CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
Nghị định 70/2018/NĐ-CP (Kỳ cuối): Đi tìm lối thoát
Sau rất nhiều tranh luận của nhà khoa học và nhà quản lý thì chúng ta có nên đặt niềm tin vào việc có thể sửa đổi thấu đáo Nghị định 70 để tháo gỡ nút thắt trên con đường chuyển giao công nghệ?
Trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM), một đơn vị nghiên cứu có nhiều sản phẩm hữu ích, hỗ trợ việc điều trị tại các bệnh viện. Ảnh: Viện Tế bào gốc
Trong số các văn bản quy định pháp luật về khoa học được ban hành trong vòng năm năm trở lại đây thì Nghị định 70/2018/NĐ-CP (quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước) là một trong những văn bản gây sóng gió nhiều nhất. Nếu các nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trực tiếp tác động đến hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập thì Nghị định 70 thực chất liên quan đến cả khối doanh nghiệp, những bên đang mong chờ các giải pháp công nghệ từ các nhà khoa học để giải bài toán của mình.
Do đó, không chỉ các nhà khoa học và nhà quản lý mà cả khối doanh nghiệp cũng đang chờ đợi khả năng có được một văn bản tháo gỡ nút thắt.
Nhưng tháo gỡ như thế nào đây, theo cơ chế thị trường hay phù hợp với thông lệ quốc tế? Ngay cả ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ở vị trí của người tham gia sửa đổi Nghị định 70, cũng băn khoăn, vì ông cho rằng, nếu định giá tài sản hình thành thì nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước “theo cơ chế thị trường, tức là định giá theo chi phí thì không biết có đúng không, còn phù hợp với thông lệ quốc tế, tức là thu lại tiền qua thuế thì rất phức tạp. Nếu áp dụng theo thông lệ quốc tế với việc sử dụng vốn ngân sách thì sẽ ứng xử như thế nào?”
Đó là câu hỏi mà các nhà quản lý cần phải giải quyết khi nghĩ đến việc lựa chọn một lời giải tương xứng cho Nghị định 70.
Trao quyền sở hữu cho nhà nghiên cứu?
Vướng mắc lớn nhất trong số những vướng mắc phát sinh từ quá trình thực thi Nghị định 70 là ở chỗ tưởng chừng nhà khoa học - người tìm ra cái mới và “cha đẻ” của sản phẩm thu được từ đề tài KH&CN – sẽ có quyền quyết định trong việc nên hay không nên chuyển giao nó cho người có nhu cầu nhưng hóa ra lại không làm được việc này vì không sở hữu nó trong trường hợp phần ngân sách nhà nước trong kinh phí thực hiện đề tài là trên 30%. Khi ấy dĩ nhiên, kết quả đó là tài sản của nhà nước.
Theo điều 4 của Nghị định 70 về “nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước” thì “tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp là tài sản công”. Nhiều nhà khoa học cho biết, việc coi kết quả của đề tài KH&CN là tài sản công khiến cho mọi việc liên quan đến định giá, chuyển giao đều gần như không thể thực hiện nổi trong điều kiện thực tế hiện nay.
Như vậy, có nên thay đổi cơ chế sở hữu sản phẩm và kết quả thu được từ đề tài KHCN hay không? Ở góc độ một nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) cho rằng, trước khi xác định đến việc ai nắm giữ quyền tài sản, cần nên định hướng phân chia các loại hình nhiệm vụ KH&CN, không nên “bỏ chung vào một giỏ”: đối với nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản có kết quả là bài báo, công bố với các tri thức chung thì không phải tài sản để quản lý; còn đối với nhiệm vụ nghiên cứu định hướng ứng dụng, có thể tạo ra kết quả trung gian, sản phẩm để thử nghiệm mô hình, thì sản phẩm đó cũng không phải là tài sản.
Khi đó, các nhiệm vụ KH&CN có đem lại các công nghệ, các kết quả có thể chuyển giao mới cần được xem xét và được coi là tài sản.
Đây cũng là quan điểm của đại diện Viettel, “với sản phẩm vô hình (bao gồm tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ), chúng ta không nên đề cập đến quyền sở hữu mà nên đề cập đến chuyển quyền sử dụng, bởi nếu là quyền sở hữu thì chúng ta lại đề cập đến chuyện định giá, nó sẽ là một vòng xoáy lẩn quẩn không thể thoát ra được”.
Trong các hoạt động KH&CN, không hiếm các nhiệm vụ KH&CN do nhà nước đặt hàng cũng như các nhiệm vụ là đề xuất từ dưới lên. Do đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho rằng với các kết quả hình thành từ dạng thứ nhất thì “người sở hữu là đơn vị đặt hàng phải có trách nhiệm thương mại hóa”; còn với những kết quả “từ nhiệm vụ đề xuất từ dưới lên theo định hướng nghiên cứu của nhà nước thì chúng ta nên mạnh dạn giao cho chính nhà khoa học để họ có thể chuyển giao những kết quả này cho doanh nghiệp, qua đó có thể có ‘lối thoát’ trong việc xử lý tài sản hình thành sau nhiệm vụ KH&CN. Khi nhà nước chủ động giao quyền để xác lập quyền sở hữu thì tổ chức chủ trì nhiệm vụ mới có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu”.
Cùng có mặt tại cuộc họp “Đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước” (ngày 24/12/2023), ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Chương trình Quốc gia (Bộ KH&CN) đồng thuận “Trong nghị định này, tôi nghĩ là nên giao quyền tối đa cho đơn vị chủ trì quản lý tài sản hình thành, nhà nước không can thiệp vào thì mới có thể tháo gỡ được”. Khi các nhà quản lý không coi kết quả nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ KH&CN là tài sản công và trao quyền cho nhà khoa học và đơn vị chủ trì thì họ mới có thể có được cơ sở pháp lý để “danh chính ngôn thuận” chuyển giao cho doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ.
Nếu trao quyền cho nhà nghiên cứu là một cách làm quá mới thì các nhà quản lý có thể suy ngẫm lời đề xuất của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Mylan Group, nêu trong một hội nghị về thương mại hóa kết quả nghiên cứu do Bộ KH&CN phối hợp với ĐHQG TPHCM tổ chức vào năm 2020, đó là “cho các thầy được phép thuê lại kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đó để các thầy có thể làm lớn chứ không còn phải làm lén nữa”.
Dẫu trong Nghị định 70, một văn bản quy phạm pháp luật “không rành mạch về quyền sở hữu” như nhận xét của phó giáo sư Nguyễn Ái Việt (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN), vẫn còn một số vấn đề khác nhưng việc gỡ đi một rào cản trọng yếu như vậy sẽ góp phần tạo điều kiện cho công nghệ từ phòng thí nghiệm ra đến thị trường. Đó cũng là một hướng mở mà nhiều nhà khoa học và nhiều nhà quản lý khoa học giàu kinh nghiệm cũng đề xuất, bởi theo lý giải của TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN “Nếu nhà nước không giao quyền sở hữu cho nhà khoa học để họ thương mại hóa thì nhà nước có giữ cũng chẳng làm được việc thương mại hóa sản phẩm vì know-how chỉ nằm trong đầu nhà khoa học đã tạo ra nó”.
Dẫu vậy thì giao quyền sở hữu lại có liên đới với định giá trong khi thị trường KH&CN Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai, chưa đầy đủ, đặc biệt thiếu một số loại hình tổ chức trung gian, định giá có uy tín. “Ở nước ngoài người ta có hệ thống định giá hết sức uy tín. Tại sao họ định giá được là Microsoft là bao nhiêu tỉ USD, trong đó phần lớn là từ thương hiệu. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều là vậy. Thương hiệu phải có người định giá. Ở ta không có người làm việc đó, không có ai có kinh nghiệm được giao làm nhiệm vụ đó, trong khi không định giá được thì không giao được quyền sở hữu”, TS. Nguyễn Quân làm thử một phép phân tích.
Tuy nhiên, với quan điểm của các nhà quản lý tài chính thì hướng giải quyết này có phần rủi ro vì có nguy cơ làm thất thoát tài sản của nhà nước.
Liệu có lối thoát?
Giữa những bùng nhùng và chồng chéo của những quy định từ Nghị định 70 và những thông tư hướng dẫn thực hiện, các nhà nghiên cứu đang phải hết sức chật vật để tìm cách thương mại hóa, nếu còn tha thiết muốn sản phẩm mình làm ra có cơ hội xuất hiện trong đời sống xã hội. Những cách lách theo kiểu “tự tháo gỡ”, “chuyển nhượng chui” xuất hiện ở đâu đó khiến cho một số kết quả nghiên cứu thoát khỏi cảnh “cất ngăn kéo” nhưng lại hàm chứa một số hệ lụy mà một trong số đó là nguy cơ vi phạm pháp luật, nếu mọi chuyện vỡ lở, hoặc lao động của nhà nghiên cứu không được đánh giá tương xứng, hoặc nhà nước chẳng thể thu lại được gì…
Vậy có giải pháp nhiều trong một (all in one) như mũi tên xuyên táo trúng nhiều đích, có thể phá bỏ toàn diện các khúc mắc tồn tại? Liệu trên đời có những giải pháp như vậy? Đó cũng là những câu hỏi vang lên trong đầu các nhà quản lý – những người vừa mong muốn thúc đẩy chuyển giao công nghệ vừa muốn thấy ngay dòng tiền hồi quy về ngân sách nhà nước.
Trong khi các nhà quản lý cảm thấy bế tắc thì các nhà khoa học, từ góc độ của những người từng học tập và nghiên cứu nhiều năm ở các nền khoa học tiên tiến, đã mạnh dạn nêu một số cách có thể giúp Việt Nam khai thông lối thoát. Từ một thực trạng đầy vướng mắc mà ngay cả một nơi chủ yếu nghiên cứu khoa học cơ bản hơn là công nghệ như trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) cũng gặp phải, PGS. TS Trần Quốc Bình, hiệu phó của trường đã đề xuất một chùm giải pháp theo ba cấp độ ngay tại hội nghị.
Chùm giải pháp này, theo ông, có thể được áp dụng với những tầng nấc khác nhau mà các nhà quản lý có thể cân nhắc lựa chọn. “Ở cấp độ thứ nhất thì chúng ta nên coi việc tài trợ cho các đề tài dự án như các khoản tài trợ chứ không phải đầu tư để mà thu hồi vốn. Nếu coi là tài trợ thì chúng ta chấp nhận là chúng ta có thể mất khoản đầu tư ấy đi”, ông nói và diễn giải “Thực ra, ở đây không phải là mất mà tất cả các kết quả nghiên cứu khoa học nếu được chuyển giao cho doanh nghiệp thì các tài sản trí tuệ đó sẽ mang lại giá trị cho nền kinh tế chung, tức là chúng ta sẽ thu lại gián tiếp qua thuế. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu để kinh doanh thì khi kinh doanh phát triển, họ phải nộp thuế nhiều hơn. Nhà nước thu lại từ khoản đó. Còn nếu ta đong đếm, ngồi chờ thu lại thì câu chuyện đó không bao giờ kết thúc được cả, tính khả thi của nó không có”.
Nếu các nhà quản lý cho rằng cấp độ một quá mới mẻ về tư duy và quá khó để bắt lại con cá đã thả ra khỏi ao làng thì vẫn còn giải pháp khác. PGS. TS Trần Quốc Bình nói “Tôi đề nghị cấp độ thứ hai, thấp hơn, đó là sử dụng cơ chế licensing, tức là cho quyền được sử dụng”. Vậy khi áp dụng cấp độ này thì phần của nhà nước ở đâu? “Chúng ta không bán tài sản, chúng ta chỉ áp dụng cơ chế licensing và thu phần trăm doanh thu từ việc chúng ta sử dụng tài sản đó. Ví dụ, phát triển sản phẩm mới thì cứ phát triển đi, hằng năm bán được hàng thì nộp lại 2% doanh thu. Bằng cách đó, chúng ta để thị trường tự nó định giá tài sản của chúng ta và như vậy nó còn chính xác hơn những cách định giá mà chúng ta đang áp dụng”, ông giải thích.
PGS. TS Trần Quốc Bình cho biết, hiện nay, ĐHQGHN cũng đang áp dụng cách làm này đối với sản phẩm nghiên cứu - các tài sản trí tuệ hình thành qua đề tài, dự án của trường. Khi được hỏi cách nào để xác định tỷ lệ phần trăm được hưởng của ĐHQGHN, ông cho biết “Thông thường khi thảo một số hợp đồng thì đâu đó doanh nghiệp trích sẽ từ 1 đến 2,5% doanh thu từ sản phẩm đó, tỉ lệ này tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và từng trường hợp thỏa thuận. Dẫu xác định chính xác tỉ lệ phù hợp cũng là cái khó nhưng dẫu sao còn dễ thực hiện”.
Không chỉ các viện trường sử dụng các công cụ của ngành công nghiệp theo cơ chế khi nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm mà nhiều doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam đã quen cơ chế này. Đại diện của Viettel chia sẻ những gì mình học hỏi được qua việc trao đổi với Qualcomm về việc sử dụng các công cụ là sản phẩm trí tuệ của họ. “Mức chi phí ban đầu có thể thấp nhưng sau đấy họ ra điều kiện là mỗi sản phẩm Viettel bán ra thị trường thì Viettel phải trả một khoản chi phí hoa hồng (royalty) khoảng 5% và khoản này dựa trên giá bán, giá bán càng cao thì chi phí trả cho Qualcomm càng lớn. Tôi nhận thấy là thậm chí bây giờ số tiền Qualcomm thu được qua cho thuê quyền sử dụng rất lớn”.
Vậy nhà nước sẽ thu lại phần kinh phí đầu tư của mình ở mức nào? “Với mức phí chuyển nhượng này, chúng ta có thể học theo cách làm của thế giới là vào khoảng 5% doanh thu”, đại diện Viettel đề xuất và mở thêm một hướng giải quyết trong một số trường hợp đặc thù “cho phép doanh nghiệp hoặc đơn vị chủ trì kết quả nghiên cứu đó được quyền quyết định phí chuyển giao bởi với một số sản phẩm mà mình đưa ra thị trường chưa có lãi ngay được thì việc thu phí licensing 5% chưa chắc đã phù hợp”.
Trong trường hợp cả hai cấp độ coi như một khoản đầu tư hoặc cơ chế chi phí không thể áp dụng được, các nhà quản lý có thể chọn giải pháp thứ ba: “Nếu chúng ta bắt buộc phải coi đó là tài sản công”, theo PGS. TS Trần Quốc Bình, “bắt buộc chúng ta phải định giá. Tôi đề nghị là chúng ta có thể thẩm định giá sàn, lúc đó chúng ta tránh được các thủ tục liên quan đến định giá, cấu kết lợi ích nhóm để rút ruột tài sản công”.
Nếu chiểu theo giải pháp này thì một lần nữa, các nhà khoa học quay trở lại với câu chuyện định giá. PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) giới thiệu cách áp dụng của Viện KIST Hàn Quốc, “Hàn Quốc theo một tiêu chí rất hay là sản phẩm hình thành từ đề tài họ coi là hàng hóa. Lúc đó, họ có một hội đồng đánh giá xây dựng giá cơ sở, đưa nó lên một trang web. Sau đó, các doanh nghiệp cần công nghệ đó sẽ đưa ra mức giá bản thân thấy phù hợp, nếu ai trả giá cao nhất thì họ sẽ chuyển giao”. Ông cho rằng khi định giá công nghệ cũng cần sự linh hoạt bởi “có đề tài đầu tư 10 tỉ, công nghệ bán được hàng trăm tỉ nhưng cũng có đề tài chúng ta đầu tư 1 tỉ nhưng sau công nghệ chỉ có giá cơ sở là 200 triệu đồng thôi vì công nghệ cũng có tính rủi ro”.
Nhưng định giá công nghệ ở Việt Nam không chỉ gặp vướng mắc ở phương pháp định giá mà còn ở chỗ chưa có kinh phí để định giá. Tuy nhiên sau khi đặt câu hỏi lấy kinh phí ở đâu để nhà khoa học định giá, PGS.TS. Phí Quyết Tiến, Viện phó Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã đề xuất một cách làm của viện “Đây cũng là một vướng mắc nhưng chúng tôi đã tự tháo gỡ một phần. Kinh nghiệm của chúng tôi là ký hợp đồng ba bên, một bên với Viện Định giá KH&CN, với đơn vị thụ hưởng và chúng tôi, trong đó chúng tôi sẽ cung cấp cơ sở cho đơn vị định giá. Nếu định giá được thì đơn vị thụ hưởng công nghệ đầu tiên sẽ phải trả kinh phí cho đơn vị định giá”.
Ba giải pháp theo từng cấp độ mà PGS. TS Trần Quốc Bình và các nhà khoa học đề xuất đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, đặc biệt giải pháp ở cấp độ thứ nhất thì thuận nhất cho khoa học nhưng lại gây băn khoăn về khả năng thất thoát cho nhà quản lý. “Nhìn chung, cách làm này dễ áp dụng nhất, vì khi chúng ta xác định nó như một khoản tài trợ thì chúng ta không những không phải lo lắng chuyện thất thoát mà nền kinh tế lại được hưởng lợi từ đó; nếu có thất thoát thì số mất mát là nhỏ”, PGS. TS Trần Quốc Bình lý giải. “Còn nếu ta muốn thu lại tài sản nhà nước qua đề tài dự án, sau đó ta lại dùng tiền hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy ứng dụng KH&CN thì cuối cùng, đồng tiền nó lại đi lòng vòng”.
Vấn đề sửa đổi Nghị định 70, giờ đây không chỉ ở việc thay thế một số quy định hay loại bỏ một vài câu chữ hay mà chủ yếu nằm ở quan điểm: coi nghiên cứu KH&CN như một hoạt động đổi mới sáng tạo ở mức cao nhất để chấp nhận rủi ro và có thể nhận được những phần lãi dài hạn ở tương lai, cả về nguồn lực vật chất lẫn con người. “Ngành đặc thù có tính sáng tạo cao, nên cơ chế chính sách phải làm sao hỗ trợ hiệu quả quá trình sáng tạo của nhà khoa học. Còn nếu chính sách vẫn muốn áp đặt nhà khoa học thì có lẽ không bao giờ có được sự sáng tạo”, TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật (ĐHQGHN) trao đổi tại cuộc họp.
Việc xây dựng và thực thi những cơ chế hỗ trợ quá trình sáng tạo của nhà khoa học theo cách này sẽ giúp họ làm được việc mà nói như giáo sư vật lý chất rắn Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) “Nghiên cứu là biến tiền đầu tư của nhà nước hoặc của ai đó thành kiến thức của mình và đổi mới sáng tạo là biến kiến thức thành tiền thông qua doanh nghiệp khởi nguồn (spinoff) và khởi nghiệp (startup), rút ruột từ hiểu biết để làm ra sản phẩm có ích cho xã hội”.
Theo Báo Khoa học và Phát triển
Hoàn thiện cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Một trong những điểm nghẽn của hoạt động khoa học, công nghệ lâu nay là chưa có quy định rõ về cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; trong đó, chấp nhận rủi ro là nội dung được quan tâm và kỳ vọng sẽ giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, hiểu đơn giản, rủi ro có nghĩa là nhà khoa học sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu, quá trình nghiên cứu đúng, chi tiêu theo quy định, nhưng cuối cùng kết quả không như dự kiến, được coi là thất bại.
Quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ đã được đề cập trong các quy định pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể để áp dụng. Tại Điều 23, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 có quy định ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ; trong đó, có quy định, người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ sẽ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, gây ra rủi ro cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được ban hành, Thông tư 07/2014 hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ chưa đề cập đến các nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao. Tương tự, các thông tư khác cũng chưa có hướng dẫn về quản lý rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Việc chưa có quy định hướng dẫn thực hiện đã gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đình Phương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, lâu nay chúng ta coi đầu tư cho khoa học, công nghệ như đầu tư thông thường, cho nên vẫn đòi hỏi phải có kết quả nghiên cứu tương xứng với kinh phí đầu tư đã bỏ ra.
Tư duy quản lý này không phù hợp, vì đặc thù của khoa học, công nghệ là hoạt động sáng tạo, đi tìm cái mới, và có thể quá trình nghiên cứu không đạt được kết quả đề ra. Đây là vấn đề khách quan và thực tế này trong hoạt động khoa học, công nghệ quốc tế đã chấp nhận.
Để thực hiện quy định hiện hành, nhà khoa học phải đăng ký những chỉ tiêu rất cụ thể trước khi bắt đầu triển khai một đề tài khoa học, từ đó mới được cấp kinh phí tương ứng các chỉ tiêu, nhiệm vụ đó. Do đó, nguồn lực cho nghiên cứu không phù hợp, nhà khoa học phải vất vả với hóa đơn, chứng từ, thủ tục quyết toán và không khuyến khích được nhà khoa học triển khai các ý tưởng sáng tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đình Phương cho rằng, Nhà nước cần sớm tháo gỡ nút thắt này, tất nhiên, nhà khoa học cần cam kết về chất lượng nghiên cứu.
Cũng từ những khó khăn tương tự của các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét trình Chính phủ chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm, cần được bảo trợ chính sách của Nhà nước.
Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022 đã xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò đột phá, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Chiến lược cũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó, có nội dung đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ.
Chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng đã được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh xuyên suốt những năm vừa qua. Để cụ thể hóa các nội dung trong Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành cấu trúc lại các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia, đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, với mục tiêu từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, góp phần đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng góp thiết thực hơn cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội.
Liên quan vấn đề hoàn thiện cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ, trong đó có nội dung về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Điều đó cho thấy, chủ trương này đã được thể hiện xuyên suốt. Luật Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, và dự thảo về quy định liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu được mở rộng hơn so với quy định hiện hành. Trong đó có nội dung miễn trách nhiệm dân sự cho các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu gây thiệt hại, rủi ro cho Nhà nước, hoặc đã thực hiện đầy đủ quy trình nhưng kết quả không đạt thì không phải bồi hoàn kinh phí sử dụng.
Theo Báo Nhân dân
Quỹ KH&CN địa phương: Tìm lời giải cho nút thắt
Tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN các địa phương 2024, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nêu mong muốn có khảo sát đánh giá ở địa phương để có thể tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế hoạt động các quỹ KH&CN địa phương, hoặc đề xuất chuyển sang các mô hình khác tốt hơn.
Các cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh kiểm tra mô hình canh tác rươi - lúa hữu cơ có thả bổ sung rươi giống. Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh
Sự chật vật trong hoạt động của các quỹ KH&CN địa phương là điều ai cũng biết từ nhiều năm nay. Tuy nhiên tại sao điều này lại xảy ra ở Hà Nội, một trong hai thành phố lớn của cả nước, có mức bố trí ngân sách đầu tư cho KH&CN vào hàng top và là niềm mơ ước của rất nhiều địa phương khác? Hơn nữa, Sở KH&CN Hà Nội dường như đã cẩn trọng hơn nhiều so với một số sở KH&CN địa phương khác khi việc hình thành Quỹ KH&CN Hà Nội khá muộn sau khi “nghe ngóng” tình hình.
Nếu một số nơi đã có quỹ KH&CN địa phương từ năm 2007, 2009 thì tới mãi năm 2014, quỹ KH&CN Hà Nội mới được thành lập theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
Tưởng chừng người đi sau sẽ rút kinh nghiệm của những người đi trước để có được cách vận hành tốt hơn cho tổ chức của mình nhưng thật ra, “trốn trời không khỏi nắng” bởi cơ chế hoạt động vẫn là cơ chế chung. “Ở thành phố Hà Nội thì trong nhiều năm vừa rồi, quỹ này gần như không hoạt động được”, ông Nguyễn Hồng Sơn không ngại ngần chia sẻ về tình trạng của mình.
Đó là lý do trong hai năm 2022 và 2023, báo Hà Nội mới có nêu hiện trạng vướng mắc chồng chất vướng mắc của Quỹ KH&CN Hà Nội. Do không vận hành được nên từ tháng 2/2018, quỹ đã bị sáp nhập vào Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội (theo Quyết định số 714/QĐ-UBND Hà Nội) và nguồn vốn và hoạt động của quỹ như tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay các nhiệm vụ KH&CN, hoạt động nâng cao năng lực KH&CN đã được ủy thác cho Quỹ đầu tư theo các quy định của pháp luật liên quan.
Dẫu vậy, hoạt động của quỹ hỗn hợp này đã không phải là giải pháp phù hợp như mong muốn. Báo Hà Nội mới đã dẫn lời ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội, nêu trong một cuộc họp nhằm tháo gỡ vướng mắc là hiện quỹ cũng chưa có đủ căn cứ triển khai, đẩy mạnh công tác khai thác cho vay, bảo lãnh vốn vay đối với các doanh nghiệp có hoạt động KH&CN nên chưa thể cho doanh nghiệp nào vay được.
Tại sao, sau hơn một thập kỷ tồn tại, việc tạo một cơ chế tài chính đầu tư linh hoạt cho các nhiệm vụ KH&CN giải quyết các vấn đề phát sinh của địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới ở các địa phương vẫn còn là nỗi khó khăn đến mức không thể thực hiện được? Liệu có giải pháp cho câu chuyện này?
Theo Báo Khoa học và Phát triển
NÔNG NGHIỆP
Quế Lâm 'bắt tay' Hà Tĩnh lan tỏa nông nghiệp hữu cơ
Hiệu quả các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đạt được trong 3 năm qua tại Hà Tĩnh là tiền đề để Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục mở rộng trong năm 2024.
Năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm bắt đầu ký kết hợp tác với UBND tỉnh Hà Tĩnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực chính doanh nghiệp này tham gia là trồng trọt và chăn nuôi các đối tượng chủ lực của tỉnh.
Năm 2024, Tập đoàn Quế Lâm mở rộng diện tích liên kết sản xuất đậu tương hữu cơ tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: TN.
Khởi đầu là mô hình thử nghiệm 1,5ha lúa hữu cơ giống DT39 trong vụ xuân 2022 tại xã Hương Minh, huyện Vũ Quang. Từ thành công của mô hình này, đến nay Quế Lâm đã mở rộng và nâng tổng diện tích lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt trên 500ha, trong đó hơn 100ha sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín. Các mô hình được thực hiện tại các huyện trọng điểm về sản xuất lúa của Hà Tĩnh như Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà…
Vụ xuân năm 2024, xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc) mở rộng diện tích triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng máy cấy đối với giống DT39 từ 2ha lên 5ha tại thôn Vân Cửu. Hiện nay cây lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến khoảng 18 - 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch.
Theo anh Nguyễn Tiến Chương, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ thôn Vân Cửu, quá trình hợp tác với doanh nghiệp, bà con nông dân được hướng dẫn sát sao quy trình sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế thấp nhất phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tốt; tôm, cua, cá… xuất hiện nhiều trở lại trong khu vực thực hiện mô hình. Quan trọng hơn, bà con nông dân đang dần làm quen với quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, tạo ra những giá trị mới trong sản xuất.
Tại huyện Cẩm Xuyên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm liên kết với 28 hộ gia đình thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh sản xuất đậu tương và dưa hấu hữu cơ trên diện tích 1,8ha. Vào đầu tháng 4/2024, các hộ dân đã đồng loạt xuống giống đậu tương dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Tập đoàn.
