
Đồng chí Bùi Văn Khắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.
Ngày 19/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, 02 năm thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và 01 năm thực hiện kế hoạch trồng rừng Lim, Lát, Giổi theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Khắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo, các kết quả về tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên; khai thác gỗ, khai thác lâm sản ngoài gỗ; giảm các cơ sở chế biến lâm sản nhỏ lẻ đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây gỗ lớn, cây bản địa của từng địa phương. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, giám sát tài nguyên rừng được thực hiện hiệu quả; đã giảm số vụ cháy rừng từ 42 vụ trong năm 2020 xuống còn 12 vụ trong năm 2022; việc đưa các giống cây trồng lâm nghiệp mới có nguồn gốc xuất xứ, cây bản địa, có chất lượng tốt đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý, khởi tố hình sự và sự thay đổi tích cực về nhận thức của người dân đối với giá trị, vai trò quan trọng của rừng, số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp giảm theo từng năm (năm 2020 Chi cục Kiểm lâm đã xử lý 113 vụ vi phạm hành chính, đến năm 2022 số vụ vi phạm hành chính bị xử lý còn 51 vụ). Ngành lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện được thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở; góp phần quan trọng đưa Nghị quyết 19-NQ/TU, Nghị quyết 08-NQ/TU và Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND vào thực tiễn. Nguồn lực đầu tư cho phát triển lâm nghiệp đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa, giảm sức ép đầu tư từ ngân sách Nhà nước; góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng; xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh, đặc biệt trong đầu tư và thu hút nguồn lực đầu tư. Diện tích trồng rừng sản xuất, sản lượng khai thác gỗ, kim ngạch xuất khẩu, phương án quản lý rừng bền vững, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, quản lý rừng… đều tăng so với trước khi có Nghị quyết. Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng được bảo vệ tốt, đặc biệt trong 03 năm đã thành lập Khu rừng đặc dụng Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn Quảng Nam Châu, Khu Bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát huy hiệu quả phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, đảm bảo an ninh nguồn nước; tỷ lệ che phủ rừng được giữ vừng 55% và chất lượng rừng được nâng cao. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tác động vào rừng tự nhiên, rừng ngập mặn trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng động lực trên địa bàn tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Hình thành các mô hình trồng rừng, các vườn ươm cây bản địa mới góp phần quan trọng đáp ứng cơ bản nhu cầu cây giống đảm bảo chất lượng phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Việc phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh (Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn) trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp được quan tâm, triển khai đồng bộ, thống nhất với các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực lâm nghiệp được cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức giám sát một số cấp ủy trực thuộc trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý và sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của các hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp huyện, đây là cuộc giám sát cấp uỷ cao nhất của tỉnh, đã góp phần quan trọng chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động lâm nghiệp đã được tăng cường và thực hiện đồng bộ, kịp thời phát hiện những vi phạm, khắc phục những tồn tại hạn chế.
Đồng chí Bùi Văn Khắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao nỗ lực của các ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành lâm nghiệp đã đạt được kết quả tốt, tuy nhiên việc tăng trưởng cần phải ổn định và bền vững, huy động sự vào cuộc của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 19 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục giữ vững tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 55%; phấn đấu hoàn thành mục tiêu trồng 2.000ha lim, giổi, lát. Thực hiện nghiêm về trình tự, thủ tục và các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng rừng thông qua việc tăng cường trồng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa; tăng cường chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ; thực hiện việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng./.