Sở KH&CN kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu phục tráng và phát triển bền vững vùng sản xuất Hồi tại tỉnh Quảng Ninh”

16/04/2024 10:10

Ngày 15/4/1024, Sở KH&CN đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu phục tráng và phát triển bền vững vùng sản xuất Hồi tại tỉnh Quảng Ninh” do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật Lâm sinh chủ trì thực hiện. Đồng chí Phạm Hồng Thái – PGĐ Sở KH&CN làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN); Trưởng phòng kinh tế và tầng và Phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu.

Nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian 34 tháng, từ tháng 12/2021 đến tháng 9/2024. Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm chọn lọc được giống cây trội Hồi có năng suất cao hơn cây đại trà; nghiên cứu, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật về nhân giống, trồng rừng thâm canh, phục tráng rừng Hồi và chưng cất tinh dầu Hồi; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn cơ sở: về cây giống và tinh dầu Hồi Quảng Ninh; xây dựng được mô hình vườn sưu tập giống cây trội và mô hình trồng rừng thâm canh và phục tráng rừng Hồi.

Đồng chí Phạm Hồng Thái – PGĐ Sở KH&CN kiểm tra mô hình phục tráng rừng hồi tại hộ gia đình anh Hoàng Đức Hải - Thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

Đến thời điểm kiểm tra, nhiệm vụ đã hoàn thành việc điều tra chọn lọc cây trội Hồi; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật về nhân giống. Hiện Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện việc nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật về trồng rừng thâm canh, phục tráng rừng Hồi; Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chưng cất tinh dầu Hồi; Xây dựng mô hình vườn sưu tập giống cây trội, mô hình trồng thâm canh, phục tráng rừng Hồi và chưng cất tinh dầu Hồi.

Đoàn công tác của Sở KH&CN kiểm tra thực tế mô hình trồng thâm canh cây hồi ghép thuộc nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu phục tráng và phát triển bền vững vùng sản xuất Hồi tại tỉnh Quảng Ninh” tại thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

Thực tế kiểm tra tại các mô hình cho thấy, mô hình trồng rừng thâm canh Hồi bằng cây Ghép: cây sinh trưởng tốt, có nhiều chồi non, chiều cao bình quân đạt 80-90 cm; đường kính gốc bình quân đạt 2,0-3,0 cm; mô hình phục tráng rừng Hồi: Cây sinh trưởng tốt, đã ra nhiều chồi non, lá xanh tốt hơn so với các diện tích không tham gia mô hình và cho thu hoạch quả nhiều hơn so với thời điểm chưa thực hiện phục tráng.

Mô hình phục tráng rừng hồi tại hộ gia đình anh Hoàng Đức Hải - Thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

TS. Bùi Kiều Hưng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật Lâm sinh, Chủ nhiệm đề tài bên cây hồi sai trĩu hoa của mô hình phục tráng rừng hồi.

Đoàn kiểm tra của Sở KH&CN đề nghị Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên cây Hồi tại địa phương, có giải pháp phòng, trừ trên các diện tích tham gia mô hình của nhiệm vụ; tích cực phối hợp với các hộ dân tham gia thực hiện mô hình, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Liêu và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các mô hình của nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, định kỳ báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định; Phối hợp chặt chẽ với Hợp tác xã Thảo mộc Tuệ Lâm khẩn trương triển khai xây dựng mô hình chưng chất tinh dầu Hồi trên địa bàn huyện Bình Liêu.Theo tiến độ, nhiệm vụ sẽ kết thúc vào tháng 9/2024, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện từng nội dung để đảm bảo nhiệm vụ được triển khai đúng thời gian quy định; đồng thời thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật nhân giống, thâm canh và phục tráng rừng Hồi trên địa bàn.

Như Hoa – Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 646
Đã truy cập: 2203061