Ông Nguyễn Trọng Quế, người tiên phong thực hiện mô hình cho biết, gia đình ông sản xuất trên diện tích hơn 2 sào, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ và không sử dụng thuốc BVTV trong suốt quá trình gieo trồng, chăm sóc.
“Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ thành công, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn vừa giúp người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo hướng hữu cơ”, ông Quế nói.
Chia sẻ về chủ trương liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh, ông Bùi Đức Hồng cho rằng, đây là xu thế và là định hướng lâu dài của Bộ NN-PTNT, tỉnh, huyện. Riêng với Cẩm Vịnh, diện tích đang thực hiện mô hình trước đây vốn là vùng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Khi liên kết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cung cấp đầy đủ quy trình kỹ thuật, cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nên người dân đồng tình cao.
"Lãnh đạo xã sẽ thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây trồng để có định hướng chăm sóc cụ thể cho bà con nông dân. Sau khi gieo trồng đậu tương (khoảng 3 tháng), Cẩm Vịnh sẽ triển khai thêm mô hình trồng dưa hấu hữu cơ tại vùng này", ông Hồng cho biết.
Ngoài Cẩm Xuyên, vụ xuân 2024, Quế Lâm tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất dưa hấu hữu cơ theo hướng hàng hóa tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà trên diện tích hơn 3.000m2.
Khi tham gia mô hình này, nông dân được làm quen với kỹ thuật sản sản xuất tiêu chuẩn “5 không”: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng và không dư lượng thuốc hóa học độc hại. Toàn bộ quá trình gieo trồng, chăm sóc đều sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu
Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Đến thăm hơn 1,2ha na Đài Loan của anh Nguyễn Ngọc Cương ở xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trên vùng đất cát bạc màu nhưng cây na lá xanh biêng biếc, quả trĩu cành. Anh Cương, người mạnh dạn áp dụng lối canh tác mới "thuận thiên" cho cây na cho hay: “Canh tác thuận thiên là hướng đi mới, trong quá trình canh tác hạn chế tác động vào đất mà chỉ tạo môi trường cho hệ sinh vật phát triển tự nhiên, làm đối tác phục hồi dinh dưỡng cho đất bằng phương pháp hữu cơ”.
Anh Cương dùng máy cắt cỏ để cắt thảm thực vật trong vườn chứ không làm sạch cỏ. Ảnh: T. Phùng.
Sau thời gian đi lao động ở nước ngoài, trở về quê với số vốn dành dụm được, anh Nguyễn Ngọc Cương chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp. Vùng đất gò đồi ở xã Lý Trạch vốn không màu mỡ bởi, nơi đây là đất cát pha bạc màu. Để cây trồng phát triển tốt và cải tạo đất, anh Cương đọc báo, xem truyền hình và chú tâm đến các giải pháp canh tác có hướng bồi bổ cho đất.
Trên diện tích đất của gia đình, anh Cương chọn phân hữu cơ để bón rải trên lớp mặt và cào xới đều. Những năm sau, anh không cào xới mà rải đều và để cho cỏ vườn mọc theo mùa. Ngoài ra, anh còn mua phân chuồng ủ hoai để bón cho cây trồng ở dưới gốc.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Cương cho biết, ngoài canh tác theo hướng hữu cơ, cây trồng được chăm bón bằng các loại phân organic, lựa chọn những chế phẩm vi sinh có nấm đối kháng với sâu bệnh để phòng trừ sâu bệnh cho cây na. Vườn để đất tự nhiên, không “làm phiền” đất, chỉ bón phân cho cây rồi dùng kéo, máy cắt để cắt cỏ.
Cũng theo anh Cương, thảm cỏ sau khi được cắt sẽ trả lại chất hữu cơ về đất, giun dế trong đất sẽ làm cho bề mặt của đất giữ được độ ẩm và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây. “Qua 3 năm, cách canh tác này đã cho kết quả là đất màu mỡ hơn, cây trồng xanh lâu bền hơn và năng suất cũng cao hơn” - anh Cương nói.
Từ vùng đất cát bạc màu, khu vườn của gia đình anh Cương đã có màu đất khác, tươi mới và sẫm màu hơn. Khi đi băng qua khu vườn, chúng tôi có cảm giác đất tơi xốp, lún cả dưới bàn chân. Gần như toàn bộ bề mặt đất của khu vườn đều nổi lên lớp phân giun dày. Anh Cương dùng que tre cứng xiên xuống đất rồi bật lên cho chúng tôi thấy lớp đất mùn đầy phân giun rất tơi xốp và giàu dinh dưỡng.
Bằng đam mê với nghề trồng trọt, anh Cương đã mày mò, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức qua các phương tiện đại chúng, mạng xã hội. Nhờ đó, anh đã nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc và xử lý na Đài Loan phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ
Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.
Mới đây, tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo "Phát triển và nhân rộng - hướng đi cho nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu". Tham gia hội thảo có nhiều nhà khoa học đến từ các bộ, ngành, học viện trong nước và quốc tế cùng đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước địa phương, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Sơn La.
Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay vẫn còn duy trì phương thức sản xuất truyền thống rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: NNVN.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều nhấn mạnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong Thế kỷ 21, tác động nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống của người dân trên toàn cầu. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Theo đó, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được coi là một trong những giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
TS Phạm Hải Vũ (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) chia sẻ, Liên đoàn NNHC quốc tế (IFOAM) được thành lập năm 1972 tại Versailles (Pháp) với mục đích truyền thông, trao đổi những thông tin liên quan đến nguyên tắc và thực hành NNHC. Đến nay, có 188 quốc gia thực hiện được 96.000.000ha sản xuất NNHC, chiếm 2,2% tổng diện tích canh tác toàn cầu. Các nước như Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển NNHC rất nhanh.
"Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều vùng sinh thái khác biệt, có quần thể sinh học phong phú, đa dạng... Đây là những điều kiện rất thuật lợi cho phát triển sản xuất NNHC, nhưng để xuất khẩu được các sản phẩm này, cần phải đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế", TS Phạm Hải Vũ chỉ rõ.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
LÂM NGHIỆP
Hàng trăm ngàn ha rừng có nguy cơ cháy cao
Trước diễn biến nắng nóng ngày càng gay gắt, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên yêu cầu các địa phương, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng chống cháy rừng.
Lực lượng bảo vệ rừng ở Phú Yên không lơ là phòng chống cháy rừng. Ảnh: KS.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, xu thế nhiệt độ tiếp tục tăng dần và hiện tượng ENSO duy trì, nghiêng về pha nóng, có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5-1,5 độ C. Dự báo từ tháng 6-8/2024, là giai đoạn nắng nóng cao điểm trên địa bàn tỉnh, dễ gây ra tình trạng cháy rừng.
Để ứng phó với nắng nóng, ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết đã chủ động rà soát các vùng nguy cơ xảy ra cháy rừng. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 212 vùng nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, với tổng diện tích gần 110.000 ha (chủ yếu rừng trồng), tập trung hầu hết tại các huyện, thị xã và thành phố.
Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phải chủ động tham mưu UBND cấp huyện, xã quan tâm các vùng cháy trọng điểm này. Đồng thời kiểm tra trình trạng hoạt động của các công trình, phương tiện và trang thiết bị chữa cháy rừng trên địa bàn để có phương án huy động khi cháy xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Mới đây, Chi cục Kiểm lâm phối hợp Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng tại các địa phương và chủ rừng trên toàn tỉnh. Qua đó, Chi cục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, đảm bảo sự chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Đặc biệt lực lượng kiểm lâm các cấp phải chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết và cấp dự báo cháy rừng, thông tin các điểm cháy rừng, kể cả điểm cháy dọn thực bì phục vụ sản xuất nông nghiệp gần rừng để cảnh báo địa phương, kiểm lâm địa bàn kiểm tra điểm cháy nhằm chủ động trong công tác phòng cháy rừng.
Trước diễn biến nắng nóng gay gắt vẫn diễn ra trong những ngày tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các địa phương, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng chống cháy rừng. Khi đốt nương, làm rẫy, dọn dẹp thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng, người dọn dẹp phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt phải báo với chính quyền địa phương và quá trình đốt phải bố trí đầy đủ người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng. Sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.
Tương tự, tại Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa) hiện có gần 3.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng tại 3 xã Krông Pa, Eachà Rang, Suối Trai có nguy cơ cháy cao. Để ứng phó những ngày này lực lượng quản lý bảo vệ rừng đều túc trực trong rừng. Ngoài canh phòng chống cháy, lực lượng nơi đây thường xuyên tuyên truyền bà con trực tiếp và gián tiếp trên loa phát thanh, cũng như vận động người dân ký cam kết phòng chống cháy rừng.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Kiến nghị Thủ tướng bố trí kinh phí cấp bách về phòng chống cháy rừng
Bộ NN-PTNT đề xuất ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện thị sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Theo Cục Kiểm lâm, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng, với diện tích bị ảnh hưởng ước khoảng gần 500ha, chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi. Con số này tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023.
Các vụ cháy rừng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng đã tử vong. Đó là, 2 cán bộ kiểm lâm (chị Trương Thị Lan, anh Trần Văn Khiên) hy sinh khi dập lửa tại khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, tỉnh Hà Giang và 1 người dân (chị Giàng Thị Xú) tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết, vụ cháy tại Tây Côn Lĩnh, khiến 2 cán bộ kiểm lâm tử vong, được phát hiện vào sáng 26/4, trên địa bàn 3 xã Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Hơn 1.000 người đã được huy động để chữa cháy.
Dù tích cực triển khai phương châm "4 tại chỗ", nhưng do khu vực cháy có địa hình phức tạp, núi cao, thực bì dày, lại đang cao điểm mùa khô, gió lớn khiến khoảng 10ha rừng bị thiệt hại.
Ngoài nguyên nhân chính là hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, số vụ cháy rừng tăng trong 4 tháng đầu năm tăng còn do sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.
Thống kê của Cục Kiểm lâm cho thấy, việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ gây cháy lan vào rừng chiếm gần 65% số vụ; xử lý thực bì, dọn vườn, sử dụng lửa bất cẩn trong rừng chiếm hơn 20% số vụ. Còn lại xuất phát từ đun nấu, đốt than, đốt cỏ, săn bắt động vật rừng...
Cá biệt, ngày 30/4 vừa qua, một người đàn ông tại huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế đã sử dụng lửa để lấy mật ong rừng và gây ra vụ cháy lớn, thiêu rụi khoảng hơn 1ha rừng lau lách và cây bụi. Bản thân người đàn ông này bị bỏng nặng, được lực lượng chức năng kịp thời ứng cứu, đưa khỏi rừng và hiện chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Số vụ cháy rừng tăng còn diễn ra trên bình diện thế giới. Cơ sở dữ liệu sự kiện khẩn cấp (EM-DAT) thuộc Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) cho biết, với hơn 250 người thiệt mạng, 2023 trở thành năm cháy rừng gây thương vong nhiều nhất tính từ đầu thế kỷ XXI.
Các vụ cháy rừng năm 2023 đã thiêu rụi khoảng 400 triệu ha rừng, thải ra 6,5 tỷ tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Trong số này, vụ cháy rừng tại Hawaii hồi tháng 8/2023 khiến 97 người thiệt mạng và 31 người mất tích. 34 người tại Algeria và 26 người tại Hy Lạp cũng bị tử vong trong một vụ cháy rừng vào tháng 7/2023.
Khi cháy rừng xảy ra thường xuyên, thảm thực vật ít có thời gian phục hồi, khiến rừng đứng trước nguy cơ mất khả năng hấp thụ CO2. Phòng thí nghiệm Khí quyển, Môi trường, Quan sát không gian (LATMOS) của Pháp thừa nhận, cháy rừng có thể làm giảm 10% lượng CO2 hấp thụ của rừng. Thậm chí, cây cối có thể giải phóng toàn bộ lượng CO2 mà chúng đã hấp thụ.
Bộ NN-PTNT nhận định, bên cạnh những yếu tố như rừng phân bố rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, áp lực dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, việc chặt phá, khai thác rừng trái phép diễn biến phức tạp thì việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu hiệu quả, thiếu công cụ để xử lý trách nhiệm.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế, nhất là việc ứng dụng công nghệ địa không gian, GIS để phát hiện sớm cháy rừng chưa được triển khai rộng rãi. Những trang thiết bị hiện đại như flycam, camera quang học để phát hiện sớm và áp sát cháy rừng còn thiếu thốn.
Ngay cả lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng - kiểm lâm - cũng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức cả về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện.
Chế độ, chính sách đối với lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, kinh phí chi trả công cho người tham gia chữa cháy rừng chưa thỏa đáng nên không động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia chữa cháy rừng.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Quyết tâm bảo vệ 'lá phổi xanh' Bảy Núi
Tuy diện tích rừng ở An Giang không nhiều như hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nhưng rừng Bảy Núi vẫn được xem là 'lá phổi xanh', rất cần được bảo vệ.
Thời tiết nắng nóng, khô hanh tiếp tục kéo dài ở ĐBSCL, nhiệt độ có lúc tăng lên đến 38-41°C làm cho cây cối khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy, cùng với nạn bất cẩn trong việc sử dụng lửa làm xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các khu rừng ở vùng Bảy Núi – An Giang.
Tuy diện tích rừng ở tỉnh An Giang không lớn so với hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nhưng rừng Bảy Núi nơi đây được xem là "lá phổi xanh" quan trọng của vùng ĐBSCL.
An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.820 ha, tập trung chủ yếu ở Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn… gồm rừng đặc dụng trên 1.832 ha, rừng phòng hộ diện tích trên 11.445 ha, rừng sản xuất 3.542 ha. Rừng ở An Giang có địa hình nhiều đồi dốc cao, khô hạn, thiếu nước thường xuyên và xuất hiện nhiều đầu đạn sót lại trong chiến tranh. Do vậy, khi xảy ra cháy rừng và thực hiện công tác chữa cháy rừng rất khó khăn và đòi hỏi phải thận trọng, kiên trì mới dập tắt được “giặc lửa”. Điển hình gần đây nhất, đã xảy ra các vụ cháy rừng làm thiệt hại hàng chục hecta ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.
Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Do thời tiết nắng nóng, hanh khô nên thời gian qua, ở khu vực núi Tô và cặp chân núi Dài ở huyện Tri Tôn xuất hiện một số vụ cháy rừng hết sức nguy hiểm. Mỗi khu vực cháy đều có khó khăn khác nhau, khiến cho công tác chữa cháy rất vất vả. Điển hình như vụ cháy tại khu vực đồi 400 (thuộc núi Dài, ấp An Thành, xã Lương Phi), được phát hiện vào chiều 24/4. Khu vực cháy có địa hình dốc, đá lớn, lò ảng, trong đám cháy có nhiều tiếng nổ... khiến lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận. Sau nhiều ngày vất vả, các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự, dân quân cùng chính quyền địa phương mới khống chế được đám cháy. Nhưng trong lúc tiếp cận để chữa cháy lực lượng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy đó là tiếng nổ đầu đạn, không thể tiếp cận chữa khối ngún, phải rút quân theo dõi.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang kiểm tra thực tế vụ cháy rừng ở khu tại khu vực Bảy Núi để đưa ra định hướng chỉ đạo chữa cháy và phòng chống cháy rừng trong thời gian tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn cho biết, thời tiết khô hanh kèm gió lớn khiến một số điểm cháy ở khu vực đồi 400 bùng phát trở lại. Trước diễn biến phức tạp, các lực lượng đã dùng máy thổi chuyên dùng, máy sạ lúa mở rộng đường băng đón đầu đám cháy từ trên đồi 400 xuống, phun nước tưới ướt, ngăn lửa cháy vượt qua đường băng xuống khu dân cư ấp An Thành. Phải mất nhiều giờ đám cháy mới được khống chế, không còn ảnh hưởng đến khu dân cư, nhưng các khu vực hốc đá, lò ảng, lửa vẫn còn cháy ngún âm ỉ.
Chỉ riêng vụ cháy trên đồi 400, có gần 300 người tham gia chữa cháy, huy động 10 xe bán tải, 5 xe chở bồn nước, 5 xe tải chở dụng cụ, máy móc, trên 100 xe gắn máy, 3 máy thổi gió, 40 máy chữa cháy đeo vai, 1 máy chữa cháy đồi núi, 673 can nước... nhưng phải mất đến 4 ngày mới có thể dập tắt đám cháy.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác dập tắt lửa trong các khu rừng tại vùng Bảy Núi vào thời điểm nắng nóng, nhưng đến nay các lực lượng đã cơ bản khống chế được đám cháy. Hiện nay, các lực lượng chức năng tiếp tục kiên trì bám sát địa bàn, theo sát tình hình, tiếp tục triển khai các biện pháp chữa cháy để nhằm dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để đám cháy có cơ hội bùng phát trở lại.
Trước diễn biến báo động cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm như hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã đến kiểm tra thực tế vụ cháy rừng ở khu tại khu vực Bảy Núi để đưa ra định hướng chỉ đạo chữa cháy và phòng chống cháy rừng trong thời gian tới.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
NGƯ NGHIỆP
Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị
Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.
Nghêu sạch cát 99,9%. Ảnh: Minh Đảm.
Nuôi nghêu là nghề mang lại hiệu quả kinh tế nhưng cũng gặp không ít rủi ro, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều biến động bất lợi như hiện nay. Với HTX thủy sản Thạnh Lợi (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) mọi chuyện đã khác hơn kể từ khi tham gia vào Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam từ năm 2018-2022 do Liên minh châu Âu và Tổ chức OXFAM tài trợ với sự tham gia của các đối tác ICAFIS, VCCI, Sở NN-PTNT Bến Tre và huyện Thạnh Phú.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX thủy sản Thạnh Lợi, HTX được thành lập năm 2004 và được Nhà nước giao quản lý 400ha, tuy nhiên diện tích thực nuôi chỉ khoảng 200ha, trong đó khu nghêu giống sinh sản 22ha. Có thời điểm con nghêu kém hiệu quả do tác động của biến đổi khí hậu, HTX phải huy động vốn thành viên đóng góp để đầu tư mua nghêu giống về nuôi. Những năm đầu, việc huy động vốn rất khó khăn do người dân lo sợ gặp rủi ro.
Thông qua dự án, HTX đã được hướng dẫn quy trình ương nghêu giống lên nghêu trung trong ao lót bạt, nuôi nghêu nước sông nhiều giai đoạn, đặc biệt là tập huấn chứng nhận MSC cho nghề nuôi nghêu tỉnh Bến Tre. Đây là tiêu chuẩn quan trọng mà tỉnh Bến Tre là nơi đầu tiên của châu Á đạt được.
HTX được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre hỗ trợ đầu tư dự án nuôi nghêu cỡ lớn 50-60 con/kg, nghêu sạch cát và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao nghêu sạch với thương hiệu nghêu sạch Thạnh Lợi. Nghêu sạch cát của HTX bán được cho nhà máy theo tiêu chuẩn sạch cát đến 99,9%.
Sản phẩm nghêu sạch Thạnh Lợi được đóng gói từ nguồn nghêu sống thông qua hệ thống oxy tự nhiên giúp loại bỏ hoàn toàn tạp chất như cát, bùn, chất bẩn sau đó được rửa sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Sản phẩm được đóng gói hút chân không, theo quy chuẩn 1kg, 2kg, 3kg, bảo quản nhiệt độ từ 4-8 độ C nhằm giữ hương vị thịt nghêu ngon, ngọt. Nếu sau 3 ngày sử dụng không hết thì nghêu được đông lạnh, khi đó chất lượng nghêu vẫn đảm bảo trong vòng 1 tháng.
Từ đó, con nghêu của HTX đã tham gia các hội chợ sản phẩm trong nước như Vietfish năm 2019, hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP tại Hà Nội năm 2022… HTX kết nối với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc sản để ký kết hợp đồng mua bán nghêu sạch. Không dừng lại ở đó, HTX còn liên kết cung cấp nghêu sạch cho nhà máy Hưng Trường Phát với giá cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg. Năm 2023, HTX đã cung cấp cho nhà máy này 120 tấn.
“Với sự giúp đỡ của dự án, khâu kỹ thuật làm sạch nghêu đã đạt theo yêu cầu của doanh nghiệp. HTX tự tin trong thời gian tới làm đạt yêu cầu nhà máy, sau đó là siêu thị để tăng đầu ra của thị trường. Từ đó tạo được thu nhập cho bà con cũng như giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi của địa phương”, ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX thủy sản Thạnh Lợi nói.
Với 230 hộ thành viên từ những ngày đầu thành lập, đến nay HTX Thạnh Lợi đã phát triển lên 675 hộ thành viên, sản lượng nghêu hằng năm đạt khoảng 1.000 tấn. Riêng trong năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, doanh thu gần 19 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trong năm đạt 43% từ doanh thu.
HTX hoạt động ổn định đã giải quyết việc làm cho thành viên và 25 lao động thường xuyên tại địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người. Ngoài ra, trong mùa thu hoạch nghêu (khoảng 6-7 tháng liên tục) còn có gần 100 lao động tham gia cào nghêu với thu nhập 300.000-400.000 đồng/ngày. Đồng hành cùng HTX từ khi thành lập cho đến nay, nhiều hộ thành viên đã vươn lên khấm khá, ổn định cuộc sống nhờ cùng góp vốn để sản xuất nghêu. HTX hoạt động ngày càng ổn định là tín hiệu vui đối với thành viên và bà con địa phương.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Vườn Quốc gia Cát Bà thả rùa xanh quý hiếm về biển
Sau khi được người dân làm nghề đánh bắt thủy sản bàn giao, Vườn Quốc gia Cát Bà đã tổ chức thả 1 cá thể rùa xanh nặng hơn 10kg về biển.
Cá thể rùa xanh quý hiếm nặng hơn 10kg được lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà trực tiếp mang thả tại khu vực đảo Cát Dứa. Ảnh: Đinh Mười.
Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) cho biết, Vườn vừa tiếp nhận và thả 1 cá thể rùa xanh (tên khoa học là Chelonia mydas) về biển tại khu vực đảo Cát Dứa, thuộc quần đảo Cát Bà.
Cá thể rùa có trọng lượng 10,5kg, bị vướng lưới đánh cá của ông Lưu Tiến Nam (54 tuổi) tại khu vực quần đảo Cát Bà. Thời điểm tiếp nhận, cá thể rùa xanh khỏe mạnh, thể trạng tốt, không có dấu hiệu bệnh tật hay các biểu hiện bất thường khác.
“Ở Cát Bà, ý thức bảo vệ các loài động vật hoang dã của người dân rất tốt. Do đó, sau khi cá thể rùa vướng lưới, ông Nam đã lập tức báo cho lực lượng kiểm lâm của Vườn và đã được cứu hộ, tổ chức thả kịp thời nên còn rất khỏe mạnh”, ông Thịu thông tin.
Trước đó, Vườn Quốc gia Cát Bà đã nhiều lần tổ chức thả loài rùa quý hiếm này về biển. Đơn cử như năm 2020, Vườn đã thả 1 cá thể rùa do bà Bùi Thị Lượt trú tại xã Phù Long, huyện Cát Hải làm nghề khai thác thủy sản bắt được và bàn giao.
Tiếp đó, năm 2021, ông Lê Ngọc Nghị (kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Cát Bà) phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng Cát Bà tiếp nhận 1 cá thể rùa xanh nặng 15kg do người dân khai thác thủy sản bắt được bàn giao.
Rùa xanh thuộc họ vích, là loài duy nhất của chi Chelonia, thuộc nhóm động vật cực kỳ nguy cấp (nhóm EN C1) của Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài di cư nên có phạm vi phân bố rộng ở khắp các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, với hai quần thể khác biệt tại Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hiện nay, sự sống của rùa xanh đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người nên được xếp vào danh mục loài nguy cấp và đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở hầu hết các quốc gia.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Phú Yên hướng đến xuất khẩu tôm hùm chính ngạch
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tại thủ phủ tôm hùm ở Phú Yên đang được đồng hành, hỗ trợ, hướng đến xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Phú Yên là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản vì có hơn 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông. Hơn 30 năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh này đã phát triển khá mạnh với hơn 110.000 lồng nuôi gồm các đối tượng chính như tôm hùm, cá biển.
Thị xã Sông Cầu là “thủ phủ” tôm hùm tại tỉnh Phú Yên. Năm 2023, thị xã có khoảng 62.550 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng đạt 2.070 tấn. Trong đó, 90% nuôi tôm hùm xanh và 10% nuôi tôm hùm bông, doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm.
Vùng nuôi tôm hùm lồng ở thị xã Sông Cầu. Ảnh: KS.
Những năm qua, nghề nuôi đối tượng này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn đóng góp rất lớn vào cho xã hội, tạo việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, nghề nuôi tôm hùm đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 hộ dân, với khoảng 10.000 lao động tham gia trực tiếp. Sản lượng tôm hùm nuôi ở thị xã chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho biết, có đến 80-90% sản lượng tôm hùm trên địa bàn xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, thiếu ổn định.
Do đó, để phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững, thị xã đang khắc phục những vướng mắc về công tác giao đất mặt nước, cấp giấy phép và mã số vùng nuôi, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết, cấp mã code cho doanh nghiệp và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm tôm hùm.
Theo ông Hải Anh, đến nay, tỉnh Phú Yên đã có Công ty TNHH Tiến Kiều được cấp mã code để xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Túy Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Kiều, cho biết, để được xuất khẩu tôm hùm theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, công ty đã tìm hiểu những quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Sau hơn 2 năm nỗ lực, công ty đã được phía Trung Quốc đưa vào danh sách và đồng ý cấp mã code để được xuất khẩu tôm hùm sang thị trường này.
Nhằm hỗ trợ người nuôi và doanh nghiệp tiếp cận quy trình xuất khẩu tôm hùm chính ngạch, mới đây Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 phối hợp với UBND thị xã Sông Cầu tổ chức tập huấn để thông tin về những quy định của phía Trung Quốc yêu cầu đối với tôm khi xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 cho biết, đến nay, thị trường Trung Quốc đã công nhận 850 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Trong đó có 57 cơ sở xuất khẩu thủy sản tươi sống (ở Phú Yên có 1 cơ sở).
Bên cạnh đó, Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 cũng đang triển khai phổ biến các quy định của Việt Nam và các nước trên thế giới trong xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng cho mặt hàng thủy sản tươi sống, nhất là tôm hùm. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và người nuôi phải biết và thấu hiểu những quy trình, quy định để thực hiện cho đúng, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững hơn.
Giá tôm hùm bông hiện nay giảm xuống còn dưới 1 triệu đồng/kg (loại 1), trong khi vào tháng 7/2023, tôm này có giá từ 1,7-1,8 triệu đồng/kg. Nguyên nhân do phía Trung Quốc quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ.
Do đó, để xuất khẩu được tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh được tôm không đánh bắt trực tiếp từ biển, cũng như chứng minh quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên.
Về vấn đề này, theo Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đàm phán và phía Trung Quốc hứa sẽ tạo cơ chế đặc biệt cho tôm hùm bông Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết, hiện nay nghề nuôi tôm hùm còn nhiều thách thức như việc quản lý vùng nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo đường chính ngạch còn hạn chế.
