Với tình hình thời tiết như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng vụ Đông xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh. Để chủ động chăm sóc, phòng chống rét và các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng trong thời gian tới đề nghị bà con nông dân cần thực hiện các biện pháp như sau:
1. Biện pháp phòng chống rét cho cây trồng
* Đối với cây lúa:
- Đối với diện tích mạ đã gieo: Tập trung chống rét cho mạ, thực hiện che phủ nilon 100% diện tích mạ theo đúng kỹ thuật để phòng tránh rét và ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật gây hại trên mạ, đặc biệt là rầy lưng trắng - môi giới lây truyền bệnh lùn sọc đen phương Nam; tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón đạm trong những ngày trời rét, nhiệt độ dưới 150C, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp nguội để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 150C.
- Đối với diện tích chưa gieo mạ, gieo sạ: Ngâm ủ, gieo mạ xuân và gieo sạ theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất của địa phương và theo dõi sát diễn biến của thời tiết; không gieo mạ và sạ vào thời gian có thời tiết rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 130C).
- Tiếp tục vệ sinh đồng ruộng nhằm cắt đứt cầu nối dịch hại chuyển vụ đặc biệt tại các vùng đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương Nam, đồng thời làm đất kỹ để gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi.

Nông dân che phủ nilon chống rét cho mạ mới gieo
* Đối với cây rau, hoa màu:
- Thu hoạch kịp thời các loại cây trồng đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng; chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ Xuân như lạc, ngô, rau xanh các loại,… Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm.
- Bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa đạm cho cây trồng; đảm chế độ nước tưới thích hợp với cây trồng tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt; những ngày có sương muối giá buốt dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá.
* Đối với cây ăn quả: Thực hiện biện pháp ủ gốc nhằm giữ ấm cho cây; tưới đủ nước cho cây; bón bổ sung các loại phân hữu cơ, phân lân, kali với lượng phù hợp với từng loại cây trồng nhằm tăng khả năng chịu rét của cây; chống buộc cây tránh đỗ gãy khi có gió to, dông, lốc.
2. Đối với sinh vật gây hại cây trồng
- Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sinh trưởng phát triển và diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng để có các biện pháp chăm sóc cây trồng sinh trưởng phát triển tốt tăng sức đề kháng đối với điều kiện thời tiết bất thuận và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng kịp thời, hiệu quả đảm bảo không để cho sâu bệnh có nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của sản phẩm nông sản.
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp diệt chuột trong thời gian đổ ải, làm đất gieo cấy vụ Đông xuân 2022-2023./.
Phạm Duy Duẩn - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật