
Rừng là vành đai xanh bảo vệ biên giới
Trong thời gian qua các sở, ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, việc vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng bảo vệ rừng, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng, công ty, tổ chức và đơn vị có liên quan tập trung triển khai các nội dung sau:
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 (trong đó tập trung đẩy mạnh điều tra xác minh các vụ việc chặt phá rừng); Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên trên địa bàn quản lý nhưng không phát hiện, báo cáo, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả; xử lý dứt điểm các vụ việc tranh chấp, lấn, chiếm, khiếu kiện về đất rừng.

Ngày 18/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật
Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Lâm nghiệp; các chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức tới mọi tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không tự ý chặt phá rừng để trồng rừng kinh tế; tích cực tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, quản lý nghiêm diện tích rừng hiện có, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực đối với rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng; giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ cho chủ rừng và chính quyền địa phương cấp xã nơi có rừng. Tăng cường tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đất rừng để phân lô, bán nền, xây dựng trái quy định của pháp luật trên đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với lực lượng Công an, Kiểm lâm kiểm tra hiện trường, điều tra xác minh làm rõ đối tượng vi phạm trong các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, các chủ rừng tăng cường biện pháp quản lý bảo vệ rừng, nhất là tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.
Đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng. Đối với diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ đang sinh trưởng phát triển đưa vào kế hoạch bảo vệ rừng. Nghiêm cấm việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Cấp phép xây mới nhà máy chế biến lâm sản phải đảm bảo đủ điều kiện và đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy, đảm bảo Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về quản lý các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, thực hiện lộ trình giảm các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hoạt động.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát rừng, nâng cao đời sống, thu nhập người làm nghề rừng; huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, tiêu thụ lâm sản nhằm giảm áp lực đối với rừng; căn cứ điều kiện thực tiễn tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung của Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về chính sách phát triển rừng. Tham mưu thực hiện đảm bảo chất lượng công tác kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp dự báo cháy rừng, kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng tới các địa phương; huy động lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất rừng của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các quy định thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, chồng chéo... Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, mua bán, chuyển nhượng trái quy định và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định của pháp luật.Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các vụ việc kiến nghị, khiếu kiện, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng để tham mưu, đề xuất giải quyết từ sớm từ cơ sở. Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự trong quản lý, bảo vệ rừng; khởi tố vụ án, bị can để truy tố đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời làm rõ các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan nhất là số kích động, quá khích trong tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tạo sự răn đe, không để phát sinh phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Tập huấn tăng cường năng lực nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm
Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn BCH Quân sự các huyện, thị xã, thành phố, các đồn Biên phòng, lực lượng Dân quân tự vệ địa phương tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Giao nhiệm vụ cho đơn vị đóng quân trên địa bàn tham mưu chính quyền cấp xã về bảo vệ rừng, tăng cường công tác tuần tra kết hợp bảo vệ rừng; phối hợp hỗ trợ và tham gia cùng lực lượng Kiểm lâm địa phương phát hiện các vi phạm và bảo vệ rừng để xử lý theo quy định của pháp luật, chủ động tích cực tham gia công tác PCCCR.

Các lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Các công ty lâm nghiệp, các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ, các chủ rừng là tổ chức tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chịu trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đã được giao, được cho thuê hiện có. Thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời, trung thực các sự việc liên quan đến công tác bảo vệ rừng, khai thác chặt phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm rừng, đất rừng trên diện tích rừng được giao quản lý về UBND cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Riêng đối với các vụ phá rừng, cháy rừng phải thực hiện báo cáo ngay trong ngày. Phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong diện tích được giao, được thuê, quản lý ngay từ khi vụ việc mới phát sinh. Đối với các vụ việc đã phát sinh, đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, chỉ ra yêu cầu tập trung để giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh./.