Về phía địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi xác định các tiêu chuẩn, điều kiện cần để có thể xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi. Đây cũng là mục tiêu của thị xã nhằm phát triển tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Y TẾ
Nhiều người trẻ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở độ tuổi trung niên nhưng số người trẻ mắc bệnh này có xu hướng gia tăng, nhiều người bị nhẹ hoặc chủ quan không đi khám.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì bảo vệ lại quay sang tấn công màng hoạt dịch bao quanh khớp, gây viêm. Hậu quả là bao hoạt dịch dày lên, phá hủy sụn và xương trong khớp. Các gân và dây chằng giữ khớp với nhau cũng yếu đi và căng giãn ra. Dần dần, khớp mất đi hình dạng ban đầu, còn gọi biến dạng khớp.
Theo ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho số bệnh nhân trẻ mắc viêm khớp dạng thấp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tăng gấp ba so với cùng kỳ năm trước. Mỗi tuần đơn vị tiếp nhận hơn 30 trường hợp viêm khớp dạng thấp, khoảng 30% người dưới 40 tuổi. Trong đó, nhiều người phải thay khớp.
Bác sĩ Vân lý giải ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp do một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, ăn thức ăn nhanh, uống nhiều rượu bia. Dù phát hiện sớm nhưng không ít người bệnh trẻ tuổi gặp phải những biến chứng nặng nề. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp phải uống thuốc suốt đời, nhưng nhiều người không kiên trì theo sát liệu trình điều trị.
Bác sĩ Vân khám cho người mắc bệnh xương khớp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Như chị Phương, 37 tuổi, phát hiện viêm khớp dạng thấp 3 năm trước, sưng đau ở các khớp bàn tay, cổ tay, hai đầu gối. Sau một thời gian điều trị, chị chuyển sang thuốc Đông y vì được hứa hẹn "điều trị dứt bệnh". Tuy nhiên, bệnh không giảm mà đau nhiều hơn, khó đi lại.
Kết quả chụp X-quang cho thấy khớp gối trái tổn thương nặng, phải thay khớp để khôi phục vận động. Sau phẫu thuật, chị được chỉ định dùng thuốc để ngăn bệnh phát triển, bảo vệ các khớp còn lại khỏi nguy cơ dính khớp, tránh biến chứng lên phổi hoặc tim mạch.
Mắc viêm khớp dạng thấp từ năm 19 tuổi nhưng suốt thời gian dài, chị Liên, hiện 32 tuổi, không uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, chỉ uống khi bệnh bùng phát mạnh. Lúc bệnh giảm, chị ngừng uống vì nghĩ dùng thuốc tây nhiều không tốt. Khi các khớp đau và giới hạn vận động nhiều, chị mới đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Lúc này, các khớp ở gối, vai, khuỷu, bàn tay... đều đã tổn thương, dính khớp nhiều. Người bệnh không thể đi nhanh, đôi lúc phải dùng xe lăn, không thể dang rộng tay hoặc làm việc nặng, sinh hoạt thường ngày khó khăn. Để khôi phục vận động, chị Liên phải thay khớp. Tuy nhiên, vì nhiều khớp cùng lúc bị tổn thương nặng, người bệnh còn trẻ nên phẫu thuật thay khớp lúc này chưa thích hợp.
Bác sĩ chỉ định chị dùng các loại thuốc kiểm soát, ngăn bệnh tiếp tục tiến triển. Trong khi đó, các khớp đã tổn thương không thể phục hồi lại như ban đầu. Người bệnh phải sống chung với tình trạng giới hạn vận động. Đến giai đoạn bệnh không thể điều trị bảo tồn cần can thiệp phẫu thuật.
Bác sĩ Vân cho biết y khoa chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như người hút thuốc lá, thừa cân béo phì, tiếp xúc với các chất độc hại, có người thân mắc bệnh.
Bác sĩ Vân lưu ý viêm khớp dạng thấp không chỉ làm tổn thương xương khớp mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm mạch máu, phổi mạn tính, tổn thương hệ thần kinh... Người bệnh cần được điều trị tích cực ngay từ đầu để làm chậm tiến triển bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng.
Người có dấu hiệu viêm khớp dạng thấp như khớp, nhất là các khớp bàn tay, cổ tay; cứng khớp kéo dài vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau một thời gian nghỉ ngơi kéo dài; có thể kèm biểu hiện khác như mệt mỏi, sốt, chán ăn... nên đi khám sớm và thực hiện đủ các xét nghiệm cần thiết. Người bệnh cần kiên trì và tuân thủ chỉ định điều trị.
Theo Báo Vnexpress
Kỹ thuật mới điều trị đứt dây chằng cho người chơi thể thao
Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước sử dụng "ánh xạ giải phẫu" là phương pháp mới được các bác sĩ nghiên cứu và ứng dụng thành công nhờ sử dụng công nghệ định vị 3D.
"Kỹ thuật mở ra một hướng đi mới cho các phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối, là xu hướng cá thể hóa trong y học", GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao.
Theo GS Dũng, thông thường, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước được thực hiện bằng cách bác sĩ lấy mảnh ghép (thường là một đến hai gân của nhóm cơ ở phía sau trong đùi). Sau đó, phẫu thuật viên sẽ sử dụng kinh nghiệm và dựa vào các mốc giải phẫu trong khớp gối để xác định vị trí khoan đường hầm để đưa mảnh ghép vào tạo lại dây chằng chéo trước.
Việc xác định đúng chỗ bám cũ của dây chằng không dễ dàng, các bác sĩ thường sử dụng các đặc điểm chung về giải phẫu khớp gối và dây chằng chéo trước theo kinh nghiệm và trong các nghiên cứu để xác định vị trí đặt mảnh ghép. Nếu không đủ kinh nghiệm, việc xác định thiếu chính xác vị trí đặt mảnh ghép dây chằng mới là hoàn toàn có thể xảy ra, do mỗi người sẽ có hình dạng và kích thước vùng bám của dây chằng chéo trước khác nhau.
"Phương pháp ánh xạ giải phẫu sử dụng công nghệ định vị 3D ra đời để giải quyết bất cập trên", GS Dũng nói, thêm rằng sử dụng các công nghệ hình ảnh 3D, các bác sĩ sẽ phân tích các thông số của khớp gối bên lành, và sẽ tạo ra một "bản sao soi gương", để tạo thành bản "thiết kế" cho bên bị tổn thương.
Nhờ phương pháp này, các bác sĩ có thể xác định toàn bộ thông số của dây chằng chéo trước, qua đó tính toán được vị trí tốt nhất và kích thước mảnh ghép phù hợp nhất để tái tạo dây chằng mới cho người bệnh.
Ngoài áp dụng với phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, các bác sĩ còn có thể áp dụng phương pháp này cho tất cả dây chằng khác ở chi thể (tay, chân). Vận động viên và người đam mê thể thao - nhóm có nguy cơ bị đứt dây chằng có thể nhanh phục hồi sau phẫu thuật.
Theo Báo Vnexpress
Kỹ thuật mới mổ cột sống giúp bệnh nhân hồi phục sau 3 ngày
Người đàn ông 63 tuổi xẹp đĩa đệm cột sống thắt lưng, chèn ép rễ thần kinh, được bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và chuyên gia Singapore phẫu thuật bằng phương pháp ít xâm lấn, hồi phục sau 3 ngày.
"Nếu không điều trị kịp thời, dây thần kinh của bệnh nhân bị thiếu máu gây rối loạn tiền cảm giác, tê bì thường xuyên, rối loạn vận động, thậm chí có thể gây liệt vận động do dây thần kinh chi phối", PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức, nói.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định dùng kỹ thuật mổ hàn xương liên thân đốt cột sống thắt lưng đường chếch bên (OLIF), nhằm giải phóng dây thần kinh cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn nhất hiện nay, được sử dụng ở nhiều quốc gia phát triển nhưng lần đầu thực hiện tại Việt Nam.
Khác với kỹ thuật mổ thông thường, phương pháp này không làm tổn thương cơ thắt lưng chậu, không phải đục bỏ toàn bộ hệ thống xương cột sống phía sau. Do vậy, bệnh nhân ít mất máu, tỷ lệ tổn thương thần kinh thấp, nhanh liền xương, hồi phục sớm, hạn chế xơ dính thần kinh sau mổ mà vẫn đảm bảo hiệu quả giải ép và liền xương. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và ra viện.
Theo PGS. Sơn, cách phẫu thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, làm chủ hoàn toàn kỹ thuật khi can thiệp cột sống gần các mạch máu lớn, các tạng trong ổ bụng và thành thạo các kỹ thuật can thiệp đường bên.
Một ca phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết già hóa dân số, các nhóm bệnh do lão hóa, thoái hóa ngày một gia tăng và là thách thức lớn với y tế. Trong lĩnh vực cột sống, bệnh thoái hóa cột sống, vẹo cột sống do thoái hóa, hẹp ống sống thắt lưng đa tầng là những bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở người lớn tuổi. Bệnh gây những cơn đau đớn dai dẳng, hạn chế vận động, liệt chi thể và ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Ngày nay, bệnh lý cột sống không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà còn với người trẻ đang tuổi lao động. Phẫu thuật bằng phương pháp ít xâm lấn mới giúp người bệnh nhân nhanh chóng phục hồi, sớm lao động mạnh khỏe, theo TS. Hùng.
Việt Đức là bệnh viện có thế mạnh trong mổ cột sống ít xâm lấn, như mổ chỉnh vẹo cột sống, phẫu thuật lấy nhân thoát vị cột sống cổ, thắt lưng bằng nội soi, phẫu thuật cố định cột sống với định vị chính xác bằng robot...
Theo Báo Vnexpress
BẠN NHÀ NÔNG
Những người lăn vào làm chè sạch ở Long Cốc
Mấy ai biết rằng những đồi chè ở Long Cốc (Thanh Sơn, Phú Thọ) đẹp mộng mơ trở nên sạch hơn, thơm hơn một phần nhờ những người tiên phong này…
Chị Phạm Thị Hạnh quê gốc ở xã Tam Thanh, năm 1990 lấy chồng về xã Long Cốc (Tân Sơn, Phú Thọ) rồi tiếp nối nghề trồng chè, sao chè, mang đi bán. Trước, cũng như nhiều người, chị trồng chè không phun thuốc, không bón phân. Từ năm 1999 chè có giá, dân trồng giống lai thay cho giống trung du truyền thống. Muốn có năng suất cao nên họ phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ và bón phân hóa học vô tội vạ, thậm chí tung đạm lên cả mặt tán đợi vài ngày mầm lên là hái.
Một góc đồi chè ở Long Cốc. Ảnh: Dương Đình Tường.
Mấy năm là công nhân nhà máy chè, làm quần quật từ sáng đến tối mà trừ tiền phân, tiền thuốc nhiều tháng chỉ được vài trăm ngàn đồng nên chị Hạnh bỏ về nhà mua 2 guồng quay chè. Sản phẩm làm ra chị đóng từng bao tải mang lên Thái Nguyên, dựa vào hơi chè Thái mà bán.
Năm 2015, xã Long Cốc tổ chức mấy lớp tập huấn IPM trên chè. Trước 1 lứa chè phun 3 lần thuốc BVTV, giờ vài tháng mới phun 1 lần, thuốc BVTV hóa học độc hại được thay dần bằng thuốc sinh học hay thuốc ít độc hơn. Cũng năm đó, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện cùng xã động viên chị đứng lên thành lập Tổ hợp tác Sản xuất chè an toàn xã Long Cốc gồm 3 người. Sang năm sau thì 2 người bỏ cuộc.
Không dùng thuốc trừ cỏ, không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu nên năng suất chè an toàn của Tổ chỉ bằng 1/3 chè dùng hóa chất nhưng khi bán giá lại bằng nhau vì chẳng ai tin là sản phẩm sạch. Năm 2018, chị Hạnh đi các tỉnh học hỏi tại sao người ta lấy chè của mình đóng bao bì là bán được, còn mình thì không. Lúc đó chị mới vỡ lẽ ra rằng do người ta đã có thương hiệu.
Quyết chí gây dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương, chị gom hết vốn ra chưa đủ nên phải thế chấp cả nhà để vay ngân hàng 500 triệu đồng, lại vay thêm lãi ngoài, tổng cộng được 4,5 tỉ đồng mua sắm máy, thành lập HTX Sản xuất chè an toàn Long Cốc. Trong khi chị chấp nhận có thể một ngày phải ra đường vì HTX nhưng vận động người vào rất khó. Dân hỏi sản xuất chè an toàn thì chúng tôi bán cho ai? Chị trả lời, sản xuất chè an toàn trước tiên là bảo vệ sức khỏe cho chính mình đã, sau rồi mới xây dựng thương hiệu để bán với giá cao hơn.
HTX lúc đầu chỉ có 7 thành viên. Chị hỗ trợ để họ trồng được 5ha chè giống Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, chăm bón bằng phân hữu cơ. Giá búp chè lai hái tay người ta bán 9.000 - 10.000 đồng/kg thì HTX mua 25.000 - 30.000 đồng/kg, chè Bát Tiên người ta bán 25.000 đồng/kg thì HTX mua 50.000 đồng/kg.
Khi có sản phẩm rồi chị mang cho các cửa hàng, siêu thị uống thử, lại trình cả giấy tờ kiểm nghiệm an toàn để tăng thêm độ tin tưởng. Khoảng 70% khách hàng sau đó chấp nhận mua bởi đã uống là không thể quên được vị chát rồi ngọt hậu của chè an toàn Long Cốc với màu nước vàng như mật ong chứ không xanh như hàng thường. Năm 2020, sản phẩm chè xanh Bát Tiên của HTX được công nhận OCOP 4 sao. Năm 2021, sản phẩm chè đinh Bát Tiên và chè đinh đặc sản được công nhận OCOP 4 sao. Năm 2022 lại có thêm sản phẩm chè Shan tuyết được công nhận.
Đang thuận đà thì dịch Covid-19 ập đến, tàn phá tất cả. Từ doanh số 250 - 300 triệu đồng/tháng xuống chỉ còn 20 - 30 triệu đồng/tháng, không đủ trả lãi chứ không nói đến trả nợ gốc, HTX buộc phải cắt giảm lao động từ 10 người xuống 3 người, lay lắt duy trì hoạt động. Khi dịch qua đi, năm 2023 chị vay mượn thêm, đầu tư cho 15 thành viên và 20 hộ liên kết với tổng diện tích 15ha chè.
Chị chấp nhận bán ký gửi để mở rộng thị trường với giá chè đinh Bát Tiên 2,5 triệu đồng/kg, chè đinh đặc sản 1 triệu đồng/kg, chè Bát Tiên 500.000 đồng/kg, chè Shan tuyết 300.000 đồng/kg. Doanh thu của HTX bắt đầu nhích lên 180 - 200 triệu đồng/tháng. Năm 2023, đơn vị lãi được hơn 200 triệu đồng, chia cổ tức 20% khiến các thành viên ai cũng vui.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Thầy giáo dạy văn mê nông nghiệp hữu cơ
Xuất phát từ niềm đam mê một nền nông nghiệp sạch, thầy giáo dạy văn Bùi Văn Dương đã thành công với sản phẩm chế phẩm sinh học hữu cơ phục vụ những vườn cây.
Lấy cùng lúc hai bằng đại học là sư phạm văn và cử nhân kinh tế, cả hai ngành học cứ như không hề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ấy vậy mà anh Bùi Văn Dương (37 tuổi, trú làng Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang thành công bên những vườn cây trái trong vùng.
“Ra trường, còn trẻ nên em được phân công về dạy trường cách xa nhà. Lương thấp, không đủ chi phí xăng xe nên em quyết định chia tay với nghề. Ban đầu cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao được!”, Dương chia sẻ.
Anh Dương sử dụng vi sinh vật bản địa để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: Đăng Lâm.
Có mảnh vườn nhỏ, Dương quyết định đầu tư trồng cà phê như bao người dân trong vùng. Ban đầu, chế độ chăm sóc vườn cây cứ theo truyền thống như mọi người vẫn làm, chỉ chăm sóc bằng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Theo Dương thì thời gian đầu, cây có vẻ sinh trưởng và phát triển tốt. Đó cũng là thời điểm giá cà phê đang đạt đỉnh nên bà con tăng cường bón phân vô cơ. Nhưng một thời gian sau đó, do phải “ăn” quá nhiều hóa chất nên vườn cây bắt đầu đi xuống.
“Xác định gắn bó lâu dài với vườn cây nên tôi phải tìm cách cứu những vườn cà phê, sầu riêng đang bị ngộ độc, mà cách duy nhất là phải thay đổi thói quen canh tác, từ vô cơ chuyển sang hữu cơ”, anh Dương nói. Với sự đam mê một nền nông nghiệp bền vững, từ năm 2019, anh bắt đầu công việc tìm tòi học hỏi, nghiên cứu, từ đó quyết định xây dựng mô hình vườn cây “nói không” với hóa chất.
Hiện tại, anh Dương đã làm chủ được công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học để xuất ra sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Theo anh Dương, quá trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh không khó, thậm chí bất kể ai cũng có thể làm được. Vốn ban đầu cũng không cần nhiều, chỉ cần đủ để mua nguyên liệu như đạm cá, đạm đậu nành, đạm trứng, các dòng kali hữu cơ, lân hữu cơ... Sau đó ủ trong những chiếc thùng phuy lớn một thời gian nhất định là có thể đem ra sử dụng.
Hiện nay, phong trào sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh của anh Dương không còn xa lạ với bà con trong xã, thậm chí đã lan tỏa ra nhiều vùng trong huyện. Theo anh Dương thì khó thống kê được, nhưng có không dưới 1.000 hộ nông dân trong huyện đã thành công khi áp dụng công nghệ sản xuất và sử dụng dòng phân bón hữu cơ vi sinh này.
Từ những đam mê về một nền nông nghiệp sạch của một thầy giáo dạy văn, đến nay, những vườn cà phê, vườn cây ăn quả của xã Ia Ka, của huyện Chư Păh đang cho quả trĩu cành và rất thân thiện với môi trường. Gần như vườn cà phê, hồ tiêu hay vườn cây ăn quả nào cũng có những chiếc thùng phuy lớn, trong đó đựng các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Vườn nào diện tích nhỏ thì ít thùng, còn những vườn cây có nhiều thùng, nhiều can nhựa to thì đó là những vườn cây có diện tích lớn. Với nông dân ở đây, việc áp dụng công nghệ chế phẩm sinh học sản xuất ra phân bón hữu cơ đã là một phong trào.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam