I. Cách thức đăng ký xuất khẩu một sản phẩm thực vật sang thị trường nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế
Dựa theo hiệp định vệ sinh dịch tễ do FAO ban hành năm 1985 và 1996, qui định của Mỹ, Nhật, New Zealand, Australia khi đăng ký xuất khẩu sản phẩm thực vật vào những nước này phải tuân theo những qui định sau:
(1) Đệ trình lên Bộ Nông Nghiệp của nước nhập khẩu tất cả các thông tin của sản phẩm thực vật đó về khí hậu, thời tiết, khu vực trồng, thời vụ, danh sách sâu bệnh, qui cách đóng gói, sơ chế, vận chuyển.
(2) Bộ Nông Nghiệp của nước nhập khẩu xem xét, rà soát tất cả các chi tiết này sau đó so sánh với điều kiện trồng thực tế của sản phẩm thực vật đó tại nước nhập khẩu, trong đó, danh sách sâu bệnh được Cơ quan Kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu so sánh với danh sách kiểm dịch thực vật cấm nhập của nước nhập khẩu. Sau khi xem xét Bộ Nông nghiệp của nước nhập khẩu sẽ yêu cầu cung cấp thêm thông tin về sâu bệnh chưa có hay là đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật tại nước nhập khẩu.
(3) Cơ quan Kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại trên những loại sâu bệnh chưa có hay là đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật .
(4) Cơ quan Kiểm dịch thực vật nước xuất phải tổ chức nghiên cứu và đề ra hình thức thu hoạch, qui trình xử lý diệt triệt để sâu bệnh chưa có hay là đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.
(5) Bộ Nông Nghiệp nước nhập khẩu chấp thuận và cử công chức qua nước xuất khẩu theo dõi qui trình xử lý sản phẩm thực vật đó trước khi xuất khẩu.
Trên đây là cách thức đăng ký xuất khẩu một sản phẩm thực vật vào thị trường nước ngoài nói chung và thị trường của những nước chưa có dịch hại thuộc diện đối tượng kiểm dịch trên sản phẩm thực vật. Nếu nước nhập sản phẩm thực vật đã có dịch hại là đối tượng kiểm dịch trên sản phẩm thực vật rồi thì việc kiểm dịch thực vật diễn ra không còn khắt khe. Hàng hóa sẽ được nhập mà không đòi hỏi bất cứ một hình thức xử lý nào. Đây là trường hợp các nước nhập Thanh Long như Đài Loan, Hồng Kông, Mã Lai, Singapore, Trung Quốc. Nhưng giá trị thanh long Việt Nam xuất qua những thị trường này rất thấp và tiêu chuẩn hay thay đổi.
II. Các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật đối với trái cây xuất khẩu nói chung và nhãn, vải nói riêng theo quy định quốc tế
Phần lớn các loại trái cây nhiệt đới là ký chủ của ruồi đục quả và các loại côn trùng khác, đây chính là những đối tượng kiểm dịch thực vật bị các nước nhập khẩu nghiêm cấm. Mục đích của xử lý kiểm dịch là cung cấp một cam đoan cho chính quyền nước nhập khẩu rằng hàng hoá nhập khẩu hoàn toàn không nhiễm dịch hại. Hiện tại, trên thế giới có nhiều phương pháp xử lý trái cây sau thu hoạch theo phương diện kiểm dịch thực vật.
1 Biện pháp hóa học
- Dùng hoá chất: Đây là biện pháp xử lý đầu tiên cho quả xuất khẩu và có ưu điểm là rất rẻ tiền. Người ta dùng fenthion và dimethoate để xử lý quả sau thu hoạch nhưng biện pháp này có nhược điểm là dư lượng thuốc sau xử lý nhiều trường hợp cao hơn mức cho phép nên không được sử dụng phổ biến và khuyến cáo hạn chế dùng.
- Khử trùng xông hơi: Năm 1984 Bộ Y tế Hoa Kỳ, đã phát hiện Ethylen dibromide (EDB) gây ung thư gan nên phương pháp này không được chấp thuận. Methyl bromide cũng có khuyết điểm là làm ảnh hưởng đến chất lượng quả nên hiệp ước Montreal hạn chế và đi đến không sử dụng Methyl bromide vào năm 2005, giá thành Methyl bromide cũng sẽ trở nên đắt so với hiệu quả sử dụng chúng. Dùng phosphine (PH3) để khử trùng xông hơi trái cây có những nhược điểm là Phosphine có hoạt tính chậm, thời gian xử lý kéo dài từ 5-7 ngày nên không phù hợp với trái cây là loại có đời sống sau thu hoạch rất ngắn. Mặt khác, phosphine rất dễ cháy khi ẩm độ cao và nhiệt độ thấp 150C. Những cách khử trùng xông hơi khác như carbon bisulphide, cyanide, carbon dioxide hay nitrogen có cách sử dụng đặc biệt nên không dùng để xử lý trái cây sau thu hoạch theo phương diện kiểm dịch.
2. Biện pháp xử lý nhiệt
Đây là phương pháp xử lý kiểm dịch đang được sử dụng rộng rãi và được ưa chuộng vì không để lại dư lượng thuốc trừ sâu.
- Nhiệt lạnh: Được sử dụng phổ biến. Bộ Nông nghiệp Mỹ chấp nhận xử lý nhiệt lạnh ở nhiệt độ dưới 2,20C trong khoảng 16 ngày. Tại Úc, tùy thực tế nhiệt độ, xử lý lạnh phải đạt nhiệt độ dưới 20C trong 16-22 ngày. Ở nhiệt độ này biện pháp xử lý lạnh hay gây tổn thương lạnh cho các loại quả vùng nhiệt đới. Biện pháp này có một ưu điểm là sử dụng với hàng hoá khi đang vận chuyển trên tàu biển và luôn phải có một thiết bị chuyên biệt theo dõi thời gian, nhiệt độ và ẩm độ của lô hàng.
- Nhiệt nóng: Biện pháp xử lý nhiệt được sử dụng lần đầu vào năm 1929. Nhưng không được sử dụng rộng rãi trong thập niên năm 1950, mãi đến năm 1984, hiệu quả xử lý mới được kiểm tra ở nhiệt độ 440C trong thời gian 14 giờ. Từ đó, đến nay có rất nhiều nghiên cứu xử lý nhiệt trên trái cây và thành công nhất là việc xử lý nhiệt diệt nấm thán thư Colletotrichum gloeosporium trên xoài cùng với nhiệt độ diệt ruồi đục quả.
*. Ưu điểm của phương pháp nhiệt là diệt trừ ruồi. Không để lại dư lượng. Giảm ngưng tụ nước trên trái đu đủ. Xử lý bệnh trên trái. Tránh tổn thương lạnh vì xử lý nóng rút ngắn thời gian làm trái mềm. Kéo dài thời gian bảo quản. Như vậy, phương pháp nhiệt nóng không phải chỉ có ý nghĩa trừ diệt dịch hại mà còn là cách bảo đảm về phương diện bảo vệ kiểm dịch. Tuy nhiên có hai vấn đề đặt ra là (1) Rất khó cho việc kết hợp một ngưỡng nhiệt độ, thời gian để vừa diệt ruồi đục quả vừa diệt nấm bệnh sau thu hoạch lại vừa giữ được chất lượng trái; (2) Xử lý nhiệt có thể tiêu diệt hệ nấm đối kháng trên bề mặt vỏ trái cây.
Các biện pháp xử lý nhiệt nóng hiện nay gồm: Biện pháp hơi nước nóng (xử lý trái cây trong nhiệt độ cao và ẩm độ cao 80-90%). Dùng khí nóng (xử lý trái cây trong nhiệt độ cao và ẩm độ thấp <70%). Biện pháp nước nóng (nhúng trực tiếp trái cây vào nước nóng để xử lý). Trong đó, biện pháp xử lý bằng hơi nước nóng đang được nhiều nước chấp thuận vì hiệu quả xử lý cao, không có dư lượng.
3. Biện pháp dùng bức xạ
Là quá trình xử lý hàng hoá bằng năng lượng ion, tia X, tia gamma, cobalt 60. Từ năm 1960, nhiều nghiên cứu sử dụng phóng xạ để trừ diệt nhiều đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) khác nhau trong đó có ruồi đục quả. Hiện nay, nhiều nước đã cho phép sử dụng phương pháp phóng xạ nhưng thị hiếu người tiêu dùng không ưa chuộng nhất là thị trường Nhật và Châu Âu vì vẫn còn nghi ngờ mức tồn dư của liều chiếu xạ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và đòi hỏi kinh phí cao.
3.1. Phương pháp khử trùng bằng bức xạ Gamma
Bức xạ gamma phát ra từ một số đồng vị phóng xạ trong đó Co60 và Cs137 được xem là thích hợp cho mục đích xử lý các sản phẩm nông nghiệp, sinh học, công nghiệp, trong đó việc khử trùng bằng bức xạ gamma Co60 đang trở thành một quy trình công nghệ ở các nước tiên tiến và trong khu vực Đông Nam Á. Công nghệ bức xạ ngày càng có vai trò quan trọng trong nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết của ngành sinh học hiện đại. Ứng dụng công nghệ bức xạ ở quy mô công nghiệp đang phát triển mạnh do có nhiều ưu điểm:
- Bức xạ gamma có hiệu lực diệt khuẩn cao, có khả năng bất hoạt các loại vi sinh vật kể cả dạng sinh dưỡng và dạng bào tử, bất hoạt các nang trứng ký sinh trùng và các siêu vi trùng với độ đảm bảo vô trùng cao.
- Bức xạ gamma khi tác động lên sản phẩm chỉ tạo ra một lượng nhiệt không đáng kể vì vậy chiếu xạ còn gọi là xử lý nguội rất thích hợp để khử trùng các sản phẩm kém chịu nhiệt như các bao bì plastic, cao su, các sản phẩm sinh học dễ bị biến tính khi khử trùng bằng nhiệt…
- Bức xạ gamma có khả năng đâm xuyên lớn, xuyên thấu qua hầu hết vật liệu, vật phẩm có tỉ trọng khác nhau nhờ vậy các sản phẩm được khử - thanh trùng bằng bức xạ không tháo bỏ bao cách ly vi khuẩn, bao kiện hàng và có thể đồng thời xử lý một khối lượng lớn sản phẩm có hình dạng hay kích thước khác nhau.
- Thiết bị công nghiệp và nguồn chiếu xạ Co60 khi vận hành không đòi hỏi những điều kiện phụ trợ như độ ẩm, nhiệt độ, độ chân không, áp lực…như trong kỹ thuật khử trùng bằng nhiệt.
- Liều lượng phóng xạ phát ra theo quy luật vật lý chính xác. Có thể điều chỉnh mức năng lượng cần thiết để đạt các hiệu ứng và mục tiêu kinh tế mong muốn.
3.2. Phương pháp khử trùng bằng bức xạ tia X_gray
Tương tự như tia gramma, tia X cũng là hạt photon có quang phổ rộng được sử dụng cơ bản trong chiếu xạ. Tia X được sinh ra do sự va chạm electron với một vật liệu đích như tantalum hay tungsten như đã biết các electron hơn mức cần thiết để sinh ra một lượng photon để chiếu xạ. Giống như các phương pháp vật liệu này đóng vai trò như cực dương trong dòng điện. Tia X cũng có khả năng xuyên thấu ngang bằng như Co60. Với việc sử dụng các dòng electron sinh ra tia X ta có thể ngưng quá trình chiếu xạ một cách dễ dàng bằng cách ngắt dòng điện. Tuy nhiên, quá trình này làm hao phí nhiều năng lượng vì cần dùng nhiều dòng khác, chiếu xạ bằng tia X cũng cần các tấm chắn để bảo vệ môi trường và những người làm việc trong môi trường chiếu xạ. Bình thường tia X được giới hạn trong khoảng 5MeV, ở Mỹ thì tiêu chuẩn cho phép cao hơn là 7.5 MeV. Ở các khu vực phát triển khác dòng điện cho phép có thể là 1000kW. Sức mạnh của tia X có thể đạt tới 100kW. Tương đương sức mạnh của tia Gramma Co60 khoảng 6.5 M Ci.s
3.3. Chiếu xạ bằng dòng electron
Dòng electron chạy qua một điện trường với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng. Dòng electron như một tia xạ đặc biệt có khả năng xuyên qua nhiều lớp tế bào hơn là các photon. Vì vậy dòng electron sẽ xuyên sâu vào thực phẩm chiếu xạ vài inch, điều này còn phụ thuộc vào độ dày của thực phẩm thực phẩm chiếu xạ. Bao quanh máy chiếu xạ electron là một tấm chắn bảo vệ bằng bê tông vững chắc, để bảo vệ không gây ảnh hưởng đến những người làm việc ở đây.
*. Các thông số cơ bản của quá trình chiếu xạ
Liều chiếu xạ phụ thuộc vào loại tia và môi trường chiếu xạ. Người ta thường chia ra ba khoảng liều chiếu tùy theo mục đích của nó:
+ Liều thấp (dưới 1 kGy): ức chế sự nảy mầm của các loại củ như hành tây, khoai tây, tỏi, làm chậm quá trình chín và hư hỏng của các loại quả như dâu tây, cà chua, xoài.
+ Liều trong khoảng 1-10 kGy: điều khiển sự hiện diện của sinh vật gây bệnh và kiểm soát Salmonella trong các sản phẩm từ gia cầm.
+ Liều cao trên 10 kGy ít được sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng khá quan trọng đối với khử trùng y tế.
Bảng 1. Liều chiếu xạ chấp nhận trên một số loại trái cây
Nước xuất khẩu | Loại trái | Nước nhập khẩu | Liều chiếu (Gy) |
Úc | Xoài, đu đủ, vải | New Zealand | 250 |
Hawaii | Chuối, họ có múi, thanh long, mít, vải, nhãn, xoài, măng cụt, dưa, đu đủ, dứa, sa-po-che, khoai lang, cà chua | Mỹ | 150 hoặc 400 |
Ấn Độ | Xoài | Mỹ | 400 |
Xoài | Australia | 400 |
Mexico | Ổi | Mỹ | 400 |
Thái Lan | Vải, thanh long, chôm chôm, dứa | Mỹ | 400 |
Việt Nam | Thanh long | Mỹ | 400 |
*(Nguồn: IAEA/ RCA, 2009)
III. Ứngs dụng của các biện pháp chiếu xạ trong KDTV và BVTV
1. Ứng dụng phương pháp chiếu xạ trong kiểm dịch thực vật
1.1. Trên thế giới
Hiện nay, chiếu xạ đã và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống như y học, dược phẩm, hóa chất, thực phẩm...Tính riêng trong nông nghiệp, chiếu xạ ở liều lượng thích hợp (< 1000 Gray) được chứng minh là biện pháp phòng trừ dịch hại hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Chiếu xạ thực phẩm đã được ứng dụng ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, nhiều nước đã ứng dụng chiếu xạ như một biện pháp kiểm dịch thực vật hiệu quả để phòng ngừa các dịch hại kiểm dịch thực vật lây lan và phát tán theo con đường thương mại quốc tế nông sản, trái cây tươi.
Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng chiếu xạ trong kiểm dịch thực vật. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cho việc xử lý kiểm dịch thực vật cho tất cả các loại mặt hàng nông sản và trái cây tươi nhập khẩu vào Mỹ trong đó biện pháp chiếu xạ được ứng dụng trên nhiều mặt hàng và xử lý được nhiều loại dịch hại kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, tổ chức BVTV Quốc tế (IPPC) đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc tế về biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM) số 18: “Hướng dẫn cho việc sử dụng chiếu xạ như là biện pháp Kiểm dịch thực vật”.
1.2. Tại Việt Nam
Những năm gần đây, Cục BVTV đã tiến hành đàm phán mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Đối với các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nông sản và trái cây tươi của nước ta phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nhập khẩu hết sức khắt khe, bao gồm:
+ Trồng ở vùng sản xuất được đăng ký và dưới sự giám sát của Tổ chức BVTV Quốc gia (Cục BVTV).
+ Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Trước khi xuất khẩu, nông sản và trái cây phải được xử lý bằng các biện pháp kiểm dịch thực vật để phòng trừ các loài dịch hại kiểm dịch thực vật có khả năng đi theo mặt hàng xuất khẩu.
Tùy theo yêu cầu yêu cầu xử lý của nước nhập khẩu đối với từng loại trái cây mà áp dụng biện pháp xử lý thích hợp.
Bảng 2. Yêu cầu xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu đối với nông sản và trái cây tươi của một số thị trường khó tính trên thế giới
STT | Quốc Gia | Biện pháp xử lý được yêu cầu |
1 | Hoa Kỳ | Chiếu xạ ở liều lượng tối thiểu 400 Gray |
2 | Úc | Chiếu xạ ở liều lượng tối thiểu 400 Gray |
3 | Chi lê | Chiếu xạ ở liều lượng tối thiểu 400 Gray |
4 | New Zealand | Chiếu xạ ở liều lượng tối thiểu 400 Gray |
5 | Nhật | Xử lý hơi nước nóng |
6 | Hàn Quốc | Xử lý hơi nước nóng |
(Số liệu của Cục BVTV, 2016)
Biện pháp chiếu xạ cho nông sản và trái cây tươi xuất khẩu đang được xử dụng rộng rãi. Nhiều cơ sở xử lý chiếu xạ được các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Úc công nhận đủ tiêu chuẩn và năng lực phục vụ xuất khẩu.
2. Ứng dụng phương pháp chiếu xạ trong bảo vệ thực vật
2.1. Trên thế giới
Trong các nhóm dịch hại, nhóm ruồi đục quả (fruit flies) là nhóm dịch hại được đánh giá là nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong cả trong lĩnh vực BVTV và KDTV. Ruồi đục quả có phổ ký chủ rất rộng, gây hại nhiều loại nông sản và trái cây, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như thanh long, đu đủ, vú sữ, chôm chôm, nhóm quả hạch…Mặc khác, chúng có khả năng lây lan và phát tán rất nhanh. Vì vậy, rất nhiều nước trên thế giới đã liệt kê các loài ruồi đục quả là đối tượng kiểm dịch thực vật và áp dụng biện pháp khắt khe để ngăn chặn. Hiện nay, một trong những hướng nghiên cứu và ứng dụng chiếu xạ trong bảo vệ thực vật là việc làm bất dục cá thể đực của các loài ruồi đục quả từ đó giảm thiểu tác hại của chúng cho sản xuất nông nghiệp. Công nghệ triệt sản công trùng (SIT) đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và đem lại hiệu quả tốt. SIT là biện pháp xử lý bất dục cho cá thể ruồi đục quả đực sau đó phóng thích ra môi trường để chúng giao phối với cá thể cái. Công nghệ này rất an toàn và thân thiện với môi trường.
2.2. Tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam mặc dù có những vùng trồng các loại trái cây đặc sản như thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, cam…nhưng sản lượng và chất lượng cũng như giá trị kinh tế mang lại là chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do sự gây hại của các loài dịch hại mà đặc biệt nguy hiểm là các loài ruồi đục quả. Công tác phòng trừ đối với nhóm dịch hại này ra rất khó khăn. Hiện tại biện pháp phòng trừ nhóm dịch hại này ở nước ta chủ yếu bằng phương pháp hóa học. Tuy nhiên, do đặc điểm sinh học và gây hại nên việc phun thuốc bảo vệ thực vật với nồng độ cao và nhiều lần sẽ dẫn đến việc để lại dư lượng trong sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, việc sử dụng chiếu xạ để phòng trừ ruồi đục quả mang lại hiệu quả cao, an toàn, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, trong nước hiện nay việc ứng dụng chiếu xạ trong bảo vệ thực vật còn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Chưa có nhiều các nghiên cứu và ứng dụng để giải quyết vấn đề này.