Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (từ ngày 12/8 -18/8/2021)

16/08/2021 10:51

      Trong tuần, nhiệt độ trung bình: 29-300C; Ẩm độ trung bình: 75 - 80%. Đầu tuần ngày trời nắng nóng, đêm không mưa. Cuối tuần do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to.

  1. Tình hình sinh trưởng cây trồng:

         Tổng diện tích gieo cấy lúa mùa là: 22.983 ha, trong đó: mùa sớm: 213,9 ha, giai đoạn sinh trưởng: Làm đòng; mùa trung/muộn: 22.769,1 ha, giai đoạn sinh trưởng: Hồi xanh - đẻ nhánh rộ - đứng cái. Cây rau màu các loại sinh trưởng phát triển thân -củ quả - thu hoạch, cây ngô hè thu 7 lá - xoáy nõn - trỗ cờ, cây công nghiệp, cây ăn quả giai đoạn sinh trưởng phát triển búp, thân lá, củ - quả - thu hoạch.

  1. Tình hình sinh vật hại 7 ngày qua

         Nhìn chung, trong tuần đáng lưu ý là các đối tượng sinh vật hại như: rầy lứa 6, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, bệnh khô vằn,...gây hại mạnh trên các trà lúa; bệnh thối thân, cháy lá trên cây dong riềng. Hầu hết các đối tượng sinh vật gây hại khác gây hại ở mức độ nhẹ.Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên các cây trồng là 218,2 ha. Trong đó, trên lúa mùa: diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ là 92 ha (tại Ba chẽ, Đông Triều, Móng Cái) giảm 161 ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích nhiễm rầy là 25 ha (tại Ba Chẽ) giảm 203 ha so với cùng kì năm trước; Chuột 3 ha (tại Đông Triều) giảm 117 ha so với cùng kì năm trước; bệnh khô vằn 15 ha (tại Móng Cái) giảm 62 ha so với cùng kì năm trước; bệnh đạo ôn lá 3,2 ha (tại Hạ Long) giảm 11,8 ha so với cùng kì năm trước; bệnh bạc lá 6 ha (tại Móng Cái) giảm 14 ha so với cùng kỳ năm trước. Trên cây dong riềng: Diện tích nhiễm bệnh thối thân 30 ha (tại Bình Liêu) tăng 11,5 ha so với cùng kì năm trước; bệnh cháy lá 16 ha tăng 12 ha so với cùng kì năm trước; Trên cây Tre luồng diện tích nhiễm châu chấu tre là 15 ha (tại Ba Chẽ) tăng 5 ha so với cùng kì năm trước; Trên cây keo diện tích nhiễm bệnh chết héo keo là 13 ha (tại Ba Chẽ) tăng 9,5 ha so với cùng kì năm trước.

Nông dân thăm đồng kiểm tra sâu bệnh hại lúa mùa tại phường Phong Hải – thị xã Quảng Yên

(Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)

  1. Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng trong thời gian tới (từ ngày 12/8 - 18/8/2021):

        Trong thời gian tới cần lưu ý các đối tượng sinh vật gây hại:

        - Trên lúa mùa:

       + Sâu non sâu đục thân hai chấm sẽ nở và gây hại trên các trà lúa mùa sớm.

       + Rầy cám lứa 6, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 tiếp tục gây hại trên các trà lúa;

       + Bệnh đạo ôn lá, chuột, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá có xu hướng phát sinh gây hại gia tăng trên các trà lúa;

       Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi ốc bươu vàng, chuột, dòi đục nõn, bệnh nghẹt rễ, bệnh lùn sọc đen,…

       - Trên cây trồng khác:

      + Cây rau, hoa màu: Bọ phấn, rệp, bệnh thối thân, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư, bệnh đốm lá,… tiếp tục gây hại.

      + Cây ngô: Chuột, sâu keo mùa thu, bệnh đốm lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn,… tiếp tục gây hại.

      +Cây na: Rệp, nhện đỏ, bọ trĩ, bệnh thán thư,…tiếp tục gây hại.

      + Cây dong riềng: Bệnh thối thân, bệnh cháy lá, sâu ăn lá,… tiếp tục gây hại.

      + Cây Lâm nghiệp: Bệnh chết héo keo, châu chấu tre,… tiếp tục gây hại.

  1. Một số biện pháp canh tác, xử lý sinh vật gây hại trên cây trồng:

        Cần tập trung chăm sóc cho các loại cây trồng sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết và sinh vật hại do trong thời gian tới thời tiết oi bức, xen kẽ mưa rào và dông, có thể chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt: bão, áp thấp nhiệt đới,...

        Điều tiết nước trên ruộng hợp lý. Đối với vụ mùa, thực hiện tưới nước theo phương châm “tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”, tuỳ thời điểm mà điều tiết nước hợp lý theo công thức “Nông - Lộ - Phơi” xen kẽ, góp phần hạn chế sâu bệnh, tăng khả năng chống đổ, tăng năng suất.

        Chú ý thời gian tới sâu non sâu đục thân hai chấm sẽ nở và gây hại trên các trà lúa. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của trưởng thành sâu đục thân hai chấm, đặc biệt là thời gian trưởng thành ra rộ (kết hợp dùng bẫy đèn hoa đăng), mật độ ổ trứng điều tra được để đưa ra các biện pháp phòng chống kịp thời. Ngoài ra tiếp tục theo dõi diễn biến rầy cám lứa 6, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá,... Ngoài ra cần chú ý chuột, ốc bươu vàng, dòi đục nõn, bệnh nghẹt rễ, mọt nước, sâu keo mùa thu, bệnh vàng lá, bệnh lùn sọc đen,...Tiến hành phun phòng trừ khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ./.

Lê Thị Thùy Dung - Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 944
Đã truy cập: 3270167