Bản tin Khoa học và Công nghệ số 34 năm 2024

12/09/2024 16:40

Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh: Chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (YaGi)

 

Ngày 06/09/2024, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản số 1185/SKHCN-VP về việc Chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (YaGi).

Để chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó bão số 3, Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu Trưởng các phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở, khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

Thực hiện nghiêm Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024; Công văn số 2254-CV/TU ngày 03/9/2024 của Tỉnh ủy về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3; Công điện số 03/CĐ-UBND ngay 03/9/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI); tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống bão.

Các Phòng, đơn vị thuộc Sở thực hiện Kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại; xác định nhu cầu hỗ trợ, cứu trợ triển khai công tác khắc phục hậu quả và phục hội tái thiết sau thiên tai (nếu có);

Các phòng, đơn vị thuộc Sở quán triệt, truyên truyên đên toàn thể công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo, quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; vận động đoàn viên tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại cơ quan, địa phương nơi cư trú khi xảy ra thiên tai. Sẵn sàng cứu trợ các hộ gia đình cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong cơ quan khi gặp sự cố ngập lụt cân hỗ trợ, cứu trợ; Có giải pháp đảm bảo an toàn công trình trụ sở làm việc, phương tiện, máy móc, thiết bị, hồ sơ và tài liệu để phòng ngừa thiệt hại do mưa bão. Kiểm tra hệ thống cửa ra vào, cửa sổ, tắt các thiết bị điện trước khi rời khỏi cơ quan.

Chấp hành và thực hiện đúng Thông báo số 64/KH-LCQ3/QIG, ngày 05/9/2024 của Ban quản lý Trụ sở Liên cơ quan số 3 về việc chủ động phòng chống cơ bão số 3; Thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão số 3 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phần và Trang mạng xã hội của Sở Tài nguyên và Môi trường; Triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo an toàn trước, trong và sau mùa mưa bão; chủ động tham mưu, báo cáo lãnh đạo Sở phụ trách các nhiệm vụ được giao liên quan đến triển khai ứng phó với cơn bão số 3 (YAGI); Kịp thời thông tin tình hình phòng chống, ứng phó với bão số 3 về Văn phòng sở để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

 

 

 


Sở KH&CN ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 24/10/2022 của UBND thành phố về hợp tác giữa 3 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh

 

Ngày 04/9/2024, SỞ KH&CN ban hành Kế hoạch số 127/KH-SKHCN về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 24/10/2022 của UBND thành phố về hợp tác giữa 3 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh.

Mục đích triển khai của Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 24/10/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đảm bảo chất lượng, hiệu quả; Phân công rõ nhiệm vụ và trách nhiệm cho các phòng, đơn vị thuộc Sở chủ trì thực hiện các các nhiệm vụ tại Kế hoạch 246/KH-UBND ngày 24/10/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Sở KH&CN yêu cầu đảm bảo sự phối hợp giữa các phòng, đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các phòng, đơn vị thuộc Sở chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Theo đó, nội dung chủ yếu của Kế hoạch là: Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hợp tác, chia sẻ thông tin về khoa học và công nghệ, liên kết phát triển vùng, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, phát triển kinh tế biển, du lịch; Hợp tác thúc đẩy, phát triển thị trường công nghệ của từng địa phương, trong đó đặc biệt thúc đẩy liên kết các sàn giao dịch công nghệ, phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu công nghệ giữa các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước; phối hợp tham gia tổ chức các sự kiện hội thảo, chương trình trình diễn công nghệ, các phiên kết nối cung cầu công nghệ, hội chợ, triển lãm khoa học và công nghệ; Chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về chuyển đổi số trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là xây dựng, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ của địa phương, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; Chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài nước; Liên kết, triển khai các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; phối hợp giới thiệu, tư vấn các tổ chức, cá nhân tham gia ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ của địa phương. Hỗ trợ tạo điều kiện khi tham gia, triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do các địa phương tổ chức;…

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

 

 

 

 

Sở KH&CN đồng hành cùng Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long phấn đấu trở thành doanh nghiệp KH&CN

 

Ngày 12/9/2024, tại TP Hạ Long, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH&CN đã chủ trì buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long (Công ty Việt Long). Tham gia buổi làm việc, về phía Sở KH&CN có đồng chí Vũ Thị Kim Chi – Phó Giám đốc Sở và thủ trưởng các phòng, đơn vị thuộc Sở; về phía Công ty Việt Long có ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT, Ban lãnh đạo và đại diện các phòng của Công ty.

Công ty Việt Long được thành lập từ năm 2007, hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là: môi trường, nông nghiệp hữu cơ, đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản. Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty đã nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư, đổi mới, ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao những thành quả mà Công ty Việt Long đã đạt được trong thời gian qua.

Công ty là doanh nghiệp đầu tiên đi đầu trong việc cải tiến, đổi mới công nghệ đốt 100% chất thải rắn sinh hoạt không cần phân loại; sản phẩm đầu ra của công nghệ này là tro xỉ để làm gạch không nung cung cấp cho thị trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Long đã bày tỏ Công ty mong muốn được phấn đấu để trở thành doanh nghiệp KH&CN.

Công ty đã thực hiện thành công nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu, thử nghiệm chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, ứng dụng công nghệ G-tex trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Nhiệm vụ đã xây dựng được qui trình kĩ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học trong cải tạo đất và trồng một số loại rau ăn lá, góp phần nâng cao năng suất chất lượng nông sản, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sản xuất rau củ theo hướng hữu cơ an toàn. Nhiệm vụ đã được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận đồng thời đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đồng chí Vũ Thị Kim Chi – Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại buổi làm việc.

Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Quảng Ninh đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa công nghệ số toàn diện vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty cũng đã ký kết thành công thoả thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi số với Viettel Quảng Ninh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, kinh tế số của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó TGĐ Công ty Việt Long phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Công ty còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng dụng KH&CN. Công ty đã hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản để thực hiện dự án “Xử lý chất thải y tế, xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng” nhằm đưa công nghệ đốt rác phát điện vào tỉnh Quảng Ninh - đây là công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất hiện nay. Hướng tới thị trường bền vững và phát triển sản xuất nông nghiệp lâu dài, Công ty đã liên doanh, liên kết với các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng với các Công ty Nhật Bản để đầu tư nghiên cứu khoa học tiên tiến trong canh tác nông nghiệp với công nghệ G-Tex sử dụng các chủng vi sinh vật thích hợp để phân huỷ, lên men các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo chế phẩm sinh học có tính chất cải tạo đất, kích thích cây trồng phát triển.

Đồng chí Lâm Văn Phong – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở KH&CN phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở và thủ trưởng các phòng, đơn vị thuộc Sở KH&CN đã khẳng định sự nỗ lực của Công ty trong việc triển khai các hoạt động KH&CN những năm gần đây. Với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Sở KH&CN, Công ty đã xây dựng thành công chứng chỉ Vietgap cho sản phẩm rau của Công ty Việt Long để đưa vào siêu thị, hỗ trợ Công ty đăng kí sở hữu trí tuệ, kết nối Công ty với các doanh nghiệp Hàn Quốc… Năm 2025, Sở KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với các sản phẩm: gạch không nung, phân vi sinh, tro xỉ, phát thải nhà kính…; nhân rộng việc ứng dụng chế phẩm sinh học G-Tex trong trồng trọt;….

 

Đồng chí Đặng Minh Tuân – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Long đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Sở KH&CN và cho biết Công ty mong muốn phấn đấu được đứng vào hàng ngũ các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh, để được thụ hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước, khẳng định thương hiệu đã có và có thêm động lực mạnh mẽ để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

 

Lãnh đạo Sở KH&CN chụp ảnh kỉ niệm với tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ Công ty Việt Long.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH&CN đã ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết của lãnh đạo Công ty cùng những thành quả mà Công ty Việt Long đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, Sở KH&CN sẽ tiếp thu các đề xuất của Công ty; Sở cam kết sẽ đồng hành sát sao với Công ty, hướng dẫn Công ty hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trong thời gian sớm nhất.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

 

 

TIN TRONG NƯỚC

Cô gái Việt làm ứng dụng sách nói thu hút triệu người dùng

Cần tìm hiểu kiến thức nhưng không có thời gian đọc sách, Minh Xuân tạo ứng dụng sách nói, trở thành một trong những phần mềm nổi bật trong nước.

Trong danh sách ứng dụng nổi bật tháng 9 trên cửa hàng App Store, Fonos - do Minh Xuân, 37 tuổi, đồng phát triển - là một trong những ứng dụng Việt tiêu biểu. Đây cũng là ứng dụng về sách duy nhất trong danh sách. Apple gọi Fonos là nơi cung cấp "thư viện khổng lồ với hàng nghìn sách điện tử, sách nói và khóa học video có bản quyền bằng tiếng Việt".

Fonos là sản phẩm của 5 năm phát triển, xuất phát từ chính nhu cầu của những người sáng lập về việc "nghe sách".

Giao diện Fonos trên iPhone. Ảnh: Tuấn Hưng

Xuân cho biết ý tưởng đến vào đúng giai đoạn cô bận rộn nhất khi vận hành một công ty về ẩm thực. Công việc đòi hỏi cô phải liên tục mở rộng kiến thức, tìm tòi thêm trong sách vở. Nhưng sự bận rộn khiến cô không có nhiều thời gian ngồi yên để đọc một cuốn sách như trước. Sau những ngày làm việc, di chuyển nhiều, mắt mỏi khiến cầm một cuốn sách lên đọc cũng là thách thức.

Trên thế giới, giải pháp như vậy đã xuất hiện từ lâu, được gọi là sách nói, và được một số nhà sách phát hành qua ứng dụng riêng hoặc thông qua các nền tảng như video, podcast. Tuy nhiên tại thị trường trong nước, nội dung tiếng Việt dạng này còn sơ khai. Từng tìm thử các lựa chọn sách nói tại Việt Nam, Xuân cho biết chưa thực sự ưng ý vì số lượng đầu sách ít, chưa được cập nhật và là chất lượng âm thanh chưa cao.

Nhận ra khoảng trống và biết sẽ có nhiều người có nhu cầu giống mình, Xuân bàn với chồng là Oscar Jesionek - người có nền tảng về công nghệ, quyết định khám phá thị trường này. Fonos ra đời và có mặt trên thị trường vào tháng 4/2020.

Sản phẩm cốt lõi của Fonos là nội dung được cung cấp dưới dạng âm thanh, ban đầu là các cuốn sách nổi tiếng, sách tóm tắt và các bài thiền. Người dùng sẽ được nghe thử miễn phí chương đầu của mỗi cuốn, sau đó quyết định có trả tiền để nghe toàn bộ hay không.

Để làm điều này, Minh Xuân phải liên hệ các nhà xuất bản để xin cấp bản quyền, tìm giọng đọc phù hợp cho từng cuốn sách, trong khi Oscar Jesionek phụ trách việc xây dựng ứng dụng, đưa nội dung đến với nhiều người nhất có thể. Hiện Fonos được cung cấp qua ứng dụng trên smartphone, thiết bị thông minh, ôtô.

"Nó cho phép mọi người tiêu thụ nội dung, học hỏi điều mới trong khoảng thời gian trống nhỏ trong ngày. Xu hướng này đang phổ biến ở Việt Nam khi ngày càng nhiều người theo đuổi lối sống hiện đại", Xuân nói.

Năm 2021, Fonos gọi vốn được 1,1 triệu USD, trước khi gọi thêm 1,8 triệu USD vào năm 2022. Từ đầu 2023, ứng dụng liên tục nằm trong nhóm được tải về nhiều trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play. Các bản ghi được nghe hơn 5 triệu lần trong nửa đầu 2023. Đến nay, Fonos có hơn 13 nghìn nội dung và tiếp tục được cập nhật.

Đây cũng là lý do mà trong thời đại AI phát triển, các ứng dụng chuyển từ văn bản sang giọng nói nở rộ và có chất lượng tiệm cận giọng người thật, nhưng Fonos vẫn chưa áp dụng AI cho việc đọc, tiếp tục sử dụng các giọng đọc (voice talent) chuyên nghiệp của con người. "Đối với những dạng nội dung dài như sách, người nghe sẽ dành nhiều thời gian và chất lượng của giọng đọc có ảnh hưởng lớn đến cách người nghe kết nối với nội dung", Xuân nói.

Theo hai nhà sáng lập, mặc dù rất cởi mở và cập nhật sự phát triển của giọng đọc AI, các giải pháp AI tiếng Việt hiện chưa thể chuyển văn bản thành giọng nói đạt hoặc vượt qua chất lượng do giọng đọc chuyên nghiệp cung cấp. AI có thể giúp họ giảm chi phí, thời gian tạo ra một cuốn sách nói, nhưng "một người đọc khéo léo mang lại sức sống cho văn bản, làm cho trải nghiệm nghe trở nên thú vị và hấp dẫn".

Theo Xuân, quá trình cung cấp sản phẩm sách nói khiến cô có thêm sự thấu hiểu về nhu cầu của người dùng, thể hiện qua việc chọn sách. Theo đó, người Việt có nhu cầu mạnh đối với các cuốn sách về chủ đề phức tạp và sâu sắc, không đơn thuần giải trí. Trong thời gian tới, nền tảng Việt này cũng bổ sung PodCourse, dạng chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia, tái tạo trải nghiệm được nghe chia sẻ trực tiếp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông cuối năm 2023, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên đánh giá người đọc Việt ngày càng nhanh chóng tiếp cận các xu hướng đọc của thế giới, trong đó có sách nói, biến đây trở thành thị trường tiềm năng.

Tại Việt Nam, ngoài Fonos còn có một số tên tuổi khác cũng tham gia thị trường và thu hút được một lượng người dùng đông đảo là Waka hay Voiz FM, bên cạnh những người làm nội dung trên nền tảng video, podcast.

Ông Nguyên đánh giá thị trường sách nói ở Việt Nam đã bước đầu được xác lập với đầy đủ bộ phận cấu thành và đang có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên sẽ cần giải quyết nhiều thách thức để loại hình này, như vấn đề bảo vệ bản quyền trên không gian mạng, chi phí sản xuất sách nói còn cao (gấp 2-3 lần so với sách điện tử), chưa có chính sách ưu đãi đặc thù để đẩy mạnh xuất bản điện tử, cũng như nhân lực phát triển sách nói còn hạn chế.

Theo Báo Quảng Ninh

 

 

 

 

Việt Nam trong nhóm top 1 an toàn thông tin toàn cầu

 

Theo Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024 của Liên minh Viễn thông quốc tế, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia bậc 1 “kiểu mẫu”.

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa công bố Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024. Báo cáo chỉ ra các quốc gia trên thế giới đang tăng cường nỗ lực an ninh mạng nhưng cần có các hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với những nguy cơ ngày càng tăng.

Theo Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin, “xây dựng niềm tin trong thế giới số là tối quan trọng”. Bà đánh giá sự tiến bộ trong GCI 2024 là dấu hiệu cho thấy chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để bảo đảm tất cả mọi người ở bất kỳ đâu có thể quản trị các nguy cơ bảo mật trong thế giới kỹ thuật số ngày một phức tạp.

Việt Nam là 1 trong 46 quốc gia được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của ITU. Ảnh: ITU

GCI 2024 đánh giá các nỗ lực của các nước dựa trên 5 tiêu chí, thể hiện các cam kết an ninh mạng cấp quốc gia: pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, phát triển năng lực và hợp tác. ITU cũng thay đổi cách thức đánh giá nhằm tập trung tốt hơn vào sự tiến bộ của mỗi nước trong các cam kết bảo mật và tác động của nó.

Các nước được xếp thành 5 nhóm, trong đó nhóm 1 là nhóm cao nhất, gồm 46 nước, đóng vai trò “làm gương”. ITU đánh giá các nước nhóm 1 đều có sự tiến bộ đáng kể so với phiên bản GCI gần nhất vào năm 2021.

Việt Nam nằm trong nhóm 1 với tổng điểm 99,74, trong đó bốn tiêu chí đạt tối đa 20 điểm là biện pháp pháp lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và biện pháp phối hợp. Tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm.

Theo báo cáo, các biện pháp pháp lý là trụ cột an ninh mạng quan trọng nhất tại hầu hết các nước: 177 nước có ít nhất 1 quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư hoặc thông báo vi phạm. 139 quốc gia đang có các nhóm ứng phó sự cố máy tính (CIRT) với nhiều mức độ khác nhau. 132 quốc gia có Chiến lược an ninh mạng (NCS).

Các chiến dịch nâng cao nhận thức không gian mạng cũng rất phổ biến: 152 quốc gia đã tiến hành các sáng kiến nâng cao nhận thức không gian mạng cho người dân nói chung, trong đó, một số nước tập trung vào các nhóm nhân khẩu học cụ thể như dân số dễ bị tổn thương và thiểu số.

Nhiều quốc gia hợp tác về an ninh mạng thông qua các hiệp ước hiện có: 166 nước, tương đương 92% nước là một phần của hiệp ước quốc tế hoặc cơ chế hợp tác tương đương để phát triển năng lực an ninh mạng, hoặc chia sẻ thông tin hoặc cả hai. Tuy nhiên, theo ITU, đưa các thỏa thuận và khuôn khổ an ninh mạng vào hoạt động thực tế vẫn còn nhiều thách thức.

123 quốc gia báo cáo có các chương trình đào tạo cho chuyên gia an ninh mạng. 153 quốc gia đưa an ninh mạng vào chương trình giảng dạy ở một mức độ nào đó. 164 quốc gia có các biện pháp pháp lý bảo vệ trẻ em trên mạng.

GCI được ITU công bố lần đầu vào năm 2015, nhằm hỗ trợ các quốc gia xác định các lĩnh vực cần cải thiện và khuyến khích các nước hành động để phát triển năng lực trong mỗi tiêu chí. GCI không ngừng thay đổi để thích ứng với các rủi ro, ưu tiên và nguồn lực liên tục biến đổi, cung cấp bức tranh toàn diện nhất về các biện pháp an ninh mạng của mỗi nước.

Theo Vietnamnet

 

 

 

 

 

Ứng dụng công nghệ để tránh những sự cố đau lòng như sập cầu Phong Châu

 

Để không còn những sự cố đau lòng như sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), Việt Nam cần ứng dụng công nghệ quan trắc vào hệ thống hạ tầng giao thông.

Ngày 9/9 vừa qua, sự cố lũ trên sông Hồng (địa phận tỉnh Phú Thọ) đã gây sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông) của cầu Phong Châu. Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng nối hai huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ.

Cầu Phong Châu được khánh thành vào năm 1995. Sau gần 30 năm hoạt động, cầu Phong Châu đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và giao thông cho khu vực. Tuy vậy, sự cố ngày 9/9 vừa qua đã chỉ ra rằng, kết cấu của cây cầu không còn đủ vững vàng trước các yếu tố tự nhiên như mưa lũ và dòng chảy mạnh.

Sự cố sập cầu Phong Châu không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ an toàn của các cây cầu cũ mà kéo theo đó là những đòi hỏi cấp thiết về các biện pháp phòng ngừa để những sự cố tương tự không tái diễn.

Với sự tiến bộ của công nghệ, việc áp dụng các hệ thống quan trắc thông minh có thể giúp theo dõi tình trạng cầu, từ đó ngăn chặn những sự cố đáng tiếc.

Theo anh Lại Hữu Thanh, trưởng nhóm phát triển sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn Thông Elcom, công nghệ quan trắc có thể giúp các kỹ sư theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến “sức khỏe” của cây cầu như độ rung, sức căng, độ lệch, và độ dịch chuyển. Những thông số này có thể được giám sát theo thời gian thực, từ đó cung cấp dữ liệu chính xác và liên tục, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

“Cảm biến âm có thể xác định được một vết nứt rất nhỏ trong hệ thống dây văng. Cảm biến rung đo được tần số rất nhỏ của cầu khi phương tiện đi qua… Bất kỳ một thay đổi nhỏ nào đều có thể được hệ thống cảm biến phát hiện, từ đó đưa ra đánh giá tác động ngay lập tức khi nguy cơ mới hình thành”, vị chuyên gia về giao thông thông minh chia sẻ.

Mô hình một hệ thống quan trắc sức khỏe cây cầu. Ảnh: Minh họa

Anh Thanh cho biết thêm: “Nếu có hệ thống quan trắc, cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, các kỹ sư cầu đường Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra các cảnh báo hoặc quyết định sửa chữa kịp thời, tránh được các vụ việc đáng tiếc xảy ra”.

Quyết định dựa trên lịch sử dữ liệu và thông tin quan trắc sẽ có độ tin cậy hơn rất nhiều so với tính toán tĩnh dựa trên thiết kế ban đầu và số đo từ các lần duy tu, sửa chữa.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cây cầu cũ, vì những yếu tố như kết cấu địa chất dưới móng trụ, khả năng chịu tải, và tình trạng kết cấu của cầu đều có thể thay đổi theo thời gian mà kiểm tra định kỳ không thể phát hiện kịp.

Trên thế giới, nhiều cây cầu đã ứng dụng hệ thống quan trắc thông minh để đảm bảo an toàn giao thông. Những cây cầu nổi tiếng như Sutong Yangtze (Trung Quốc), Great Belt (Đan Mạch), Cebu-Cordova (Philippines), Brooklyn Queens (Hoa Kỳ), El Carrizo (Mexico) đều đã triển khai các cảm biến thông minh để đo lường những thay đổi nhỏ trong kết cấu cầu.

Theo Vietnamnet

 

 

 

 

TIN QUỐC TẾ

Google thử nghiệm gói lưu trữ giá dưới một USD

 

Nhiều người dùng nhận được gói Google One thử nghiệm dung lượng 30 GB với giá 0,7 USD, bằng một nửa so với gói 100 GB tại Ấn Độ.

Theo Indian Express, người dùng tại nước này đang được cung cấp thử nghiệm gói Google One "Lite" mới với giá 59 Rupee (17.000 đồng) mỗi tháng. Gói cho dung lượng 30 GB, dùng để lưu trữ Google Photos, Google Drive và Gmail, tức gấp đôi so với con số 15 GB mà Google tặng khi đăng ký tài khoản.

Mức giá này bằng một nửa so với số tiền người dùng Ấn Độ phải bỏ ra khi mua gói Cơ bản, vốn là gói rẻ nhất hiện nay với dung lượng 100 GB của Google. Tuy nhiên, điểm khác biệt là họ sẽ không thể chia sẻ dụng lượng này cho người khác.

Logo Google tại sự kiện của hãng tại Việt Nam, tháng 7/2024. Ảnh: Lưu Quý

Ngoài ra nếu mua trước một năm, số tiền phải trả là 589 Rupee (172.000 đồng), nhưng bị hạn chế các tính năng AI Premium, như Gemini 1.5 Pro.

Nguồn tin cho biết đây mới là gói thử nghiệm và chưa có thông tin liệu có được triển khai chính thức hay mở rộng ra các thị trường khác không.

Theo Forbes, đây là mức rẻ nhất của Google One, nhưng vẫn đắt hơn nếu so với gói lưu trữ iCloud của Apple. Tại Ấn Độ, giá iCloud khởi điểm khoảng 0,89 USD (22.000 đồng) cho 50 GB lưu trữ, nhưng người dùng Apple chỉ được miễn phí 5 GB ban đầu thay vì 15 GB như Google.

Các chuyên gia nhận định động thái của Google có thể nhằm mở rộng tệp khách hàng đối với những người đang cân nhắc vấn đề chi phí, khi họ có thể bắt đầu thanh toán với số tiền nhỏ mỗi tháng. Khi đã chấp nhận trả tiền, người dùng có thể sẽ dần tìm đến những gói cao cấp với số tiền lớn hơn trong tương lai.

Tại Việt Nam, Google One gói thấp nhất có giá 45.000 đồng mỗi tháng hoặc 450.000 đồng mỗi năm, có thể chia sẻ cho tối đa năm người khác.

Theo Vnexpress

 

 

 

 

Hãng hàng không Mỹ cung cấp Wi-Fi miễn phí qua Starlink

 

Từ năm 2025, hành khách trên các chuyến bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines có thể sử dụng Wi-Fi miễn phí thông qua dịch vụ Internet vệ tinh Starlink.

Hãng hàng không Mỹ United Airlines đã ký thỏa thuận với công ty vũ trụ SpaceX của Elon Musk, cung cấp Wi-Fi miễn phí trên các chuyến bay thông qua dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Tuy nhiên, triển khai đến toàn đội bay sẽ mất vài năm.

Hành khách của United Airlines sẽ được sử dụng Wi-Fi miễn phí trên chuyến bay từ năm sau. Ảnh: techopedia

Dịch vụ sẽ được thử nghiệm từ đầu năm 2025 và có sẵn cho hành khách sau đó. Trong một tuyên bố, CEO United Airlines Scott Kirby cho biết, mọi thứ khách hàng có thể làm ở mặt đất đều có thể thực hiện trên máy bay ở độ cao hơn 10.000m.

Hiện tại, nếu muốn dùng Wi-Fi khi bay, hành khách của United Airlines phải bỏ ra từ 8 đến 10 USD.

Như vậy, United Airlines sẽ là hãng hàng không lớn thứ hai cung cấp Wi-Fi miễn phí trên máy bay. Delta Air Lines đã bắt đầu cho khách hàng thân thiết dùng dịch vụ này trên các chuyến bay nội địa từ năm ngoái và đang trong quá trình mở rộng cho các chuyến bay quốc tế.

Các hãng hàng không nhỏ hơn, như JetBlue và Hawaiian Airlines, cũng cung cấp Wi-Fi miễn phí trên máy bay.

Dù vậy, điểm khác biệt là Starlink mang đến trải nghiệm gần với kết nối băng rộng hơn so với hoạt động đôi lúc phập phù của Wi-Fi trên máy bay. Điều đó đồng nghĩa người dùng có thể truy cập các dịch vụ streaming và xem TV mà không bị gián đoạn, chơi game online và kết nối nhiều thiết bị một lúc.

Song, trước tiên, United Airlines phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ phê duyệt phần cứng dùng để cung cấp Wi-Fi trên máy bay.

Theo Vietnamnet

 

 

 

 

AI của Microsoft giúp tạo công thức Excel, làm PowerPoint

 

Trong PowerPoint, Copilot dàn bài của một bài thuyết trình từ yêu cầu của người dùng, bằng cách lấy dữ liệu đầu vào từ câu lệnh hoặc các nguồn trên Microsoft 365 có sẵn. Sau đó, nó có thể chèn thông tin vào từng slide và thiết kế bài thuyết trình, hoặc cho phép người dùng chỉnh sửa nhanh thông tin. AI thậm chí lấy hình ảnh thương hiệu hoặc hình ảnh do Dall-E 3 tạo ra thông qua tính năng Brand Narrative.

AI của Microsoft cũng hỗ trợ người dùng Teams tóm tắt nội dung sau mỗi cuộc họp trực tuyến hay chat nhanh. Đối với Outlook, Copilot ưu tiên các email quan trọng trong hộp thư đến, tóm tắt nội dung từng email và tạo phản hồi đề xuất. Trên OneDrive, nó giúp người dùng tìm kiếm và sắp xếp các tệp liên quan, tóm tắt mà không cần phải tìm kiếm từng tệp.

Word cũng tận dụng khả năng tóm tắt và thu thập dữ liệu của Copilot. Nằm ở thanh bên phải, người dùng có thể lấy dữ liệu công việc từ email, các ứng dụng 365 khác và web để tạo bản nháp trong tài liệu. Ngoài ra, công cụ Copilot Pages mới giúp chia sẻ các phản hồi của AI với thành viên khác trong nhóm BizChat.

Theo Vnexpress

 


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 578
Đã truy cập: 2175128