Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO): quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là giải pháp trụ cột trong sản xuất cây trồng bền vững và giảm thiểu nguy cơ do thuốc bảo vệ thực vật. FAO thiết lập mạng lưới IPM toàn cầu thông qua ba chương trình IPM khu vực (châu Á, cận Đông và Tây Phi) để hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình IPM quốc gia các nước nghèo trong khu vực. IPM được đánh giá là một chương trình góp phần nâng cao dân trí, kỹ năng sản xuất và xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, góp phần đắc lực vào chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thiên địch trên đồng ruộng
Nền tảng của Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là Quản lí dịch hại tổng hợp (IPM). Điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. Cụ thể, IPM muốn kiểm soát dịch hại, lấy đó làm cơ sở để bảo vệ cây trồng. Những biện pháp của IPM nhấn mạnh đến trừ dịch hại, và chỉ tập trung vào nông nghiệp. Trong khi đó, IPHM muốn nâng cao sức khỏe cây trồng. Những biện pháp của IPHM chủ yếu hướng vào việc phòng dịch hại.
Mục tiêu của IPHM là đảm bảo sức khỏe cây trồng, nâng cao được giá trị sản phẩm trồng trọt, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng đa dạng sinh học; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho người nông dân về sức khỏe cây trồng; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trang bị và cập nhật kiến thức từ khâu sản xuất đến thương mại nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật.
Trên cơ sở 6 nguyên tắc cơ bản của IPHM gồm:
1. Đất khỏe (Đất giúp điều tiết nước và các chất hòa tan đi xuống hoặc qua đất. Đất duy trì sự sống của thực vật và động vật, sự đa dạng và năng suất của các sinh vật sống phụ thuộc vào đất. Đất lọc và làm giảm, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng: các kháng chất và vi sinh vật trong đất có trách nhiệm lọc, đệm, làm suy giảm, cố định, giải độc hữu cơ và vô cơ, bao gồm các rác thải công nghiệp và đô thị ô nhiễm khí quyển. Đất giúp sự ổn định và hỗ trợ về mặt vật lý: Đất cung cấp phương tiện cho cây bám rễ, cung cấp sự hỗ trợ cho các cấu trúc như nhà cửa, đường sá,…).
2. Cây trồng khỏe: Gồm giống tốt, cấy mật độ phù hợp, dinh dưỡng hợp lí, sinh vật gây hại thấp, đảm bảo năng suất chất lượng,…)
3. Đầu tư thông minh: Trước những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, sức ép từ đảm bảo an ninh lương thực do tăng dân số và yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng đối với nông sản, thực phẩm tại thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, Việt Nam đang theo đuổi xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh với việc chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp cao.
4. Bảo vệ môi trường sinh thái: Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong đó bao gồm địa chất, đất, không khí, nước và tất cả các sinh vật sống.
5. Giám sát và kiểm tra đồng ruộng: Người nông dân nâng cao trình độ hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước. Người nông dân đánh giá so sánh được vụ này với vụ khác, năm này với năm khác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
6. Nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm: Người nông dân phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, tuyên truyền kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ cho người nông dân khác, bảo vệ an ninh lương thực cho địa phương, quốc gia.
Nội dung của chương trình IPHM dựa trên nền tảng chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) và thông qua các tiêu chí: Giống khỏe (giống chất lượng, cây trồng khỏe); sức khỏe của đất và dinh dưỡng cho cây trồng (đất và phân bón),…
Những nguyên tắc, mục tiêu và nội dung của Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) được xây dựng sẽ là bước tiếp nối theo chiều sâu của chương trình IPM, góp phần bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường, hoàn toàn phù hợp với những định hướng, mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh./.
Bùi Thị Khanh - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật