NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Tuổi trẻ Quảng Ninh đam mê, sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống
Luôn sáng tạo, đoàn kết và bản lĩnh, tuổi trẻ Quảng Ninh đã tiên phong, đón đầu kỷ nguyên số, phát huy năng lực, sức trẻ của mình trong tiếp cận, ứng dụng KHCN, đưa tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào từng ngành, lĩnh vực của cuộc sống. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát minh, sáng chế của đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh đã phát huy tính ứng dụng vào thực tiễn. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, làm lợi về kinh tế, phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bác sĩ Diệp Minh Quang (SN 1989), Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) được nhắc đến với nhiều sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học mang lại giá trị thực tiễn cao trong hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực di truyền học.
Giai đoạn 2017-2022, bác sĩ Quang đã có nhiều đóng góp trong việc mở rộng và phát triển đơn nguyên di truyền, Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện, đưa đơn vị thành một trong những đơn vị di truyền mạnh của Việt Nam, với một số kỹ thuật cao lần đầu được triển khai ở bệnh viện tuyến tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán và sàng lọc phôi tiền làm tổ”. Kỹ thuật này được đánh giá là một trong những bước tiến hỗ trợ hiệu quả cho quy trình thụ tinh trong ống nghiệm, là kỹ thuật mới và khó ngay với các bệnh viện tuyến Trung ương.
Bác Bác sĩ Diệp Minh Quang - một trong những gương mặt trẻ năm 2022 được Tỉnh Đoàn Quảng Ninh vinh danh ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Hay như đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh bệnh tan máu bẩm sinh tại Quảng Ninh”. Đây là nghiên cứu y khoa cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Ninh và cũng là nghiên cứu cộng đồng về bệnh tan máu bẩm sinh cấp tỉnh lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bác sĩ trẻ Diệp Minh Quang còn được biết đến là tác giả của nhiều bài báo khoa học quốc tế với những thông tin giá trị, có hàm lượng nghiên cứu sâu, chất lượng.
Ngoài y dược, nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác cũng có những đóng góp in đậm dấu ấn trí tuệ của tuổi trẻ Vùng mỏ với nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu, sáng tạo, phục vụ học tập, lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như tuổi trẻ Công an tỉnh với các sáng kiến, ý tưởng hay, sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào nâng cao hoạt động nghiệp vụ như phần mềm quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử hồ sơ nghiệp vụ; khai thác, thu thập, nghiên cứu thông tin trên mạng Internet phục vụ công tác bảo vệ an ninh kinh tế; ứng dụng báo cháy 114… Đoàn viên, thanh niên TP Móng Cái với ứng dụng quét mã QR tại các điểm tham quan, du lịch, mang lại thuận tiện cho người dân, du khách khi tiếp cận các thông tin điểm đến trên địa bàn. Tuổi trẻ Đoàn Than với hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật mỗi năm, giúp các đơn vị ngành than hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trong lĩnh vực học tập cũng xuất hiện nhiều tài năng trẻ đam mê nghiên cứu, sáng chế, sáng tạo, với nhiều đề tài, mô hình có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn. Có thể kể đến là học sinh của Trường THPT Chuyên Hạ Long (TP Hạ Long) với đề tài nghiên cứu khoa học “Chế tạo máy phát điện dựa trên hiệu ứng điện ma sát” đoạt HCV cuộc thi Khoa học và sáng chế quốc tế năm 2022 tại Indonesia. Hay như học sinh Trường THCS Chu Văn An (TP Cẩm Phả) đã sáng tạo ra bộ truyện tranh phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh lớp 6 và xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII, năm 2021-2022…
Để thúc đẩy tuổi trẻ Quảng Ninh hăng hái lao động, sáng tạo, nhiều hội thi, cuộc thi đã được các sở, ban, ngành tổ chức, tạo môi trường, động lực cho thanh, thiếu niên hăng say học tập, nghiên cứu, tiếp cận, nắm bắt công nghệ. Đồng thời phát hiện, bồi dưỡng nhiều tài năng trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã triển khai nhiều phong trào, cuộc thi, giải thưởng về khoa học kỹ thuật như: Festival Tuổi trẻ sáng tạo; ngày hội Tuổi trẻ sáng tạo; cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp... Qua đó, phát hiện, tôn vinh nhiều cá nhân, tổ chức say mê nghiên cứu khoa học; kịp thời đưa những tiến bộ, sáng kiến vào ứng dụng, triển khai trong thực tế. Riêng trong năm 2022, Tỉnh Đoàn đã ghi nhận trên 48.600 ý tưởng, sáng kiến của tuổi trẻ toàn tỉnh đóng góp vào Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Thanh niên Việt Nam.
Ngành giáo dục hằng năm đã phát động và tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học từ cấp trường đến cấp tỉnh; đưa giáo dục STEM vào trường học; tổ chức các hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, chương trình ngoại khóa theo hướng trải nghiệm sáng tạo, gắn với hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh. Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh, nhằm tạo sân chơi bổ ích, phát huy khả năng sáng tạo của tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh. Từ sân chơi này đã có hàng trăm sáng kiến, mô hình, sản phẩm của các em được phát triển, ứng dụng vào thực tiễn học tập, sản xuất và trong đời sống hằng ngày.
Ngoài ra, tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng xây dựng, phát triển các CLB Khoa học, tổ chức các cuộc thi, hội thảo, diễn đàn trao đổi… nhằm khuyến khích và tạo môi trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy tinh thần sáng tạo của đoàn viên, thanh niên. Tiêu biểu phải kể đến Đoàn Than với hội thi Tuổi trẻ sáng tạo và phong trào Sáng tạo trẻ, phong trào Thanh niên xung kích tiến quân vào KHCN…
Từ các cuộc thi, phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật đã và đang khơi dậy, thúc đẩy tuổi trẻ Quảng Ninh thể hiện đam mê, nhiệt huyết, tinh thần dấn thân, làm chủ KHCN để phục vụ học tập, lao động, sản xuất. Qua đó, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển, hội nhập.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hồng Ngọc
Động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo từ thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Qua đó, đã tạo tiền đề vững chắc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.
Ngày 5/2/2022, tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng 2030. Một trong những lĩnh vực chuyển động mạnh mẽ là chuyển đổi số trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ cấp tỉnh đến cơ sở. Theo đó, tại các trung tâm hành chính công các cấp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, số lượng hồ sơ TTHC nộp trực tuyến đã tăng mạnh.
Ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng Phòng Tiếp nhận và giải quyết TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Khi toàn bộ kết quả giải quyết TTHC được số hóa, được đưa lên kho dữ liệu của tỉnh, của trung ương, chia sẻ cho kho dữ liệu của các sở, ban, ngành và gửi vào kho dữ liệu của các tổ chức doanh nghiệp thì toàn bộ kết quả giải quyết TTHC đã được công khai minh bạch trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Như vậy, toàn bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân có thể truy cập để kiểm tra bất kỳ lúc nào, bất kỳ thời điểm nào chỉ cần có kết nối internet. Việc này, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết TTHC nhanh, minh bạch, thuận tiện nhất cho công dân.
Cùng với đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được chú trọng, đến nay 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; trên 65,7% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,8% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện thanh toán không dùng tiền mặt; trên 85,7% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 97,2%; trên 77% số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 87,44%; 98,4% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Hiện việc phủ sóng thông tin di động đến các hộ dân triển khai tới 100% các xã, phường và thị trấn trong toàn tỉnh. Tỉnh đã hoàn thành xong việc phủ lõm sóng cho 97/113 thôn, còn 16 thôn còn lại sẽ hoàn thành trong quý I/2023.
Để thúc đẩy xây dựng chính quyền số, từ đầu năm 2022, tỉnh đã triển khai phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Hiện phần mềm này được triển khai đến 25 sở, ban, ngành, 12 chi cục; 13/13 UBND cấp huyện, 177/177 UBND cấp xã trong tỉnh.
Hiện Quảng Ninh đứng đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (78%); 100% thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thì Quảng Ninh cũng đã hoàn thành để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Từ tháng 5/2022, Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư. Về mức độ chính quyền điện tử (chỉ số ICT), hiện tỷ lệ hồ sơ được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử của cả 3 cấp tăng 60% so với năm 2021 và 90% người đứng đầu đã sử dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản gửi trên môi trường mạng đạt 95%. Quảng Ninh đang đứng ở vị trí thứ 2 về tính công khai, minh bạch; tiến độ giải quyết TTHC cũng đứng thứ 2 và việc số hóa hồ sơ đứng thứ 5 cả nước. Hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 95,7%, phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động và tăng cường chức năng theo dõi, giám sát; tiếp tục củng cố trường học thông minh, bệnh viện thông minh, xây dựng đô thị thông minh… Đồng thời, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, xây dựng và triển khai đồng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp, qua đó là thước đo về hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử; chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn trong các ngành kinh tế trọng điểm, như: Công nghiệp, chế biến, chế tạo, khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp, giao thông và logistics thông minh, cửa khẩu số, du lịch, kinh tế cửa khẩu..
