Mô hình này được thí điểm áp dụng cho trên 300 gốc vải của 3 hộ dân tại khu Bạch Đằng 1, khu Cẩm Hồng và khu Hiệp Thanh thuộc phường Phương Nam từ đầu vụ vải năm nay. Mục đích của việc này nhằm hạn chế tình trạng sâu đục cuống, côn trùng châm, chích gây ảnh hưởng đến mẫu mã và chất lượng quả vải đồng thời hạn chế quả vải bị rụng do sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
|
Cán bộ Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố kiểm tra vải quả được bao chùm. |
Để thực hiện mô hình, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố đã cắt tỉa, bao chùm quả, trước khi tiến hành bao trái, cây vải được cắt tỉa cành tăm và quả nhiễm sâu bệnh, đồng thời phun thuốc phòng sâu đục cuống quả và bệnh thán thư để diệt hết mầm bệnh. Quả được bao trái trước khi thu hoạch từ 35-40 ngày bằng loại túi chuyên dụng.
Qua kiểm tra cho thấy việc áp dụng mô hình trên tại các hộ gia đình trong vụ vải 2017 này bước đầu cho hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ quả rụng giảm đáng kể, trọng lượng quả vải tăng do được tập trung nguồn dinh dưỡng từ sớm, mẫu mã quả đẹp vì được bảo vệ trong túi bao. Và hơn hết, việc giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật đã đáp ứng tốt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản có thương hiệu như vải chín sớm Phương Nam.
Thí điểm kỹ thuật cắt tỉa, bao trùm quả vải là một trong những biện pháp nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho vải chín sớm Phương Nam. Trong thời gian tới, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố Uông Bí sẽ phối hợp với UBND phường Phương Nam mở rộng diện tích thực hiện dự án, hướng tới xây dựng vùng trồng vải chín sớm tập trung theo tiêu chuẩn Viet Gap.
Mai Hương – Huyền Trang (Đài Uông Bí)