
Quang cảnh buổi làm việc
Ngày 21/4/2022 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh phối hợp với phòng Kinh tế thành phố Uông Bí, UBND phường Phương Nam, Trung tâm Kiểm dịch thực vật Sau nhập khẩu I, Công ty Cổ phần OTAS GLOBAL triển khai buổi làm việc thí điểm mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng Vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Hệ thống, tiêu chuẩn OTAS là tiêu chuẩn có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng và ngược dòng các sản phẩm, trong đó có mặt hàng nông sản. Việc xác thực theo hệ thống, tiêu chuẩn OTAS là điều kiện để đàm phán hàng rào kỹ thuật với các nhà nhập khẩu. Với mục tiêu cung cấp sản phẩm có chất lượng, an toàn và bền vững, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việc ứng dụng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS trong quản lý mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh sẽ tạo điều kiện nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm của tỉnh, được thị trường quốc tế chấp nhận.

Kiểm tra thực địa Vùng trồng Vải chín sớm Phương Nam, Tp Uông Bí
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường, nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Công nghệ số - chuyển đổi số sẽ giúp ích nhiều cho truy xuất nguồn gốc, có thể ghi chép đa phương tiện, lưu trữ không giới hạn, kết nối không biên giới,… giúp truy xuất nguồn gốc nhanh, thuận tiện hơn, dễ dàng minh bạch và hỗ trợ kịp thời cho các chủ cơ sở trong chuỗi cung ứng, tránh rủi ro.
Trong thời gian tới Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Uông Bí, Công ty Cổ phần OTAS GLOBAL sẽ tiến hành các biện pháp, triển khai thí điểm mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng Vải Chín sớm Phương Nam với qui mô: 30 ha (10 ha/1 điểm) tại 3 điểm trồng tại phường Phương Nam, thành phố Uông Bí. Áp dụng rộng rãi hệ thống/tiêu chuẩn OTAS trong quản lý, giám sát vùng trồng theo nội dung, kế hoạch đề ra. Thực hiện kiểm tra, giám sát và quản lý sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV tại các vùng trồng./.
Lê Thị Thùy Dung - Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật