Thông tin kết quả quan trắc môi trường và những khuyến cáo đối với các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tháng 11 năm 2022

01/12/2022 08:26

       Thực hiện Chương trình phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp; trong tháng 11/2022, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã tiến hành thu thập, phân tích các mẫu môi trường tại các vùng nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực (tôm, cá biển, nhuyễn thể) ở 09 địa phương trên địa bàn tỉnh; kết quả cụ thể như sau:

      Về môi trường nuôi tôm nước lợ, nhuyễn thể/cá biển: (1) Đối với ao nuôi: Các chỉ tiêu có tỉ lệ số mẫu vượt giới hạn cho phép bao gồm: N-NH4+ (25%), mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số (16,67%), mật độ thực vật phù du (50%). Các chỉ tiêu có tỉ lệ số mẫu thấp hơn giới hạn cho phép bao gồm: pH (8,33%), DO (33,33%); (2) Đối với nguồn nước cấp: Các chỉ tiêu có tỉ lệ số mẫu cao vượt giới hạn cho phép bao gồm: N-NH4+ (25%), vi khuẩn Vibrio tổng số (12,5%). Các chỉ tiêu có tỉ lệ số mẫu thấp hơn giới hạn cho phép bao gồm: DO (37,5%), độ mặn (25%). Môi trường nuôi nhuyễn thể/cá biển có 50% điểm quan trắc có hàm lượng DO thấp hơn giới hạn cho phép.

      Về môi trường nuôi thủy sản nước ngọt: (1) Đối với ao nuôi: Chỉ tiêu DO có 1 mẫu có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép chiếm 8,33%; (2) Đối với nguồn nước cấp: Chỉ tiêu N-NO2- có 25% số mẫu cao vượt giới hạn cho phép.

      Để quản lý tốt môi trường nuôi, hạn chế tối đa những tác nhân gây bệnh, bảo đảm sự sinh trưởng và phát triển ổn định của đối tượng thủy sản nuôi, các cơ sở nuôi cần chủ động thực hiện những biện pháp sau:

      (1) Về nuôi tôm nước lợ: Đối với các ao nuôi và nguồn cấp có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số cao cần tiến hành diệt khuẩn để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Các ao nuôi có độ mặn thấp, DO thấp cần tiến hành theo dõi và tiến hành tăng độ mặn và DO nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh và giúp tôm tăng trưởng tốt. Các ao nuôi có hàm lượng N-NH4+ cao, mật độ tảo cao cần tăng cường kiểm soát lượng thức ăn, tránh dư thừa gây hiện tượng phú dưỡng. Các ao này có thể xuất hiện hiện tượng oxy thấp vào thời điểm sáng sớm và pH cao vượt ngưỡng vào buổi trưa/chiều, do đó các hộ nuôi cần thường xuyên theo dõi để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

       Các hộ nuôi cần giữ mực nước tối ưu trong ao (tối thiểu 1,2m) để hạn chế sự thay đổi đột ngột của các yếu tố nhiệt độ, pH, độ mặn. Kiểm tra độ pH trong ao nuôi khi trời mưa to. Nếu lượng pH giảm đột ngột cần rải vôi đều quanh bờ ao (liều lượng 10kg/1000m2) và bón xuống ao (liều lượng 15-20 kg/1000 m2 mặt nước), chạy quạt để đảo đều nước ao. Cần chú ý xử lý từ từ để đảm bảo pH không bị thay đổi đột ngột và duy trì trong khoảng phù hợp từ 7 - 9. Trong và sau khi trời mưa to cần bật hệ thống quạt khí/sục khí nhằm đảm bảo lượng oxy hòa tan và tránh hiện tượng phân tầng nước.

Cán bộ Trung tâm quan trắc thực hiện đo và phân tích các thông số môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tại huyện Đầm Hà

      (2) Về nuôi nhuyễn thể/cá biển: Các cơ sở nuôi cần duy trì các biện pháp phòng bệnh tổng hợp: Thường xuyên vệ sinh lồng bè, loại bỏ thức ăn dư thừa, cá chết ra khỏi lồng, sử dụng vôi sống hoặc TCCA dạng viên to buộc trong túi vải và treo quanh lồng để khử trùng nguồn nước, tần suất 2 lần/tháng; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết sức khỏe của cá/nhuyễn thể để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn cho cá, giúp cá khỏe và tăng sức đề kháng tự nhiên, giảm nguy cơ mắc bệnh.

      (3) Về nuôi cá nước ngọt: Đối với ao nuôi có mật độ vi khuẩn Aeromonas tổng số cao cần được xử lý diệt khuẩn bằng các oại hóa chất có khả năng khử trùng như BKC, Iodine với liều lượng theo hướng dẫn của của nhà sản xuất. Định kỳ sử dụng vôi bột để khử trùng, liều lượng 2kg/100 m3, tần suất 1-2 lần/tháng. Ao nuôi có hàm lượng DO thấp cần tăng cường chạy quạt khí để tăng hàm lượng DO. Hạn chế tối đa phân thải, nước rửa chuồng trại chăn nuôi cấp trực tiếp vào ao nuôi. Kiểm tra ao vào sáng sớm để quan sát cá nuôi, môi trường nước, hệ thống bờ bao để có biện pháp xử lý kịp thời.

       Trong thời gian tới, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh; có thể rét đậm, rét hại; phòng Kinh tế/Nông nghiệp các địa phương cần tập trung hướng dẫn các cơ sở/hộ nuôi thực hiện tốt quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản trong công tác quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, kịp thời phát hiện và cảnh báo sớm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi, thông tin đến Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y các sự cố bất thường về môi trường, dịch bệnh thủy sản nuôi trên địa bàn./.

 

Dương Thùy Trang - CCTS


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 7
Đã truy cập: 2614468