Hội nghị có sự tham gia của đại diện các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Kỹ thuật – Môi trường; Kế hoạch - Tài chính, Chi cục Trồng trọt và BVTV); Đại diện lãnh đạo phòng Kinh tế thành phố Hạ Long, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, UBND xã và 50 đại biểu là các hộ dân tham gia mô hình và ngoài mô hình trên địa bàn xã.

Quảng cảnh hội nghị
Mô hình sản xuất ổi VietGAP được triển khai với quy mô 09ha/45 hộ tham gia, các hộ được chia thành 06 nhóm để thuận tiện cho việc tổ chức quản lý, giám sát. Quá trình triển khai thực hiện (từ tháng 02/2021), các hộ được đào tạo, tập huấn đầy đủ về các nội dung trong quy trình sản xuất VietGAP như: Nhận thức chung về tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt (TCVN 11892-1:2017); Hướng dẫn sơ cứu và bảo vệ môi trường; An toàn lao động; Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV; An toàn thực phẩm,… Đối với các mẫu đất, nước và sản phẩm được mang đi phân tích về mối nguy về sinh học, vật lý, hóa học nhằm đảm bảo yêu cầu nằm trong ngưỡng an toàn để sản xuất VietGAP.
Đến nay, 100% số hộ tham gia đã triển khai thực hiện tốt các khâu trong quy trình sản xuất theo VietGAP như ghi chép đầy đủ nhật ký mua bán, sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV theo quy trình, quá trình sử dụng thuốc, hoạt chất của thuốc sử dụng, thời gian cách ly, cắm biển cảnh báo, xử lý bao bì, thuốc còn dư,… đồng thời bố trí đầy đủ kho, khu vực để chứa vật tư phân bón, thuốc BVTV, dụng cụ, bảo hộ lao động theo quy định và có biển báo.
Từ kết quả kiểm tra, giám sát thực tế đạt được, các hộ sản xuất đã được đơn vị kiểm nghiệm (Tổ chức Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO) đánh giá, cấp chứng nhận VietGAP và hỗ trợ 6.000 tem truy xuất nguồn gốc để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cung cấp ra thị trường. Về hiệu quả kinh tế cho thấy, đối với cây ổi năm thứ 3 trở đi khi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật cho thu hoạch từ 40 tấn/ha/năm trở lên, với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg cho doanh thu trên 600 triệu đồng/ha/năm (lợi nhuận từ 40-50% doanh thu).

Trao Giấy chứng nhận cho sản phẩm Ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP
Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Lê Văn Thắng – Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Hạ Long cho biết: ” Mô hình giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Bên cạnh đó, qua thực hiện mô hình cũng giúp các hộ dân hình thành ý thức sản xuất tập thể, hỗ trợ nhau sản xuất từ đó nâng cao nhận thức”.
Trên cơ sở kết quả của mô hình, địa phương cũng đã hỗ trợ thành lập hội nghề nghiệp "Trồng, chăm sóc cây ổi Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP" tại để mô hình tiếp tục được mở rộng, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố Hạ Long./.
Văn Phú – Trung tâm Khuyến nông