CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
Thủ tướng: Dành ưu đãi vượt trội, cơ chế đặc thù và mô hình thí điểm cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi chính sách ưu đãi vượt trội, mô hình thí điểm, cơ chế đặc thù, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, nơi thử nghiệm các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay mô hình kinh doanh mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dành ưu đãi vượt trội, cơ chế đặc thù và mô hình thí điểm cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 25/11, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình Dấu ấn Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp TPHCM 2023 (Techfest – Whise 2023).
Cùng dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Techfest – Whise 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TPHCM chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp cùng các đơn vị thực hiện với chủ đề "Phát huy tài nguyên đất nước - Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập quốc tế".
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, hiện nay, TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ lớn nhất cả nước và được xếp hạng 114/1.000 thành phố có hệ sinh thái năng động toàn cầu, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về giá trị hệ sinh thái, với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỷ USD, chỉ đứng sau Singapore và Jakarta (Indonesia).
TPHCM đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo ngang tầm khu vực trong 10 năm tới, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động bậc nhất ở Đông Nam Á và khu vực, cùng với nỗ lực trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
TPHCM cam kết đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và luôn đồng hành với cộng đồng khởi nghiệp, hướng tới sự thành công và phát triển bền vững. Thành phố cũng mong nhận được các ý kiến, góp ý để thực hiện và hoàn thành tốt mục tiêu này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho cho rằng, hệ sinh thái quốc gia là tổng thể của các hệ sinh thái địa phương. Không có một mô hình hệ sinh thái cụ thể nào giống nhau, cũng không thể áp dụng một cách máy móc các mô hình ở quốc gia khác, thậm chí ở một địa phương khác vào một tỉnh, thành phố cụ thể.
Hiện nay, trên cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là: (1) hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi; (2) nguồn lực tài chính phù hợp và (3) sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các trường đại học/viện nghiên cứu.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, đặc biệt là chia sẻ của 5 đại diện cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là năm thứ 9 sự kiện này được tổ chức, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đồng thời truyền tải thông điệp của Chính phủ: "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách tổng thể, toàn diện, hướng tới Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cởi mở; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam".
Theo Thủ tướng, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững đất nước; vừa có thời cơ, thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức, điều quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển đất nước.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng phát triển nhanh và bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định "Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh", "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định và hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải coi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển. TPHCM đứng trong nhóm 81-90 thuộc Top 100 thị trường startup mới nổi của toàn cầu (theo Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu của Startup Genome). Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn giữ được mức phát triển tương đối tốt so với khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD).
Hiện nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kiều bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vừa được khánh thành tại Hòa Lạc, Hà Nội.
Trong thành quả chung của đất nước, có đóng góp quan trọng của hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
"Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt Nam, ý chí người Việt Nam từng bước khẳng định và vươn lên trong thế giới đầy biến động. Tôi cũng rất vui mừng vì người Việt Nam chúng ta đã biết tận dụng lợi thế riêng có, tạo dựng được những mô hình doanh nghiệp như vậy, đã gây dựng được nền tảng và lớn mạnh, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, hội nhập với thế giới", Thủ tướng phát biểu.
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng cho rằng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt là trong ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, sản xuất, chuyển đổi số, thương mại điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Thói quen, hành vi, tiêu dùng, sinh hoạt... hiện tại đã và đang không thể tách rời khoa học và công nghệ, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đang là động lực mới, mở ra không gian phát triển mới, góp phần phát triển nhanh và bền vững.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới và chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam. Mặt khác, hiện nay cũng như tình trạng chung của khu vực và thế giới, trong giai đoạn "mùa đông gọi vốn", các nhà đầu tư quốc tế ngày càng thận trọng hơn, đa dạng hóa danh mục đầu tư, quản lý rủi ro chặt chẽ hơn.
Theo Baochinhphu.vn
Việt Nam là đối tác kinh tế ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 29/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tựu to lớn mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thời gian qua, đặc biệt trong việc đa dạng hoá nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước có mức tăng trưởng đáng khích lệ. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ.
Để tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân ngài Bộ trưởng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hai nước thúc đẩy một số biện pháp cụ thể như nghiên cứu việc sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm phù hợp, sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara trong năm 2024, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước, mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của mỗi nước thâm nhập vào thị trường của nhau, dỡ bỏ các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hoá, dịch vụ của đối tác.
Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian tiếp, khẳng định chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả giữa hai nước.
Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat chúc mừng những thành tựu kinh tế quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời, bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua, đặc biệt là hợp tác về thương mại, đầu tư.
Bộ trưởng khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Omer Bolat cho biết sau những dự án đầu tư thành công bước đầu, ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ như xây dựng, sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng…, đồng thời thông báo kế hoạch tổ chức đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sang Việt Nam trong năm 2024./.
Theo Baochinhphu.vn
Xây dựng các cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ trên tất cả các lĩnh vực
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, truyền thống hợp tác của hai nước rất dày dặn, hai Đảng cầm quyền đều có chủ trương thống nhất và xuyên suốt về hợp tác giữa hai nước, mong muốn của nhân dân hai nước về đẩy mạnh hợp tác rất thiết tha, không gian hợp tác, dư địa thúc đẩy hợp tác còn rất lớn.
Chiều ngày 29/11 (theo giờ địa phương), trong chương trình chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi tiến hành hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz đã có cuộc gặp gỡ báo chí và chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị của hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Cevdet Yilmaz cho biết tại hội đàm, hai bên đã nhất trí về tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước; khẳng định quyết tâm của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần vào hoà bình, ổn định và phát triển của mỗi khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng, không gian hợp tác, dư địa thúc đẩy hợp tác giữa hai nước còn rất lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hai bên đã có những trao đổi rất thực chất, hiệu quả và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch...
Về chính trị, hai bên nhất trí củng cố quan hệ và tăng cường trao đổi đoàn các cấp trên tất cả các kênh, đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP), giữa Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương hai nước; phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế.
Về kinh tế, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển ngành Halal, nông nghiệp, du lịch... Hai bên cũng nhất trí sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là biện pháp quan trọng, có thể tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, nâng kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mức 4 tỷ USD trong thời gian tới.
Theo Baochinhphu.vn
NÔNG NGHIỆP
Gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho gần 200 cây bưởi đặc sản Đại Minh
Huyện Yên Bình (Yên Bái) vừa triển khai gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho gần 200 cây bưởi đặc sản Đại Minh trên 30 năm tuổi bằng ứng dụng Vmark.
Hoạt động này sẽ giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp có thể minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thương hiệu cho nhãn hàng. Đồng thời quảng bá thương hiệu, giúp du khách, người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như độ tuổi, tọa độ địa lý, nguồn gốc, câu chuyện liên quan…
Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 1.000ha bưởi, tập trung chủ yếu ở xã Đại Minh và Hán Đà. Chính quyền địa phương đã vận động người dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua việc thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để duy trì, nâng cao chất lượng bưởi Đại Minh.
Việc gắn nhãn truy xuất sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như độ tuổi, tọa độ địa lý, nguồn gốc... Ảnh: Thanh Tiến.
Bưởi Đại Minh là giống bưởi quý được phát hiện cách nay trên 300 năm, hiện vẫn còn nhiều cây bưởi cổ trên 100 tuổi, được mệnh danh là “bưởi tiến vua” gắn với gia tộc họ Nguyễn trên vùng đất ven sông Chảy, nơi một tiếng gà gáy 3 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đều nghe thấy.
Bưởi Đại Minh ở huyện Yên Bình có năng suất hơn 9 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 8.500 tấn, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng/năm. Huyện Yên Bình đang tiếp tục triển khai liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi Đại Minh, quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân và tạo chỗ đứng ổn định cho sản phẩm trên thị trường.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Xây dựng thương hiệu vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn
Được cấp chỉ dẫn địa lý, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được tư thương săn đón, số lượng vịt nuôi không đủ cung cấp cho thị trường.
Giống vịt bầu cổ xanh đã có từ lâu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Giống vịt này có đặc điểm thân bầu, chân ngắn, cổ ngắn. Con đực có đầu màu xanh, vòng cổ trắng, ngực màu xám nâu, toàn thân có màu hơi xám nhạt, lông cánh có ô vuông màu xanh. Con cái có bộ lông màu xám nhạt, cổ ngắn, thân bầu, bụng xệ.
Giống vịt bầu cổ xanh bản địa có nguy cơ mai một. Ảnh: Ngọc Tú.
Vịt bầu chủ yếu được thả tự nhiên trên sông suối có nguồn nước sạch nên thịt chắc, thơm ngon. Giống vịt này có trọng lượng từ 1,8 - 2,2 kg/con, giá bán trên thị trường khoảng 100.000 đồng/kg.
Anh La Dương Tuấn (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông) cho biết, mỗi năm gia đình nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 100 con. Thức ăn là ngô, thóc và một số loại phụ phẩm nông nghiệp.
Gia đình nuôi vịt theo hình thức vừa nuôi nhốt, vừa thả trên sông. Vịt nuôi thả sông có thịt săn chắc, thơm ngon nên rất dễ tiêu thụ, giá bán không thấp hơn 90.000 đồng/kg, thời điểm giáp tết, giá có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giống vịt bầu cổ xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn số lượng ít, phân bố lẻ tẻ, mỗi hộ nuôi từ vài chục con đến vài trăm con, sản phẩm chủ yếu bán ở các chợ phiên, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với cách nuôi tự phát, nhỏ lẻ, đàn vịt bầu cổ xanh tại Bắc Kạn có xu hướng giảm dần về số lượng, nhiều hộ chuyển sang nuôi giống vịt lai.
Cũng do đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật hạn chế, việc bảo tồn và phát triển nguồn giống gốc đang bị đe doạ, nguy cơ không còn giữ được nguồn giống thuần chủng.
Trước thực trạng đó, tháng 4/2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn”.
Mục tiêu của dự án là ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm để nhân giống phát triển đàn vịt bầu cổ xanh theo hướng chăn thả tự nhiên, lưu giữ được nguồn giống quý, tạo ra sản phẩm chất lượng, xây dựng được chỉ dẫn địa lý.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã điều tra, khảo sát, lựa chọn vịt bầu cổ xanh ở 150 hộ chăn nuôi tại 4 huyện (Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn). Xây dựng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh bố, mẹ sinh sản với quy mô 350 con tại trại giống thủy sản của tỉnh.
Dự án đã tập huấn kỹ thuật cho 12 lượt hộ chăn nuôi tham gia mô hình, sau tập huấn, các hộ đã áp dụng vào thực tế tại gia đình. Kết quả đã thực hiện được mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh thương phẩm với quy mô 1.200 con với 12 hộ tham gia. Sau 4 tháng nuôi, vịt thương phẩm đạt từ 1,7 - 2,3 kg/con. Dự án đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn.
Ngày 5/6/2023, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Theo Giấy chứng nhận này, các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn là vùng được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh của tỉnh Bắc Kạn.
Đánh giá của Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho thấy, khi so sánh kết quả phân tích chất lượng thịt, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn có những nét đặc trưng riêng, các chỉ tiêu phân tích về hàm lượng axít amin, Protein, Lipid có sự khác biệt với những loại vịt khác.
Có được những đặc điểm này là nhờ sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, vùng địa lý từ đó tạo nên tính chất đặc thù về ngoại hình, thể chất. Đây cũng là những đặc điểm quan trọng để vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được cấp chỉ dẫn địa lý.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Chuyển giao phương pháp chăn nuôi theo hướng công nghiệp
Chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật không chỉ giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vừa tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình “Chăn nuôi bò thịt lai, xử lý chất thải bằng men vi sinh, liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Mô hình được triển khai từ tháng 4/2023 với 2 hộ chăn nuôi ở xã Điện Phong và Điện Trung tham gia, quy mô 12 con bò thịt/hộ (giống bò lai 3B giai đoạn 10-13 tháng tuổi).
Đàn bò lai 3B thực hiện theo mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: L.K.
Theo đó, phương thức thực hiện là nhà nước hỗ trợ 50% thức ăn, vacxin, thuốc sát trùng, máy băm cỏ. Hộ tham gia mô hình đối ứng 100% con giống bò lai nuôi thịt, 50% vật tư, 50% máy móc, toàn bộ công chăm sóc nuôi dưỡng, chuồng trại và các điều kiện để đảm bảo cho đàn bò sinh trưởng phát triển. Sản phẩm bò thịt của các hộ chăn nuôi được doanh nghiệp bao tiêu.
Ông Ngô Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thị xã Điện Bàn cho biết, với mô hình này, người dân tiếp cận được nguồn thức ăn hỗn hợp có chất lượng cao, tăng năng suất chăn nuôi, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, chất thải của bò được thu gom để xử lí bằng men vi sinh đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo môi trường sạch sẽ, thân thiện với thiên nhiên. Ngoài ra, phân bò được ủ bằng chế phẩm vi sinh tạo được nguồn phân bón hữu cơ có giá trị cao, nhanh hoai mục dùng để cung ứng cho các điểm trồng rau sạch, bón cỏ giúp tăng nguồn thu, giảm chi phí.
“Việc xây dựng mô hình là bước chuyển giao phương pháp chăn nuôi theo hướng công nghiệp cho bà con nông dân tiếp cận, cũng như các hộ lân cận thấy được sự cần thiết trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Do đó, chúng tôi đề nghị Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện mô hình trong thời gian đến”, ông Tân nói.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
LÂM NGHIỆP
Khai thác lợi thế rừng, khí hậu để phát triển cây sâm Lai Châu
Cùng với cây sâm Lai Châu và các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội đã giúp người dân Mường Tè dần thoát nghèo.
Là huyện có vị trí hết sức quan trọng, trọng yếu với hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mong muốn huyện Mường Tè tích cực thu hút đầu tư, đồng hành với người dân và doanh nghiệp để phát triển, nâng diện tích che phủ rừng, tạo sinh kế cho người dân.
3 tháng cuối năm, đề nghị huyện thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó rà soát, tính toán kỹ từng dự án để có giải pháp chỉ đạo thực hiện. Tích cực tháo gỡ khó khăn đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí thời gian thực hiện một cách hợp lý, việc nào cần làm trước phải được triển khai ngay; rà soát báo cáo kịp thời với tỉnh và có đề xuất cụ thể với từng nội dung, chương trình, các tiểu dự án; bám sát và phối hợp kịp thời với các sở, ngành chuyên môn về các nội dung, dự án.
Sâm Lai Châu đang được bảo tồn và phát triển. Ảnh: H.Đ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương, huyện Mường Tè cần tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi của địa phương như về rừng, khí hậu, đất đai và cây dược liệu để phát triển sâm, thảo quả, sa nhân... Cùng với đó, tận dụng khai thác phát triển chăn nuôi ở các vùng có điều kiện, nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Là huyện có vị trí hết sức quan trọng, trọng yếu với hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mong muốn huyện Mường Tè tích cực thu hút đầu tư, đồng hành với người dân và doanh nghiệp để phát triển, nâng diện tích che phủ rừng, tạo sinh kế cho người dân.
3 tháng cuối năm, đề nghị huyện thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó rà soát, tính toán kỹ từng dự án để có giải pháp chỉ đạo thực hiện. Tích cực tháo gỡ khó khăn đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí thời gian thực hiện một cách hợp lý, việc nào cần làm trước phải được triển khai ngay; rà soát báo cáo kịp thời với tỉnh và có đề xuất cụ thể với từng nội dung, chương trình, các tiểu dự án; bám sát và phối hợp kịp thời với các sở, ngành chuyên môn về các nội dung, dự án.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Cây quế đổi thay kinh tế lâm nghiệp vùng cao
Quế những năm trở lại đây trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào vùng cao, nhớ đó kéo theo nhiều ngành nghề phụ trợ hưởng lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường (thứ 2 từ phải qua) thăm vườn quế của gia đình ông Hoàng Văn Trưởng. Ảnh: H.Đăng.
Với niềm đam mê lĩnh vực lâm nghiệp, ông Hoàng Văn Trưởng, người dân tộc Tày ở bản Pác Mạc, xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên, Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư vườn ươm giống quế để bán cho bà con trong tỉnh.
Cơ sở của ông Trưởng nay trở thành nơi cung cấp quế giống chất lượng, uy tín cho bà con quanh vùng. Nhờ vậy, nay người trồng quế ở địa phương không phải đi tới các địa phương khác để mua giống như trước. Được biết, hiện vườn ươm quế giống của gia đình ông Hoàng Văn Trưởng đang thuộc diện quy mô lớn nhất không chỉ huyện Bảo Yên mà cả tỉnh Lào Cai.
Ông Hoàng Văn Trưởng cho biết, từ năm 2011, khi phong trào trồng quế bắt đầu nhen nhóm, nhưng do đường xá đi lại còn khó khăn nên việc mua giống rất vất vả. Thấy bà con có nhu cầu về giống quế, ông nghĩ đến việc ươm quế giống để bán.
Tuy nhiên, thời gian đầu gây dựng vườn giống rất khó khăn bởi khi đó ông Trưởng rất đói vốn lại chưa có kinh nghiệm. Nhưng không vì thế mà ông buông xuôi, bỏ cuộc, qua nhiều lần thử nghiệm, ông Trưởng đã ươm thành công 3 vạn cây quế giống để trồng trên chính thửa đất rừng của gia đình.
"Việc tự ươm được giống đã giúp gia đình tôi giảm rất nhiều chi phí mua giống nơi khác về. Đây cũng là nền móng để tôi quyết định mở rộng diện tích vườn ươm quế giống sau này. Nay bà con quanh đây không còn phải phụ thuộc vào thương lái cung cấp giống như trước, chưa kể tiết kiệm được đáng kể thời gian phải chờ đợi chuyển giống từ nơi khác về." Ông Hoàng Văn Trưởng tâm sự.
Ông Trưởng nhớ lại, lúc đầu, khi chưa nắm bắt sâu được các kỹ thuật ươm giống, ông phải tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi. Song với bản tính chịu thương, chịu khó và sáng tạo trong lao động nên ông đã nhanh chóng nắm bắt được những bí kíp trong nghề để có được thành công. Đồng thời, ông Trưởng nay cũng học hỏi được thành công cách tạo mặt bằng, nguồn nước, chọn giống, chọc lỗ, gieo hạt, đóng bầu cho cây và cách sử dụng các loại thuốc phòng bệnh, chăm sóc cây.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
'Vàng ròng' còn bỏ ngỏ ở rừng Đắk Nông
Đắk Nông có gần 250.000ha rừng. Đây là lợi thế then chốt nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân và góp phần bảo vệ rừng.
Năm 2022, nhiều cây gỗ lớn tại xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (huyện Tuy Đức) cho biết, sau khi quần thể săng lẻ và đa được công nhận là Cây di sản Việt Nan, đơn vị đã phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành để đưa vào khai thác du lịch.
Kết hợp với thăm quan quần thể cây di sản, du khách tới rừng Nam Tây Nguyên còn được khám phá một số dòng thác, cánh rừng đặc trưng tại đây. Sau một thời gian triển khai, bước đầu khách du lịch đều có phản hồi tích cực về cảnh sắc tự nhiên của địa phương.
Vườn Quốc gia Tà Đùng có quần thể gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ nên thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Quang Yên.
Theo ông Bình, du lịch sinh thái là hướng đi có triển vọng nhằm gắn kết bảo tồn với phát triển và nâng cao giá trị của các hệ sinh thái rừng. Phát triển du lịch rừng khôngchỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương mà còn tạo ra nguồn thu để tái sản xuất cho công tác bảo vệ rừng.
Còn tại Vườn Quốc gia Tà Đùng (huyện Đắk Glong), thời gian qua đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Khu vực này ngoài dãy núi Tà Đùng với hệ động, thực vật phong phú, còn có “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”, với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, trở thành điểm “check-in” không thể thiếu khi du khách đến với Đắk Nông.
Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng cho biết, phát triển du lịch là một trong những phương án để khai thác những thế mạnh tại đơn vị. Năm 2021, lãnh đạo UBND tỉnh đã có chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng để tạo ra lợi thế kêu gọi đầu tư, từng bước đưa Tà Đùng thành điểm du lịch nổi tiếng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông.
“Phong cảnh ở đây vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ nên phần lớn du khách khi tham gia tour du lịch Tà Đùng đều chọn cách cắm trại, nghỉ mát, tận hưởng không khí, cảnh quan của núi rừng. Nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Tà Đùng sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trong thời gian tới”, ông Long nói.
Tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thác Mơ (huyện Tuy Đức), hiện quản lý hơn 6.500ha rừng và đất rừng. Đặc thù của rừng nơi đây là rừng thường xanh và có nhiều loài dược liệu, cây thuốc quý.
Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng mang lợi ích kinh tế và cũng là giải pháp quan trọng hạn chế tối đa việc khai thác tự nhiên, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, tạo thảm thực vật chống xói mòn đất, ngăn lũ hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thác Mơ cho rằng, để phát triển cây dược liệu hiệu quả, bền vững, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngoài nghiên cứu khoa học, cần có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu để mang lại hiệu quả kinh tế nhất.
Hiện nay, các đơn vị chủ rừng tại Đắk Nông đều thực hiện phương án quản lý, bảo vệ những diện tích rừng hiện có. Đồng thời, các đơn vị cũng phát triển rừng sao cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là lớn nhất.
Chính vì vậy, bên cạnh phát triển tiềm năng du lịch, khai thác, chế biến lâm sản phụ thì tận dụng cơ hội từ tín chỉ cacbon được coi là ý tưởng đột phá để phát triển kinh tế rừng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông về quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 mới đây, một số chuyên gia đã đưa ra các ý tưởng đột phá nếu Đắk Nông tham gia thị trường tín chỉ carbon và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh tín chỉ carbon rừng của Việt Nam.
Theo đánh giá, tỉnh Đắk Nông có diện tích đất rừng rộng, trong đó có khoảng 83.000ha đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Nếu Đắk Nông có thể bảo vệ hiện trạng rừng và gia tăng diện tích rừng lên gần 88.000ha năm 2030, thì số lượng carbon rừng Đắk Nông có thể hấp thụ thêm là 1,5 triệu tấn, tạo ra doanh thu khoảng 7,5 triệu USD mỗi năm (tính theo giá 5 USD/tín chỉ carbon).
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
NGƯ NGHIỆP
Tỷ lệ nhiễm bệnh EHP tại các trại tôm giống rất cao
Dịch bệnh trên tôm nuôi là nỗi lo lớn của nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi tôm vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Thống kê của Cục Thú y cho thấy, đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên 20.000ha tại 20 tỉnh nuôi tôm, giảm 5% so với cùng kỳ 2022.
