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1 (Tổng cục TCĐLCL) để thử nghiệm. Kết quả cho thấy chất lượng đảm bảo theo quy định.
Cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, Sở KH&CN tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng cường ứng dụng KH&CN để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về đo lường, chất lượng xăng dầu, giảm sự can thiệp của con người vào hoạt động đo lường, sử dụng phương tiện đo.
Hương Anh
QUAWACO chú trọng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác đo lường
Nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày và nước sử dụng để SXKD là các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người dân. Do đó, để đảm bảo đo lường trong hoạt động khai thác, SXKD nước sạch phục vụ sinh hoạt, du lịch, dịch vụ, sản xuất và các nhu cầu khác trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Những năm qua, QUAWACO luôn chú trọng đổi mới, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác đo lường, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và khẳng định uy tín, thương hiệu của đơn vị.
Trung tâm Kiểm định đồng hồ nước thuộc Công ty là đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) chỉ định khả năng kiểm định đồng hồ cơ khí và điện tử. Để đảm bảo công tác đo lường, bên cạnh đầu tư, trang sắm thiết bị, phương tiện đo lường hiện đại, Trung tâm thực hiện đúng Luật Đo lường, các thông tư, nghị định, quy định quản lý và sử dụng phương tiện đo, đảm bảo quyền lợi khách hàng, kiểm soát chặt chẽ các đồng hồ đo nước, đảm bảo hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường...
Định kỳ hằng năm, Trung tâm phối hợp với Chi cục TCĐLCL tổ chức các hội thảo, nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ lĩnh vực đo lường. Đến nay, năng lực cán bộ kiểm định tại Trung tâm ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Hàng năm Trung tâm thực hiện kiểm định định kỳ đồng hồ đến hạn, kiểm định đúng chu kỳ, các đồng hồ không đạt yêu cầu được thay thế.
Đặc biệt thời gian qua, Công ty triển khai nhiều phần mềm, ứng dụng trong công tác quản lý và ghi số đồng hồ khách hàng. Công ty đã áp dụng việc ghi, thu tiền nước qua điện thoại thông minh, giúp quản lý chính xác, nhanh chóng và thuận tiện cho các nhân viên ghi số.
Công ty luôn xác định đầu tư ứng dụng KH&CN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả SXKD. Công ty đã xây dựng đề án ứng dụng KH&CN trong sản xuất, giai đoạn 2021-2025. Trong đó đặc biệt chú trọng ứng dụng KH&CN trong sản xuất, điều khiển tự động các nhà máy, đồng thời thực hiện giám sát chất lượng sản phẩm dịch vụ của Công ty 24/24h bằng hệ thống online. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
Hương Anh
117 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần thứ VII năm 2022
Vừa qua, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII năm 2022. 117 sản phẩm của 67 chủ thể OCOP ở 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt này.
Đây là năm thứ 7 Quảng Ninh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Qua đó, tiếp tục xây dựng Chương trình OCOP trở thành chương trình kinh tế quan trọng của tỉnh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từ các sản phẩm truyền thống địa phương.
Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh. Hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm Chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Được biết đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 565 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia Chương trình OCOP; đã có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp Trung ương.
Hương Anh