Bài, ảnh: Cao Minh Đức
HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Quảng Ninh nỗ lực xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai các mô hình điểm về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian là một trong những nội dung quan trọng góp phần đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh. 11 tổ chức, doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng năm 2022 và mới được trao Chứng nhận Hệ thống quản lý tiên tiến vào cuối tháng 12/2022 tiếp tục minh chứng cho điều này.
Giám đốc Sở KH&CN Phạm Xuân Đài trao Chứng nhận Hệ thống quản lý tiến tiến năm 2022 cho Công ty CP Chế tạo máy Vinacomin.
Qua kinh nghiệm và thực tế triển khai 30 mô hình điểm về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn từ 2015-2020 và kết quả triển khai 10 mô hình điểm năm 2021; Năm 2022, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu và nghiên cứu thực tế, đánh giá thực trạng làm cơ sở giúp các doanh nghiệp mới tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL (Sở KH&CN) cho biết: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Sở KH&CN giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 243 ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh, về việc Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thành lập đoàn khảo sát tại chỗ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện để tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng và chuyển đổi số năm 2022. Đến nay, 11 tổ chức, doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng năm 2022 đã triển khai áp dụng thành công, bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan, vừa được Sở KH&CN trao Chứng nhận Hệ thống quản lý tiên tiến (HTQL).
Công ty CP Chế tạo máy – Vinacomin (ở TP Cẩm Phả) là đơn vị đã đăng ký và triển khai áp dụng thành công 02 HTQL tiến tiến và 01 công cụ 5S, trong đó có HTQL Năng lượng ISO 50001:2018 (là HTQL lần đầu tiên được áp dụng tại Quảng Ninh bởi năm 2022 là năm đầu tiên Quảng Ninh có 02 đơn vị áp dụng HTQL này, trong đó có Công ty CP Chế tạo máy – Vinacomin và Tổ hợp Gốm Đất Việt) và HTQL Môi trường ISO 14001:2015.
Giám đốc Sở KH&CN Phạm Xuân Đài trao Chứng nhận Hệ thống quản lý tiến tiến năm 2022 cho Công ty CP Gốm Đất Việt.
HTQL Năng lượng ISO 50001:2018 là hệ thống mới, lần đầu tiên được triển khai áp dụng tại Quảng Ninh đòi hỏi sự quyết tâm cao trong triển khai áp dụng nhưng hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Xác định rõ điều này, Ban Lãnh đạo Công ty CP Chế tạo máy – Vinacomin đã cùng đồng lòng, quyết tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.
Ông Lê Viết Sự, Phó Giám đốc Công ty CP chế tạo máy Vinacomin đã bày tỏ niềm vui trong ngày đón nhận 02 chứng nhận HTQL tại Công ty: Chúng tôi thực sự rất phấn khởi và tự tin khi áp dụng, triển khai thực hiện 02 HTQL tiên tiến và 01 công cụ 5S. Công ty chúng tôi đã xây dựng bổ sung 30 quy trình và văn bản tài liệu liên quan đến HTQL Môi trường, HTQL Năng lượng và Công cụ năng xuất 5S; ban hành các quy trình, văn bản tài liệu đảm bảo tính hiệu lực của HTQL. Đồng thời, tổ chức đào tạo các chuyên gia đánh giá nội bộ hệ thống cũng như hướng dẫn đào tạo cách thức đánh giá 5S.
Tổ hợp Gốm Đất Việt - Đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Doanh nghiệp cũng tiên phong đi đầu trong thực hiện phong trào năng suất, chất lượng của tỉnh với việc áp dụng thành công các HTQL tiên tiến và công cụ 5S. Trong năm 2022, Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt và Công ty Cổ phần Gạch ngói Đất Việt thuộc Tổ hợp Gốm Đất Việt tiếp tục triển khai, áp dụng thành công các HTQL tiến tiến: HTQL Năng lượng ISO 50001:2018; HTQL An toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018; HTQL Môi trường ISO 14001:2015 và Công cụ nâng cao năng suất chất lượng TQM.
Áp dụng HTQL Năng lượng ISO 50001:2018 đã mang lại hiệu quả cho 2 Công ty của Tổ hợp Gốm Đất Việt như: Góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng, có tiềm năng tiết kiệm chi phí mua năng lượng; Giảm thiểu số vụ tai nạn lao động, đảm bảo sức khỏe của cán bộ công nhân viên luôn trong tình trạng tốt nhất góp phần duy trì hệ thống sản xuất luôn hoạt động trơn tru, tuân thủ các yêu cầu pháp luật, định hướng phát triển bền vững.
Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Gốm Đất Việt chia sẻ: Đón nhận các Chứng nhận HTQL tiến tiến năm 2022 là niềm tự hào của Tổ hợp Gốm Đất Việt và là minh chứng tiếp tục khẳng định sự năng động, sáng tạo không ngừng nghỉ để chúng tôi tiếp tục xây dựng thương hiệu vững chắc, xứng đáng là đơn vị hàng đầu trong ngành đất sét nung Việt Nam. Thời gian tới , Tổ hợp Gốm Đất Việt tiếp tục duy trì những HTQL tiên tiến đã đạt được, trong đó đặc biệt quan tâm coi trọng duy trì HTQL Năng lượng ISO 50001:2018, là HTQL lần đầu tiên được áp dụng tại Quảng Ninh.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long là doanh nghiệp đầu tiên của Quảng Ninh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với mô hình trồng rau sạch hữu cơ trong môi trường tự nhiên để phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, phong tục tập quán của người dân.
Ông Lê Cao Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long cho biết: Với sự đồng hành của Sở KH&CN và đơn vị tư vấn, Công ty đã thực hiện thành công 02 HTQL, đó là HTQL môi trường ISO 14001: 2015; Tiêu chuẩn VIETGAP và Công cụ 5S tại Khu vực sản xuất nông nghiệp chi nhánh Greeen Việt Long, phường Cộng Hoà, thị xã Quảng Yên. Đến nay Công ty đã được trao Chứng nhận với những kết quả khả quan mang lại trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như: Tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, được chứng nhận VIETGAP giúp mở rộng thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm; Đáp ứng các yêu cầu về môi trường và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu rác thải môi trường.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là bệnh viện chuyên khoa, tuyến chuyên môn cao nhất về khám chữa bệnh trong lĩnh vực sản phụ khoa và nhi khoa của tỉnh. Bệnh viện là nơi tiếp nhận, ứng dụng công nghệ mới vào công tác khám chữa bệnh, đồng thời chuyển giao cho các bệnh viện khác trong tỉnh, để người dân mọi vùng miền đều có thể tiếp cận những công nghệ khám chữa bệnh tiên tiến nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ đặc biệt là vấn đề y đức.
Hướng đến môi trường làm việc khoa học, an toàn cho nhân viên cũng như người bệnh, nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu tối đa các rủi ro, năm 2020, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý chất lượng “5S - Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng” giúp hạn chế, ngăn chặn những sai sót, sự cố trong quá trình chăm sóc điều trị, tăng sự tin tưởng của người bệnh đối với dịch vụ chăm sóc y tế.
“Năm 2022, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh triển khai, áp dụng thành công HTQL Môi trường ISO 14001:2015 và HTQL Chất lượng ISO 9001:2015 và được trao chứng nhận vào cuối tháng 12/2022. Để thực hiện thành công 02 hệ thống này đòi hỏi phải có chi phí để duy trì hệ thống hoạt động liên tục, do đó cần có sự quyết tâm cao của Ban Lãnh đạo bệnh viện. Với quyết tâm đó, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã mang lại những hiệu quả nhất định ban đầu” - Đó là chia sẻ cuả Bác sỹ CKII Bùi Minh Cường, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN) trao Chứng nhận Hệ thống quản lý tiến tiến năm 2022 cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị dẫn đầu toàn ngành trong các hoạt động y tế với nhiều kết quả nổi bật. Hiện nay, bệnh viện đang áp dụng quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế, như Bộ 83 tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện; Bộ tiêu chí 2429 quản lý chất lượng xét nghiệm; Bộ tiêu chí an toàn phẫu thuật thủ thuật;….Năm 2022, Sở KH&CN đã tư vấn, hỗ trợ bệnh viện thực hiện thành công HTQL Chất lượng ISO 9001: 2015; HTQL Môi trường ISO 14001:2015 và Công cụ 5S. Kết quả sau khi triển khai áp dụng tại bệnh viện đã ban hành 03 đợt tài liệu theo quy trình ISO 9001: 2015 và ISO 14001:2015 với tổng số là 60 tài liệu. Đặc biệt là công tác cải cách hành chính và công tác bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho hay: Kết quả của việc triển khai thành công 02 HTQL tiên tiến và Công cụ 5S trong năm 2022 góp phần quan trọng tiếp tục khẳng định vị thế, chất lượng của bệnh viện chúng tôi. Do đó, năm 2023, bệnh viện chúng tôi mong muốn tiếp tục được Sở KH&CN quan tâm, tư vấn, tạo điều kiện để triển khai các HTQL tiến tiến khác nữa bởi đây là hoạt động xuyên suốt trong quá trình phát triển, khẳng định vị thế của bệnh viện.
