Đề án đã đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng; phân tích các tiềm năng, thế mạnh đồng thời cũng chỉ ra được những khó khăn, thách thức và đưa ra các dự báo về các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Từ đó, Đề án đã xác định mục tiêu chung là Hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm được chứng nhận hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, khu vực và thế giới; Nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của các loại nông sản thực phẩm của tỉnh; khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Quang cảnh buổi họp
Các chỉ tiêu phát triển trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, thủy sản hữu cơ, lâm sản ngoài gỗ và dược liệu hữu cơ trong từng giai đoạn đã được xác định tại mục tiêu cụ thể. Đề án cũng đưa ra định hướng về các sản phẩm ưu tiên, phân vùng phát triển các sản phẩm hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Các nhiệm vụ cần thiết phải triển khai của Đề án gồm: Xác định vùng canh tác hữu cơ; Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; Xây dựng, ban hành các quy trình sản xuất hữu cơ; Phát triển ngành phụ trợ cho sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Xây dựng thương hiệu nông nghiệp hữu cơ và phát triển thị trường.
Đề án cũng đề xuất 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra như giải pháp về Thông tin tuyên truyền; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về nông nghiệp hữu cơ; giải pháp về đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ yếu có lợi thế; giải pháp về phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản; giải pháp về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp về vốn và tín dụng; giải pháp về tăng cường liên kết “4 nhà”; giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; giải pháp về tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ; giải pháp về đẩy mạnh việc sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự họp, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả xây dựng Đề án. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện Đề án trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung tại cuộc họp và trình UBND tỉnh trong quý I năm 2022./.
Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật