Công tác phục tráng, nhân thuần giống cây trồng, vật nuôi ở Quảng Ninh

18/03/2020 10:51

Trong sản xuất nông nghiệp, Giống là khâu quan trọng hàng đầu. Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 (Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009). Nếu như việc sản xuất giống vật nuôi, cây trồng cần chuyên môn kỹ thuật sâu thì việc phục tráng, nhân thuần giống ngoài kỹ thuật còn cần có khả năng bố trí thí nghiệm, ghi chép, phân tích số liệu,… Bài viết sau đây xin trân trọng giới thiệu một số kết quả cũng như cách làm trong công tác phục tráng, nhân thuần giống cây trồng, vật nuôi ở Quảng Ninh trong thời gian vừa qua.

Ảnh: Chọn hạt giống lúa ở Công ty CP giống cây trồng

Đối với giống cây trồng

Từ năm 2015, nhận thấy giống lúa Bao thai lùn ở các huyện miền Đông của tỉnh do canh tác lâu ngày, người dân tự để giống nên có độ thuần kém, năng suất thấp (khoảng 35-40 tạ/ha); Công ty Cổ phần giống cây trồng đã nghiên cứu phục tráng như sau:

- Năm 2016: Từ các nguồn vật liệu ban đầu (G0) thu thập ở Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, công ty đã gieo cấy và chọn ra 140 dòng rồi chọn lại lấy 90 dòng tốt nhất (G1) để chuyển sang vụ tiếp theo.

- Năm 2017: Từ 90 dòng nói trên, Công ty đã gieo cấy và chọn được 16 dòng (G2) để chuyển sang vụ tiếp theo.

- Năm 2018: Từ 16 dòng G2 Công ty tiếp tục chọn ra 15 dòng và sản xuất giống siêu nguyên chủng (đã được Trung tâm Khảo nghiệm giống sản phẩm cây trồng Quốc gia kiểm định đạt yêu cầu).

- Năm 2019: Công ty đã cấp giống siêu nguyên chủng và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để sản xuất giống nguyên chủng. Giống nguyên chủng sản xuất tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đã được Trung tâm Khảo nghiệm giống sản phẩm cây trồng Quốc gia kiểm định đạt yêu cầu, năng suất ước 50 tạ/hạ).

- Từ năm 2020 trở đi, các hộ dân ở các huyện miền Đông của tỉnh đã được cung ứng giống Bao thai nguyên chủng để gieo cấy.

Ảnh: Gà Bang Trới sinh ra từ thế hệ thứ 4 nuôi giữ ở Công ty Châu Thành (Hoành Bồ)

Giống vật nuôi

Từ năm 2015-2019, Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc đã thực hiện nhiệm vụ Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới. Trong đó, thế hệ xuất phát có 100 con (20 trống+ 80 mái) được thu thập từ các hộ nuôi gà tại 10 xã của huyện Hoành Bồ. Số gà này được phân thành 10 nhóm gà trống và 10 nhóm gà mái để đưa vào ghép phối giống. Cách ghép như sau:

- Thế hệ xuất phát: Sử dụng nhóm gà trống số 1 ghép phối giống cho nhóm mái số 1, … và nhóm trống số 10 phối với nhóm mái số 10.

- Tiếp thế hệ thứ nhất: Thay đổi các nhóm gà trống sao cho con của các nhóm trống đã phối giống cho mái mẹ không được phối giống tiếp cho con của chúng. Cụ thể: con của nhóm trống số 1 phối với con của nhóm mái số 2, con của nhóm trống số 2 phối với nhóm con của nhóm mái số 3, … và con của nhóm trống số 10 phối với con của nhóm mái số 1.

- Thế hệ thứ 2: con của nhóm trống số 1 phối với con của nhóm mái số 3, con của nhóm trống số 2 phối với nhóm con của nhóm mái số 4, … và con của nhóm trống số 10 phối với con của nhóm mái số 2.

- Thế hệ thứ 3: con của nhóm trống số 1 phối với con của nhóm mái số 4, con của nhóm trống số 2 phối với nhóm con của nhóm mái số 5, … và con của nhóm trống số 10 phối với con của nhóm mái số 3.

- Thế hệ thứ 4: con của nhóm trống số 1 phối với con của nhóm mái số 5, con của nhóm trống số 2 phối với nhóm con của nhóm mái số 6, … và con của nhóm trống số 10 phối với con của nhóm mái số 4.

Kết quả, sau 5 năm chọn lọc, kích thước và khối lượng cơ thể của gà Bang Trới trưởng thành có sự tăng dần qua các thế hệ. Chất lượng thịt của gà sau khi nhân thuần cũng được phân tích các chỉ tiêu về: tỷ lệ mất nước bảo quản; mất nước chế biến; độ dai;.. rất khả quan. Sau khi đàn gà thế hệ 4 đẻ trứng, nhà trường đã tiến hành ấp và giao gà giống cho người dân; các mô hình nuôi tuân thủ các biện pháp cách ly, tránh lai tạp với các giống gà khác. Trong thời gian tới, các hộ dân phải tiếp tục duy trì đàn gà được giao để trở thành đàn gà hạt nhân cung cấp giống cho các hộ dân trên địa bàn huyện Hoành Bồ.

Ảnh: Cây chè Vân đầu dòng ở xã Bản Sen (huyện Vân Đồn)

Giống cây lâm nghiệp, cây lâu năm

Cây lâm nghiệp có đặc điểm là thời gian sinh trưởng và phát triển dài, đây là trở ngại lớn trong công tác phục tráng giống. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, hiện nay các đơn vị trong và ngoài tỉnh đang thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu về cây lâm nghiệp, trong đó có nội dung phục tráng, tuyển chọn cây trội đối với Thông chân vịt và cây Sở.

Đối với cây lâu năm, từ năm 2014-2016, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ Phục tráng giống chè Vân tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn. Cách phục tráng là bình tuyển cây đầu dòng từ đó làm cơ sở cho việc nhân giống chè (bằng phương pháp giâm hom) và các biện pháp thâm canh khác (cắt cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh) để nâng cao năng suất và chất lượng chè. Kết quả từ hàng trăm cây chè cổ thụ, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chủ trì thành lập Hội đồng và bình tuyển được 20 đầu dòng, sau đợt lũ lịch sử năm 2015 còn lại 11 cây. Nhờ các biện pháp can thiệt nên người dân đã mở rộng diện tích trồng mới. Cây chè được chăm sóc tốt nên có năng suất cao hơn và hiệu quả thu nhập của người dân tăng lên.

Ảnh: Tiêm thuốc để kích thích cá sinh sản ở Trạm Nghiên cứu thủy sản trên biển ở Cẩm Phả

Giống thủy sản

Nuôi trồng thủy sản là ngành kỹ thuật còn non trẻ, mới phát triển mạnh từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước (khi người ta biết sử dụng não thùy cá chép để kích thích cho cá nước ngọt sinh sản nhân tạo). Nhiều khó khăn trong công tác sản xuất giống thủy sản dẫn tới việc nhân thuần còn hạn chế như:

Thủy sản là con vật ở dưới nước nên không dễ dàng quan sát được như cây, con ở trên cạn; thậm chí một số con ở dưới bùn cát và không phải ai và lúc nào cũng bắt được nó. Khác với gia súc, gia cầm; con thủy sản rất khó phân biệt tính đực cái; một số loài thủy sản còn có đặc điểm chuyển đổi giới tính như cá song (cá mú) chẳng hạn: Lúc đầu chúng là con cái, về sau (khoản 6-7 năm sau) một số con lại chuyển sang tính đực. Một số loài như cá, tôm, cua có thể phân biệt đực cái, cũng như mức độ thành thục của tuyến sinh dục thông qua quan sát bên ngoài; tuy nhiên có loài không thể biết là đực hay cái qua hình dáng bên ngoài. Người ta chỉ biết giới tính và mức độ thành thục của nó sau khi đã mổ con vật ra và quan sát dưới kính hiển vi như những loài ngao, sò, hầu, vẹm,…

Khác với giống vật nuôi là chúng tự giao phối với nhau, đối với thủy sản, muốn cho con vật giao phối với nhau người ta phải dùng các biện pháp kích thích như: tiêm thuốc, sốc nhiệt, tạo ra môi trường giống với tự nhiên (bể nước chảy),… Một số loài thủy sản không thành thục trong môi trường nuôi nhân tạo như tôm sú, cua biển,… nên người sản xuất giống phải mua con bố mẹ từ khai thác tự nhiên. Việc ương nuôi ấu trùng thủy sản nhìn chung là khó vì: (1) chúng có cơ thể nhỏ, hầu hết phải sử dụng kính hiển vi để quan sát; (2) thức ăn của chúng có kích cỡ rất nhỏ, một số loài (như các loài nhuyễn thể: ngao, hầu,…) không sử dụng thức ăn nhân tạo mà dùng hoàn toàn thức ăn tự nhiên là vi tảo biển. Vì vậy các cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể đồng thời phải nuôi vi tảo làm thức ăn cho ấu trùng nên khó khăn được nhân đôi.

Từ những khó khăn trên nên trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản Quảng Ninh đã di nhập một số giống thủy sản từ nước ngoài về nuôi cho kết quả rất tốt như: Tôm thẻ chân trắng Nam mỹ; hầu Thái Bình Dương; hầu cửa sông; cá rô phi đường nghiệp;… Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất không tránh khỏi sự tạp giao làm thoái hóa giống, lúc đó cần nghĩ đến việc nhân thuần để nâng cao chất lượng giống thủy sản.

Nói chung công tác phục tráng, nhân thuần giống là công tác có tính khoa học, đòi hỏi chuyên môn sâu. Qua nhiều năm, mất nhiều công sức mới phục tráng, nhân thuần được một giống cây trồng, giống vật nuôi. Điều này cho chúng ta thấy rằng cần phải trân trọng và quản lý tốt những giống cây trồng, giống vật nuôi mà các chuyên gia khoa học đã tạo ra; có ý thức gìn giữ, hạn chế lai tạp trong sản xuất./.

Dương Văn Hiệp - Phòng Kỹ thuật Môi trường



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 356
Đã truy cập: 2504928