Trung tâm sát hạch lái xe và giám sát giao thông vận tải đường bộ Quảng Ninh (Sở Giao thông Vận tải) có nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động, đào tạo và triển khai sát hạch lái xe các loại, đồng thời phụ trách công việc giám sát hoạt động vận tải đường bộ trên các hệ thống thông minh của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe và giám sát giao thông vận tải đường bộ Quảng Ninh cho biết: Ban lãnh đạo Trung tâm đã quyết tâm tham gia Chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của tỉnh năm 2022 với 02 HTQL: HTQL Chất lượng ISO 9001:2015; HTQL An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018. Kết quả khi áp dụng thực hiện 02 hệ thống này, Trung tâm đã xây dựng được 13 quy trình ISO, được tổ chức kiểm định độc lập, đánh giá cấp Chứng nhận.
Trung tâm sát hạch lái xe và giám sát giao thông vận tải đường bộ Quảng Ninh đón nhận Chứng nhận Hệ thống quản lý tiên tiến năm 2022.
Trên đây chỉ là 7 đơn vị trong tổng số 11 tổ chức, doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng năm 2022 và mới được trao Chứng nhận HTQL tiên tiến được áp dụng thành công. Tất cả 11 tổ chức, doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng năm 2022 đều đã được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN) và Công ty TNHH tư vấn Á Châu đã đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình triển khai, áp dụng các HTQL và các công cụ cải tiến.
Ông Quách Thạch Thi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý và Phát triển doanh nghiệp Á Châu cho biết: Với sự chỉ đạo sát sao của Sở KH&CN, Công ty TNHH Tư vấn quản lý và Phát triển doanh nghiệp Á Châu đã cùng với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN) thực hiện đánh giá, khảo sát, lựa chọn được 11 tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp đến là đồng hành hỗ trợ các đơn vị nỗ lực triển khai thành công 11/11 mô hình điểm về năng suất chất lượng đúng tiến độ và chất lượng đề ra của các mô hình cụ thể. Việc triển khai thành công các HTQL tiến tiến và các Bộ công cụ tại các doanh nghiệp, bước đầu khẳng định thương hiệu, tên tuổi trên thị trường để doanh nghiệp có thêm động lực phấn đấu nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng của tỉnh ngày càng phát triển bền vững hơn.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của Sở KH&CN, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ngày càng nhận thức được việc xây dựng và áp dụng HTQL Chất lượng là yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để Quảng Ninh đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hằng năm tăng 10-15%; có ít nhất 20 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.
Bài, ảnh: Hương Anh
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Ngành Y tế Quảng Ninh đã và đang có những bước phát triển nhanh chóng nhờ vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào công tác khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) can thiệp mạch phổi cho người bệnh.
Với sự đồng hành của Sở KH&CN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh là: “Ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học có sự trợ giúp của phần mềm RAPID trong điều trị đột quỵ nhồi máu não”. Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là bệnh viện thứ 3 ở miền Bắc tiên phong triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong cấp cứu, điều trị đột quỵ nhồi máu não.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford của Mỹ và được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho sử dụng tại Mỹ. Đến nay đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới sử dụng vào việc chỉ định can thiệp tái thông mạch máu cho bệnh nhân đột quỵ.
Bà Đàm Thị Ninh (76 tuổi, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng liệt nửa người bên phải, không nói được, lơ mơ. Tính từ thời điểm khởi phát dấu hiệu đột quỵ đến khi tới bệnh viện, bà Ninh đã trải qua giờ thứ 7. Nếu như trước đây với những ca đột quỵ đã lỡ mất giờ vàng như bà Ninh, các bác sĩ thường không can thiệp lấy huyết khối trong não nữa, mà chỉ điều trị nội khoa hồi phục được phần nào hay phần đấy.
Tuy nhiên, nhờ ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã xác định rõ vùng não tổn thương, vùng não còn có thể cứu sống, để chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học cho bà Ninh. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi chỉ sau 1 ngày, bệnh nhân hết liệt và nói được. Bà Đàm Thị Ninh chia sẻ: Tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ đã kịp thời cấp cứu, điều trị cho tôi. Hiện tôi đã phục hồi hoàn toàn, có thể đi lại, sinh hoạt bình thường, tinh thần minh mẫn.
Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Theo phân công, thời gian thực hiện đề tài “Ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học có sự trợ giúp của phần mềm RAPID trong điều trị đột quỵ nhồi máu não” diễn ra trong 24 tháng. Nhưng chỉ trong 18 tháng, nhóm nghiên cứu cùng đơn vị chủ quản đã tích cực triển khai, hoàn thiện quy trình kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điều đó cho thấy cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại bệnh viện đủ điều kiện thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu. Đồng thời khẳng định đề tài có tính ứng dụng hiệu quả rất cao, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não.
Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh vẫn dành nguồn lực thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng những kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Năm 2022, toàn ngành chủ trì thực hiện 6 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 3 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, tiếp tục đặt hàng thực hiện 5 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2023. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tiếp tục triển khai 37 nhiệm vụ từ năm 2021 và đăng ký thực hiện 445 nhiệm vụ trong năm 2022, được Hội đồng khoa học ngành y tế quyết định phê duyệt danh mục.
Đặc biệt, trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2020-2021), riêng ngành y tế có15/33 đề tài, giải pháp đoạt giải (3 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba, 5 giải khuyến khích); có 8 cá nhân được vinh danh Trí thức KH&CN tiêu biểu.
Nhờ phát triển, ứng dụng KH&CN, toàn ngành đã triển khai được hàng trăm kỹ thuật mới của tuyến trung ương. Điển hình như: Kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO); kỹ thuật xạ hình tưới máu cơ tim (SPECT tim); kỹ thuật sàng lọc 3 bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh bằng máu gót chân; kỹ thuật vi sóng trong điều trị bệnh lý u gan và u tuyến giáp; phẫu thuật ghép xương nhân tạo…
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện, ngành đã xây dựng lộ trình triển khai ghép tạng tại Quảng Ninh. Ghép tạng là một ngành khoa học kỹ thuật cao, phức tạp, là lựa chọn cuối cùng của người bệnh bị suy tạng. Trong năm 2022, Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho 5 đơn vị (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả) thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não. Các đơn vị dự kiến sẽ đưa nội dung chẩn đoán chết não vào hoạt động thường quy đánh giá đối với tất cả người bệnh nặng xin về hoặc xuất viện. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương đào tạo nhân lực và mời các chuyên gia giỏi về chuyên môn ghép tạng để hỗ trợ trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoa
Quảng Ninh nhân giống Trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom
Trà hoa vàng có tên khoa học là Camellia chrysantha, thuộc họ trà (theaceae), đây là một loài thực vật quý hiếm vừa có giá trị làm cảnh vừa có giá trị chữa bệnh. Khác với các loại trà khác, bên cạnh các công dụng của lá thì hoa của loại cây này là bộ phận rất có giá trị bởi nó chứa nhiều hoạt chất dược học, nên những năm gần đây, loài cây này ở Việt Nam đang trong tình trạng khai thác quá mức, cùng với việc bị chặt phá để trồng Keo trên diện tích rộng, hơn nữa các quần thể cây trong tự nhiên là rất ít và phân bố hẹp lại chưa có biện pháp quản lý, sử dụng và bảo tồn thích hợp khiến cho loài cây dược liệu quý này ngày càng bị thu hẹp lại hoặc mất môi trường sống. Do đó, việc nghiên cứu các biện pháp chọn, tạo giống, trồng và xác định giá trị dược liệu thực sự của loài cây này đang là vấn đề cấp thiết góp phần tìm hiểu và khai thác các giá trị của các loài trà hoa vàng trong chi Camellia ở nước ta.
Vườn nhân giống Trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ.
Nghiên cứu về nhân giống trà hoa vàng nói riêng và chi Camellia nói chung ở Việt Nam còn chưa được toàn diện và đồng bộ, việc tìm hiểu về các đặc điểm, đặc tính sinh vật học của loài mới chỉ tiến hành được ở một số loài ở trên một số địa phương nhất định.
Ở Quảng Ninh, Trà hoa vàng đã có từ rất lâu, nhưng phải đến một vài năm trở lại đây, người dân nơi này mới biết được giá trị đích thực của cây trà hoa vàng. Đây không chỉ là cây có giá trị kinh tế cao, mà còn là loài dược liệu quý theo “Camellia International Journal”. Theo các phân tích và công bố của Camelia, tỉnh Quảng Ninh có thể nằm trong trung tâm đa dạng sinh học của loài trà hoa vàng. Trong thời gian qua,trường đại học Dược Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Soeul Hàn Quốc nhằm xác định tính đa dạng sinh học, nghiên cứu một số thành phần hóa học, tác dụng sinh học và khả năng phát triển sản phẩm của cây trà hoa vàng tại Ba Chẽ, Quảng Ninh. Kết quả cho thấy:
Thứ nhất, loài trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ dù có nhiều đặc điểm biến thái khác nhau có nghĩa là có nhiều hình thái khác nhau. Nhưng thành phần hóa học cơ bản giống nhau. Và vì vậy dự đoán chúng có tác dụng sinh học giống nhau; Thứ hai, về thành phần hóa học, các nhóm chất được xác định trong lá và hoa của trà hoa vàng gồm có: Saponin, Polyphenon, Flavonoid, Tanin, đường khử tự do, acid amin, Sterol và chất béo. Phần lớn các nhóm chất này là các nhóm chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao, trong đó hoa của trà hoa vàng có hàm lượng Polyphenol và Flavonoid cao gấp đôi so với thành phần tương ứng của trà hoa vàng; Thứ ba, về tác dụng sinh học, cả lá và hoa trà hoa vàng đều có tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Như vậy, với việc xác định được sự có mặt cũng như hàm lượng của các chất có hoạt tính sinh học trong cây trà hoa vàng có nguồn gốc tại Việt Nam đã một lần nữa khẳng định lại giá trị vô cùng quý giá của loại cây này.
Nhằm tăng cường các giải pháp phát triển sản phẩm Trà hoa vàng, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có một loạt các giải pháp để bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh như Quyết định số 2366/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 về phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã phương một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017 -2020. Trong đó Trà hoa vàng được xác định là sản phẩm chủ lực của huyện Ba Chẽ và là sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp quốc gia. Ngày 26/3/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc giai đoạn 2018 - 2020, trong đó Trà hoa vàng là 1 trong những sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp quốc gia. UBND huyện Ba Chẽ đã phê duyệt quy hoạch vùng trồng nguyên liệu quy mô diện tích 500 ha và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững sản phẩm Trà hoa vàng vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: tình hình dịch bệnh, chất lượng giống, sự hỗ trợ của dịch vụ khoa học, năng lực của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm…
Phương pháp nhân giống trà hoa vàng chủ yếu hiện nay là nhân giống vô tính (chiết, ghép, giâm hom), trong đó cách giâm hom là đơn giản và phổ biến (Nguyễn Văn Việt và cs., 2017). Cơ sở khoa học của phương pháp giâm hom là dựa trên tính toàn năng của tế bào (mỗi tế bào mang đầy đủ lượng thông tin di truyền của cơ thể và có khả năng phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh) và khả năng biệt hóa của tế bào mà một phần cơ quan sinh dưỡng cũng có thể sinh sản được cây giống y hệt cây mẹ. Ưu điểm của phương pháp này là cây giống hom tạo ra giữ được những đặc tính, tính trạng của cây giống mẹ, cây trồng từ giâm cành sớm ra hoa, kết quả. Hệ số nhân giống cao, thời gian cho cây giống nhanh, số lượng lớn nên được dùng phổ biến trong nhân giống cây rừng, cây cảnh và cây ăn quả.
Cây giống hom trà hoa vàng Ba Chẽ, 18 tháng tuổi tại Vườn nhân giống ở Công ty TNHH Một Thành Viên Thương mại Dịch vụ Khoa học Thái Dương.
Công ty TNHH Một Thành Viên Thương mại Dịch vụ Khoa học Thái Dương là doanh nghiệp Khoa học Công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nhân giống cây trồng lâm, nông nghiệp, cây dược liệu, hoa cây cảnh bằng công nghệ tiên tiến. Công ty có đội ngũ cán bộ quản lý có bề dày kinh nghiệm và đã tham gia nhiều đề tài dự án cấp Nhà nước, cấp tỉnh. Được sự quan tâm của các cấp, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Khoa học Thái Dương đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án khoa học công nghệ cấp Quốc gia: “Sản xuất thử nghiệm giống và dược liệu Trà hoa vàng Tiên Yên (Camellia euphlebia) và Trà hoa vàng Ba Chẽ (Camellia sp) tại Quảng Ninh” (thuộc Chương trình: Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian thực hiện từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2022).
Dự án đã triển khai hoàn thành các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó đã xây dựng được quy trình nhân giống 2 loài Trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom, gồm một số tiêu chí: Thuốc giâm hom phù hợp, cho tỷ lệ sống của hom giâm đạt cao nhất là IBA nồng độ 2 mg/l; Loại hom - Hom 2(H2) là hom tiếp giáp hom 1có kích thước hom từ 8 – 10 cm cho tỷ lệ sống, ra rễ là cao nhất; Thời vụ giâm hom tốt nhất là vào vụ thu. Kết quả xây dựng Quy trình kỹ thuật nhân giống trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom cho tỷ lệ sống đạt >80%, tỷ lệ cây giống xuất vườn đạt >90%, do vậy có thể áp dụng rộng rãi, có hiệu quả ngoài sản xuất. Thời gian tới, Công ty tiếp tục hoàn thiện thêm về tuổi cây, loại giá thể, điều kiện nhiệt độ, ánh sáng...để hoàn thiện quy trình nhân giống hom cây dược liệu quý này, đồng thời làm cơ sở giâm hom cho một số loài tương tự .
ThS. Phạm Thị Huyền, Chủ nhiệm dự án cho biết: Để nâng cao tỷ lệ sống, tỷ lệ ra rễ, tỷ lệ bật chồi của hom giâm thì cần chọn cây mẹ khỏe mạnh, không mang mầm bệnh; Chọn cành khỏe, cắt bỏ bớt nhánh và lá nhằm hạn chế sự mất nước do thoát qua lá và cũng để hạn chế nơi trú ngụ của mầm bệnh. Cắt hom giâm một gốc 45 độ nhằm tăng diện tích tiếp xúc với đất và hạn chế xâm nhập của mầm bệnh. Vết cắt phải dứt khoát, không bầm dập. Nên cắt bằng cắt cây chuyên dụng, không cắt bằng kéo sẽ làm dập thân. Giá thể dùng để giâm hom phải mềm (để khi giâm hom không bị xướt, giập), thoát nước tốt. Cắm hom vào giá thể không để chạm thành, đáy bầu. Việc này cũng là để hạn chế tổn thương, hạn chế xâm nhiễm của bệnh và giúp rễ phát triển tốt hơn. Che mát cho vùng cây giâm hom. Lượng ánh sáng tùy vào từng loại cây nhưng những ngày đầu nên che mát hoàn toàn. Tưới nước đẫm ngay sau khi giâm hom rồi sau đó chỉ tưới ướt lá để hạn chế sự thoát hơi nước ở lá. Kiểm soát độ ẩm của giá thể giâm hom (độ ẩm lý tưởng cho giâm hom là 60-65%). Việc tưới ướt lá cần thực hiện trong những ngày đầu khi mới giâm và thưa dần về sau, phun thuốc chống nấm, vi khuẩn định kỳ cho cây.
Theo bà Trần Thị Doanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Khoa học Thái Dương thì trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ, Công ty đã có sự quan tâm, đồng hành, giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý, cơ quan chủ quản, của các đơn vị phối hợp (Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp – Đại học Lâm nghiệp; Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả); Hợp tác xã Nam Hải ở xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, Công ty Cổ phần phát triển rừng bền vững Ba Chẽ, Công ty Cổ phần kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh và của các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ, Tiên Yên và một số tỉnh ngoài ( Bắc Giang, Vĩnh Phúc,....).
Có thể nói, kết quả nhiệm vụ “Sản xuất thử nghiệm giống và dược liệu Trà hoa vàng Tiên Yên (Camellia euphlebia) và Trà hoa vàng Ba Chẽ (Camellia sp) tại Quảng Ninh” sẽ góp phần bảo tồn và phát triển nguồn giống dược liệu Trà hoa vàng một cách toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá. Theo đó, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu dược trong nước, từng bước tham gia xuất khẩu, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng bền vững. Đồng thời, thực hiện giải pháp phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa. Các quy trình kỹ thuật trồng Trà hoa vàng được hoàn thiện và áp dụng vào sản xuất thực tiễn sẽ giúp cho nâng cao hiệu quả kinh tế của tài nguyên đất, giảm chi phí đầu tư bằng cách hạ giá thành sản phẩm cây con đồng thời rút ngắn thời gian thu hồi vốn bằng nguồn thu từ khai thác dược liệu có năng suất chất lượng cao. Do vậy sản phẩm của nhiệm vụ có thể ứng dụng ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là những vùng chuyên canh trồng cây dược liệu trong và ngoài tỉnh.
Việc xây dựng thành công quy trình nhân giống trà hoa vàng tại Quảng Ninh đã góp phần khai thác và phát triển nguồn gen quý, phục vụ chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện định hướng phát triển trà hoa vàng của tỉnh Quảng Ninh về phát triển sản phẩm OCOP đồng thời mang lại nguồn lợi lớn từ lâm sản ngoài gỗ cho người dân địa phương,
Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền, nhà khoa học và đặc biệt là người dân địa phương, trong tương lai không xa, cây trà hoa vàng sẽ ngày càng phát triển, trở thành một “cây thương hiệu” của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thị Thu Hương
Quảng Ninh nhân giống cây Thông chân vịt bảo tồn nguồn gen bản địa quý của tỉnh
Cây Thông nhựa đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cây rừng ở Quảng Ninh. Đây là loại cây có khả năng sinh trưởng trên điều kiện đất đai thoái hóa, nghèo dinh dưỡng và trong điều kiện lập địa xấu. Ngoài tác dụng phủ xanh đất trống, đồi trọc, phục hồi cảnh quan, chắn gió, làm sạch môi trường, Thông còn cung cấp gỗ và nhựa phục vụ cho ngành công nghiệp. Nhựa Thông được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, có tới 50 ngành sử dụng nhựa Thông để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống con người. Hiện tại, thông nhựa được phân bố hầu hết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (tập trung ở thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên và huyện Đông Triều). Diện tích Thông nhựa trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 49.100ha, trong đó có 40.915 ha là rừng thông, còn lại là rừng kết hợp với một số loại cây lâm nghiệp khác như: keo, muồng, trám....
Trước đây, tỷ lệ rừng trồng cây Thông nhựa của tỉnh khá lớn, tuy nhiên do người dân chạy theo phong trào trồng các cây gỗ nhỏ, chu kỳ sản xuất ngắn để phục vụ nguyên liệu băm răm gỗ nên đã phá cây thông để trồng các loại keo, bạch đàn. Việc đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, lưu giữ nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa đang có nguy cơ suy thoái, mai một là rất cấp thiết.
Thông nuôi cấy in vitro tại Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương.
Là đối tượng quan trọng để trồng rừng trên các diện tích đất trống, đội núi trọc đã thoái hóa nghèo kiệt, bên cạnh một số loài cây bản địa khác thì Thông nhựa là lựa chọn số một trong Đề án trồng rừng sản xuất bằng cây thông và cây bản địa, thay thế cây keo và một số loài cây khác có giá trị kinh tế thấp theo Chương trình Chương trình 7923/CT-UBND ngày 24/10/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh - Chương trình thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 08/8/2017 của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương, Chương trình hành động số 12-CTR/TU, ngày 20/3/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Với những những ưu thế đặc trưng hơn hẳn thông nhựa ở những nơi khác, Thông nhựa Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong phục vụ trồng rừng kinh tế lâu dài. Vì vậy, việc bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên di truyền Thông nhựa Quảng Ninh tạo ra nguồn cây giống có xuất xứ rõ ràng, có đặc tính di truyền tốt và ổn định sẽ là chìa khóa để nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất lâm nghiệp trong tỉnh, phát triển nền lâm nghiệp bền vững, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người dân sinh sống bằng nghề rừng.
Theo báo cáo của Công ty CP Thông Quảng Ninh, chỉ tính trong 3 năm từ 2016-2018, các địa phương trong toàn tỉnh đã mở rộng được thêm trên 1.600 ha rừng thông. Như vậy nhu cầu về nguồn cây giống thông nhựa Quảng Ninh là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay nguồn giống chủ yếu là cây hạt.
Phương pháp này dễ làm, dễ áp dụng, song công tác bảo vệ, chăm sóc, các yếu tố ngoại cảnh thường xuyên tác động tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, rất dễ xảy ra hiện tượng thụ phấn chéo với các loài thông khác, vì vậy nguy cơ suy thoái trong nội bộ quần thể loài bản địa rất cao. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng hạt giống, độ phân ly về mặt di truyền của cây giống. cây con dễ bị phân ly do lai tạp trong quá trình thụ phấn, nguồn giống thu hái xô bồ, lại phụ thuộc vào mùa vụ, không ổn định dẫn đến chất lượng rừng trồng không cao.
Phương pháp tạo cây giống bằng các ghép để phát triển trồng đại trà cũng là một phương pháp hữu hiệu; Ưu điểm của cây ghép là sinh trưởng phát triển tốt nhờ sự phát triển, hoạt động tốt của bộ rễ gốc ghép và khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của cây gốc ghép; Cây ghép giữ được các đặc tính của giống muốn nhân; Giống làm gốc ghép sớm cho ra hoa kết quả vì mắt ghép chỉ tiếp tục giai đoạn phát dục của cây mẹ; Tăng cường khả năng chống chịu của cây với điều kiện bất thuận như: chịu hạn, chịu úng, chịu rét và sâu bệnh; Thông qua gốc ghép có thể điều tiết được sự sinh trưởng của cây ghép; Có khả năng phục hồi sinh trưởng của cây, duy trì giống quý thông qua các phương pháp ghép như: ghép nối cầu hay ghép tiếp rễ. Song phương pháp này cũng gặp không ít khó khăn do tốn nhiều vật liệu khởi đầu, tuổi thọ của cây ngắn.
Nuôi cấy mô thực vật có thể khắc phục cơ bản những nhược điểm nhân giống trên. Đây là phương pháp tốt nhất để giải quyết nhu cầu cây con phục vụ trồng rừng sản xuất trên quy mô lớn với độ đồng đều cao đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một số kết quả nuôi cấy mô công bố cho một số loài thông như thông caribê, thông đỏ, thông nước, chưa có tài liệu nào công bố về kết quả tái sinh thông nhựa (Pinus merkusii) trong điều kiện in vitro.
Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương là doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh đã mạnh dạn đề xuất và được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Tuyển chọn cây trội và xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính Thông nhựa (Thông chân vịt) tại Quảng Ninh”; Thời gian thực hiện là 36 tháng (từ tháng 04/2020 đến tháng 3/2023).
Công ty đã tiến hành thực hiện các nội dung chính: Điều tra tuyển chọn cây trội Thông chân vịt; Xây dựng quy trình nhân giống vô tính (ghép, nuôi cấy invitro) Thông chân vịt Quảng Ninh; Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống Thông chân vịt; Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc thông chân vịt cho các hộ nông dân tại Quảng Ninh; Tổ chức hội nghị, hội thảo về kỹ thuật nhân giống Thông chân vịt .
Cán bộ Công ty và người dân xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều trồng mô hình Thông nhựa (Thông chân vịt).
Theo ông Vũ Văn Thiện, Chuyên viên phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN) thì đến thời điểm này, nhiệm vụ “Tuyển chọn cây trội và xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính Thông chân vịt tại Quảng Ninh” do Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương chủ trì thực hiện đã điều tra tuyển chọn được 30 cây trội Thông chân vịt được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; Hoàn thiện quy trình nhân giống Thông chân vịt bằng phương pháp ghép và nuôi cấy in vitro; Phối hợp với các hộ dân trên địa bàn thị xã Đông Triều triển khai thực hiện trồng Thông nhựa với tổng diện tích 04ha (03ha rừng trồng từ cây ghép; 01ha rừng trồng từ cây nuôi cấy in vitro). Nhiệm vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ninh và Hợp đồng đã ký với Sở KH&CN.
Bà Trần Thị Doanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Khoa học Thái Dương cho biết: Nhiệm vụ “Tuyển chọn cây trội và xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính Thông nhựa (Thông chân vịt) tại Quảng Ninh” đang hoàn tất hồ sơ báo cáo, phục vụ công tác nghiệm thu. Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ, Công ty đã có sự quan tâm, đồng hành, giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành, của Sở KH&CN Quảng Ninh, sự phối hợp thực hiện của các doanh nghiệp và người dân làm nghề rừng trên địa bàn tỉnh.Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các hộ dân trên địa bàn xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì, phát triển giống Thông chân vịt tại Quảng Ninh.
Cây Thông ghép.
Mặc dù việc nghiên cứu, chọn lọc cây trội cho loài cây Thông nhựa này không còn xa lạ nhưng nuôi cấy in vitro loài cây Thông nhựa nói chung và thông nhựa chân vịt Quảng Ninh lại là một hướng đi hoàn toàn mới. Việc áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để nhân giống cây Thông chân vịt Quảng Ninh sẽ không những bảo tồn được nguồn gen bản địa quý của tỉnh mà còn giúp trong việc tạo ra một lượng lớn giống cây Thông chân vịt Quảng Ninh nhằm cải thiện và nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng góp phần phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, đồng thời khẳng định cây thông nhựa chính là loại cây lâm nghiệp làm giàu lâu dài, bền vững của người dân.
Nhân giống vô tính (nuôi cấy in vitro) cây Thông chân vịt là sự lựa chọn đúng song đây mới chỉ là kết quả bước đầu, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện để sớm đưa kết quả vào thực tiễn sản xuất, góp phần bảo tồn và phát triển kinh tế từ cây Thông nhựa Quảng Ninh.
Nguyễn Thị Thu Hương
Nữ doanh nhân đam mê, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh
Góp phần vào sự phát triển của kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và của đất nước, phụ nữ Quảng Ninh đã ngày càng năng động, trí tuệ, đảm đang, có những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Chị Nguyễn Thị Nga ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Chè Hằng Nga là một trong những tấm gương phụ nữ tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh đã thành công từ niềm đam mê sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
Với niềm đam mê dành cho cây chè từ lúc thanh xuân, chị Nguyễn Thị Nga đã quyết tâm gây dựng được thương hiệu chè Thái Nguyên tại vùng đất Quảng Ninh. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, chị Nga đã luôn trăn trở và tìm được ra con đường phát triển bền vững là chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu trên cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến phân phối, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng VSATTP.
Chị Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Chè Hằng Nga luôn dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Nga đã không dấu nổi niềm vui, bộc bạch: “Ngoài giá trị về mặt kinh tế thì có thể nói chè là sản phẩm mang những nét giá trị văn hóa rất lớn của Việt Nam chúng ta. Sản phẩm chè hiện diện trong đời sống hằng ngày của người Việt, từ gia đình đến nơi làm việc, từ việc hiếu hỷ đến lễ tết, được sử dụng như một phương tiện giao tiếp, một món quà tri ân đến gia đình, bè bạn. Chính nhận thức về giá trị của chè như vậy đã làm cho tôi dành đam mê và tâm huyết cho loại thực phẩm này, càng hun đúc quyết tâm xác lập quyền Sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu chè Hằng Nga như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thức rằng xác lập quyền Sở hữu trí tuệ là nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phát triển doanh nghiệp, tạo động lực để chúng tôi phải có trách nhiệm không ngừng hoàn hiện sản phẩm của mình, tạo thêm công ăn việc làm và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động; từ đó đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, xây dựng hình ảnh Quảng Ninh chúng ta ngày càng giàu đẹp”.
Chị Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Chè Hằng Nga luôn trực tiếp hướng dẫn, đào tạo kỹ năng làm việc cho công nhân Công ty.
Để sản phẩm chè xuất ra thị trường đảm bảo chất lượng cao nhất, chị Nguyễn Thị Nga đặc biệt chú trọng kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào. Chị đã ký kết hợp đồng mua bán chè với một HTX trồng chè tại tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, HTX phải làm theo quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật mà chị đặt ra từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản để đảm bảo chè do Công ty chị phân phối đạt chất lượng tốt nhất.
Chị Nga đã mạnh dạn đầu tư thiết bị đóng gói chè tự động của Công ty. Thiết bị này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm chè mà còn tăng suất lao động gấp 40 lần so với đóng gói thủ công. Công nhân kỹ thuật của Công ty đã làm chủ thiết bị công nghệ sản xuất. Nhà xưởng sản xuất và giới thiệu sản phẩm của Công ty đã được chị xây dựng khang trang với khu sơ chế, đóng gói, trưng bày sản phẩm. Tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, tận tuỵ và đam mê của chị Nga đã khiến nhân viên Công ty rất nể phục và noi theo. Chị Nguyễn Thị Thuỷ, Công nhân Công ty TNHH Chè Hằng Nga ánh mắt lộ rõ niềm vui khi bày tỏ với chúng tôi: “Điều làm tôi ấn tượng nhất ở chị Hằng Nga chính là bên cạnh vai trò Giám đốc điều hành doanh nghiệp thì bản thân chị Nga cũng là một nữ công nhân rất lành nghề, am hiểu mọi khâu trong quy trình sản xuất và chị cũng không hề ngần ngại trực tiếp tham gia vào các khâu công việc khó; trực tiếp hướng dẫn, đào tạo để chúng tôi có được kỹ năng làm việc như hiện nay. Trên cương vị Giám đốc rất bận rộn nhưng chị Nga không ngừng học tập, nâng cao trình độ, mở ra thêm nhiều lĩnh vực sản xuất mới cho Công ty. Chị cũng hết sức quan tâm, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người lao động chúng tôi, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp vừa qua. Chính điều này giúp chúng tôi có đam mê, động lực và yêu thích công việc của mình”.
Sau hơn 15 năm gây dựng và phát triển, đến nay các sản phẩm của Công ty chè Hằng Nga của chị đã chiếm lĩnh được thị trường trong tỉnh và phân phối ra nhiều tỉnh ngoài với nhiều phân khúc từ bình dân đến đặc biệt, cao cấp, thượng hạng, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Nhiều khách hàng trong tỉnh đã yêu mến và chỉ tin dùng sản phẩm chè Hằng Nga mà không muốn dùng sản phẩm chè nào khác. Ông Ngô Văn Hà, phường Cao Xanh, TP Hạ Long tay lượm những gói chè mang thương hiệu Hằng Nga nhưng vẫn rôm rả trò chuyện với chúng tôi: “Hiện nay, có một số doanh nghiệp khác cung cấp những sản phẩm tương tự nhưng gia đình tôi vẫn luôn tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của Công ty TNHH Chè Hằng Nga. Thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mẫu mã đẹp và thái độ phục vụ của nhân viên hết sức lịch sự, lễ phép. Sản phẩm được cấp chứng nhận công nhận chất lượng và công nhận Quyền Sở hữu trí tuệ nên chúng tôi vẫn luôn luôn tin tưởng sử dụng. Hôm nay, tôi không chỉ mua chè về uống mà còn mua giúp 2 người hàng xóm bên cạnh nhà tôi”.
Trong quá trình phát triển, chị Nguyễn Thị Nga đã nhận được sự quan tâm và đồng hành của các Sở ban ngành trong tỉnh, đặc biệt là Sở KH&CN. Hiện có trên 40 sản phẩm của Công ty TNHH Chè Hằng Nga đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu và văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Chị Nga cho biết:Để có được thương hiệu chè Hằng Nga như ngày hôm nay, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành của các sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở KH&CN. Quý cơ quan đã trực tiếp giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, chủ động bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của mình; hỗ trợ tối đa trong việc thực hiện các thủ tục liên quan. Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị liên quan trong địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp để chúng tôi xác định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp và bám sát định hướng của tỉnh”.
Tấm gương nữ doanh nhân đam mê, nhiệt huyết Nguyễn Thị Nga hiện đang tỏa sáng. Chị thực sự là niềm động viên khích lệ lực lượng lao động nữ của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục vươn lên gặt hái nhiều thành công lớn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và làm giàu cho quê hương Quảng Ninh thân yêu.
Bài, ảnh: Hương Anh
Sân chơi tạo niềm đam mê sáng tạo nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm tới phong trào thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) trong lứa tuổi học sinh, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ. Trong đó Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được tổ chức thường niên, đã tạo sân chơi bổ ích để học sinh thỏa sức thể hiện niềm đam mê, sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học; qua đó có nhiều giải pháp có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tiễn cao.
Ban Tổ chức tham quan sản phẩm máy đóng gói mắm tép của nhóm tác giả Lê Đức Anh, Trần Long Hải (Trường THPT Cẩm Phả).
Tham gia Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023, dự án “Quản lý cảm xúc trong tình yêu khác giới và đồng giới ở học sinh THPT” của nhóm tác giả Nguyễn Thảo Nguyên và Nguyễn Trà Giang (Trường THPT Chuyên Hạ Long) được đánh giá là đề tài có hàm lượng khoa học rất cao, đi vào giải quyết những vấn đề về tâm lý trong cuộc sống.
Thuộc nhóm nghiên cứu về hành vi khoa học xã hội, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã tham khảo nhiều ý kiến của chuyên gia ở các trường cao đẳng, đại học trong nước, cùng với sự nghiên cứu và những điều tra xã hội học của mình, qua đó thuyết phục được Ban Giám khảo để giành giải nhất, đồng thời là một trong 4 dự án được lựa chọn tham gia Cuộc thi KHKT học cấp quốc gia dành cho học sinh trung năm học 2022-2023.
Ngoài ra, Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 còn có các giải pháp, sáng kiến gắn với thực tiễn các ngành, nghề ở Quảng Ninh, hướng đến sự phát triển bền vững khi nhiều phương pháp mới, kỹ thuật mới được ứng dụng, triển khai trong các lĩnh vực KT-XH của tỉnh. Trong đó phải kể đến các dự án: Nghiên cứu và chế tạo máy đóng gói mắm tép của nhóm tác giả Lê Đức Anh, Trần Long Hải (Trường THPT Cẩm Phả); thiết bị hỗ trợ an toàn cho công nhân hầm lò của nhóm tác giả Vũ Ngọc Đức, Nguyễn Trấn Vỹ (Trường THPT Hòn Gai)...
Giảng viên Bùi Trung Kiên (Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh), thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023, cho biết: Nhiều sản phẩm dự thi có hàm lượng khoa học cao và mang giá trị thương mại lớn nếu được phát triển và đưa ra thị trường. Cuộc thi hằng năm thực sự là sân chơi trí tuệ hữu ích và rất cần thiết để khơi dậy sức sáng tạo của các thế hệ học trò.
Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 có sự tham gia dự thi của 191 học sinh với 97 dự án ở 14 lĩnh vực; trong đó cấp THCS có 39 dự án, cấp THPT có 58 dự án. Ban Giám khảo đã trao 50 giải (6 giải nhất, 9 giải nhì, 16 giải ba, 19 giải tư) cho các dự án đạt điểm số cao.
Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023, Quảng Ninh vinh dự đươc lựa chọn là địa phương phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện công tác tổ chức. Cuộc thi diễn ra tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, với 150 dự án, công trình của 75 đơn vị được trưng bày, giới thiệu, cùng khoảng 700 khách mời, đại biểu và thí sinh tham dự.
Quảng Ninh sẽ tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 với 4 dự án, gồm: Rescue eye - hệ thống phát hiện và cảnh báo nạn nhân có nguy cơ tai nạn đuối nước của nhóm tác giả Bùi Thị Ngọc Linh và Cù Thị Ánh Dương (Trường THPT Chuyên Hạ Long); Quản lý cảm xúc trong tình yêu khác giới và đồng giới ở học sinh THPT của nhóm tác giả Nguyễn Thảo Nguyên và Nguyễn Trà Giang (Trường THPT Chuyên Hạ Long); Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn học đường của nhóm tác giả Đỗ Bảo Chi, Nguyễn Thị Thanh Giang (Trường THPT Chuyên Hạ Long); Nghiên cứu và chế tạo máy đóng gói mắm tép của nhóm tác giả Lê Đức Anh, Trần Long Hải (Trường THPT Cẩm Phả).
Chuẩn bị cho cuộc thi cấp quốc gia sắp tới, các nhóm tác giả đang nỗ lực nâng cấp dự án, đầu tư sâu hơn nữa về phạm vi ứng dụng và thiết bị để có thể đạt thành tích cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoa
PHỔ BIẾN KIẾN THỨC
Những thói quen khi ngủ gây nguy cơ đột quỵ
Một nghiên cứu cho thấy thời lượng ngủ, ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Thần kinh học đã phát hiện ra mối liên quan giữa các vấn đề về giấc ngủ và tăng nguy cơ đột quỵ.
Các vấn đề về giấc ngủ bao gồm ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ngủ trưa kéo dài, ngủ kém chất lượng, ngáy, khịt mũi và ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, những người có từ 5 triệu chứng trở lên có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Tiến sĩ Christine Mc Carthy của Đại học Galway ở Ireland là tác giả nghiên cứu trên.
Bà cho biết, kết quả thu được không chỉ cho thấy các vấn đề về giấc ngủ của từng cá nhân có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của một người.
Nếu có hơn 5 triệu chứng này, nguy cơ nguy cơ đột quỵ của một người có thể cao gấp 5 lần so với những người không có bất kỳ vấn đề nào về giấc ngủ.
Nghiên cứu quốc tế trên có sự tham gia của 4.496 người, trong đó có 2.243 người bị đột quỵ và 2.253 người không bị đột quỵ. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 62.
Những người tham gia được hỏi về hành vi giấc ngủ của họ bao gồm số giờ họ ngủ, chất lượng giấc ngủ, giấc ngủ ngắn, ngáy, khịt mũi và các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ.
Những người ngủ quá nhiều hoặc quá ít giờ có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn những người ngủ với số giờ trung bình.
Trong số những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm, số người bị đột quỵ là 162 và 43 người không bị đột quỵ. Trong số người ngủ hơn 9 tiếng mỗi đêm, có 151 người bị đột quỵ và 84 người không bị đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 5 tiếng có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ trung bình 7 tiếng. Những người ngủ hơn 9 tiếng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 2 lần so với những người ngủ 7 tiếng một đêm.
Những người ngủ trưa hơn 1 giờ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ trưa.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ, bao gồm ngáy, khịt mũi và ngưng thở khi ngủ.
Những người ngáy có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 91% so với những người không ngáy và những người khịt mũi có nguy cơ bị đột quỵ cao gần gấp 3 lần so với những người không làm việc này.
Những người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao gần gấp 3 lần so với những người không mắc chứng này.
Sau khi các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ như hút thuốc, hoạt động thể chất, trầm cảm và uống rượu được điều chỉnh, kết quả vẫn tương tự.
Bà Mc Carthy cho biết, với những kết quả này, các bác sĩ có thể trò chuyện sớm hơn với những người đang gặp vấn đề về giấc ngủ.
Các biện pháp can thiệp để cải thiện giấc ngủ cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và nên là chủ đề của nghiên cứu trong tương lai.
Một hạn chế của nghiên cứu là mọi người báo cáo các triệu chứng khó ngủ của chính họ, vì vậy thông tin có thể không chính xác.
BBT (sưu tầm)
12 thực phẩm giàu khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe khi giao mùa
Khoáng chất là những chất thiết yếu của cơ thể, cần thiết cho chức năng của tim và não, cũng như quá trình sản xuất hormone và enzyme.
Khoáng chất là những chất vô cơ, được chia làm 2 loại: Khoáng chất đa lượng, bao gồm canxi, kali, natri, clorua, phốt pho và magie. Đây là những khoáng chất cần thiết với số lượng lớn trong cơ thể; Khoáng chất vi lượng là những khoáng chất chỉ yêu cầu với số lượng nhỏ trong cơ thể, bao gồm sắt, đồng, fluoride, selen, kẽm, crom, molybdenum, iốt và mangan.
- Vai trò của khoáng chất đối với cơ thể
Đối với cơ thể, khoáng chất có vai trò duy trì chức năng thần kinh, điều hòa trương lực cơ và hỗ trợ hệ tim mạch khỏe mạnh, cân bằng các chất lỏng, duy trì sự phát triển của răng xương, …
Giống như vitamin, khoáng chất cũng hoạt động như Coenzym cho phép cơ thể thực hiện các chức năng sinh hóa bao gồm: Sản xuất năng lượng, sự phát triển, làm lành vết thương, cân bằng hợp lý các vitamin và các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể.
Cơ thể con người cần có sự cân bằng về mức khoáng chất trong cơ thể. Nếu một mức khoáng chất bị mất cân bằng, tất cả các mức khoáng chất khác có thể bị ảnh hưởng, một chuỗi phản ứng mất cân bằng có thể bắt đầu dẫn đến bệnh tật hoặc ốm đau.
- 12 thực phẩm giàu khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe
2.1. Các loại hạt
Các loại hạt rất giàu khoáng chất, đặc biệt là magiê, kẽm, mangan, đồng, selen và phốt pho. Chẳng hạn, chỉ với ¼ cốc hạt bí ngô đã mang lại 40% nhu cầu magie hàng ngày.
Một số loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao lại được ưa chuộng như óc chó, hạnh nhân, hạt bí ngô, macca, … Để gia tăng hương vị, các bạn có thể ăn các loại hạt với sữa chua, kết hợp với sinh tố, …
2.2. Động vật có vỏ
Các loại động vật có vỏ như hàu, nghêu và vẹm, là các nguồn khoáng chất cô đặc như selenium, kẽm, đồng và sắt.
Hàm lượng kẽm trong các loại động vật có vỏ khá cao, đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng miễn dịch, sản xuất DNA, phân chia tế bào và sản xuất protein.
2.3. Rau họ cải
Ăn các loại rau họ cải như súp lơ, bông cải xanh, củ cải, cải thảo, … mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc giảm bệnh mãn tính.
Những lợi ích sức khỏe này có liên quan trực tiếp đến mật độ dinh dưỡng của các loại rau này, bao gồm cả nồng độ khoáng chất cao.
Các loại rau họ cải, bao gồm bông cải xanh, cải xoăn, bắp cải và cải xoong rất giàu lưu huỳnh, một khoáng chất cần thiết cho chức năng tế bào, sản xuất DNA, giải độc và tổng hợp glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh do cơ thể bạn sản xuất.
Ngoài lưu huỳnh, các loại rau họ cải còn là nguồn cung cấp nhiều khoáng chất khác, bao gồm magiê, kali, mangan và canxi.
Rau họ cải rất giàu lưu huỳnh, một khoáng chất cần thiết cho chức năng tế bào
2.4. Trứng
Trứng rất giàu chất dinh dưỡng và cung cấp nhiều khoáng chất quan trọng, chẳng hạn như sắt, phốt pho, kẽm và selen, cũng như nhiều loại vitamin, chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa và protein.
2.5. Đậu
Đậu được biết đến là loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, protein và là nguồn khoáng chất dồi dào, bao gồm canxi, magiê, sắt, phốt pho, kali, mangan, đồng và kẽm.
Tuy nhiên, đậu cũng chứa những chất có thể làm giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng, chẳng hạn như phytate. Nhưng việc sơ chế đậu đúng cách bằng cách ngâm và nấu chín đậu có thể giúp tăng khả dụng sinh học của khoáng chất.
2.6. Ca cao
Ca cao chứa hàm lượng magie và đồng cao. Magie là khoáng chất cần thiết để sản xuất năng lượng, điều hòa huyết áp, chức năng thần kinh, kiểm soát lượng đường trong máu.
Đồng là chất cần thiết cho sự phát triển, chuyển hóa carbohydrate, hấp thụ sắt và hình thành tế bào hồng cầu và tham gia nhiều hoạt động khác của cơ thể.
2.7. Quả bơ
Bơ rất giàu magie, kali, mangan và đồng. Đặc biệt, kali có trong bơ là một khoáng chất cần thiết cho việc điều hòa huyết áp và sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Các bạn có thể ăn Bơ nguyên chất hoặc làm sinh tố, salad hoặc kết hợp với sữa chua, sữa đặc, …
2.8. Các loại quả mọng
Các loại quả mọng như việt quất, dâu tây, mâm xôi là nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp các khoáng chất như kali, magie và mangan.
Mangan là một khoáng chất cần thiết cho một số chức năng trao đổi chất liên quan đến chuyển hóa năng lượng, cũng như chức năng hệ thống miễn dịch và hệ thần kinh. Khoáng chất này cũng cần thiết cho sự phát triển và duy trì các mô xương, tạo ra các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào chống lại tổn thương oxy hóa.
2.9. Sữa chua và phô mai
Sữa chua và phô mai là nguồn cung cấp canxi phổ biến trong chế độ ăn uống. Canxi cần thiết để duy trì hệ xương, hệ thần kinh và sức khỏe tim mạch khỏe mạnh.
Ngoài ra, 2 loại thực phẩm này còn chứa nhiều khoáng chất khác như kali, phốt pho, kẽm và selen.
2.10. Loại củ chứa tinh bột
Các loại củ có chứa tinh bột như khoai lang, khoai tây, bí rất giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như kali, magiê, mangan, canxi, sắt và đồng.
2.11. Nội tạng
Nội tạng chứa nhiều khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác như selen, kẽm, sắt và phốt pho, protein và vitamin như vitamin B12, vitamin A và folate.
Tuy nhiên, nội tạng động vật chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt nên có thể làm tăng mỡ máu, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, những người bị gout, đái tháo đường, … nên cẩn trọng khi ăn loại thực phẩm này.
2.12. Trái cây nhiệt đới
Trái cây vùng nhiệt đới như chuối, xoài, dứa, trái cây đam mê, ổi và mít, ... giàu chất chống oxy hoá, chất xơ và cũng là nguồn khoáng chất tuyệt vời như kali, mangan, đồng và magiê.
Các bạn nên bổ sung những loại thực phẩm này hàng ngày, bạn có thể ăn trực tiếp hoặc làm sinh tố, nước ép hoặc làm salad, ăn cùng sữa chua.
Có thể nói, khoáng chất tối ưu là điều cần thiết để giúp bạn có một sức khoẻ tốt. Việc ăn uống không cân bằng có thể khiến cơ thể thiếu các khoáng chất cần thiết. Do đó, mọi người nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm như thịt trứng, rau củ, hoa quả, ...
BBT (sưu tầm)
TIN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Sở KH&CN làm việc với các địa phương trong tỉnh
Nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh; vừa qua (từ ngày 3/3 đến ngày 15/3/2023) Sở KH&CN đã tổ chức các cuộc làm việc tại 8 địa phương trong tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của tỉnh và địa phương năm 2023.
Tại các địa phương đến làm việc (TP Móng Cái, TP Cẩm Phả và các huyện: Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Vân Đồn) Sở KH&CN đã lắng nghe các địa phương báo cáo việc chỉ đạo, triển khai hoạt động KHCN và ĐMST trên địa bàn. Đồng thời cùng với địa phương trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động KHCN và ĐMST trên địa bàn và những nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sở KH&CN cũng đã đã bàn với các địa phương về việc tiếp tục phối hợp trong quá trình quản lý nhiệm vụ KH&CN thực hiện trên địa bàn; tiếp nhận và triển khai ứng dụng các mô hình, quy trình sản xuất; chủ động đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào việc ứng dụng KH&CN phát triển thế mạnh của địa phương.
Kết thúc các buổi làm việc, Sở KH&CN và các địa phương đã ký kết Chương trình phối hợp công tác về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023. Theo đó, Sở KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với các địa phương trong việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để phát huy những tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, thúc đẩy phát triển KTXH và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Sở KH&CN cũng sẽ mời các nhà khoa học, các doanh nghiệp Hàn Quốc,… hỗ trợ các địa phương ứng dụng, chuyển giao các mô hình KH&CN hiện đại vào sản xuất, chế biến sâu, nâng tầm giá trị các sản phẩm dược liệu, nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu.
Hương Anh
Quảng Ninh: 11 tổ chức, doanh nghiệp được trao chứng nhận Hệ thống quản lý tiên tiến năm 2022
Thực hiện Kế hoạch số 243 ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh, về việc Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh năm 2022; Sở KH&CN đã đồng hành, tư vấn, hỗ trợ 11 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng và chuyển đổi số năm 2022.
Đến nay, 11 tổ chức, doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng năm 2022 đã triển khai áp dụng thành công, vừa được Sở KH&CN trao chứng nhận Hệ thống quản lý tiên tiến. Cụ thể gồm: Tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015; Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015; Hệ thống quản lý năng lượng Tiêu chuẩn ISO 50001; Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001; Bố trí mặt bằng sản xuất Work Layout; Thực hành tiêu chuẩn trồng trọt theo VietGap/ GlobalGAP; Các công cụ thống kê và quản lý chất lượng - 7 Tools; ….
Việc triển khai thành công các Hệ thống quản lý tiến tiến và các Bộ công cụ đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời bước đầu khẳng định thương hiệu, tên tuổi trên thị trường để doanh nghiệp có thêm động lực phấn đấu nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng của tỉnh ngày càng phát triển bền vững.
Hương Anh
Đẩy mạnh đổi mới hoạt động đo lường
Thời gian qua, Sở KH&CN Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp liên quan đến đổi mới hoạt động đo lường nhằm đảm bảo công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Vừa qua, trong đợt kiểm tra chuyên ngành về hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã đưa vào sử dụng các máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Các máy móc, trang thiết bị gồm: Bộ thiết bị đo chỉ số Octane và Cetane trong xăng dầu lưu động Zeltex ZX 101SQ; thiết bị lưu động đo nhanh và phân tích hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu Petra 4294; bộ thiết bị huỳnh quang tia X lưu động kiểm tra tuổi vàng, bạc, đồ trang sức...
Đây là những máy móc, thiết bị mới được tỉnh đầu tư cuối năm 2022. Việc làm chủ các thiết bị hiện đại này đã cho kết quả đánh giá chất lượng ngay sau khi kiểm tra, không mất thời gian, chi phí gửi mẫu đến các phòng thử nghiệm được công nhận, chỉ định để đánh giá chất lượng. Qua đó, giúp nâng cao độ chính xác trong kiểm tra đo lường, chất lượng, cũng như phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm (nếu có), đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Ngoài việc đổi mới các trang, thiết bị phục vụ công tác thanh, kiểm tra đo lường, Sở KH&CN cũng tập trung phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, tiêu chuẩn đo lường. Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường.
Hoạt động đo lường của tỉnh thời gian qua đã góp phần đáng kể vào sự phát triển KT-XH, đặc biệt là việc bảo đảm sự công bằng, văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN) sẽ tham mưu cho Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện KT-XH của tỉnh.
Hương Anh