Nông nghiệp - Thủy lợi - Lâm nghiệp: Kết quả đạt được và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

16/12/2022 09:24
     Năm 2022 là một năm khó khăn, với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản có chiều hướng phục hồi nhưng lại chịu tác động của diễn biến thời tiết phức tạp, hoạt động thông quan hàng hóa gián đoạn, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Uknaine đến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Song với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đạt mức tăng trưởng vượt mức 5,25% (chỉ tiêu tỉnh giao là 4,5%).

      Về lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 63.123 ha, bằng 98,7% so với cùng kỳ, đạt 99,8% so với kế hoạch, sản lượng lương thực ước đạt 221.403 tấn, bằng 98,2% so với cùng kỳ, đạt 100,6% so với kế hoạch. Người dân đã chuyển đổi khoảng 931 ha diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô và cây rau màu. Tiến hành cấp 46 mã số vùng trồng và 06 mã số cơ sở đóng gói phục vụ nội tiêu, xuất khẩu. Tiếp tục đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh, chuyển dịch cây trồng theo hướng phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Nông dân bón phân cho lúa vụ Đông

      Năm 2022, hoạt động sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn, nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Ngành đã chủ động phối hợp với các địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô đàn; phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ, áp dụng khoa học công nghệ. Tổng đàn trâu 29.313 con; đàn bò 34.790 con; đàn gia cầm 4.318,4 nghìn con. Tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại ước đạt 106.700 tấn, vượt 4,6% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt 99,81% kịch bản tăng trưởng.

       Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, số ổ dịch giảm 90% so với cùng kỳ năm 2021, một số bệnh truyền nhiễm vẫn xảy ra lẻ tẻ, không phát sinh thành dịch. Công tác tiêm phòng được các địa phương chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng, phù hợp với vụ mùa để phòng chống dịch bệnh…. Góp phần đưa tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi tăng so với cùng kỳ, ổn định thị trường tiêu thụ và giá bán các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

       Về lĩnh vực Thủy lợi, công tác trực ban, theo dõi và cập nhật thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng tránh, ứng phó đến các địa phương và cơ quan đơn vị được thực hiện tốt. Nguồn nước ở các hồ chứa và các sông, suối đủ đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt, công nghiệp.

Hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Khối Nông nghiệp - Thủy lợi

      Về công tác phát triển nông thôn, trong năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Số lượng HTX, tổ hợp tác tăng và đa dạng, phù hợp và đáp ứng nhu cầy phát triển kinh tế hộ, số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết tăng trong các năm gần đây. Nhiều mô hình liên kết điển hình, triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ứng dụng công nghệ cao, tích cực tham gia chuỗi liên kết; củng cố và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP.

       Về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; xây dựng thí điểm mô hình Làng Thông minh (Làng chuyển đổi số gắn với Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm OCOP) tại khu vực miền Tây, miền Đông và hải đảo.

     Phát biểu kết luận tại Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của khối Nông nghiêp - Thủy lợi diễn ra vào chiều ngày 14/12, đồng chí Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, công tác tham mưu còn triển khai chậm; công tác phối hợp giữa các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và các địa phương chưa tốt; công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn triển khai chưa tốt đẫn đến trình độ cán bộ chuyên môn chưa đồng đều.

Đồng chí Nguyễn Văn Đức – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu kết luận tại Hội nghị

      Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh năm tiếp theo là năm bản lề giữa nhiệm kỳ, là một năm quan trọng với nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì vậy, toàn Ngành cần hết sức tập trung khăc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2022, tập trung thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết của tỉnh ngay từ đầu năm; tập trung vào các nhiệm vụ: (1) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị; (2) Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung quy hoạch và xây dựng đề án, cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; (3) Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; (4) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (5) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý ngành; (7) Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân.

      Đối với lĩnh vực Lâm nghiệp, năm 2023 ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: tham mưu hoàn thiện rà soát diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác tham mưu về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công tác kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng được triển khai sâu sát, đạt kết quả; triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động các biện pháp ứng phó chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra...

Hoạt động hưởng ứng trồng rừng gỗ lớn được diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh 

      Sau 02 năm triển khai Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.768,53 ha. Từ đầu năm 2022 đến tháng 8 năm 2022 hai địa phương Hạ Long và Ba Chẽ trồng được 1.414, 45 ha (1.224,4 ha Quế, 109,05 ha cây gỗ lớn).

      Về công tác sử dụng và phát triển rừng, lực lượng của Ngành đã tích triển khai thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng - Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022; thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công tác quản lý giống cây lâm nghiệp; theo dõi tổng hợp kết quả phát triển, khai thác rừng trên địa bàn tỉnh để đảm bảo kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) lĩnh vực lâm nghiệp; triển khai Tết trồng cây 2022 và chương trình thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ;...

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Chi cục Kiểm lâm tổ chức chiều ngày 14/12

      Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 thuộc lĩnh vực Lâm nghiệp cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2022 và chỉ ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết lĩnh vực Lâm nghiệp vào chiều ngày 14/12, đồng chí Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh 12 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2023: (1) Đặc biệt quan tâm số liệu diện tích, loại rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030; (2) Tham mưu tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TU năm 2019 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh về Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2020- 2025 định hướng đến 2030, báo cáo BTV Tỉnh uỷ cho ý kiến tiếp tục định hướng thực hiện; (3) Tham mưu sớm trình HĐND tỉnh sửa Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND để mở rộng phạm vi đối tượng hỗ trợ chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ rừng thực hiện công tác bảo vệ phát triển lâm nghiệp bền vững đạt hiệu quả cao hơn; (4) Công tác kiểm kê rừng phải đảm bảo hoàn thành tốt về chất lượng, tiến độ đề ra để sử dụng phục vụ kịp thời cho công tác lâm nghiệp của tỉnh, của ngành đạt hiệu quả; (5) Chú trọng thực hiện cấp chứng chỉ rừng đối với 15.000 ha rừng cho chủ rừng, trong đó lưu ý chủ rừng là tổ chức để đảm bảo việc phát triển sản xuất kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn đúng quy định pháp luật; (6) Công tác quản lý rừng bền vững cần phải đôn đốc hướng dẫn các chủ rừng hoàn thành xây dựng phương án, trình duyệt đúng quy định, đồng thời thực hiện tốt phương án trong năm 2023; (7) Chú trọng thực hiện hiệu quả bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, không để xảy ra cháy chặt tàn phá rừng, thực hiện lập hồ sơ và khoán bảo vệ rừng ngay từ đầu năm 2023. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng liên quan để quản lý bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư đạt hiệu quả, kiểm tra phát hiện kịp thời các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử lý nghiêm đúng quy định pháp luật; (8) Tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện trồng 2.000 ha rừng lim, giổi, lát; mở rộng các đối tượng tham gia và thực hiện chính sách phù hợp theo nghị quyết; xem xét sử dụng quỹ đất để trồng rừng cây gỗ lớn hợp lý đảm bảo hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu trồng rừng; (9) Tăng cường quản lý việc chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế; kiên quyết xử lý nghiêm các chủ dự án, chủ rừng, đối tượng vi phạm; (10) Tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là  tại các vườn ươm của chủ rừng để đảm bảo giống cây trồng lâm nghiệp có chất lượng, sản phẩm gỗ, lâm sản tốt; (11) Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản; kiên quyết xử lý, loại bỏ những cơ sở chế biến nhỏ lẻ không đủ điều kiện chế biến lâm sản theo quy định của tỉnh; không để phát sinh cơ sở chế biến mới trái quy định; (12) Tham mưu trình duyệt Đề án nâng cao năng lực kiểm lâm và nâng cao năng  lực PCCCR theo quyết định 177/2022/TTg; quan tâm cơ sở vật chất phục vụ công tác, hoạt động kiểm lâm.

      Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng (GRDP) khu vực I năm 2022 ước tăng 5,25% (trong đó: nông nghiệp tăng 3,55%, lâm nghiệp tăng 13,19%, thủy sản tăng 5,44%), vượt 0,75 điểm % so với chỉ tiêu kế hoạch; chiếm tỷ trọng 5,5% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và theo đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Những kết quả đạt được trong triển khai nhiệm vụ năm 2022 sẽ là tiền đề và động lực để ngành Nông nghiệp Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả những mục tiêu đặt ra trong năm 2023.

      Một số hình ảnh khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành trong năm 2022:

Đồng chí Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao bằng khen cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai nhiệm vụ năm 2022

Đồng chí Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể xuất sắc năm 2022 tại Chi cục Kiểm lâm./.

Mai Linh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1238
Đã truy cập: 2894057