Cây Mắc ca (Macadamia integrifolia Maid. Et Betche) là loài cây có xuất xứ từ Úc và đã du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay. Cây có sức sống mạnh mẽ, dễ trồng, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Là cây đa mục đích, cây Mắc ca có tiềm năng sinh trưởng tốt, có thể phát triển tập trung quy mô lớn. Cây Mắc ca vừa có thể trồng thành rừng phòng hộ đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy, góp phần nâng tỉ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là ở các vùng vùng biên giới, vùng sâu, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, vừa có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác, đem lại hiệu quả kinh tế.
Hạt Mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng rất cao và hương vị thơm ngon, đặc biệt thích hợp trong chế biến thực phẩm. Chế biến hạt bằng cách sấy khô có thể bảo quản, lưu kho lâu ngày nên không bị áp lực tiêu thụ như các loại quả tươi khác. Hạt Mắc ca sử dụng để chế biến ra rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, dùng làm nhân bánh ngọt, kem, nhân sô cô la hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp rất được ưa chuộng ở Mỹ, châu Âu.
Gần đây, việc tiêu thụ các loại thực phẩm từ hạt trên toàn thế giới ngày càng tăng với xu hướng sử dụng làm đồ ăn nhẹ lành mạnh, giúp làm chậm quá trình lão hoá, giảm cân và giữ gìn sức khỏe. Một khẩu phần hạt có thể là sự thay thế có lợi cho thịt chế biến, khoai tây chiên hoặc đồ ăn nhẹ có đường.
Theo dự báo của Hiệp hội hạt và quả khô quốc tế (INC), thời gian tới cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm. Đến năm 2030, lượng cung Mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu Mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021-2030 và các năm sau đó.

Quả và hạt mắc ca
Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 344/QĐ-TTg. Đề án nhận định Mắc ca là cây trồng nhập nội, mới được gây trồng, phát triển ở Việt Nam, việc phát triển vùng trồng mắc ca cần được nghiên cứu, triển khai từng bước thận trọng, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu của thị trường, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. Phát triển Mắc ca trên cơ sở phát huy lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương; từng bước hình thành ngành hàng Mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mắc ca trên cơ sở xây dựng vùng trồng tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hoá đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường, có sức cạnh tranh cao.
Với mục tiêu năm 2030 sản lượng Mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt, khoảng 500.000 tấn hạt năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm Mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%. Đề án đưa ra giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phát triển cây Mắc ca theo hướng hiệu quả, bền vững, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách mới; rà soát, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mắc ca.

Cây Mắc ca cho thu hoạch quả
Đề án cũng giao nhiệm vụ cho các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây tiến hành rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng và tích hợp vùng trồng Mắc ca vào Quy hoạch tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để hình thành vùng trồng thâm canh tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển Mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, buôn bán giống cây Mắc ca trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống Mắc ca vi phạm pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây Mắc ca nhân bằng giống vô tính (cây ghép) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, về hiệu quả của việc sử dụng giống tốt trong sản xuất, các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Mắc ca đạt hiệu quả kinh tế cao; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phát triển cây Mắc ca cho người dân, doanh nghiệp.
Cây Mắc ca được công nhận là cây trồng lâm nghiệp chính tại Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Như vậy người nông dân sẽ không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi trồng cây. Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cũng có đủ điều kiện để quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống theo chuỗi hành trình. Chỉ có quản lý chặt chẽ theo chuỗi hành trình giống cây trồng, người nông dân mới bớt rủi ro về mặt kĩ thuật và không sử dụng phải giống kém chất lượng, đó là những thuận lợi để ngành Mắc ca phát triển trong thời gian tới./.
Hoàng Thị Thế - Trung tâm khuyến nông