Quảng Ninh triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò

28/04/2021 23:04

      UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 03 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

     Hiện nay, tổng đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 70.000 con và 154 bò sữa. Mặc dù các địa phương đã triển khai các biện pháp phòng dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò (VDNC) tiếp tục phát sinh mới tại các địa phương trong tỉnh; đặc biệt bệnh đã xuất hiện trên bò sữa, có giá trị kinh tế cao tại một số hộ nuôi tại xã Bình Khê, thị xã Đông Triều. Trước tình hình thời tiết nắng nóng trong thời gian tới, nếu không có biện pháp quyết liệt, đồng bộ thực hiện phòng chống bệnh VDNC trên trâu bò thì sẽ có nguy cơ lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và Ngân sách phục vụ phòng chống dịch, hỗ trợ người  khôi phục sản xuất.

      Để nhanh chóng dập tắt ổ dịch, phòng tránh phát sinh, lây lan trên diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời theo đúng quy định. Trong đó, tập trung tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức nhận biết và cách phòng tránh bệnh VDNC cho người chăn nuôi, cán bộ thú y (đặc biệt nhân viên thú y cấp xã). Đẩy mạnh thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc hằng ngày đối với nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (côn trùng, ve, muỗi, ruồi…).

      Chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thống kê toàn bộ đàn trâu, bò của địa phương gắn với công tác kiểm tra giám sát, phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xử lý, khống chế ngay khi dịch bệnh còn trong diện hẹp.

     Rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin VDNC, bố trí kinh phí nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC đạt trên 90% tổng đàn trước ngày 20/5/2021.

      Thực hiện công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời; quản lý chặt chẽ, không di chuyển trâu, bò ra khỏi vùng dịch trong  khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày gia súc cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng và đã được tiêm vắc xin VDNC.

     Tổ chức xử lý, tiêu hủy trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC, hoặc gia súc trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh VDNC bị gầy yếu, không có khả năng hồi phục; hướng dẫn người dân nuôi nhốt, cách ly toàn bộ trâu, bò bệnh; tiêu diệt, không để các vật chủ trung gian truyền bệnh (muỗi, côn trùng, ruồi…) tiếp cận trâu bò bị bệnh gây lan truyền bệnh. Hỗ trợ cho chủ vật nuôi có trâu, bò buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh với định mức theo quy định. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch.

     Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh VDNC, đặc biệt là công tác giám sát dịch bệnh, công tác quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và các biện pháp xử lý các ổ dịch; thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi mới xảy ra, không để lây lan trên diện rộng; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất theo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2021 đã được phê duyệt. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, cơ sở chăn nuôi áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi./.

Chi tiết tại tệp đính kèm:

Tệp đính kèm

Mai Linh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 10
Đã truy cập: 2892829