Tổng kết mô hình Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP vụ mùa năm 2022

25/10/2022 17:57

      Sáng nay (25/10), tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP vụ mùa năm 2022. Việc thực hiện phát triển các vùng sản xuất lúa và sản phẩm gạo chất lượng cao (giống lúa J02, ST25) tại huyện Tiên Yên, Hải Hà và thành phố Móng Cái trong năm 2022 là cơ sở đánh giá, mở rộng sản lượng, mở rộng các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại khu vực miền Đông giai đoạn 2022 - 2025, nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị chất lượng cao của tỉnh, thực hiện hiệu quả mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

     

Toàn cảnh hội nghị

      Thực hiện Kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao định hướng tiêu chuẩn VietGAP tại khu vực miền Đông năm 2022, định hướng đến năm 2025, năm 2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Khuyến nông cùng 03 địa phương là huyện Tiên Yên, Hải Hà và thành phố Móng Cái triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với tổng diện tích 94 ha; trong đó vụ xuân triển khai 64 ha, vụ mùa 32 ha với 2 giống lúa ST25 và J02.

Năm 2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Khuyến nông cùng 03 địa phương là huyện Tiên Yên, Hải Hà và thành phố Móng Cái triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với tổng diện tích 94 ha; trong đó vụ xuân triển khai 64 ha, vụ mùa 32 ha với 2 giống lúa ST25 và J02

      Qua kết quả theo dõi thực tế mô hình tại các địa phương cho thấy giống J02, ST25 trồng được cả 2 vụ (vụ xuân và vụ mùa). Đây là các giống có tiềm năng, cho năng suất khá, ưu thâm canh; đặc biệt là đối với giống lúa J02 có khả năng chịu rét tốt thích hợp trồng vụ xuân với năng suất cao có thể đạt tới 65 tạ/ha. Giống lúa ST25 có khả năng chịu mặn, thích hợp trồng vụ mùa.

Bà con nông dân xã Đông Hải, huyện Tiên Yên tiến hành gặt thống kê giống lúa ST25

Giống lúa ST25 được sản xuất vụ mùa năm 2022 tại các huyện miền Đông cho năng suất và sản lượng cao

      Tại huyện Hải Hà năng suất lúa ST25 trung bình đạt 53,6 tạ/ha (thấp hơn năng suất lúa Đài thơm 8), tuy nhiên cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa Đài thơm 8 khoảng hơn 5 triệu đồng/ha. Tại huyện Tiên Yên và thành phố Móng Cái năng suất lúa ST25 trung bình đạt 42-46,6 tạ/ha và cho lợi nhuận cao hơn giống lúa Bao Thai. Đánh giá hiệu quả kinh tế cho thấy, giống lúa J02 và ST25 có tiềm năng cho năng suất và thu nhập cao hơn với kết quả của mô hình nếu được đầu tư, chăm sóc đảm bảo kỹ thuật, điển hình mô hình tại xã Đường Hoa, huyện Hải Hà có thể đạt năng suất 61 tạ/ha, lợi nhuận đạt 32 triệu đồng/ha.

Qua kết quả theo dõi thực tế mô hình tại các địa phương cho thấy giống J02, ST25 trồng được cả 2 vụ (vụ xuân và vụ mùa)

      Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự và bà con nhân dân đã thăm quan mô hình sản xuất lúa ST25 tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên; tiến hành gặt thống kê, đánh giá năng suất và thử chất lượng, mùi vị cơm. Cùng với đó, các cán bộ kỹ thuật cũng chỉ ra những khó khăn, thuận lợi và trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với bà con để giúp nông dân nắm bắt, áp dụng vào sản xuất.

Cơm được nấu từ gạo ST25

      Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự nỗ lực, ủng hộ của bà con nhân dân trong việc triển khai thực hiện sản xuất các giống lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP tại địa phương. Qua việc triển khai thực hiện mô hình trong thời gian qua cho thấy ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có được lực lượng cán bộ trẻ, tâm huyết hiểu sâu về kỹ thuật các dòng lúa gạo chất lượng cao.

Đồng chí Ngô Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị

      Để thực hiện tốt Kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao định hướng theo tiêu chuẩn VietGAP trong những năm tiếp theo, đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp đã chỉ ra một số giải pháp cần triển khai thực hiện. Một là, nâng cao công tác tập huấn, chỉ đạo kỹ thuật; tiếp tục cập nhật công tác kỹ thuật mới, nhất là đối với thực tế địa hình, chân ruộng, thời tiết, khí hậu, văn hóa canh tác của từng xã, thôn tại địa bàn; đồng thời kết hợp trao đổi kinh nghiệm với các địa phương triển khai tốt mô hình. Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trong đó tích cực thông tin tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương; phổ biến việc triển khai mô hình trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP qua các buổi sinh hoạt chi bộ, thôn, khu và các đoàn thể về 02 loại giống J02 và ST25. Ba là nâng cao công tác tổ chức sản xuất, hiện đại hóa trong sản xuất và đẩy mạnh thi đua sản xuất giữa các địa phương. Bốn là xác định liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là bước quan trọng để ổn định, phát triển sản xuất; tăng  cường truyền thông tiêu thụ sản phẩm; thành lập hợp tác xã; thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến gạo tại địa phương;…

       Ngày 01/11 tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng với tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022. Hội nghị nhằm kết nối các Hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty sản xuất với cơ sở chế biến, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm gạo chất lượng lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP được sản xuất tại khu vực miền Đông đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh./.

Mai Linh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 441
Đã truy cập: 3273798