Đảo Phất Cờ nằm trên Vịnh Bái Tử Long, cách cảng tàu khu du lịch Việt - Mỹ (xã Hạ Long, Vân Đồn) khoảng 1,5km, từ bờ nhìn ra, đảo Phất Cờ như vòng cung xanh án ngữ trước một vùng biển mênh mang thuộc khu vực cảng thôn 2, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Ngoài cảnh quan tự nhiên, hang động kỳ vĩ, Đảo Phất cờ nay còn được biết đến một mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi, trồng một số loài thủy, hải sản, đặc sản biển. Đây cũng là nơi đang triển khai nuôi thử nghiệm một số loài mới. Đồng thời đây cũng là địa chỉ hấp dẫn cho du lịch trang trại biển – Hướng phát triển mới nhằm từng bước hiện tực hóa Kế hoạch số 16/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 18/01/2022 về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Một góc Farm nuôi của HTX nuôi trồng thủy sản Phất Cờ nhìn từ trên cao
HTX Phất Cờ được thành lập từ năm 2017 với mục tiêu chung là hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất. Ban đầu thành lập, Hợp tác xã có 16 xã viên tham gia, đến nay đã thu hút được 23 xã viên tham gia cùng với số nhân khẩu có nguồn sống chính là trên 90 người. Với Quy chế hoạt động chặt chẽ, Hợp tác xã được vận hành bởi Hội động quản trị năng động, quyết đoán các thành viên đã nhận tức được quyền lợi và nghĩa vụ trong sản xuất như bảo vệ môi trường vùng nuôi; bảo vệ an ninh, tài sản chung; được hướng dẫn, tiếp cận với các nguồn cung cấp con giống, vật tư nuôi trồng tin cậy, tạo lập một cộng đồng trách nhiệm trong tiêu thụ sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá bán… số vốn góp bình quân hiện nay của xã viên đạt trên 1.000 triệu đồng/xã viên, tính đến nay, tài sản của Hợp tác xã đã đạt trên 24.000 triệu đồng đồng với mức Doanh thu bình quân trên 1.100 triệu đồng/xã viên/năm, cá biệt có hộ đạt mức doanh thu trên 3.000 triệu đồng mỗi năm. Lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/xã viên/năm. Các giống thủy sản nuôi chủ yếu là các loại cá (song, giò, rìa, hồng mỹ), hàu, ngao giá, ốc hương… gần đây, HTX Phất Cờ đã thử nghiệm thành công nuôi rong sụn trên vịnh Bái Tử Long, mở ra hướng đi mới trong phát triển đa dạng đối tượng, xen canh trên cùng diện tích nuôi trồng.
Ông Nguyễn Sỹ Bính – Chủ tịch HĐQT hợp tác xã tách, xâu giống rong sụn nuôi trồng trên Farm nuôi
Từ chủ trương thay thế vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản biển bằng vật liệu mới (HDPE) bền vững, không ô nhiễm, thân thiện với môi trường. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản. Đây chính là giải pháp của Tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh. Đặc biệt, tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS. HTX Phất Cờ là điểm sáng, là nơi thay thế vật liệu nổi đầu tiên trong tỉnh Quảng Ninh. Riêng hộ gia đình ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nguyễn Sỹ Bính đã thay thế phao xốp và sử dụng vật liệu nổi bằng vật liệu HDPE.
Nuôi hàu TBD bằng giàn treo sử dụng vật liệu mới tại HTX
Với tư duy nhạy bén, Hội đồng quản trị của Hợp tác xã Phất cờ đã chủ trương và vận động xã viên thực hiện Hợp tác với Tập đoàn nhựa Super Trường Phát (Trường Phát), Tập Đoàn đã đầu tư xây dựng một mô hình trang trại nuôi biển biển kết hợp với du lịch cùng các xã viên. Trang trại nổi được xây dựng trên diện tích 5,0 ha gồm nhiều phân khu: Nhà điều hành kết hợp đón khách 240 m2 với sức chứa trên 60 người; Lồng phục vụ khách tham quan bơi, tắm biển; bè checkin với diện tích 16 m2. Đồng thời với đó là hệ thống lồng vuông (12 chiếc với diện tích từ 16 – 30m2/chiếc), hệ thống lồng tròn (02 chiếc với đường kính 12 m); hệ thống giàn hàu trên diện tích 4,0 ha (trên 6.000 quả phao nổi); hệ thống bè ương, nuôi giống rong sụn (100 ô có diện tích 9,0m2; Hệ thống sân phơi rong thương phẩm rộng trên 2.000m2. Đây là phần diện tích thử nghiệm nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời cũng là nơi xây dựng mô hình trình diễn các loại vật liệu nổi kết hợp với du lịch trải nghiệm. Đến tham quan, du khách được trao đổi kinh nghiệm thiết kế, vận hành, quản lý mô hình nuôi. Đặc biệt có thể được trải nghiệm câu cá trên bè và thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình khai thác, chế biến…
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Tỉnh thăm mô hình
HTX Phất Cờ đã thử nghiệm nuôi thành công việc nuôi xen canh giữa hàu Thái Bình Dương và rong sụn (nuôi rong xen kẽ trong bè hàu). Một mặt phá thế độc canh của con hàu, giảm sức tải của môi trường do nuôi một đối tượng hàu ở mật độ cao phát sinh dịch bệnh và thiếu thức ăn, một mặt tạo ra một ngành hàng mới có giá trị là rong sụn. Hiện có nhiều đối tác trong nước và nước ngoài đã đặt hàng để thu mua các sản phẩm này với giá trị cao. Mở ra hướng sản xuất mới có sự liên kết chặt chẽ, bền vững.
Thả nuôi rong sụn
Trong định hướng phát triển dài hạn của HTX vẫn gặp không ít những khó khăn, đặc biệt là khả năng tiếp cận các nguồn tài chính (vốn vay, vốn hỗ trợ…) do hiện nay phần diện tích Hợp tác xã đang khai thác, nuôi trồng khoảng trên 100 ha nhưng mới được cấp quyền sử dụng 20 ha. Phần diện tích ngoài phần được cấp hiện chưa được quy hoạch, chưa được giao nên không thể làm các thủ tục cấp mã số vùng nuôi, đăng ký chất lượng… để sản xuất ổn định và tham gia vào các Hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Rất cần được tháo gỡ kịp thời từ các cấp quản lý./.
Nguyễn Bá Lâm - Trung tâm Khuyến nông