Phòng trừ bệnh khô vằn hại lúa

19/09/2022 14:47

      Hiện nay, các trà lúa Mùa đang ở giai đoạn làm đòng trỗ bông (lúa Mùa sớm giai đoạn chắc xanh-đỏ đuôi). Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, diện tích nhiễm bệnh khô vằn toàn tỉnh khoảng trên 500 ha. Nhằm giúp người sản xuất lúa phòng trừ bệnh khô vằn đạt hiệu quả, chúng tôi xin giới thiệu về cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng trừ bệnh khô vằn trên cây lúa như sau:

 *Triệu chứng bệnh 

 Bệnh gây hại chủ yếu ở bẹ lá, phiến lá và cổ bông, suốt thời kỳ sinh trưởng từ giai đoạn mạ đến trỗ bông. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên. Khi bệnh nặng, cả bẹ và phần lá phía trên bị chết lụi. Vết bệnh đầu tiên có màu lục tối hơi ướt, hình bầu dục, sau đó lan rộng ra và liên kết lại thành đám lớn. Những đám chồng chất lên nhau với các màu sắc khác nhau nên trông có vẻ vằn vện như da hổ hoặc như những vân mây. Bên ngoài viền có màu nâu, bên trong có màu xám xanh hoặc xám vàng. Phần trên vết bệnh mọc những sợi nấm màu trắng, có thể mọc ở phần thân trên mặt nước lên trên cổ bông, sau đó xuất hiện nhiều hạch nấm còn non có màu trắng, già có màu nâu vàng, thường có hình dẹt hoặc hình bầu dục. Các hạch nấm có thể dễ dàng rơi ra khỏi các vết bệnh và lan truyền trên mặt nước ruộng. 

Ruộng lúa bị bệnh khô vằn

 *Tác nhân gây bệnh

 Bệnh khô vằn do nấm Rhizoctonia solani gây nên. Đây là loài nấm đa thực gây hại trên rất nhiều loại cây trồng khác như  ngô, đậu tương, lạc,...

  *Đặc điểm phát sinh, phát triển

 Ở ngoài đồng, bệnh phát sinh, phát triển trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao. Nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát triển khoảng 24-320C và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Những ruộng bón nhiều đạm, bón thúc đòng không cân đối với tỉ lệ N-P-K không hợp lý, những ruộng bón Kali thấp, bệnh nặng.

 Những giống lúa bẹ dày ít nhiểm bệnh hơn những giống thấp cây, bẹ ngắn. Bệnh thường phát triển theo chiều ngang hoặc chiều đứng. Chiều ngang: lây nhiễm sang cây bên cạnh. Chiều đứng: bệnh lan dần từ dưới gốc lên bẹ lá ở phía trên bông lúa. Vết bệnh phát triển lên cao thì càng làm năng suất giảm. Vết bệnh lan theo chiều ngang phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh, nhiệt độ, ẩm độ mật độ sạ, cấy,…Vết bệnh lan theo chiều đứng phụ thuộc vào đặc tính kháng bệnh của giống, lượng phân N,P,K.

 Bệnh hại nặng hơn trên các ruộng cấy dày và thường phát triển mạnh vào cuối vụ khi ruộng lúa rậm rạp. Nguồn bệnh chủ yếu là hạch nấm tồn tại ở trên đất ruộng, sợi nấm ở gốc rạ và lá bị bệnh còn sót lại sau thu hoạch. Hạch nấm có thể sống một thời gian dài sau thu hoạch nảy mầm thành sợi nấm và xâm nhiễm gây bệnh cho vụ sau. Quá trình xâm nhiễm lặp lại thường xảy ra qua tiếp xúc giữa hạch nấm và bẹ lá lúa.

 *Biện pháp phòng trừ

 Để hạn chế bệnh khô vằn phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của cây lúa, bà con nông dân cần chú ý theo dõi và áp dụng một số biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo sau:

 - Áp dụng biện pháp quản lí dịch hại tổng hợp IPM, quản lí sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM:

 + Làm sạch cỏ dại.

 + Bón phân cân đối, hợp lý, không bón lai rai, bón đúng thời điểm. Không bón đạm, thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá trên các ruộng lúa bị bệnh.

 + Xử lý tốt tàn dư thực vật sau thu hoạch nhằm hạn chế thấp nhất nấm bệnh lưu truyền sang vụ sau.

 - Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời bệnh khô vằn gây hại. Dùng các loại thuốc trừ bệnh như: Validacin 3SL, 5SL, 5SP; Anvil 5SC; Lervil 50SC; A.V.Tvil 5SC, Til Super 300EC,…để phun trừ khi tỷ lệ bệnh từ 10% số dảnh trở lên. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh lúc lúa phơi màu; phun theo nguyên tắc “4 đúng”, nồng độ và liều lượng phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì của từng loại thuốc. Trên những diện tích bệnh khô vằn gây hại nặng cần phun kép 02 lần (lần 1 cách lần 2 khoảng 3 đến 4 ngày)./.

 

Bùi Thị Khanh - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 410
Đã truy cập: 2774195