|
Người dân xã Đại Bình, huyện Đầm Hà thu hoạch tôm. Ảnh: Bá Huấn ((CTV) |
Trải thảm đỏ thu hút đầu tư
Đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để thu hút đầu tư vào thuỷ sản, huyện Đầm Hà tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện; cải cách hành chính; cung cấp thông tin pháp lý, các chính sách thu hút đầu tư; chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; công bố các quy hoạch chiến lược... Trong đó, Đầm Hà có quy hoạch riêng biệt về ngành nuôi trồng thuỷ sản, là một trong ít địa phương của tỉnh sớm có quy hoạch này. Theo đó, đến năm 2020, toàn huyện sẽ có khoảng 2.300ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó 1.000ha dành nuôi tôm, phần còn lại nuôi các loài nhuyễn thể. Chính bởi vậy, huyện Đầm Hà thu hút được nhiều dự án thuỷ sản lớn như Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi trồng thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh tại xã Đại Bình của Tập đoàn BIM (quy mô 125ha, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng); dự án vùng nuôi trồng thuỷ sản của Bộ NN&PTNT (tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng); dự án vùng nuôi trồng thuỷ sản trên vụng Thoi Dây của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên Hoàng Minh (tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng)...
Đặc biệt, vừa qua, Tập đoàn Việt Úc, đối tác chiến lược trong lĩnh vực thuỷ sản của tỉnh đã chính thức đặt vấn đề triển khai dự án khu phức hợp sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm, chế biến tôm xuất khẩu và sản xuất thức ăn cho tôm với quy mô 200ha, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng tại Đầm Hà. Dự kiến, ngày 19-5, Tập đoàn sẽ khởi công hạng mục đầu tiên là Trung tâm Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng công suất 8 tỷ con/năm. Hiện huyện Đầm Hà đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại vùng dự án của Việt Úc, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại đây.
|
Các hộ dân xã Tân Bình, huyện Đầm Hà thu hoạch cá. Ảnh: Bá Huấn |
Triển vọng về vùng thuỷ sản công nghệ cao
Mục tiêu của Đầm Hà là ưu tiên mô hình nuôi thâm canh, công nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, toàn bộ diện tích trên 280ha nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện đều được nuôi công nghiệp, đầu tư hạ tầng đồng bộ. Đầm Hà là địa phương sớm có chính sách hỗ trợ và triển khai các công đoạn giám sát về giống, kỹ thuật nuôi trong thuỷ sản chặt chẽ, áp dụng khoa học kỹ thuật cao, đảm bảo VSATTP. Chính nhờ đó, hiện các hộ nuôi tôm huyện Đầm Hà nuôi được 2-3 vụ/năm, năng suất đạt trung bình 8 tấn/ha/năm. Riêng Dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi trồng thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh tại xã Đại Bình của Tập đoàn BIM, mặc dù hiện nay chưa đạt được mục tiêu về nhiệm vụ sản xuất giống thuỷ sản, song về lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm lại đạt kết quả cao. Năm 2016, đơn vị đưa 30ha vào nuôi thương phẩm, đạt năng suất trung bình trên 10 tấn/ha/năm, tổng sản lượng trên 300 tấn tôm, góp phần nâng tổng sản lượng tôm của toàn huyện Đầm Hà lên 2.100 tấn tôm, chiếm 1/5 về sản lượng và 1/7 về giá trị tôm của toàn tỉnh.
Cùng với đó, các dự án nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đang trong tiến trình triển khai như dự án của Bộ NN&PTNT, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên Hoàng Minh, Tập đoàn Việt Úc..., hứa hẹn có sức lan toả, tạo nên sức bật lớn cho thuỷ sản Đầm Hà. Trong đó, riêng đối với dự án của Tập đoàn Việt Úc được đánh giá sẽ là hạt nhân, làm lan toả các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn. Hiện Tập đoàn Việt Úc đang nuôi tôm thương phẩm với năng suất 100 tấn/ha/năm, cao gấp hơn 10 lần năng suất trung bình hiện nay của Đầm Hà, đồng thời mô hình nuôi này còn rất ưu việt trong xử lý nguồn thải, tiết kiệm thức ăn, tránh tồn dư chất kháng sinh... vốn là những tồn tại cần giải quyết của các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung hiện nay. Đặc biệt với dự án sản xuất tôm giống được Tập đoàn Việt Úc dự kiến khởi công vào ngày 19-5 tới đây sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu tôm giống của toàn tỉnh.
Có thể thấy, với những nỗ lực và bước đi đúng hướng, vững chắc, Đầm Hà sẽ trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị của toàn ngành nông nghiệp tỉnh.
Việt Hoa