I. TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG NUÔI NHUYỄN THỂ TẠI QUẢNG NINH
1.Tiềm năng
Quảng Ninh, với bờ biển dài 250 km, có diện tích vùng nội thuỷ rộng trên 6.000 km2, trong đó có 1.553 km2 thuộc vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên của Thế giới, đặc biệt là vùng Vịnh Bái Tử Long được tạo bởi hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ đã hình thành nên nhiều tùng, vụng, vịnh nhỏ giữa các đảo ít bị ảnh hưởng của gió bão, nước có độ muối cao, ổn định, độ trong lớn. Biển Quảng Ninh đa dạng về địa hình, chất đáy nên có nhiều hệ sinh thái đặc trưng của vùng biển nhiệt đới, gồm hệ sinh thái vùng cửa sông, hệ sinh thái vùng bãi triều, vùng sinh thái rừng ngập mặn, vùng sinh thái rạn san hô,... là điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật biển cư trú, sinh sống và phát triển, đây là môi trường thích hợp, tiềm năng sẵn có để phát triển nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao.
Theo số liệu thu thập biển Quảng Ninh có khoảng 163 loài nhuyễn thể phân bố tại vùng biển Quảng Ninh, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao, Quảng Ninh còn có trên 40.000 ha diện tích mặt nước biển có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế, đặc biệt là phát triển nuôi các loài nhuyễn thể như Ngao giá, Hầu thái bình dương, Tu hài, Bào ngư, Hải sâm, Cầu gai, Trai ngọc, ....
Quảng Ninh có lợi thế giáp Trung Quốc, một trong các cường quốc về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt là hàng Thuỷ sản tươi sống thì Trung Quốc là thị trường lớn. Bên cạnh đó Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản cũng là thị trường tiêu thụ thuỷ sản rất lớn cho Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Ngoài ra, thì thị trường tiêu thụ trong nước cũng không nhỏ, đặc biệt Quảng Ninh là điểm đến, nơi hội tụ khách thập phương trên thế giới đến tham quan du lịch và có tập đoàn than khoáng sản cũng là một thị trường rất lớn, sản phẩm thuỷ hải sản của Quảng Ninh còn được đưa đi phục vụ các tỉnh và thành phố lân cận như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Lạng Sơn ...
Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung trong đó có lĩnh vực nuôi nhuyễn thể tại Quảng Ninh.
2. Hiện trạng nuôi nhuyễn thể tại Quảng Ninh
Nghề nuôi nhuyễn thể ở Quảng Ninh phát triển rất đa dạng về hình thức nuôi như: Nuôi trên các chương bãi, nuôi trên biển bằng lồng, giàn bè, nuôi dây, chăng lưới, cắm cọc, nuôi đáy,... và đối tượng nuôi cũng rất phong phú như Tu hài, Hầu Thái Bình Dương, Hầu cửa sông, Ngao Hoa, Ngao giá, ốc, Ngao dầu, sò Huyết, Nghêu bến tre,... cụ thể là hàng năm diện tích và sản lượng đều tăng so với kế hạch đề ra.

Hình ảnh thả giống ngao giá tại xã bản Sen huyện Vân Đồn
3. Tình hình dịch bệnh trên nhuyễn thể nuôi một số năm gần đây.
Phát triển sản xuất các đối tượng nhuyễn thể nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; tuy nhiên do tình trạng phát triển quá nóng, nuôi không theo quy hoạch, chưa chủ động về nguồn giống đồng thời do thời tiết diễn biến phức tạp nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh dịch, hàng năm xuất hiện tình trạng nhuyễn thể nuôi bị thiệt hại tại các địa phương.
Điển hình như tình hình dịch bệnh trên Tu hài nuôi tại Vân Đồn năm 2011, 2012 đã xảy ra trên diện rộng làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi;
Năm 2019, có 174/410 bè nuôi hàu tại 03 xã, phường của Móng Cái bị thiệt hại, tỷ lệ thiệt hại 70-80%, hiện tượng hàu chết cũng xảy ra tương tự tại Quảng yên, tuy nhiên không có thống kê số liệu thiệt hại cụ thể. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở thức ăn tự nhiên kém, biên độ giao động nhiệt độ ngày/đêm lớn, hàu gầy yếu và nhiễm một số tác nhân vi khuẩn gây chết hàu.
Cuối tháng 3/2021 xuất hiện hiện tượng Trai ngọc nuôi của công ty TNHH Taiheiyo Shinju Việt Nam – Vân Đồn chết với số lượng lớn, Chi cục đã tiến hành kiểm tra thu mẫu xét nghiệm đối với Trai ngọc nuôi của công ty TNHH Taiheiyo Shinju Việt Nam và phát hiện mẫu (+) Dương tính với ký sinh trùng Perkinsus olseni. Giữa tháng 7-8/2021, nhiều hộ nuôi ngao hai cùi tại xã huyện Vân Đồn và xã Quảng Minh huyện Hải Hà phát hiện ngao chết hàng loạt, theo số liệu báo cáo của địa phương ước tính số lượng Ngao bị chết khoảng 600 tấn. Nguyên nhân ngao bị chết được nhận định do nắng nóng kéo dài kèm theo các trận mưa đột ngột làm thay đổi các yếu tố môi trường, gây sốc cho ngao kèm theo thời gian nuôi ngao đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được do diễn biến dịch bệnh Covid-19 gây hiện tượng Ngao chết hàng loạt.
Năm 2022, theo báo cáo tại các địa phương có xảy ra thiệt hại trên các đối tượng nhuyễn thể nuôi, năm 2022 có khoảng 70 ha nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại tại các địa phương Đầm Hà 37,2 ha, Móng Cái 14,3 ha, Hải Hà 18 ha). Đối tượng nhuyễn thể bị thiệt hại năm 2022 chủ yếu là hàu. Căn cứ phiếu trả lời kết quả phân tích mẫu cho thấy mẫu hàu âm tính với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm thường gặp, một số chỉ tiêu môi trường tại khu vực nuôi đều nằm trong giới hạn cho phép, tuy nhiên mật độ tảo làm thức ăn cho hàu rất thấp so với mức tối ưu. Nguyên nhân hàu chết được xác định là lượng thức ăn ít kết hợp với điều kiện thời tiết thay đổi (nắng nóng kéo dài) làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của hàu.
Như vậy, có thể thấy nguyên nhân gây thiệt hại trên các đối tượng nhuyễn thể nuôi tại Quảng Ninh chủ yếu là do: (1) Chất lượng con giống nuôi; (2) Nhuyễn thể nuôi dài ngày không được thu hoạch kịp thời; (3) Mật độ nuôi dầy, lượng thức ăn tự nhiên thiếu; (4) Điều kiện thời tiết bất lợi (nắng nóng kéo dài kèm mưa bất chợt) khiến cho nhuyễn thể nuôi bị sốc với yếu tố môi trường.
4. Chỉ đạo và triển khai công tác phát triển nuôi nhuyễn thể và phòng, chống dịch bệnh.
Thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/10/2021 về Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, ngày 10/8/2021 Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 02/11/2021 về Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời với các chương trình phát triển nuôi nhuyễn thể bền vững, thực hiện Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 05/7/2021 về Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2030. Trong đó, chủ động phòng bệnh, khống chế bệnh trên nhuyễn thể (ngao/nghêu, tu hài, hàu) bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi và xây dựng ít nhất 01 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 01 chuỗi sản xuất nhuyễn thể an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hình ảnh nuôi hàu TBD sử dụng vật liệu mới HDPE
5. Các giải pháp hạn chế dịch bệnh và đề xuất.
Nhuyễn thể là đối tượng nuôi tại các vùng biển mở, vì vậy việc áp dụng các biện pháp trị bệnh là không khả thi. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho đối tượng nhuyễn thể nuôi là hết sức phù hợp và cần thiết. Cụ thể:
- Sau khi UBND tỉnh ban hành Quy hoạch chung của tỉnh, các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác hướng dẫn người dân trong việc giao khu vực biển để người dân yên tâm nuôi trồng thủy sản, quản lý chặt chẽ về mật độ nuôi đảm bảo phát triển triển bền vững.
- Quản lý chặt chẽ giống thủy sản nói chung và giống nhuyễn thể nói riêng đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể đảm bảo chất lượng cho người nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Địa phương bố trí cán bộ theo dõi, bám sát địa bàn, tình hình nuôi, rà soát, thống kê, có báo cáo số liệu cụ thể về tình hình nuôi, số liệu nhuyễn thể bị thiệt hại làm cơ sở cho công tác quản lý và định hướng sản xuất.
- Ban hành Quy trình phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nhuyễn thể nuôi tại Quảng Ninh để các cơ quan quản lý và người dân triển khai áp dụng.
- Cơ sở nuôi nhuyễn thể thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng/bè, kê khai sản xuất ban đầu, các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng nuôi nhuyễn thể (sử dụng con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đối với giống nhập và xuất tỉnh phải được kiểm dịch), các hướng dẫn kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản (mùa vụ, quy trình kỹ thuật nuôi, mật độ nuôi, sử dụng vật liệu nổi đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương). Khi thủy sản nuôi có dấu hiệu chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để phối hợp xác minh nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời./.