Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 18, ngày 19/02/2022 không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc. Ngoài ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, trong các ngày từ 19- 21/02/2022 khu vực Bắc Bộ còn chịu ảnh hưởng thêm của gió hội tụ trên cao 5000m nên từ ngày 19-22/02/2022 các tỉnh Bắc Bộ trong đó có tỉnh Quảng Ninh có mưa, mưa dào và dông. Do tác động của không khí lạnh và mưa nên có khả năng có một đợt rét hại diện rộng, kéo dài, nhiệt độ thấp nhất có thể 8-10 độ, vùng núi 4-6 độ, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ; khu vực vùng núi cao có khả năng xảy ra hiện tượng tuyết, băng giá. Để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra đối với sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, người sản xuất trồng trọt cần triển khai một số biện pháp sau:
1. Đối với cây lúa, mạ:
- Đối với diện tích lúa đã gieo sạ, cấy:
+ Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước 2-3 cm trên mặt ruộng để giữ ấm cho lúa, không để lúa chết úng hoặc chết khô do thiếu nước.
+ Tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 150C; bón bổ sung tro bếp, phân chuồng ủ mục. Khi thời tiết ấm cần tranh thủ tỉa dặm và bón thúc bằng các loại phân hỗn hợp, phức hợp NPK chuyên dùng để lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh sớm.
+ Đối với những diện tích mới gieo sạ thì không nên cho nước vào ruộng sẽ khiến cây mầm bị chết, lúc này nên rải đều tro bếp nguội lên khắp ruộng để giữ ấm. Tuyệt đối không nên bón phân đạm, các loại phân bón lá cho cây vào những ngày rét đậm, rét hại.
+ Khi thời tiết ấm trở lại (trên 180C) nên tăng cường bón phân thúc cho cây bằng phân đạm, NPK và phân lân cho cây; Giữ mực nước ruộng, kết hợp với sục bùn cho bộ rễ phát triển và cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, giúp cây lúa nhanh đẻ nhánh.
- Với diện tích mạ đã gieo:
+ Phủ lên mặt luống mạ một lớp tro trấu hoặc rơm rạ đã hoai, mục để giúp mặt luống được giữ ấm.
+ Làm vòm che trên mặt luống, dùng thanh tre cắm ngang mặt luống mạ tạo thành vòm có đỉnh cao khoảng 40 - 50cm, dùng nilon trắng che phủ trên mặt luống để giữ ấm cho mạ.
+ Luôn giữ ẩm cho luống mạ, không nên để luống mạ khô hạn. Đối với mạ đã lên xanh tốt bà con cần đưa nước vào ngập 1/3-1/2 cây mạ (đối với mạ dược) và tưới ẩm (đối với mạ sân), đồng thời cũng cần phải che phủ kín bằng nilon trắng.
+ Tuyệt đối không bón đạm urê hay NPK khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 150C; chú ý bón bổ sung phân chuồng hoai mục, tro bếp nguội để chống rét cho mạ.
+ Khi nhiệt độ xuống thấp dưới 150C tuyệt đối không gieo mạ những ngày này để đảm bảo được cây mạ sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Hạt lúa đã nảy mầm chưa kịp gieo cần bảo quản thật tốt để tránh tình trạng bị khô mầm trước khi gieo. Cần bảo quản nơi ấm, có thể tủ rơm rạ hoặc bao tải dứa lên trên, tưới nước ấm cho mạ được tươi mầm.
+ Khi nhiệt độ ngoài trời trên 150C thì mở nilon ở 2 đầu luống, không mở hoàn toàn ngay để tránh mạ bị sốc nhiệt. Có thể phun hoặc tưới các loại phân bón qua lá, các chế phẩm sinh học (như: KH, PenacP…) hoặc chất điều hòa sinh trưởng (comcat…) để tăng khả năng chống chịu và khả năng phục hồi cho mạ.

Triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho mạ tại huyện Hải Hà
2. Đối với cây rau màu:
- Chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ Xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh….
- Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại.
- Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay.
- Đối với nhóm rau ăn lá cần che bằng nilon trắng để tránh mưa rét.
- Bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội, phân vi lượng cho diện tích rau chưa đến kỳ thu hoạch để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng khả năng chống chịu với rét đậm, rét hại.
- Theo dõi sát tình hình sâu bệnh trên cây trồng để có biện pháp phòng chống kịp thời.
3. Đối với diện tích lúa đã cấy, gieo sạ, mạ và cây rau màu có nguy cơ bị chết do rét đậm, rét hại: Cần chủ động kiểm tra đánh giá; chuẩn bị dự phòng các giống lúa, rau màu ngắn ngày để thay thế diện tích mạ, lúa, rau, màu bị thiệt hại do rét đậm, rét hại. Chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết yếu, phương tiện để khẩn trương trồng, gieo cấy khi thời tiết thuận lợi (nhiệt độ trung bình trên 150C) theo lịch thời vụ đã xác định./.
Phạm Thị Hiệp - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật