Chủ động triển khai nhiệm vụ năm 2021 với mục tiêu “Một xã hội an toàn hơn trước thiên tai”

10/05/2021 11:07

     Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và tổ chức, cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau. Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, đề cao vai trò chủ động tại cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

     Năm 2020, toàn quốc được đánh giá là năm của thiên tai, thiên tai xảy ra vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra. Ngay những ngày đầu năm, mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc; giữa năm hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tại Nam, Trung Bộ và đặc biệt là cuối năm bão chồng bão, lũ chồng lũ (trong 45 ngày) chưa từng có trong nhiều năm qua tại các tỉnh miền Trung.

     Tại Quảng Ninh, do hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính nghiêng về pha lạnh và La Nina yếu đã xuất hiện vào cuối mùa nên mùa mưa bão năm 2020 không có những diễn biến quá bất thường. Trong số 13 cơn bão và 01 ATNĐ hoạt động trên biển Đông, có 02 cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ninh.

      (1) Bão số 2 (Sinlaku): Đổ bộ Thanh Hóa ngày 02/8/2020 gây gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6 và mưa vừa, mưa to đến rất to trên toàn tỉnh, lượng mưa 150-250mm, có nơi 300-400mm;

      (2) Bão số 7 (Nangka): Sáng sớm ngày 14/10/2020, bão số 7 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, duy trì cường độ cấp 9, giật cấp 11. Chiều ngày 14/10, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa. Bão số 7 đã gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 cho khu vực Cô Tô - đảo Trần, Cẩm Phả - Vân Đồn và Hạ Long; vùng ven biển khác gió cấp 5-6, giật cấp 7 vào đêm 13 và sáng 14/10. Toàn tỉnh có mưa to đến rất to trong các ngày 14-15/10, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm; khu vực Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà và Hải Hà 200-300mm; một số nơi cao hơn Cô Tô 330mm, Ba Chẽ 370mm.

Mưa muộn hơn quy luật, dẫn tới việc mực nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh xuống thấp (ảnh minh họa)

     Mùa mưa trên địa bàn tỉnh năm 2020 tập trung chủ yếu vào tháng 8. Mưa muộn hơn quy luật, dẫn tới việc mực nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh xuống thấp. Điển hình là hồ chứa Yên Lập - hồ chứa lớn nhất của tỉnh mực nước đã xuống thấp đến mức kỷ lục; các hồ chứa nước tại huyện đảo Cô Tô đã xuống đến mực nước “chết” gây rất nhiều khó khăn cho công tác đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên đảo.

     Rét đậm, rét hại trên toàn tỉnh xuất hiện 1 đợt vào 26-29/01/2020 với nhiệt độ thấp nhất quan trắc được là 7,7O C vào ngày 29/01 tại trạm Quảng Hà. Đợt rét trong tháng 01/2021, nhiệt độ tại khu vực miền Đông từ 4-6 O C, tại các vùng núi nhiệt độ dưới 4O C; xuất hiện băng tuyết tại đỉnh núi Yên Tử (Uông Bí) và đỉnh Cao Ly (Bình Liêu).

     Nắng nóng xuất hiện 3 đợt trên toàn tỉnh vào ngày 07-08/6, 07-10/7, 31/8-02/9  nhưng không gay gắt. Nhiệt độ cao nhất quan trắc được là 36,8OC ngày 10/7/2020 tại Uông Bí.

     Năm 2020, mưa bão trên địa bàn tỉnh không quá bất thường so với mọi năm, nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, cương quyết, sát thực tiễn, bám địa bàn của tỉnh, sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương; các Sở, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân trên toàn tỉnh đã tích cực, khẩn trương, thực hiện các biện pháp cụ thể triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; việc xây dựng phương án bảo vệ vùng trọng điểm, kiểm tra, kiểm tra công trình trước mùa mưa bão được các ngành, các địa phương thực hiện sớm, sát tình hình thực tế; công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương với các lực lượng vũ trang và các đơn vị đứng chân trên địa bàn được triển khai tích cực, nhanh chóng đã chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản