Công tác chuẩn bị bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

08/03/2011 14:22
Năm 2011 là năm đầu tiên cử tri cả nước tiến hành bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND – bầu cử 4 cấp từ Quốc hội đến cấp tỉnh, huyện, xã trong cùng một ngày (Chủ nhật, ngày 22/5/2011). Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong toàn tỉnh; được tiến hành chung một thời điểm, do đó, việc triển khai đòi hỏi phải rất khẩn trương, đồng thời phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tránh sai sót, đảm bảo đúng tiến độ về thời gian. Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong toàn tỉnh đã được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.

1. Về công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành:

Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU (ngày 11-2-2011) về việc lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Quyết định số 135-QĐ/TU 11/02/2011 về việc thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử Đại biểu QH và HĐND các cấp của tỉnh.

Căn cứ quy định của các văn bản luật và hướng dẫn của cấp trên, UBND tỉnh đã có Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 14/02/2011 về việc thành lập Uỷ ban bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh.

UB bầu cử Đại biểu QH và đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành phiên họp thứ nhất vào ngày 17/02/2011 để triển khai các nội dung cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016: thống nhất việc phân công nhiệm vụ cho thành viên các tiểu ban bầu cử của tỉnh; nghe và cho ý kiến về đảm bảo cho cuộc bầu cử về công tác an ninh, tài chính, thi đua…; thống nhất các nội dung chỉ đạo, đôn đốc và triển khai Kế hoạch bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (Kế hoạch số 01/KH-UBBC ngày 17/02/2011). Theo đó, Kế hoạch bầu cử được chia thành 3 bước:

Bước 1: từ ngày 6/2 đến 14/3: tổ chức hội nghị toàn tỉnh triển khai công tác bầu cử; thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử ĐBQH và HĐND; sơ kết bước 1 công tác bầu cử.

Bước 2: từ 15/3 đến 23/4: tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, Đại biểu HĐND và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; thành lập, công bố các Ban bầu cử và các tổ bầu cử; niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã và những nơi công cộng để nhân dân được biết; tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp; in phiếu bầu, tiểu sử những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp; tổ chức sơ kết bước 1 và 2.

Bước 3: từ 24/4 đến kết thúc cuộc bầu cử: niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND (trước 20 ngày bầu cử); tổ chức tiếp xúc giữa các ứng cử viên với các cử tri tại các đơn vị bầu cử;  nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo về người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử; chốt danh sách cử tri; tổ chức ngày bầu cử, tổng kết công tác bầu cử và khen thưởng, tổ chức kỳ họp đầu tiên của HĐND các cấp (sau 30 ngày tức vào ngày 21/6/2011).

UB bầu cử tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc của Uỷ ban bầu cử và Quyết định thành lập 03 Tiểu ban phục vụ bầu cử: Tiểu ban tuyên truyền (theo Quyết định số 03/QĐ-UBBC) ngày 18/02/2011); Tiểu ban đảm bảo công tác an ninh trật tự bầu cử (theo Quyết định số 04/QĐ-UBBC) ngày 18/02/2011); Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử (Quyết định số 05/QĐ-UBBC) ngày 18/02/2011.

Các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh cũng quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử đại biểu HĐND của cấp mình, thành lập các tiểu ban phục vụ tương ứng đồng thời xây dựng Kế hoạch bầu cử chi tiết, cụ thể cho địa phương.

2. Về công tác tuyên truyền cho bầu cử:

Để cuộc bầu cử thành công, cử tri lựa chọn được các đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nội dung cơ bản về Luật bầu cử; các văn bản hướng dẫn của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh liên quan đến cuộc bầu cử.

Ngày 28/02/2011, Tiểu ban tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 của tỉnh đã tổ chức cuộc họp để triển khai nhiệm vụ công tác tuyên truyền phục vụ bầu cử trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền được chú trọng cả bề nổi và chiều sâu, với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, truyền hình trực tuyến, mở chuyên mục hỏi - đáp, tổ chức “Ngày pháp luật” hàng tháng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương với chuyên đề tập trung chủ yếu tuyên truyền, phổ biến, thảo luận về cuộc bầu cử, các văn bản Luật và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HĐND; quyền bầu cử và ứng cử của công dân, trách nhiệm của cử tri, các bước của quá trình bầu cử và công tác đảm bảo mọi mặt cho cuộc bầu cử thành công. 

3. Về công tác chuẩn bị nhân sự:

Nhân sự được coi là vấn đề trung tâm của cuộc bầu cử. Tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự, đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nhưng chú trọng đến chất lượng đại biểu gắn với mục tiêu trẻ hoá đội ngũ cán bộ và tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho đại biểu QH và HĐND tỉnh, đảm bảo đây là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng để hoạt động của QH, HĐND có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Căn cứ số dân, tỉnh và các địa phương dự kiến số lượng và đơn vị bầu đại biếu Quốc hội và HĐND của cấp mình. Theo dự kiến, số lượng đại biểu HĐND mỗi cấp của tỉnh như sau: cấp tỉnh: 72; cấp huyện: 464; cấp xã, phường, thị trấn: 4.705. 

Ngày 24/02/2011, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người giới thiệu ứng cử và tự ứng cử ĐBQH khoá XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đã đi đến biểu quyết thống nhất về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND: Tổng số đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khoá XIII được Hội nghị thoả thuận là 27 người (để bầu 7 đại biểu). Tổng số đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 dự kiến là 274 (để bầu 72 đại biểu), trong đó, cơ cấu tuổi trẻ dưới 35 tuổi là 11 người trở lên (đạt 15% trở lên); cơ cấu đại biểu là phụ nữ 22 người trở lên (chiếm 30%); đại biểu là người ngoài Đảng là 8 người trở lên (chiếm không dưới 10%) và đại biểu là người dân tộc thiểu số từ 3 đến 5 người. 

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức cũng thống nhất kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, Hội đồng bầu cử Trung ương và Đoàn chủ tịch UB MTTQ Việt Nam: trong số 03 đại biểu do Trung ương giới thiệu về ứng cử tại Quảng Ninh, có một đại biểu đại diện cho ngành Than.

4. Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho bầu cử:

Để phục vụ cho bầu cử, Sở Tài chính đã ban hành Hướng dẫn số 402/STC-KHNS ngày 11/02/2011 về nội dung, mức chi và nguồn kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đảm bảo kinh phí phục vụ kịp thời cho các địa phương trong công tác triển khai tổ chức cuộc bầu cử.

Công tác in ấn các ấn phẩm phục vụ cho công tác tuyên truyền bầu cử đã được chuẩn bị rất chu đáo, đầy đủ: Hiện nay, bộ “Tài liệu phục vụ cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016” và các mẫu dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử đã được in và chuyển về đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh để phục vụ công tác bầu cử.

Cuộc bầu cử này là cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn xã hội, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của tất cả các cấp, các ngành. Dưới sự lãnh đạo tập trung tuyệt đối của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của HĐND, UBND các cấp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc: Sở Nội vụ phối hợp với các ngành liên quan tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND, UBBC tỉnh trong công tác chuẩn bị, tổ chức, triển khai các bước thực hiện kế hoạch bầu cử;  Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ninh, Sở Thông tin truyền thông, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các đài địa phương tập trung cho công tác tuyên truyền bầu cử. Các cơ quan Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng chủ động đảm bảo công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội. MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể tổ chức và làm tốt công tác tuyên truyền và quán triệt Luật, giới thiệu các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp…

Như vậy, có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay, bước 1 của Kế hoạch bầu cử đã cơ bản được hoàn thành, các cấp, các ngành, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện bước 2 và bước 2 của Kế hoạch.

 

Văn phòng Sở Nội vụ


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 17
Đã truy cập: 2790209