- Ngày 18-5-2017 UBND tỉnh có Quyết định số 1568/2017/QĐ-UBND “Ban hành quy định mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ”. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2216/2014/QĐ-UBND “Quy định mức hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Xin ông cho biết Quyết định số 1568/2017/QĐ-UBND có điểm gì mới so với Quyết định 2216/2014/QĐ-UBND?
+ Quyết định số 1568/2017 thay thế Quyết định số 2216/2014; Khoản 1, Điều I, Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 1-3-2012 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 3187/QĐ-UBND ngày 3-10-2008 về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước ban hành quyết định quy định mức hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh (số 2216/2014/QĐ-UBND, ngày 6-10-2014). Trong gần 3 năm thực hiện Quyết định số 2216/2014, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ kịp thời 14.147 hộ gia đình sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần ổn định sản xuất, đời sống an sinh xã hội. Nhờ có chính sách này và ủng hộ của các tổ chức đoàn thể đã giúp người dân khắc phục hậu quả nặng nề về giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh do đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8-2015 và đợt rét đậm, rét hại từ ngày 23 đến 28-1-2016 gây ra. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân là gần 23,3 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ thiệt hại do thiên tai trên 22,3 tỷ đồng (chiếm 96,1%); hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gần 910 triệu đồng (chiếm 3,9%)...
- Ông có thể cho biết lý do vì sao hỗ trợ thiệt hại cho dịch bệnh rất thấp, chỉ chiếm 3,9% tổng số kinh phí hỗ trợ?
+ Để được nhận hỗ trợ thiệt hại, các hộ dân cần có hoá đơn, chứng từ hợp lệ. Tuy nhiên, cho đến nay các hộ dân nuôi, trồng thuỷ sản chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, số lượng ít, phần lớn tự nhân giống hoặc để giống lại từ vụ trước, không có hoá đơn mua giống, không có giấy tờ liên quan chứng nhận hợp pháp về giống, nên nhiều trường hợp không được hỗ trợ, công tác khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh vô cùng khó khăn. Trong khi đó, việc xác định tỷ lệ sống để áp cho tỷ lệ thiệt hại cũng rất khó khăn, do thời gian nuôi khác nhau, nên mức độ thiệt hại cho người nuôi khác nhau; chưa kể địa bàn rộng và đi lại khó khăn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, cần phải xác định cả số tờ, số thửa, nhưng thực tế hiện nay có rất nhiều hộ dân tự dồn điền đổi thửa cho nhau... nên không xác định được số tờ, số thửa như quy định. Hoặc theo quy định, người sản xuất phải chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, phòng chống thiên tai, khi xảy ra thiên tai và dịch bệnh mới được hỗ trợ. Nhưng thực tế khi vào đàn nuôi mới tiếp theo, nếu không vào đúng dịp tiêm phòng của kế hoạch thì hộ dân phải tự mua vắc xin. Tuy nhiên, việc quản lý vắc xin rất chặt chẽ, dẫn đến các hộ dân không tự mua lẻ để tiêm phòng được... Do đó, nếu xảy ra dịch bệnh thì hộ dân phải chịu bắt buộc tiêu huỷ và không được hỗ trợ.
- Vậy Quyết định số 1568/2017 có khắc phục được những bất cập trên không, thưa ông?
+ Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, việc áp dụng Nghị định số 02/2017/NĐ-CP còn một số khó khăn, chưa phù hợp điều kiện cụ thể tại Quảng Ninh, như: Việc quy định mức thiệt hại chỉ chia 2 mức (từ 30-70% và trên 70%), một số đối tượng nuôi không cụ thể theo thời gian nuôi (hươu nai, cừu dê)... Do đó, nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định số 2216/2014 và cụ thể mức hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản bị thiệt hại phù hợp với đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế, Sở NN&PTNT đã soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành và các địa phương.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Sở NN&PTNT đã điều chỉnh và gửi Sở Tư pháp thẩm định. Việc triển khai Quyết định số 1568/2017 được thực hiện trên nguyên tắc mức hỗ trợ không vượt quá mức quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Quyết định này sẽ có một số những điểm mới sau: Bổ sung các loại hình thiên tai được hỗ trợ so với Quyết định số 2216/2014 như: Mưa lớn, sét, nắng nóng, hạn hán; có thêm mức hỗ trợ giống cây lâm nghiệp để khôi phục sản xuất cho các hộ dân (trước đây lĩnh vực này không được hỗ trợ). Riêng đối với lĩnh vực thuỷ sản, mức hỗ trợ vẫn chia làm 3 mức (thiệt hại từ 30-50%, từ 50-70%, trên 70%), nhưng đều điều chỉnh tăng lên và chia theo 13 hình thức nuôi thay vì chia theo đối tượng nuôi. Đặc biệt, để khắc phục những vướng mắc trong quá trình xét duyệt hồ sơ so với trước đây, các hộ sản xuất bị thiệt hại sẽ được xem xét khi đáp ứng các điều kiện sau: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương; có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Chúng tôi tin rằng, với những điểm mới trên sẽ giải quyết được những tồn tại, bất cập của chính sách cũ.
- Xin cảm ơn ông!