Su hào bị nứt củ là hiện tượng không hiếm, gây giảm sút năng suất, phẩm chất, mẫu mã và giá thành sản phẩm khi bán. Thông thường vết nứt nằm ở giữa củ.
Nguyên nhân gây hiện tượng nứt củ su hào:
- Do giống su hào có vỏ mỏng, khi điều kiện thời tiết thay đổi thì vỏ củ dễ bị nứt.
- Do trong quá trình chăm sóc bón quá nhiều đạm cho cây, làm cây phát triển quá nhanh khiến vỏ không kịp lớn mà thịt bên trong đã phình ra nên gây nứt củ.
- Do độ ẩm đất quá cao, đang khô hạn mà lại tưới nước đột ngột, tưới rãnh, tưới ngập. Cây hút nước quá no làm củ bị nứt.
- Củ bị thiếu dinh dưỡng: đồng, canxi hoặc một số nguyên tố trung vi lượng khác.

Hiện tượng nứt củ su hào
Biện pháp phòng chống hiện tượng nứt củ su hào:
- Tùy theo mùa vụ mà chọn giống su hào, cách chăm sóc phù hợp để tránh hiện tượng nứt củ.
- Duy trì độ ẩm ổn định cho ruộng su hào, không để ruộng bị khô hạn, không tưới nhiều nước vào củ lúc củ đang độ lớn.
- Bón cân đối N-P-K, không bón quá nhiều, nhất là đạm đơn. Ưu tiên bón phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh để bổ sung đạm và kali, giúp vỏ củ phát triển bình thường.
- Bón bổ sung hoặc phun qua lá các loại phân có đồng hoặc có canxi, vôi bột,...
Phạm Thị Hiệp - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật