Cây hồi có tên khoa học là Illicium verum Hook.f, là cây gỗ trung bình, xanh quanh năm. Cây cao 6-8m, có khi cao tới 15m, đường kính thân 15-30cm. Thân mọc thẳng, tròn, dạng cột, vỏ ngoài màu nâu xám. Cành non hơi mập, nhẵn màu lục nhạt, nhẵn, sau chuyển màu nâu xám, cành rất giòn và tương đối thẳng. Tán cây hình tháp, tròn đều. Cây hồi sau khoảng 5-7 năm tuổi thì bắt đầu ra hoa và cho quả. Một năm có 2 vụ hoa quả, vụ chính (vụ mùa) hoa nở vào tháng 7 đến tháng 10 năm trước và quả chín vào tháng 9-10 năm sau, vụ phụ (vụ chiêm) hoa nở vào tháng 6-7 năm trước và quả chín tháng 4-5 năm sau. Hồi chỉ có thể sinh trưởng tốt, cho năng suất cao khi sống ở những vùng có độ cao từ 300-700 m so với mực nước biển, khí hậu ôn hoà, mát, ẩm ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Quảng Ninh.
Hồi là loài cây lâm sản ngoài gỗ, có giá trị dược liệu và giá trị kinh tế cao đã được con người biết đến, thu hái và sử dụng từ rất lâu đời. Sản phẩm chính của hồi là quả hồi (còn gọi là hoa hồi) và tinh dầu hồi, được sử dụng nhiều trong công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm, hoá mỹ phẩm và chế biến thức ăn gia súc. Do đó, hồi là loài cây giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính và gắn liền trong hệ thống sản xuất lâm nghiệp, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội cũng như môi trường sinh thái của người dân sống ở những vùng núi cao.

Thu hoạch hoa hồi tại Bình Liêu
Tại Quảng Ninh, vùng trồng cây hồi chủ yếu tập trung tại huyện Bình Liêu. Từ năm 2013 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” (chương trình OCOP). Đến nay đã củng cố các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây gỗ lớn, hồi, quế, ba kích, trà hoa vàng, cây dược liệu...Tính đến năm 2020 diện tích rừng hồi 9.131 ha; diện tích cho thu hoạch 5.478 ha; sản lượng 2.625 tấn/năm (Báo cáo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Liêu năm 2020). Sản phẩm hoa Hồi được xác định là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh tại Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Cây hồi 15 năm tuổi có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Ở lập địa tốt 1ha trồng hồi cho năng suất bình quân từ 1-1,5 tấn quả, với giá bán 75-80 nghìn đồng/kg (năm 2021), thu nhập bình quân đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm. Trong những năm qua, nguồn thu nhập từ cây hồi giúp người dân nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Nhu cầu mở rộng diện tích cây hồi và trồng bổ sung, thay thế những rừng hồi già cỗi, năng suất thấp là rất lớn. Tại Bình Liêu diện tích rừng hồi đã cho thu hoạch chiếm trên 60% tổng diện tích. Tuy nhiên, rừng trồng phần lớn từ nguồn giống chưa qua chọn lọc và khảo nghiệm, cây giống chủ yếu gieo tạo từ hạt nên cây cao, khó thu hoạch. Các biện pháp kỹ thuật tác động không đồng bộ, rất ít hoặc không tác động chăm sóc nên năng suất ngày càng suy giảm; kết hợp với ảnh hưởng của tuổi cây, biến đổi khí hậu dẫn đến rừng hồi bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp, chất lượng tinh dầu không cao, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất.

Cây giống hồi ghép
Hiện nay, phần lớn diện tích rừng hồi thuộc đất sản xuất của các hộ gia đình, bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư, chế biến, xuất khẩu sản phẩm hồi. Một số tổ hợp tác, hợp tác xã trồng hồi bước đầu hình thành và đi vào hoạt động, tuy nhiên hoạt động của các tổ chức này còn hạn chế; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi còn yếu. Công tác tổ chức, quản lý sản xuất từ cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm chưa được thực hiện. Việc thu mua chủ yếu thông qua các cơ sở, đại lý thu gom làm trung gian, vì thế rất khó khăn cho kiểm soát chất lượng do không biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Chưa phát huy được vai trò của hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp chế biến. Sản phẩm chất lượng chưa cao, tiềm năng xuất khẩu hạn chế.

Phơi khô hoa hồi trước khi đóng gói
Thực hiện Quyết định số 697QĐ-BNN-KN ngày 23/2/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt danh mục dự án khuyến nông trung ương thực hiện giai đoạn từ năm 2022-2024, dự án Xây dựng mô hình trồng Hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu từ năm 2022 với mục tiêu chuyển giao đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất Hồi áp dụng theo hướng hữu cơ từ giống đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, có thể truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Cây giống hồi ghép có đặc điểm nhanh ra quả (cho quả từ năm thứ 3 sau khi trồng), phân cành thấp nên khắc phục được tình trạng cây cao khó thu hái. Đồng thời dự án hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hồi theo hướng hữu cơ để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm hồi; kết nối với các chương trình khác để tạo vùng nguyên liệu đáp ứng xuất khẩu. Dự án cũng tập trung giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tổ chức sản xuất, thành lập/củng cố, phát huy vai trò hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất./.
Hoàng Thị Thế - Trung tâm khuyến nông