Các bệnh nguy hiểm phổ biến là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Đặc biệt, bệnh vi bào tử trùng (EHP) đã xuất hiện, gây thiệt hại rải rác ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước, dự báo thời gian tới bệnh EHP có xu hướng lây lan và gây nguy hiểm.
Mẫu xét nghiệm tôm nuôi bị nhiễm bệnh EHP. Ảnh: Kim Anh.
Tại tỉnh Sóc Trăng, thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng), tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi hiện đã được khống chế ở mức dưới 4,4%, giảm 0,9% so với năm trước. Diện tích thiệt hại xảy ra rải rác ở các địa phương, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố môi trường, bệnh đốm trắng, bệnh gan tụy, phân trắng và EHP.
Bên cạnh đó, theo kết quả phân tích mẫu thủy sản thiệt hại của ngành chuyên môn, tỷ lệ bệnh đốm trắng, gan tụy và EHP cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tôm thiệt hại tập trung từ tháng 6 - 8, cao điểm là tháng 7, do thời tiết có mưa lớn, khiến độ mặn giảm đột ngột, xuất hiện sự phân tầng nước, khí độc tăng nhanh do phân hủy tảo, mùn bã hữu cơ, môi trường thiếu oxy cục bộ, khiến tôm bị sốc.
Tại Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi, do Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức vào ngày 27/11 tại tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nhận định, vụ tôm năm 2023, gặp khá nhiều khó khăn, tiến độ thả tôm giống chậm hơn 9,1% so với năm 2022.
Xuất phát từ lý do khách quan độ mặn trên các tuyến sông đến trễ, cộng với giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Trong khi đó, chi phí vật tư đầu vào như: Thức ăn, giống, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường lại tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của người nuôi.
Cả nước hiện có trên 2.000 cơ sở, sản xuất và cung ứng 130 - 150 tỷ con giống/năm. Con giống vẫn chưa chủ động kể cả chất lượng và số lượng, tôm sú vẫn phụ thuộc vào nguồn khai thác tự nhiên, tôm thẻ chân trắng vẫn phải nhập.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nuôi cá chốt, tốt mọi bề
Cá chốt dễ nuôi, cho thu nhập khá, có thể tận dụng mặt nước ao hồ để nuôi, tăng thu nhập cho nông dân.
Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có diện tích tự nhiên trên 38.000ha, nông dân chủ yếu làm kinh tế nông hộ với hơn 33.000ha sản xuất nông nghiệp. Nhằm tận dụng những diện tích mặt nước ao hồ để tăng thêm giá trị kinh tế, những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ nuôi nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao do chưa nắm được kỹ thuật nuôi.
Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân áp dụng vào sản xuất, năm 2023, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thuận đã phối hợp với chính quyền phương triển khai 2 điểm mô hình nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất tại xã Vĩnh Phong và thị trấn Vĩnh Thuận. Mô hình thuộc chương trình phát triển nuôi thủy đặc sản ngước ngọt gắn với liên kết theo chuỗi giá trị năm 2023.
Mô hình nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất tại tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Diễm Trang.
Mô hình có 02 hộ tham gia với quy mô 500m2/hộ, con giống được thả vào ngày 5/9/2023. Sau khi bơm cạn nước, lấp hang mọi, sên vét bùn đáy, bón vôi liều 7 - 10kg/100m2 kết hợp phơi đáy 3 ngày, sau đó người nuôi cấp nước vào ao qua túi lọc, mực nước 1,2m, sử dụng Iodine 2ml/m3 nước để khử trùng nước. Sau 2 - 3 ngày, tiến hành gây màu nước. Mật độ thả cá giống 40 con/m2, số lượng 20.000 con/điểm.
Tuần đầu sau khi thả giống sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40 - 42%, lượng thức ăn trong ngày từ 7 - 10% so với tổng khối lượng cá nuôi trong ao. Sang tuần thứ 2 đến cuối chu kỳ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm giảm dần, nhưng đảm bảo trên 28%, lượng thức ăn trong ngày từ 3 - 7% so với tổng khối lượng cá nuôi trong ao. Cho ăn 2 lần/ngày (sáng, chiều).
Thức ăn được rải khắp ao, người nuôi sử dụng khung lưới để quan sát sự bắt mồi của cá, sử dụng sàn ăn để kiểm tra thức ăn. Đồng thời, trộn men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn giúp hỗ trợ đường ruột và tăng sức đề kháng cho cá (liều lượng 3 - 5gram/kg thức ăn).
Tháng đầu sau khi thả nuôi, người nuôi không thay nước, chỉ duy trì mực nước ổn định cho ao nuôi. Tháng thứ 2 trở đi, khoảng 10 – 15 ngày thay nước 1 lần, thay 20 – 30% lượng nước trong ao nuôi bằng nguồn nước sạch. Người nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước bằng cách sử dụng dụng cụ đo pH để kiểm tra biến động pH trong ngày để xử lý. Định kỳ sử dụng vôi, men vi sinh, chế phẩm sinh học... nhằm cải thiện môi trường nước, giúp đối tượng nuôi tăng trưởng và phát triển.
Đến thời điểm hiện tại, cá chốt đã nuôi được hơn 2 tháng, đạt trọng lượng trung bình 17g/con. Cá chốt nuôi khoảng 5 tháng mới thu hoạch, dự kiến khi thu hoạch cá đạt trọng lượng 25g/con. Năng suất dự kiến dao động từ 435 - 445kg/hộ (500m2).
Cá chốt dễ nuôi, thích nghi với điều kiện tại địa phương, 02 tháng đầu tăng trưởng rất nhanh, người nuôi rất dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu dạng viên. Mô hình hướng nông dân sản xuất theo công nghiệp, chủ động được nguồn thức ăn, giúp người nuôi nắm được quy trình kỹ thuật nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi tại địa phương.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nuôi tôm trong bể xi măng, tỷ lệ thành công đạt 95%
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng do Trường Đại học Trà Vinh thực hiện giảm được 20% chi phí thức ăn, tôm phát triển nhanh, tỷ lệ thành công lên đến 95%.
Kỹ thuật nuôi mới này sử dụng máy thổi nước phối trộn không khí theo công nghệ châu Âu thay cho cánh quạt nước thông thường để đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước, đáp ứng nhu cầu của tôm. Nếu nuôi tôm theo phương thức quảng canh hoặc nuôi công nghiệp đa phần phụ thuộc vào yếu tố thời tiết thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng giúp người nuôi hoàn toàn chủ động được điều kiện bên ngoài và thời vụ nuôi.
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của Trường Đại học Trà Vinh sử dụng máy thổi nước phối trộn không khí theo công nghệ châu Âu thay cho cánh quạt nước thông thường. Ảnh: Hồ Thảo.
Khi thu hoạch, chỉ cần mở van để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới là có thể thu toàn bộ số tôm nên vừa không bị thất thoát, lại tiết kiệm được công lao động. Đáng nói, mô hình này không yêu cầu phải có diện tích lớn nên có thể nhân rộng và phát triển tốt theo hình thức nuôi hộ gia đình.
Ông Đỗ Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: "Nhìn chung bà con nuôi hiện nay hệ số thức ăn quá cao. Chúng tôi nghiên cứu nuôi với mật độ như bên ngoài để đánh giá xem bà con cho ăn như vậy lượng thức ăn có dư hay không để khuyến cáo điều chỉnh lại lượng thức ăn cho phù hợp. Hiện Trung tâm đang nuôi theo hướng tôm sạch, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, chỉ cho ăn thảo dược. Giai đoạn đầu chúng tôi mới nuôi quy mô nhỏ trong nhà gồm có 6 hồ, mỗi hồ 40m3 hoàn toàn nuôi khép kín, không bị tác động bởi thời tiết, gió hay mưa bão".
Theo ông Trường, việc nuôi tôm trong bể xi măng được xây dựng theo từng ô riêng biệt cùng với hệ thống lọc nước giúp người nuôi kiểm soát được nguồn nước đưa vào bể, lại không chịu tác động của môi trường nước bên ngoài nên hạn chế được các loại dịch bệnh trên tôm.
Trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh, do các bể nuôi được xây dựng theo từng ô riêng biệt nên người nuôi cũng dễ dàng xử lý và khoanh vùng, khắc phục được tình trạng tôm chết hàng loạt, giúp người nuôi giảm tổn thất so với việc nuôi ngoài ao, đầm.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Y TẾ
Phát hiện phòng khám 'tự vẽ' kết quả siêu âm của người bệnh
Mặc dù kết quả siêu âm của bệnh nhân không có hình ảnh dịch tiền liệt tuyến nhưng một phòng khám lại kết luận “tuyến tiền liệt có ít dịch”. Sở Y tế TP.HCM cho rằng kết luận áp đặt này có thể là cơ sở để phòng khám “vẽ bệnh moi tiền” người bệnh.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phối hợp cùng PA03 - Công an TP và Phòng Y tế quận 6 tiến hành kiểm tra đột xuất một phòng khám đa khoa Âu Á (thuộc Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ y tế Âu Á). Phòng khám có địa chỉ 425 đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP.HCM.
Kết quả kiểm tra đột xuất cho thấy phòng khám này đã vi phạm nhiều quy định trong hành nghề khám chữa bệnh. Cụ thể:
- Chưa báo cáo bổ sung trang thiết bị, cụ thể là máy siêu âm Cbit 4, có đầu dò siêu âm âm đạo để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng.
- Phòng khám thực hiện kỹ thuật siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo khi chưa được Sở Y tế thẩm định máy siêu âm đầu dò và phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Đáng chú ý, đoàn kiểm tra phát hiện các kết quả siêu âm đã thực hiện trước đó không có hình ảnh đo độ dày thành bàng quang nhưng kết luận lại ghi là “dày thành bàng quang”, các kết quả siêu âm thực hiện không có hình ảnh dịch tiền liệt tuyến nhưng kết luận lại cho rằng “tuyến tiền liệt có ít dịch”.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng điều quan trọng là phải làm rõ và phải xử lý nghiêm nếu cơ sở không giải trình được nội dung trên.
xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Vietnamnet.vn
Nguyên nhân phổ biến của các ca đột tử vào ban đêm
“Rõ ràng với những kết luận áp đặt này sẽ làm cơ sở để phòng khám 'vẽ bệnh moi tiền' người bệnh”, thông báo nêu. Thanh tra Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm, cương quyếtBất ổn ở tim là nguyên nhân chính dẫn tới các ca đột tử vào ban đêm. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.
Con người thường ngủ khoảng 8 tiếng mỗi ngày, tương đương 1/3 cuộc đời. Giấc ngủ giúp chúng ta nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng cho ngày mới. Tuy nhiên, một số người lại ra đi mãi mãi vào ban đêm.
Tất nhiên, bạn cũng không cần phải sợ khi đi ngủ. Theo Wall Street Journal, hiếm khi có người chết bất ngờ khi đang ngủ trừ khi có nguyên nhân tiềm ẩn từ trước.
Theo thống kê đăng trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, 15 đến 20% số ca tử vong liên quan tới đột tử do tim. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nhịp tim cũng cho thấy trong số những ca tử vong đột ngột do tim, 22% xảy ra vào ban đêm. Mặc dù mọi người không có nhiều khả năng chết vì ngừng tim vào ban đêm nhưng đây là lý do phổ biến nhất khiến mọi người chết khi đang ngủ.
Các ca tử vong vào ban đêm thường có nguyên nhân tiềm ẩn từ trước. Ảnh minh họa: Meridian
Ngừng tim là gì?
Theo Medline Plus, ngừng tim đột ngột xảy ra khi hệ thống dẫn truyền trong tim gặp trục trặc và gây ra nhịp tim không đều. Những người bị ngừng tim đôi khi sẽ cảm thấy chóng mặt trước khi ngất xỉu.
Ngừng tim khác với đau tim. Ngừng tim là tim gặp trục trặc, ngừng đập. Trong khi đó, cơn đau tim xảy ra khi máu vào động mạch bị tắc ngẽn, tim vẫn đập. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những người từng bị đau tim có nguy cơ bị ngừng tim cao hơn.
Rất khó để chẩn đoán ngừng tim sớm mặc dù một số người có thể bị đau ngực, khó thở hoặc buồn nôn khoảng một giờ trước đó. Các bác sĩ thường xác định các ca ngừng tim sau khi sự cố xảy ra.
Yếu tố tăng nguy cơ
Nghiên cứu năm 2021 cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng bị đột tử do tim vào ban đêm hơn nam giới. Những người dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine và các loại thuốc khác ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương cũng có nguy cơ cao. Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn cũng cần đề phòng.
Theo Mayo Clinic, những người có trái tim khỏe mạnh vẫn có thể bị ngừng tim. Tuy nhiên, những người có các vấn đề về tim như bệnh động mạch vành, van tim hoặc các bệnh về cấu trúc tim có nguy cơ bị ngừng tim đột ngột cao hơn.
Ngoài ra, người tuổi cao, bị huyết áp cao, bệnh thận mạn tính, tiểu đường, béo phì hoặc cholesterol cao, lười vận động hút thuốc hoặc sử dụng ma túy cũng nằm trong nhóm nguy hiểm.
Do đó, bạn có thể giảm nguy cơ cơ bằng cách bỏ hút thuốc, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm soát huyết áp, cholesterol. Những người sống sót sau khi bị ngừng tim có thể được cấy máy khử rung tim vào ngực để kiểm soát nhịp tim. Bạn cũng có thể làm xét nghiệm di truyền để phát hiện hội chứng hội chứng QT kéo dài có thể gây ngừng tim.
Theo Vietnamnet.vn
Liệt toàn thân sau một cơn đau đầu
Mọi bộ phận của Sophie tê liệt hoàn toàn - thậm chí cả nhãn cầu cũng cứng đờ sau cơn đau đầu. Cô như hóa đá, không thể nói được lời nào.
Khi Sophie Shuttleworth bị đau đầu dữ dội tại lễ hội nghệ thuật, cô nghĩ mình bị mất nước.
Hiện tại, người phụ nữ 31 tuổi sống ở Newport, xứ Wales vẫn bị liệt từ ngực trở xuống, mặc dù cô đã bắt đầu hồi phục từ biến cố vào tháng 7 năm ngoái.
Sophie nhớ lại: “Tôi nghĩ mình bị say nắng vì đó là thời điểm bắt đầu một đợt nóng. Tôi đã tham dự lễ hội nghệ thuật cả ngày với một số người bạn và có khoảng thời gian vui vẻ. Nhưng rồi tôi có cơn đau đầu tồi tệ nhất trong đời”.
Khi đến thăm khám tại nhà cho Sophie, bác sĩ lập tức bảo cô cần phải đến bệnh viện ngay. Theo The Sun, cô được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não do virus và hôn mê suốt 3 tuần tiếp theo.
Khi tỉnh dậy, Sophie thấy gia đình và bạn bè ở xung quanh nhưng cô bị liệt hoàn toàn. “Đó là khoảng thời gian vô cùng đáng sợ. Tôi nhận ra mình không thể cử động, mắt cũng cứng đờ. Tôi nghĩ mình sắp chết. Tôi không biết mình hôn mê suốt 3 tuần. Do phải phẫu thuật mở khí quản nên tôi cũng không nói được nữa”, Sophie kể.
Sophie phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt thêm 3 tháng, trước khi được bỏ máy thở. Cô chuyển đến đơn vị chấn thương cột sống tại Bệnh viện Đại học Llandough. Viêm màng não đã tấn công tủy sống của Sophie, ngăn cản các tín hiệu từ não đến các cơ quan.
“Trước khi bị bệnh, tôi thực sự khỏe mạnh - tôi đã bơi 35km. Tôi ở trạng thái tốt nhất trong cuộc đời của mình. Các bác sĩ không biết làm thế nào mà tôi lại mắc bệnh viêm màng não, họ nói rằng đó là một bí ẩn y học”, Sophie chia sẻ.
Hiện Sophie đã có cảm giác ở tay nhưng vẫn phải ngồi trên xe lăn. Cô nói: “Tôi quyết tâm lấy lại cuộc sống của mình. Hiện tại, tôi cảm thấy đang sống cuộc đời của người khác. Các bác sĩ không biết liệu khả năng vận động của tôi có cải thiện theo thời gian không?”.
Sophie đã trải qua tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) do những gì đã xảy ra. Cô phải đấu tranh rất nhiều để chấp nhận mọi chuyện.
Cô đang cố gắng gây quỹ để mua một thiết bị điện gắn cho xe lăn để có thể di chuyển độc lập trên nhiều địa hình khác nhau. Nhờ vậy, cô có thể đi chơi cùng với cháu trai và gia đình mà không cần quá nhiều sự giúp đỡ.
Theo Vietnamnet.vn
BẠN NHÀ NÔNG
Doanh nghiệp đầu tiên chế biến sâu lúa gạo ở Hà Tĩnh
Khép kín quy trình từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu sản phẩm là cách anh Lê Văn An (Hà Tĩnh) đang thực hiện nhằm khai thác hết giá trị hạt gạo quê hương.
Vợ chồng anh Lê Văn An và chị Phan Thị Hào không còn xa lạ với chính quyền và người dân huyện Thạch Hà nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Giám đốc Lê Văn An cùng vợ (chị Phan Thị Hào, đứng giữa) là người đầu tiên ở Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm từ lúa gạo. Ảnh: Thanh Nga.
Anh An kết duyên với chị Hào năm 2011, lúc bấy giờ anh đang làm quản lý cho một khách sạn trên địa bàn Nghệ An, còn chị làm công nhân tại một doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất hạt giống nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh.
Năm 2013, sau một thời gian quan sát thị trường và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, vợ chồng anh An thành lập Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ An Phát (viết tắt là Công ty An Phát) đặt tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà. Thời điểm đó, Công ty chủ yếu kinh doanh vật tư nông nghiệp như giống, phân bón. Từ năm 2014 - 2016, Công ty bắt đầu chế biến các sản phẩm từ gạo như cốm gạo lứt, ..., tuy nhiên làm gia công nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Quá trình sản xuất, kinh doanh, vợ chồng anh An nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ, tốt cho sức khỏe và tiện dụng ngày càng lớn, trong khi doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ lúa gạo trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đếm trên đầu ngón tay nên vợ chồng anh làm hồ sơ xin thuê đất mở rộng quy mô chế biến.
Nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, trên diện tích gần 7.000m2 đất tại Cụm công nghiệp Phù Việt (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà), anh An đầu tư hệ thống nhà xưởng kiên cố, với dây chuyền thiết bị chế biến và đóng gói sản phẩm gạo, cốm, bột dinh dưỡng theo công nghệ cao mang thương hiệu “Omega An Phát”.
Công ty An Phát thực hiện hỗ trợ 50% giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và ký hợp đồng đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân liên kết sản xuất cao hơn thị trường từ 10 – 12%. Sản lượng lúa thu hoạch được thu gom, chế biến, cung ứng ra thị trường thông qua các siêu thị từ Bắc vào Nam.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Người hiện thực hóa giấc mơ socola 'Made by Vietnam'
Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã đầu tư lớn vào nghiên cứu công nghệ chế biến sâu ca cao, từng bước chinh phục các thị trường khó tính nhất thế giới.
Ông Đặng Trường Khanh tự hào với các sản phẩm ca cao chế biến sâu của mình. Ảnh: Trần Trung.
Tại Đồng Nai, từ những năm 80 của thế kỷ trước, nông dân đã canh tác loại cây này, tuy nhiên vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu bán sản phẩm thô cho các công ty nước ngoài. Năm 2003, chương trình phát triển cây ca cao quốc gia được kích hoạt. Với sự khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến ca cao, từng bước xuất khẩu. Nắm bắt cơ hội, năm 2005, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hoà, huyện Định Quán, Đồng Nai) ra đời với hoài bão hiện thực hóa giấc mơ socola "Made by Vietnam".
Đến thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm socola được chứng nhận OCOP 4 sao do Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức làm chủ quy trình công nghệ chế biến, ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty cho biết, thời điểm bắt tay vào chế biến sâu, các tài liệu về chế biến ca cao và socola trong nước hầu như không có. Máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ chế biến ca cao cũng chỉ là "số 0 tròn trĩnh", trong khi các thông tin qua internet cũng hạn chế chứ không được như bây giờ.
Với quyết tâm bằng mọi giá, đặc biệt không thể đánh mất vùng nguyên liệu do chính bố mình đã dày công gây dựng (ông Đặng Tường Khâm – cha ông Khanh là người đặt nền móng cho ca cao khu vực này), ông Khanh đã quyết định dùng phương pháp “thử và sai” để tiến hành sáng chế, cải tiến các trang thiết bị sản xuất và thực nghiệm, đánh giá kết quả các sản phẩm. Trải qua không ít lần thất bại, được đánh đổi bằng rất nhiều công sức và tài sản, cuối cùng thanh socola "Made by Vietnam" hoàn hảo nhất cũng được ra lò.
Theo ông Khanh, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, Công ty luôn đặt mục tiêu giúp nông dân đổi đời từ cây ca cao. Trước đây, hàng trăm ha ca cao của Đồng Nai từng bị "xóa sổ" do đầu ra bấp bênh thì nay đã trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhờ doanh nghiệp.
Dự án cánh đồng lớn cây ca cao cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt nhằm có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy. Theo đó, mục tiêu của dự án là xây dựng vùng nguyên liệu cây ca cao 830ha trồng dưới tán cây điều tại địa phương. Dự án đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhà nước, doanh nghiệp, nông dân. Cùng với dự án cánh đồng lớn cây ca cao, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cũng xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ với toàn bộ nông dân trồng ca cao bằng hợp đồng bao tiêu trái tươi với giá sàn 5.000 đồng/kg. Giá thu mua thực tế 3 năm trở lại đây là 5.700 - 6.200 đồng/kg.
Ngoài ra, để giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình, Công ty hỗ trợ tài chính cho hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết nhằm duy trì sản xuất ổn định thông qua hai khoản hỗ trợ là chi phí quản lý và chi phí lũy tiến. Lũy kế đến cuối năm 2021, Công ty đã tiến hành giải ngân hỗ trợ chính sách trồng ca cao cho bà con nông dân ở huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Đối với các vùng nguyên liệu mới, Công ty đánh giá tiềm năng, làm việc với chính quyền địa phương, cập nhật thông tin về hiệu quả kinh tế cây ca cao cho tất cả các chủ thể/đối tác có liên quan. Khi có sự đồng thuận. Quan điểm của Công ty là gia tăng hiệu quả sử dụng đất thông qua việc trồng ca cao dưới tán cây khác (đặc biệt là cây điều).
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam