Màng phủ có nhiều loại, kích thước khổ rộng đa dạng: 0,9m; 1m; 1,2m;…độ dài thường 400m/cuộn màng phủ. Giá thành màng phủ cũng phụ thuộc tùy loại, kích thước khổ rộng, độ dài, dao động khoảng vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng một cuộn. Chi phí đầu tư ban đầu khi sử dụng màng phủ là tốn kém hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống sử dụng rơm, rạ, trấu,... để che phủ. Tuy nhiên, màng phủ nếu biết sử dụng thì có thể dùng nhiều vụ, giảm chi phí đầu tư.
Để có thể tận dụng sử dụng màng phủ nhiều vụ, tiết kiệm chi phí đầu tư đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, cần lưu ý một số điểm sau:
1. Chọn mua màng phủ theo loại cây trồng:
Với các cây trồng dài ngày, trên luống rộng như dưa hấu, dưa gang,… nên chọn mua màng phủ dày, một mặt màu đen, một mặt sáng bạc, khổ rộng. Với các loại cây ngắn ngày trồng trên luống hẹp như ớt, dưa leo, cà chua…nên mua loại khổ đơn, nhỏ.

Sử dụng màng phủ trồng rau tại thị xã Quảng Yên
2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để hạn chế màng phủ bị rách hỏng, tận dụng cho vụ sau:
- Lên luống: Lên luống cao hay thấp, rộng hay hẹp tùy mùa vụ, loại cây, cách trồng hàng đơn hay hàng đôi; mặt luống phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư hỏng, ở giữa luống hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
- Bón phân lót: Tùy theo từng loại cây mà lượng bón khác nhau, thường bón toàn bộ phân chuồng, supe lân, vôi và khoảng 1/4 - 1/3 tổng lượng phân hoá học, bón bằng cách rải phân trên toàn bộ mặt luống, rồi xới trộn đều hoặc bón theo hốc bổ sẵn (trong điều kiện hốc là nơi đục lỗ để trồng cây, gieo hạt). Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm, rạ, trấu,… vì phân bón nằm dưới màng phủ ít bị mất do bay hơi, rửa trôi, sau khi đậy màng phủ khó dở ra để bón phân.
- Cách phủ màng phủ: Kéo màng phủ căng theo chiều dài luống, hướng mặt màu bạc của màng phủ lên phía trên, để giúp tăng lượng ánh sáng phản xạ, hạn chế sâu hại, còn mặt đen của màng phủ thì úp xuống dưới giúp che tối mặt đất, hạn chế cỏ dại. Nên phủ kín cả hai bên chân luống để tránh cỏ mọc và giữ bộ rễ được tốt. Cố định màng phủ tránh gió tốc làm rách hỏng màng phủ, ảnh hưởng đến cây trồng bằng cách lấp đất xung quanh mép luống hoặc dùng tre chẻ ghim mép luống,…
- Đục lỗ màng phủ: Sau khi phủ, cố định xong màng phủ, dùng dụng cụ đục lỗ có bán sẵn hoặc ống bơ sữa bò, lon nước yến,… đường kính khoảng 6cm, 7cm, 10 cm,… cắt bỏ viền cứng ở miệng lon, mài bén mép ống, lon rồi đặt ống, lon lên màng phủ, tay vừa ấn xuống vừa xoay tròn trực tiếp đục lỗ, hoặc khoét lỗ thông gió xung quanh chân lon, làm cán để cầm, cột dây chì vòng miệng lon chừa râu dài 40-70 cm làm cự ly giữa các cây, đốt than nóng cho vào trong lon để đục lỗ giúp màng phủ ít bị rách.
- Trồng cây, tra hạt: Rải một ít đất mịn hoặc trấu mục vào trong lỗ đã đục, tưới nước vào lỗ rồi gieo hạt hoặc đặt cây con vào trồng.
- Tưới nước: Có thể tưới nước trực tiếp vào lỗ đục, hoặc tưới đều trên mặt luống, hoặc tưới rãnh: Trên nền đất cát, cho nước đầy rãnh ngang đỉnh mặt luống nước thấm từ từ vào trong luống; trên đất thịt, cho nước cách mặt đỉnh luống 10- 15 cm, chờ nước thấm vào chừng 20-30 phút; dở màng phủ theo dõi độ ẩm đất rồi xả nước ra.
- Bón phân thúc: Thường bón các loại phân đơn, phân tổng hợp NPK, có thể hòa nước tưới trực tiếp vào lỗ đục; hoặc dùng lon đục lỗ giữa 2 gốc cây hoặc 2 bên gốc, sâu 15cm, rồi bỏ phân vào lỗ, phân sẽ tan từ từ rất an toàn, nhưng nên bón phân sớm; hoặc giở màng phủ lên một bên rải phân đều cách gốc 15-20 cm, cách này tốn công và cây dễ bị ngộ độc phân vì rễ non của cây nằm sát mặt đất (chỉ nên rải lượng phân nhỏ hoặc nên pha phân loãng để tưới nhiều lần cho hiệu quả tốt hơn).
3. Bảo quản màng phủ sau thu hoạch để sử dụng vụ sau
Sau mỗi vụ thu hoạch, nên thu gom màng phủ lại, giặt rửa sơ qua nước, để cho khô ráo, rồi cuộn cất ở nơi thoáng mát để sử dụng cho vụ kế tiếp. Tuy tốn nhiều công sức cho thu dọn màng phủ nông nghiệp, thế nhưng việc này tiết kiệm một khoản chi phí sản xuất.
4. Nếu màng phủ rách hỏng không còn sử dụng được nữa thì cần thu gom để tái chế, tiêu hủy theo đúng quy định về xử lý chất thải, không nên vứt bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường./.
Phạm Thị Hiệp - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật