Kỹ thuật nuôi thương phẩm ngao giá

23/01/2019 10:00

Ngao giá còn gọi là ngao 2 cùi, là loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngày 25/12/2018 vừa qua, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có Quyết định số 1462 /QĐ-SNN&PTNT  phê duyệt Qui trình kỹ thuật ương giống và nuôi thương phẩm ngao giá. Qui trình do Trường cao đẳng kinh tế và kỹ thuật Thủy sản nghiên cứu xây dựng. Bài viết sau đây xin trân trọng giới một số điểm chính về qui trình nuôi thương phẩm ngao giá:

1. Chọn bãi nuôi:

Bãi nuôi bằng phẳng, ở vùng dưới triều, chất đáy cát bùn (đảm bảo lồng nuôi không bị lún sâu quá 10cm trong 12 tháng nuôi), độ sâu mực nước tối thiểu là 2m khi thủy triều cạn nhất trong năm.

Bãi nuôi có dòng nước lưu thông tốt, tốc độ dòng chảy từ 0,1-0,3m/giây; Hạn chế ảnh hưởng của sóng mạnh, sóng ngầm trên bãi nuôi.

Không có nguồn nước ngọt trực tiếp đổ vào bãi nuôi (độ mặn thích hợp 20-31‰); lượng phù sa lắng đọng không quá 3 cm/năm. Bãi không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chất thải từ khu công nghiệp; nước sinh hoạt; bến cảng; vận tải thuỷ;...

2. Chuẩn bị lồng nuôi:

Lồng nuôi: Lồng bầu dục (dài x rộng x cao = 50 x 35 x 27 cm) có lưới lót đáy lồng hoặc lồng tròn (đường kính x chiều cao = 40 x 27 cm); lồng tròn không cần lưới lót. Lồng bầu dục và lồng tròn đều có nắp lưới chắn mặt lồng.

Bè công tác (bông tông) là bè nổi, mặt sàn bằng gỗ phẳng, để chứa lồng và thao tác tác thả, thu hoạch ngao.

Tàu công tác dùng để kéo Bè công tác ra vị trí thả nuôi. Máy nổ, máy nén khí, dây dẫn, kính lặn, bộ đồ lặn, thiết bị tời để kéo lồng thu ngao.

3. Chọn giống: Ngao giống cấp II, đồng đều về kích cỡ; dài 0,8-1,2 cm. Giống có màu sắc tươi sáng đặc trưng cho loài. Con giống khỏe mạnh (thả con giống vào nước sau 2-3 phút thấy có hoạt động mở miệng và thò vòi hút ra ngoài, phản ứng vòi nhanh nhanh nhẹn với tiếng động khi gõ vào thành dụng cụ chứa).

4. Thả giống:

Xúc cát vào lồng nuôi với độ dày 18-20 cm, che lưới mặt lồng nuôi và chuyển lồng nuôi xếp trên bè công tác. Kéo bè công tác ra vị trí thả lồng.

Giống cấp II đưa về được treo bằng lồng nuôi trên bè công tác. Dùng chén nhỏ múc giống thả và rắc đều trên mặt lồng nuôi hoặc để giữa lồng theo mật độ đã xác định (80-100 con/lồng bầu dục và 60-70 con/lồng tròn).

Chuyển lồng nuôi đã thả giống ra xườn bè công tác để xuống lồng. Lồng được đưa xuống đáy bãi nuôi bằng cách: Dùng dây treo có móc sắt mắc vào 2 bên xườn lồng và đưa từ từ đưa lồng xuống đáy bãi nuôi.

Người lặn dưới đáy bãi đỡ và đặt lồng thành hàng dưới đáy bãi nuôi. Lưu ý khi thả giống: Không đưa lồng xuống quá nhanh có thể văng giống ra ngoài.

5. Chăm sóc

Định kỳ kiểm tra sinh trưởng và tỉ lệ sống của ngao nuôi. Lưu ý kiểm tra lồng nuôi ngay sau khi có hiện tượng thời tiết bất thường như khi có bão, dịch bệnh hoặc có mưa lớn hay nắng nóng kéo dài;...

Thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp, gồm: Thả con giống đảm bảo chất lượng, mật độ hợp lý, không thả ở những vùng nước quá nông, thông báo cho cơ quan chức năng khi dịch bệnh xảy ra.

Ghi chép nhật ký đầy đủ để tính sản lượng, hạch toán lãi lỗ; lưu giữ chứng từ liên quan để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc,..

6. Quản lý dịch bệnh

Theo Thông tư của Bộ Nông nghiệp & PTNT thì ngao giá cũng như tu hài hay các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ khác có thể bị nhiễm bệnh Perkinsus. Hai loại tác nhân gây bệnh Perkinsus được khuyến cáo phải công bố dịch là Perkinsus marinus và Perkinsus olseni.

Tháng 6 năm 2018, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Ninh đã lấy mẫu ngao chết ở Vân Đồn để xét nghiệm. Kết quả, mẫu âm tính với 2 loại Perkinsus nói trên. Tháng 7/2018, Chi cục Thủy sản đã có văn bản gửi Phòng Nông nghiệp/Kinh tế các địa phương ven biển khuyến cáo về việc phòng bệnh cho ngao nuôi.

7. Thu hoạch

Sau 11- 12 tháng nuôi, thì có thể thu hoạch ngao nuôi. Cách thu hoạch như sau:

Thợ lặn lật úp ngược lồng nuôi để cho bùn cát trôi ra ngoài rồi mắc lồng vào móc để kéo lên bè công tác (có thể dùng máy tời lồng để thay thế nhân công). Tại đây lồng nuôi được cởi bỏ nắp, ngao thương được đổ ra ngoài và nhân công sẽ nhặt, rửa sạch và phân loại ngao. Ngao được phân thành nhiều loại kích thước khác nhau để bán ở các mức giá khác nhau. Một số kích cỡ phổ biến như: 27-29 con/kg; 30-33 con/kg;... Nuôi theo hình thức này tỉ lệ sống đạt 75%; năng suất nuôi đạt 1,8-22 kg/lồng bầu dục và 1,4-1,6 kg/lồng tròn.  

Lồng sau khi thu hoạch được phơi khô cho chết sinh vật bám (hà, sun,..) rồi vệ sinh, loại bỏ lồng bị vỡ và tiến hành thả vụ tiếp theo.

8. Lưu ý khi áp dụng qui trình

Nuôi ngao giá trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương. Không nên tận dụng vùng nước quá nông (độ sâu <2,0 m khi nước thủy triều thấp nhất) để nuôi ngao giá vì khi nắng nóng hoặc mưa lớn kéo dài có thể làm chết ngao.

Ngoài hình thức nuôi lồng đặt bãi dưới triều còn có các hình thức nuôi khác như nuôi lồng treo trên bè. Tuy nhiên, hình thức nuôi này chi phí nhiều hơn do phải đầu tư làm bè treo.

Trong quá trình ương, nuôi ngao giống, người nuôi cần có ý thức tiêt kiệm cát xốp, tái sử dụng cát xốp vì cát xốp là nguồn tài nguyên có hạn.

Trong quá trình nuôi ngao thương phẩm, người nuôi biết được những lô giống có tốc độ lớn nhanh, có sức chống chịu bệnh tốt, tỉ lệ sống cao, có thể giữ lại làm con hậu bị, con bố mẹ để cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống.

Trên đây là một số điểm chính trong kỹ thuật nuôi thương phẩm ngao giá, xin trân trọng giới thiệu để đồng nghiệp và người nuôi ngao áp dụng.

Dương Văn Hiệp (Phòng KTMT)



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 30
Đã truy cập: 2499675