
Cây giống tại vườn ươm xã Đồng Rui huyện Tiên Yên
Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng chính phủ, thời gian qua, công tác công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc đạt mức cao. Tuy nhiên, thông qua kiểm tra, giám sát, việc tuân thủ tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp còn tồn tại, cần khắc phục:
Chưa nhận thức và quan tâm đúng mức đến thực hiện quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp, gồm: Gửi thông báo hoặc thông báo không đầy đủ thông tin trước khi sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; lập và lưu giữ hồ sơ giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định; sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo điều kiện theo quy định; kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có địa điểm giao dịch hợp pháp; sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo chất lượng và có hồ sơ giống cây trồng lâm nghiệp.
Chưa tuân thủ đầy đủ quy định về yêu cầu kỹ thuật và chỉ tiêu kỹ thuật đối với vườn ươm cây cố định; còn một số tồn tại trong lưu giữ hồ sơ quản lý vườn ươm, tiêu chuẩn, tiêu chí vườn ươm, hồ sơ quản lý về sản xuất cây giống quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCQG 13359:2021 Giống cây lâm nghiệp - Vườn ươm cây gồm: Sơ đồ và diện tích thiết kế từng hạng mục, thời gian xây dựng vườn ươm; danh sách lô cây giống, phương pháp nhân giống, nguồn gốc hạt giống, lô cây giống, ngày gieo trồng, thời gian cấy cây vào giá thể, nhật ký chăm sóc, nhật ký xuất vườn.

Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp
Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả và chấn chỉnh công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn giống chất lượng phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh toàn tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh; phát triển rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa theo Nghị quyết 337/2021/HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 29/9/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 5153/UBND-NLN3 về tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo đó chỉ đạo.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp gồm: Nghị định 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính, công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chính; quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi phạm quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; quy định về lưu giữ hồ sơ quản lý vườn ươm, tiêu chuẩn, tiêu chí vườn ươm, hồ sơ quản lý về sản xuất cây giống quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCQG 13359:2021 Giống cây lâm nghiệp - Vườn ươm. Đảm bảo từ năm 2023, 100% tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn được tuyên truyền, hướng dẫn và nắm rõ quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
Căn cứ dữ liệu, thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ ra các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và đề xuất, kiến nghị bám sát với tình hình thực tế của địa phương.
Chỉ đạo phòng ban, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn, tập trung kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ quy định hiện hành về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp: Tính chính xác giữa hồ sơ và thực tế của số lượng, chất lượng, nguồn gốc giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính; hồ sơ giống cây trồng lâm nghiệp; ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng lâm nghiệp; công bố phù hợp tiêu chuẩn giống cây trồng lâm nghiệp; điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; quy định về yêu cầu kỹ thuật và chỉ tiêu kỹ thuật đối với vườn ươm cây cố định; lưu giữ hồ sơ quản lý vườn ươm, tiêu chuẩn, tiêu chí vườn ươm, hồ sơ quản lý về sản xuất cây giống. Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp, vi phạm quy định về quản lý giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng lâm nghiệp theo thẩm quyền đối chiếu theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ; Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp gồm: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương. Đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ về giống cây trồng lâm nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn kiến thức về giống cây trồng lâm nghiệp; cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin; thực hiện chế độ báo cáo thống kê về giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp theo thẩm quyền.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tập trung rà soát toàn bộ báo cáo của các địa phương, các Hạt kiểm lâm và số liệu từ các nguồn có liên quan nhằm đánh giá toàn diện, chi tiết, đầy đủ và thực chất tình hình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và thực trạng công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp trên toàn tỉnh để bổ sung, hoàn thiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức tới các cá nhân, tổ chức sử dụng, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; phối hợp với cấp huyện thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn quản lý; vận động, yêu cầu ký cam kết và kiểm tra thực hiện sau ký cam kết, thẩm định và kiểm tra sau thẩm định đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; kiên quyết xử lý, không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm, tiến tới giảm dần và không để tồn tại các vườn ươm “tạm thời” không đủ điều kiện; kết nối với các cơ sở sản xuất, cung cấp giống có uy tín, chất lượng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp lớn, có tiềm năng đầu tư cơ sở chế biến sâu liên kết tiêu thụ sản phẩm tại địa phương; trên cơ sở Đề án thực hiện chương trình nghiên cứu sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 để xây dựng trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2023-2025./.