Kiểm tra đồng ruộng
1. Đối với cây lúa
- Chủ động khơi thông dòng chảy, kiểm tra các bờ kênh, mương, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn những khu vực bị ngập úng, tránh tình trạng ngập úng lâu nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của lúa, thậm chí gây thối và chết lúa.
- Xử lý các chất thải (bùn đất, rong rêu,…) bám trên lá lúa để đảm bảo cây lúa quang hợp tốt nhất, sinh trưởng phát triển phục hồi hiệu quả nhất.
- Khi cây lúa đã hồi phục, khuyến cáo các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa, màu ở vùng bị ảnh hưởng nhẹ. Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cao tương đương. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm né tránh sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.
- Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.
2. Đối với cây rau màu
- Tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.
- Sau khi nước rút, thu dọn tất cả các cây bị dập nát, bị héo không có khả năng hồi phục. Sau đó có thể hòa loãng 0,2 kg lân Supe với 10 lít nước để tưới gốc, kích thích bộ rễ phát triển, đồng thời phun các chế phẩm sinh học như KH, PennacP, Siêu lân...(lưu ý không tưới sát gốc và để phân dính lên lá) để giúp cây nhanh hồi phục.
- Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống để sẵn sàng gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa bão gây ra, chỉ tiến hành gieo trồng khi thời tiết thuận lợi cho việc gieo trồng các loại cây trồng.
3. Đối với cây ăn quả
- Thực hiện một số biện pháp khắc phục sau mưa bão như đào rãnh, tập trung bơm hút nước rút nhanh ra khỏi vườn cây; dùng cưa chuyên dụng cưa cành bị gãy, vệ sinh đồng ruộng, tại vị trí cưa nên dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc trừ nấm gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế tác hại của nấm xâm nhập vào cành cây gây hại.
- Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá (hạn chế sử dụng phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây; xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ;đối với những cây thiệt hại nặng như trốc gốc, gãy nhánh nặng khó phục hồi, cần có kế hoạch sử dụng cây giống chất lượng cho trồng mới./.
Bùi Thị Khanh - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật