Hiện nay các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch xong lúa vụ mùa, vì vậy các đối tượng sinh vật hại sẽ qua đông trên các cây ký chủ như gốc rạ, lúa chét, cỏ bờ, bụi cây,…và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát gây hại trong vụ tiếp theo nếu không có biện pháp xử lý toàn diện, triệt để và hiệu quả. Để ngăn chặn dịch hại chuyển từ vụ mùa năm 2022 sang vụ Đông xuân năm 2022-2023 và giúp tăng độ phì, giảm các chất độc trong đất và làm tốt công tác diệt chuột, bà con nông dân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Đối với những diện tích đất không thực hiện trồng cây vụ đông, cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch:
+ Cầy lật đất phơi ải, thu gom và xử lý triệt để tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch (tránh đốt rơm rạ, tàn dư cây trồng ngay trên ruộng vì sẽ phá vỡ kết cấu của đất).
+ Phát quang, làm sạch cỏ bờ mương, bờ ruộng, gò đống,… cho thông thoáng nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh chuyển vụ và hạn chế nơi trú ngụ của chuột. Đồng thời chú trọng khai thông hệ thống thủy lợi để đảm bảo cung cấp hoặc tiêu nước phục vụ tốt nhất cho sản xuất vụ đông và đông xuân 2022-2023.
+ Khi gieo mạ, tiến hành che phủ nilon 100% cho diện tích mạ vừa chống rét cho mạ, vừa ngăn ngừa rầy lưng trắng chích hút truyền virus lùn sọc đen.

Thực hiện cày lật đất phơi ải
- Đối với những diện tích trồng cây vụ đông, cần thu gom xử lý triệt để tàn dư cây vụ đông trước khi làm đất gieo cấy vụ đông xuân. Những diện tích trồng ngô vụ đông thường xuyên kiểm tra, để phòng trừ sâu bệnh kịp thời (sâu keo mùa thu, bệnh lùn sọc đen,...) nếu phát hiện cây ngô có biểu hiện triệu chứng bệnh lùn sọc đen tiến hành nhổ và tiêu hủy, sau khi thu hoạch dọn sạch tàn dư, thân cây ngô.
- Tổ chức, phát động toàn dân tham gia diệt chuột bảo vệ sản xuất.
Các biện pháp diệt chuột:
Thời điểm diệt chuột: giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (khi đồng trắng), tốt nhất là thời kỳ đổ ải, làm đất, đây là thời điểm diệt chuột có kết quả cao vì trên đồng ruộng chưa có lúa hoặc ít cây trồng, chuột thiếu thức ăn và thường tập trung lên các bờ, gò cao để tránh nước. Thời điểm này nên sử dụng biện pháp đánh bả thuốc đồng loạt. Giai đoạn từ đầu vụ đến giữa vụ sản xuất: đối với cây lúa sử dụng các biện pháp phòng chống vào trước thời kỳ làm đòng; ở thời kỳ này biện pháp đào hang, bắt chuột có hiệu quả cao vì chuột cái đẻ, nuôi con. Ngoài ra, tại những nơi bị chuột gây hại nặng có thể kết hợp sử dụng các biện pháp phòng trừ chuột như: làm hàng rào cản, bẫy sập, bẫy bom, đánh bả bằng thuốc sinh học và hóa học.
Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, phát quang bờ bụi, nhất là các khu vực gò cao, đất hoang hóa để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột; xác định thời vụ thích hợp, những vùng thường bị chuột hại nặng cần gieo trồng và thu hoạch đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn; đồng thời kết hợp tổ chức đánh chuột đồng loạt. Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đô ng – trỗ để hạn chế chuột hại hoặc làm tổ ven bờ.
Biện pháp thủ công: Sử dụng các loại bẫy kẹp đa năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính,... Đặt bẫy nơi cửa hang, cạnh hoặc vuông góc với đường đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, rắc thêm vật liệu tương tự nơi đặt bẫy, chỉ để lộ mồi tránh chuột phát hiện, nếu dùng bẫy mồi có thể đặt mồi vài ba ngày cho chúng ăn quen rồi mới lắp bẫy; nên đặt bẫy mồi trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào buổi sáng sớm hôm sau.Tìm kiếm các hang, ổ của chuột để đào, đổ nước, hun khói, săn đuổi bắt chuột…Chú ý không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng và các công trình thuỷ lợi. Những ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang,...thường xuyên bị chuột gây hại nặng, quây rào nilon xung quanh kết hợp để rọ bắt chuột. Sử dụng các loại bẫy cặp, bẫy lồng, bẫy dính, bẫy ống..., chọn các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá..., đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng để đánh bắt chuột. Bẫy sau khi bắt chuột cần phải được làm sạch mùi.
Biện pháp sinh học: Bảo vệ và sử dụng các thiên định của chuột như: chó, mèo, rắn, ...Đây là biện pháp cơ bản và thiết thực, mang tính chiến lược lâu dài. Sử dụng chế phẩm sinh học (Biorat, bả diệt chuột sinh học của Viện BVTV). Thuốc có tác dụng gây bệnh và lây bệnh trong đàn chuột nên hiệu quả cao và an toàn cho môi trường

Nông dân sử dụng bẫy để diệt chuột
Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực hiện được phép dùng tại Việt Nam. Ưu tiên các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường. Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng. Có thể sử dụng một số loại thuốc diệt chuột nhóm chống đông máu như: Rat K2% DP,..../.
Nguyễn Thị Hằng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật