Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

13/12/2022 15:20

      Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một quá trình trong đó người dân trong cộng đồng chủ động và tham gia tích cực vào việc xác định và phân tích các rủi ro thiên tai, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng với tác động của thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

     

Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai

      Mục đích của quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là tạo ra sự chuyển biến tích cực từ một “cộng đồng dễ bị tổn thương” sang một “cộng đồng có năng lực, cùng nhau phòng ngừa, ứng phó và phục hồi” bằng cách phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng và các nguồn lực khác. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có một số đặc điểm chính như sau:

      Cộng đồng đóng vai trò trung tâm và chủ động trong quá trình Quản lý Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

      Khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các thành phần dân cư trong cộng đồng vào công tác quản lý rủi ro thiên tai, tạo cơ hội bình đẳng cho nam, nữ, các nhóm dễ bị tổn thương tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai;

Mời phụ nữ tham gia vào ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã, tham gia vào các cuộc họp đánh giá rủi ro và lập kế hoạch phòng chống thiên tai để đưa ra ý kiến về những hoạt động có liên quan tại cộng đồng

       Nâng cao năng lực của cộng đồng và giải quyết một số nguyên nhân chính của tình trạng dễ bị tổn thương;

      Là một quá trình liên tục phát triển, được cập nhật, điều chỉnh và xây dựng trên những bài học kinh nghiệm thực tế của cộng đồng; đồng thời kết hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu;

      Sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã đóng vai trò quan trọng, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên và các tổ chức xã hội;
Vận dụng phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ, và hậu cần tại chỗ) vào quá trình Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

      Lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

      Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ưu tiên đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang
mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo. Với mỗi nhóm đối tượng, cần chú trọng đến nhu cầu, năng lực của từng nhóm để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời trong thiên tai, hiệu quả và đảm bảo công bằng xã hội, mang tính nhân văn, trong đó cần chú trọng đến một số
nhóm đối tượng: Nhóm người khuyết tật được xem là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thiên tai. Trong các chương trình và hoạt động quản lý rủi ro thiên tai, cần tạo cơ hội cho người khuyết tật cùng nhau tìm hiểu về thiên tai, về tình trạng dễ bị tổn thương và những gì được xem là năng lực của họ trước thiên tai,
đồng thời tăng cường việc tiếp cận thông tin nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia vào quá trình ra quyết định trong hoạt động lập kế hoạch.  Ngoài ra cần quan tâm đến các dân tộc thiểu số, vì đặc điểm địa lý, dân sinh kinh tế, xã hội, những đặc thù riêng làm hạn chế khả năng tham gia và hưởng lợi của họ trong phát triển. Người dân tộc cũng chiếm đa số trong số người nghèo trên cả nước.

      Trong suốt quá trình thực hiện Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, vấn đề về giới cần được cũng cần chú trọng xem xét và lồng ghép. Hiện nay, vai trò của phụ nữ trong việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai còn hạn chế, việc đưa đại diện phụ nữ tham gia vào ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã, mời phụ nữ tham gia vào các cuộc họp đánh giá rủi ro thiên tai và lập kế hoạch phòng chống thiên tai để đưa ra ý kiến về những hoạt động có liên quan tại cộng đồng là cần thiết. Từ đó, phụ nữ có thể đưa ra những nhu cầu, giải pháp phù hợp cho những người cùng giới, giúp kế hoạch phòng chống thiên tai được đầy đủ và hoàn thiện hơn.

      Trong bối cảnh thiên tai đang có xu hướng cực đoan hơn bởi tác động của biến đổi khí hậu, công tác phòng, chống thiên tai được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đầu tư kinh phí và sức lực liên tục trong nhiều năm để xây dựng hệ thống các công trình, cơ sở vật chất phòng chống thiên tai, Nhà nước đã quan tâm hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách, tăng cường năng lực và nhận thức người dân. Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 và gần đây Luật phòng, chống thiên tai được ban hành, các đề án, dự án đã và đang được tổ chức thực hiện đã minh chứng cho nỗ lực đó của nhà nước và nhân dân ta.

      Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 với mục tiêu nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai./.

Thành Minh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 2365
Đã truy cập: 3331469