(1) Hiệu quả từ sản xuất lâm, nông nghiệp kết hợp
Sản xuất lâm, nông nghiệp kết hợp là phương thức tận dụng đất có hiệu quả, quay vòng vốn đầu tư nhanh “lấy ngắn nuôi dài” từ đó giúp tăng thêm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, tăng thu nhập nông hộ, tạo thêm việc làm, đa dạng hóa sản phẩm. Sự đa dạng về loại sản phẩm đầu ra cũng góp phần giảm rủi ro về thị trường và giá cả cho người sản xuất; tăng sự đa dạng trong hệ sinh thái, giảm sự xói mòn trên đất, giảm nhu cầu mở rộng đất nông nghiệp bằng việc khai phá rừng, đốt nương làm rẫy, giảm tình trạng bỏ đất trống đồi núi trọc hoặc tình trạng du canh du cư, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của người dân.
Tại Quảng Ninh, phương thức sản xuất lâm, nông kết hợp đã được triển khai dưới nhiều hình thức như: trồng cây rau màu, cây ăn quả (trồng cam tại huyện Vân Đồn, mô hình trồng dứa kết hợp trên đất rừng sản xuất tại thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long,…); trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ (trồng ba kích, trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ); vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và vùng chăn thả gia súc, gia cầm,… kết hợp trong rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ tại nhiều địa phương đã có nhiều tác động tích cực đến kinh tế-xã hội và môi trường tại nhiều địa phương trong đó phải kể đến hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ảnh: Trồng dứa theo hình thức lâm, nông kết hợp tại thị xã Quảng Yên
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất lâm, nông kết hợp trên đất rừng với khoảng 374 nghìn ha đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ. Bên cạnh đó là hành lang pháp lý thuận lợi và cơ chế, chính sách khuyến khích hấp dẫn như: các quy định về sản xuất lâm, nông kết hợp trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ đã được quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh; UBDN tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 10/01/2020 về việc Phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ các lợi ích và hiệu quả đem lại, trước yêu cầu ngày càng bức thiết của sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cùng với tiềm năng hiện có thì việc nhân rộng, lan tỏa rộng rãi các hình thức, mô hình sản xuất lâm, nông nghiệp kết hợp đã được thực hiện thành công là hết sức cần thiết. Trong đó cần chú trọng các nhiệm vụ xây dựng chính sách hỗ trợ, tuyên truyền cho người sản xuất hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về sản xuất lâm, nông kết hợp,… của cơ quan chức năng cũng như sự chủ động, chung tay thực hiện của người sản xuất.
Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật