KỸ THUẬT GIEO ƯƠM
1. Chọn vườn ươm
- Vườn ươm nên chọn ở nơi thuận tiện đi lại, có nguồn nước tưới và gần nơi trồng rừng để giảm công vận chuyển.
- Chọn nơi đất tốt và tương đối bằng phẳng, thoát nước tốt, đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình; nơi thoáng gió và không có luồng gió mạnh và gió hại, không có mầm mống sâu bệnh hại.
- Có hàng rào bảo vệ xung quanh vườn ươm.
2. Làm đất vườn ươm
- Làm luống gieo hạt: Làm đất gieo hạt phải được tiến hành trước khi gieo ít nhất 1 tháng; cuốc xới đất sâu khoảng 20 cm, đập nhỏ và làm tơi xốp đất, phơi ải để diệt cỏ dại và mầm sâu bệnh hại. Sau đó lên luống với kích thước rộng 1m, cao từ 12-15 cm, dài từ 5-10 m tùy theo lượng hạt cần gieo; san phẳng mặt luống và tránh đọng nước, giữa các luống có rãnh rộng từ 50-60 cm để đi lại chăm sóc luống cây mầm.
- Làm luống bầu: Dẫy sạch cỏ, san phẳng mặt đất, cắm cọc và căng dây để đặt luống bầu cho thẳng hàng, luống bầu thường rộng 1m và dài từ 5 - 10 m, khoảng cách giữa các luống bầu rộng từ 50-60 cm, hướng luống bầu có thể xuôi theo hướng dốc hoặc song song với đường đồng mức. Trước khi đặt bầu phải tưới nước vôi loãng để phòng nấm bệnh hoặc thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Difenoconazole, Hexaconazol để phòng bệnh.
3. Tạo bầu
- Loại vỏ bầu PE hoặc bầu hữu cơ sinh học tự tiêu, có kích thước đường kính tổi thiểu là 6 cm, chiều cao tối thiểu là 12 cm dùng cho tạo cây giống 8-12 tháng tuổi và đường kính tổi thiểu là 10 cm; chiều cao tối thiểu là 18 cm trở lên dùng cho tạo cây giống 18-24 tháng tuổi. Nếu túi bầu có đáy phải cắt 2 góc hoặc đục lỗ dưới đáy bầu để thoát nước.
- Thành phần ruột bầu: Đất tầng B hoặc trộn các loại giá thể khác như vỏ trấu, mùn cưa, sơ dừa,...; phân chuồng đã ủ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân NPK. Các loại phân được đập và sàng nhỏ.
- Trộn đều hỗn hợp ruột bầu trước khi đóng vào bầu, tỷ lệ ruột bầu tính theo trọng lượng bầu, gồm: 95% đất + 4% phân chuồng đã ủ hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh + 1% phân NPK tỷ lệ 5.10.3 hoặc tương đương.
- Đóng bầu: Cho hỗn hợp ruột bầu vào 1/5 túi bầu, dùng tay nén chặt để tạo thành đế bầu, sau đó vừa tiếp tục cho đất vừa nén nhẹ cho tới khi đầy bầu.
- Xếp bầu vào luống thành từng luống rộng 1m, dài từ 5-10 m tùy theo số lượng cây con cần tạo và diện tích khu vườn ươm. Sau khi xếp bầu xong, vun đất ở rãnh luống lấp kín chân bầu tới 2/3 chiều cao bầu.

ảnh minh hoạ
4. Xử lý hạt giống và đất trước khi gieo, cấy cây
- Hạt giống được rửa sạch, loại bỏ tạp chất, hạt thối, hạt lép, vớt ra để ráo nước; ngâm hạt trong nước muối loãng hoặc thuốc tím nồng độ 0,1% và giữ ở nhiệt độ 30-400c trong khoảng 3 giờ, vớt ra để ráo nước đem gieo ngay hoặc ủ hạt.
- Ủ hạt: Sau khi xử lý được ủ trong bao vải, mỗi ngày rửa chua từ 1-2 lần đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo.
- Xử lý đất trước khi gieo và cấy cây: Trước khi gieo hạt 1 ngày, xử lý đất trước khi gieo và khi cấy cây giống như xử lý đối với luống bầu.
5. Thời vụ: Thời vụ gieo hạt tốt nhất từ tháng 1- 3 hàng năm hoặc trước khi trồng từ tháng 10 đến 12 tháng.
6. Gieo hạt, cấy cây, chăm sóc cây
a) Gieo hạt
- Tưới nước trên luống cho đủ ẩm trước khi gieo hạt, có 2 cách gieo hạt:
+ Gieo hạt thẳng vào bầu: Dùng que chọc lỗ, độ sâu từ 0,5-1cm, sau đó gieo hạt đã nứt nanh vào bầu rồi lấp hạt bằng lớp đất mịn, dày từ 0,3-0,5 cm cho kín hạt. Chú ý đặt phần chóp mầm của hạt xuống phía dưới.
+ Gieo hạt tạo cây mầm để cấy: Làm mặt luống gieo cho bằng phẳng, gieo vãi hạt đều lên mặt luống, khối lượng gieo từ 1,0-1,5 kg hạt/1m2, dùng cát mịn phủ kín hạt dày từ 0,3-0,5 cm sau đó làm dàn che để che nắng và giữ ẩm.
Lưu ý: Tiêu chuẩn hạt giống đem trồng, cụ thể: Độ thuần hạt giống ≥ 90%; Khối lượng 1.000 hạt ≥ 333 gram; Tỷ lệ nảy mầm ≥ 75%; Thế nảy mầm ≥ 45%; Hàm lượng nước trong hạt tối đa ≤ 30%; Hạt giống đồng đều về kích thước và màu sắc; 100% số hạt giống không bị sâu bệnh hại.
b) Cấy cây
- Trước khi nhổ cây mầm, cần tưới nước cho thật đẫm luống cây mầm để dễ nhổ (bứng cây mầm). Chọn những cây mầm có chiều cao từ 5-7 cm và có từ 3-4 lá sức sống khỏe mạnh. Dùng tay để nhổ hoặc dùng 1 que nhọn để bứng cây mầm. Cây mầm bứng lên được ngâm ngay gốc rễ vào nước bùn loãng để hồ rễ và đem đến địa điểm cấy.
- Trước khi cấy cần tưới ẩm luống bầu, dùng que nhọn tạo 1 lỗ nhỏ giữa bầu, có chiều sâu tương đương chiều dài rễ cọc của cây mầm, nếu rễ cọc quá dài cần cắt bớt chỉ để lại từ 2-3cm, cắt bớt rễ phụ; nhẹ nhàng cấy cây mầm vào bầu, chú ý không để cong hoặc gập rễ trong bầu, dùng que ép chặt hai bên sao cho rễ tiếp xúc với đất trong bầu, không có lỗ hổng quanh rễ cây mầm. Cấy xong 1m chiều dài luống bầu thì dùng thùng có vòi hoa sen lỗ nhỏ tưới đẫm luống bầu. Nên chọn những ngày râm mát hoặc mưa nhỏ để nhổ và cấy cây.
c) Chăm sóc cây con
- Làm giàn che: Giàn che làm bằng lưới nilon đen, tỷ lệ che sáng tối thiểu 50%; chiều cao giàn che tối thiểu là 2,0 m. Giàn che được duy trì từ khi gieo hạt hoặc cấy cây đến trước khi đem trồng khoảng 1 tháng, dỡ bỏ giàn che để huấn luyện cây con.
- Tưới nước: Trong 30 ngày đầu sau khi gieo hạt đã nứt nanh hoặc cấy cây mầm vào bầu, nếu trời khô hanh (không có mưa) cần tưới nước 2 lần/ngày (sáng và chiều), sao cho độ ẩm thấm tới tận đáy bầu, những ngày tiếp theo có thể tưới mỗi ngày từ 1-2 lần tuỳ theo điều kiện thời tiết cụ thể.
- Làm cỏ, phá váng: Định kỳ từ 15-20 ngày tiến hành làm cỏ phá váng mặt bầu 1 lần.
- Bón thúc: Cả giai đoạn vườn ươm có thể bón thúc cho cây con từ 2-4 lần bằng phân hữu cơ đã ủ hoai pha loãng (hạt đậu tương ủ hoai) hoặc phân NPK (tỷ lệ 10.10.5 TE hoặc 13.13.13 TE), nồng độ 1% (100g NPK pha với 10 lít nước) hoặc NPK Lân cao 8.58.8, nồng độ 0,5% (50 g pha với 10 lít nước), liều lượng tưới 2 lít/1 m2 mặt luống. Lần đầu tưới khi cây đạt 4 tháng tuổi; những lần sau cách từ 1-2 tháng. Sau khi tưới phân phải tưới nước sạch rửa lá, thân. Không bón phân vào ngày mưa nhiều và ngừng bón thúc trước khi trồng 1 tháng, để cứng cây.
- Đảo bầu và phân loại cây con:
+ Đảo bầu lần đầu khi cây cấy hoặc tra hạt từ 5-6 tháng, các lần sau cách lần trước từ 2-3 tháng và trước khi trồng từ 1-2 tháng.
+ Khi đảo bầu, phải cắt đứt các rễ cây ăn sâu xuống đất và giãn mật độ của bầu cho cây phát triển cân đối.
+ Cùng với việc đảo bầu là phân loại cây con, cây có cùng chiều cao và mức độ sinh trưởng thì xếp riêng vào một khu vực(xếp theo hàng mức độ từ thấp lên cao) để có biện pháp chăm sóc phù hợp bằng cách bón thúc bằng phân chuồng hoai (phân hữu cơ vi sinh) hoặc phân NPK cho những cây sinh trưởng kém.
7. Phòng chống sâu bệnh hại
- Ở giai đoạn vườn ươm thành phần sâu hại gồm có: Bọ trĩ, sâu Róm, sâu Xám, rệp Sáp, sâu Đục thân, sâu ăn lá phá hại; Các loại bệnh gồm có: Bệnh thối cổ rễ, bệnh đốm lá và khô lá...xuất hiện.
- Biện pháp phòng chống: Xem chi tiết tại mục phòng chống sâu bệnh hại.
8. Bảo vệ
- Đề phòng chuột, dế, kiến…phá hại mầm hạt, cắn chết cây.
- Dùng ni lông quây kín để phòng chuột phá hại hoặc có thể dùng các loại bẫy để bắt chuột, dế, kiến…
- Đào hào hoặc làm hàng rào bảo vệ gia súc, gia cầm phá hại vườn ươm.
9. Tiêu chuẩn cây con đem trồng
Hạng mục
|
Trồng rừng thuần loài, nông lâm kết hợp
|
Trồng cây phân tán trong các vườn hộ, trồng làm giàu rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung
|
Tuổi cây
|
Từ 9 đến dưới 18 tháng tuổi
|
Từ 18 đến 24 tháng tuổi
|
Chiều cao cây
|
> 25 cm;
|
> 50 cm
|
Đường kính cổ rễ
|
> 0,4 cm
|
> 0,5 cm
|
Đánh giá sinh trưởng
|
Cây có trên 10 lá, Cây sinh trưởng tốt không bị sâu bệnh và đã được mở bớt giàn che
|
Cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh
|