Kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn cổ bông gây hại lúa Đông xuân 2017-2018

21/05/2018 14:05

Ngày 17/5/2018, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn cổ bông gây hại lúa vụ xuân 2018 tại thị xã Đông Triều, Quảng Yên.

Ảnh: Lãnh đạo Sở NN&PTNT và Chi cục TT&BVTV kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn cổ bông gây hại lúa tại xã Sông Khoai - TX. Quảng Yên

Thời gian qua thời tiết có mưa nhỏ, mưa rào, xen kẽ nắng, ẩm độ không khí cao (83-88%) rất thuận lợi cho bệnh bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên các trà lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên các giống nhiễm như BC15, TBR225,…       

Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng cho thấy, bệnh đạo ôn cổ bông đang phát sinh gây hại trên các trà lúa giai đoạn trỗ - chắc xanh, tỷ lệ bệnh hại nơi cao 10-15%, cá biệt có những diện tích tỷ lệ bệnh hại lên đến 40% (số bông) tại Sông Khoai - Quảng Yên; Thượng Yên Công, Nam Khê, Yên Thanh - Uông Bí; Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây - Đông Triều.

Diện tích nhiễm đạo ôn cổ bông hiện nay 158 ha trong đó nhiễm nặng 18,7 ha, tăng 148,5 ha so với tuần trước và tăng 116 ha so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ vụ xuân 2017 nhiễm 42 ha).

Bệnh đạo ôn bị nặng ở giai đoạn trỗ bông - phơi màu, nấm bệnh tấn công sẽ làm hạt thóc bị lép, lửng, gây hiện tượng bông bạc, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và chất lượng. Để giúp nông dân phòng trừ tốt bệnh đạo ôn cổ bông Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sau:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là chương trình dự báo thời tiết của báo, đài, kết hợp với thăm đồng để chủ động phòng từ bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ - phơi màu;

- Chú ý trên các giống nhiễm (trên cả diện tích bị nhiễm đạo ôn lá và cả diện tích không bị nhiễm đạo ôn lá) đều cần phải chú ý và chủ động phòng trừ khi lúa trỗ bông, phơi màu gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh;

- Giữ đủ nước trong ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trỗ bông, phơi màu và tăng hiệu lực của thuốc khi phun phòng trừ;

- Khi lúa trỗ bông, phơi màu gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại (nhiệt độ 24-260C, ẩm độ cao, có mưa nhỏ,…) cần phải tiến hành phòng trừ. Thời gian phun thích hợp nhất là khi đòng căng the, trỗ báo. Những diện tích bị đạo ôn lá phải tiến hành phun kép, phun lần 1 khi đòng căng the, trỗ báo, phun lại lần 2 khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn.

Có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ bệnh đạo ôn đặc hiệu như: Filia-525SE; Til bis Super 550SE, Fuji-One 40EC, Difusan 40EC,…(Liều lượng, nồng độ pha theo hướng dẫn trên bao bì).

Lưu ý: Khi phun phải phun ướt đẫm lá, bông (đảm bảo lượng nước thuốc đã pha phun cho một sào 22 -24 lít), sau khi phun xong nếu gặp mưa phải tiến hành phun lại. Sau khi sử dụng xong cần thu gom vỏ bao bì đúng nơi quy định để tránh ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng: Sâu đục thân hai chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng… để có biện pháp phòng trừ kịp thời. 

Nguyễn Thị Hằng (Chi cục Trồng trọt & BVTV)


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 155
Đã truy cập: 3262481